Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành về thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

Một phần của tài liệu Chức năng của Việt kiểm sát trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự (Trang 54)

thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

- Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm

Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm điều đặc biệt quan trọng để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố đó là xác định rõ thẩm quyền ra quyết định kháng nghị, các căn cứ kháng nghị, thời hạn ra quyết định kháng

nghị, việc thay đổi, bổ sung hay rút kháng nghị đồng thời phải có cơ chế phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên và Viện kiểm sát cấp dưới. Đây là nội dung cơ bản để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố ở giai đoạn trước khi mở phiên tòa phúc thẩm.

Tại khoản 2 Điều 233 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án đã ra bản án, quyết định sơ thẩm và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp của Viện kiểm sát đó có quyền kháng nghị phúc thẩm đối với bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.

Về thẩm quyền ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm thì căn cứ theo Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 32 Quy chế về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự quy định cụ thể như sau:

Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có quyền kháng nghị đối với những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện; Viện trưởng, phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ủy quyền cho Viện trưởng viện, Phó trưởng viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm của chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh.

Đối với vụ án lãnh đạo Viện kiểm sát cấp trên đã có ý kiến đạo trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra hoặc xét xử sơ thẩm nếu kháng nghị phải báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên xem xét, quyết định [48, tr. 109].

Để làm tốt chức năng thực hành quyền công tố trong giai đoạn trước khi xét xử phúc thẩm điều đặc biệt quan trọng đó là phải xác định căn cứ để xác định kháng nghị phúc thẩm bởi lẽ nếu không xác định được rõ ràng căn

cứ để kháng nghị rất dễ dẫn đến tình trạng Tòa án bác kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng nghị không đúng hoặc bỏ sót những sai phạm của Tòa án. Vì vậy xác định rõ căn cứ kháng nghị là tiền đề rất quan trọng để Viện kiểm sát bảo vệ quan điểm truy tố của mình hay nói cách khác là Viện kiểm sát làm tròn được chức năng thực hành quyền công tố của mình.

Trên thực tế thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chưa quy định rõ các căn cứ kháng nghị phúc thẩm. Tuy nhiên, theo Điều 33 Quy chế số thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự xác định:

Bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm khi có các căn cứ sau đây; Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa phiến diện, không đầy đủ; Kết luận của bản án hoặc quyết định hình sự sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án; Có vi phạm trong việc áp dụng Bộ luật hình sự; thành phần của Hội đồng xét xử không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng [48, tr. 109]. Một vấn đề cũng rất quan trọng liên quan đến chức năng thực hành quyền công tố trong giai đoạn này đó là thời hạn ban hành quyết định kháng nghị bởi lẽ việc kháng nghị phúc thẩm là kháng nghị những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Do vậy Điều 234 và Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định thời hạn kháng nghị đối với bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân cùng cấp là 15 ngày; của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày tuyên án; kháng nghị đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 7 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định.

Theo quy định tại Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP thì thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng nghị là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Tòa tuyên án hoặc ra quyết định. Thời hạn kết thúc thời hạn kháng nghị cũng là thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn. Nếu

là ngày nghỉ cuối tuần hoặc nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày nghỉ đó. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.

Để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố là bảo vệ quan điểm truy tố bằng cách thay đổi, bổ sung, hay rút quyết định truy tố. Căn cứ theo Điều 238 Bộ luật Tố tụng hình sự thì trước khi bắt đầu phiên tòa, Viện kiểm sát có quyền bổ sung, thay đổi kháng nghị nhưng không làm xấu đi tình trạng của bị cáo; rút một phần hay toàn bộ kháng nghị. Như vậy về trình tự, thủ tục thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị là để giúp Viện kiểm sát nghiên cứu, cân nhắc để có bản kháng nghị đúng pháp luật, có chất lượng tốt, do đó mặc dù Viện kiểm sát đã kháng nghị và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm, tuy nhiên trong thời gian chờ mở phiên tòa phúc thẩm là từ 60 ngày hoặc 90 ngày tương ứng với cấp phúc thẩm tại Tòa án cấp tỉnh hoặc Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát có thể xem xét để hoàn thiện bản kháng nghị của mình.

Việc bổ sung, thay đổi kháng nghị thì cần phải phân loại rõ nếu là trường hợp bổ sung, thay đổi kháng nghị đối với một phần hoặc toàn bộ bản án được thực hiện trong thời điểm mà thời hạn kháng nghị vẫn còn thì phải theo nguyên tắc có thể bổ sung, thay đổi kháng nghị theo cả hai hướng có lợi hoặc không có lợi cho bị cáo; kể cả trường hợp Viện kiểm sát đã rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị nhưng sau đó lại kháng nghị lại thì vẫn được chấp nhận để xét xử phúc thẩm. Như vậy nếu trong thời hạn kháng nghị thì Viện kiểm sát có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị theo bất kỳ hướng nào. Nếu thời hạn kháng nghị đã hết, thì trước khi bắt đầu hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, Viện kiểm sát có quyền bổ sung, thay đổi kháng nghị nhưng chỉ theo hướng không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo. Đây là lý do để bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo. Đối với trường hợp rút toàn bộ kháng nghị thì Tòa án cấp phúc thẩm phải đình chỉ vụ án. Nếu trước khi mở phiên tòa thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Bên cạnh đó muốn cho kháng nghị phúc thẩm có chất lượng tốt thì Viện kiểm sát cấp dưới và cấp trên phải có sự phối hợp chặt chẽ để ban hành quyết định kháng nghị có căn cứ, đúng thẩm quyền và thời hiệu quy định. Đây cũng là nội dung quan trọng của Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố trước khi mở phiên tòa phúc thẩm bằng việc ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm để bảo vệ quan điểm truy tố của mình.

- Tại phiên tòa phúc thẩm

Khác với việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát ở phiên tòa sơ thẩm là công bố bản cáo trạng thì ở phiên tòa phúc thẩm việc thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát là tham gia xét hỏi, phát biểu kết luận và tranh luận với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Do vậy sau khi kết thúc phần thủ tục phiên tòa là phần thẩm vấn công khai. Khi tham gia xét hỏi tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên đại diện cho Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm phải làm sáng tỏ những chứng cứ của vụ án nhưng không phải bảo vệ quan điểm truy tố như tại phiên tòa sơ thẩm mà chủ yếu để kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của bản án sơ thẩm, những vấn đề có kháng cáo, kháng nghị và những vấn đề mới phát hiện tại tòa. Đồng thời thông qua việc xét hỏi công khai tại tòa phúc thẩm thì Kiểm sát viên có căn cứ để bổ sung, điều chỉnh cho kết luận của mình.

Thông qua việc xét hỏi để kiểm định thêm một lần nữa các chứng cứ đã thu thập được và có thể có các tình tiết, chứng cứ mới phát sinh trong quá trình xét xử phúc thẩm, vì vậy để bảo vệ tốt quan điểm truy tố của mình thì Viện kiểm sát phải chủ động xét hỏi để đề xuất quan điểm giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện.

Sau khi kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Để bảo vệ quan điểm truy tố của mình hoặc bảo vệ kháng nghị thì tại phiên tòa phúc thẩm Viện kiểm sát phải phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về đường lối giải quyết vụ án (Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003). Khác với thực

hành quyền công tố ở phiên tòa sơ thẩm là Kiểm sát viên trình bày lời luận tội thì ở phiên tòa phúc thẩm Kiểm sát viên phát biểu kết luận về tính có căn cứ và hợp pháp của bản án sơ thẩm, về những lý do nêu trong kháng cáo, kháng nghị. Do vậy: "Kết luận phúc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân là thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tại phiên Tòa phúc thẩm về bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị và đề nghị Tòa phúc thẩm ra bản án phúc thẩm có căn cứ, hợp pháp" [42, tr. 99]. Kết luận ở phiên Tòa phúc thẩm khác với luận tội ở phiên Tòa sơ thẩm. Luận tội ở phiên Tòa sơ thẩm nhằm buộc tội bị cáo, bảo vệ cáo trạng, Kiểm sát viên phải phân tích, chứng minh chứng cứ để kết luận tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ nguyên nhân và điều kiện phạm tội, nhân thân bị cáo để đề nghị áp dụng hình phạt và các biện pháp tư pháp khác. Kết luận ở phiên tòa phúc thẩm nhằm phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát đánh giá về tính có căn cứ và hợp pháp của bản án sơ thẩm. Xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị đúng hay sai và đề xuất biện pháp giải quyết đảm bảo cho bản án, quyết định phúc thẩm có đầy đủ căn cứ đúng pháp luật để đưa ra thi hành. Tóm lại nội dung phát biểu kết luận của Kiểm sát viên tại phiên Tòa phúc thẩm là chức năng thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hình sự do vậy bài phát biểu kết luận đó phải thể hiện tính chính xác, khách quan, đầy đủ và toàn diện, trên cơ sở các quy định của pháp luật, bám sát tính có căn cứ và hợp pháp của bản án sơ thẩm cũng như nội dung của kháng cáo, kháng nghị và quá trình điều tra công khai tại phiên tòa phúc thẩm.

Chức năng thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hình sự là thông qua việc tranh luận với bị cáo và những người tham gia tố tụng khác nhằm làm sáng tỏ vụ án. Việc tranh luận này phải thể hiện nguyên tắc dân chủ giữa bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Chủ tọa có quyền đề nghị đại diện Viện kiểm sát phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác nếu những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh

luận (Điều 218 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003), đồng thời Kiểm sát viên phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến. Bên cạnh đó Tòa án cũng phải tạo điều kiện để Kiểm sát viên cũng như những người tham gia tố tụng khác có quyền bình đẳng trong việc đưa ra các tài liệu, đồ vật, chứng cứ và tranh luận dân chủ trước tòa. Bởi vì việc được xuất trình chứng cứ nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Việc phán quyết của Tòa án cũng phải dựa trên những tranh luận khách quan tại tòa trên cơ sở của việc xem xét đầy đủ toàn diện, khách quan các tình tiết, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Do vậy việc tranh luận của Viện kiểm sát cũng là thực hiện chức năng công tố của mình nhằm truy tố người thực hiện hành vi phạm tội một cách đúng người, đúng tội, đúng các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ trật tự của pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa.

- Sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm

Sau khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án hình sự thì bản án hình sự có hiệu lực ngay. Vì vậy, sau khi Hội đồng xét xử tuyên án thì chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát cũng kết thúc vì Viện kiểm sát đã hoàn thành chức năng bảo vệ quan điểm truy tố của mình là truy tố người phạm tội ra Tòa án để xét xử nhằm bảo vệ Pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Một phần của tài liệu Chức năng của Việt kiểm sát trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)