Nguyên nhân của những hạn chế, vƣớng mắc trong việc thực hiện chức năng của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự

Một phần của tài liệu Chức năng của Việt kiểm sát trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự (Trang 73)

hiện chức năng của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện chức năng của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử trong đó có các nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất: Pháp luật tố tụng hình sự chưa có quy định rõ ràng, đầy đủ về chức năng của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự.

- Các quy định của pháp luật về rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố chưa rõ ràng.

Đây là nguyên nhân cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thực hiện chức năng của Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự đó là theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, thì Viện kiểm sát có quyền rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố trong trường hợp có những căn cứ quy định tại Điều 181 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc đình chỉ vụ án khi có căn cứ quy định tại Điều 180 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc trong trường hợp kết quả

điều tra bổ sung dẫn đến đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án. Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định những căn cứ để Viện kiểm sát thay đổi nội dung truy tố. Thực tiễn xét xử cho thấy việc Viện kiểm sát thay đổi nội dung truy tố trong giai đoạn chuẩn bị xét xử hầu như không thể thực hiện được.

- Việc hạn chế số lượng Kiểm sát viên tham gia phiên tòa hình sự cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự.

Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003; Điều 5 Quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự (ngày 17/9/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) về sự có mặt của Kiểm sát viên thì:

Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên tòa. Đối với vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì hai Kiểm sát viên có thể cùng tham gia phiên tòa. Trong trường hợp cần thiết có thể có Kiểm sát viên dự khuyết; Nếu Kiểm sát viên vắng mặt, bị thay đổi mà không có Kiểm sát viên dự khuyết để thay thế thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa và báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp [48, tr. 90].

Do quy định như trên đã làm hạn chế sự tham gia của các Viện kiểm sát đối với những phiên tòa hình sự có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, với nhiều bị cáo, người bào chữa tham gia và vụ việc phải xét xử nhiều ngày cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động xét xử của Viện kiểm sát.

Hơn nữa trong hoạt động kháng nghị của Viện kiểm sát thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cũng không quy định các căn cứ kháng nghị các bản án, quyết định của Tòa án mặc dù tại Điều 33 Quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự quy định căn cứ để kháng nghị. Tuy nhiên, đây là quy chế hoạt động của riêng ngành Kiểm sát chứ chưa có thông

tư liên tịch giữa Viện kiểm sát và Tòa án do vậy sự chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát cũng đạt ở mức độ nhất định.

- Sự thay đổi về một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Xã hội ngày càng phát triển, các quan hệ xã hội mới phát sinh và cần được Bộ luật Hình sự bảo vệ, việc thay đổi một số điều của Bộ luật Hình sự cũng làm cho sự nhận thức cũng như áp dụng pháp luật của người tiến hành tố tụng khác nhau, do vậy còn nhiều cách hiểu chưa thống nhất giữa các ngành mặc dù có thông tư hướng dẫn điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động xét xử của Toà án.

Thứ hai: Hạn chế trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật

Trong thời gian qua, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự đã tồn tại sự nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí còn thiếu chính xác đối với các quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật Tố tụng hình sự, Quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; Nghị quyết số 04/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba "Xét xử sơ thẩm" của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003; Nghị quyết số 05/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba "Xét xử phúc thẩm" của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 nên đã dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, còn khác nhau ở một số địa phương.

Thứ ba: Hạn chế về chất lượng cán bộ của Viện kiểm sát.

Đây là nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động xét xử của Tòa án.

+ Về số lượng cán bộ của ngành kiểm sát còn thiếu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử chưa được giải quyết dứt điểm, còn hiện tượng tồn động án, quá trình giải quyết vụ án kéo dài còn diễn ra ở một số địa phương, trong khi đó số lượng

vụ án hình sự và số lượng bị can, bị cáo tăng nhanh trong những năm gần đây, tính chất và mức độ phạm tội ngày càng tinh vi và xảo quyệt. Xuất hiện nhiều nhóm tội phạm xuyên quốc gia và quốc tế. Trong khi đó trình độ chuyên môn của đội ngũ làm công tác pháp luật của ngành kiểm sát chưa được đào tạo chuyên sâu để đấu tranh với loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức, tội phạm có tính chất xuyên quốc gia và quốc tế. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả của công tác thực hành quyền công tố trong thời gian qua.

+ Về chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ Viện kiểm sát vẫn chưa thực sự đáp ứng được công việc còn một bộ phận không nhỏ Kiểm sát viên chưa thực sự có tinh thần, trách nhiệm cao trong công việc, còn nghiên cứu vụ án một cách qua loa, sơ sài. Chưa tập trung kiểm sát các hoạt động xét xử của Tòa án nên để xảy ra các trường hợp vi phạm thủ tục tố tụng. Thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến phải hủy án để điều tra, xét xử lại. Còn một bộ phận cán bộ, Kiểm sát viên chưa tập trung nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới theo tinh thần của cải cách tư pháp, khi thực hiện thông khâu công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, Kiểm sát viên đã không chú trọng đến việc nghiên cứu hồ sơ trong giai đoạn xét xử, có biểu hiện chủ quan vì cho rằng đã nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra, do đó trong giai đoạn chuẩn bị xét xử Kiểm sát viên không tiến hành thu thập chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội hoặc những thiếu sót cần thiết cần phải điều tra bổ sung. Do thực hiện thông khâu công tác kiểm sát có ưu điểm là Kiểm sát viên có điều kiện tiếp cận ban đầu hồ sơ vụ án hình sự. Tuy nhiên, cũng do thực hiện chế độ thông khâu công tác kiểm sát nên đã dẫn đến tình trạng cán bộ kiểm sát có khả năng làm việc ở tất cả các khâu của công tác kiểm sát nhưng không chuyên sâu ở lĩnh vực nào cả. Rất hiếm các Kiểm sát viên có kỹ năng chuyên sâu về đối đáp, tranh tụng với người bào chữa. Trong khi đó theo tinh thần của cải cách tư pháp là cần mở rộng tranh tụng tại phiên tòa.

Thứ tư: Vấn đề cơ sở vật chất kỹ thuật trang bị cho ngành kiểm sát

Để hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự đạt hiệu quả cao cần trang bị đầy đủ các trang thiết bị, kỹ thuật để phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ, tuy nhiên vấn đề cơ sở vật chất kỹ thuật trang bị cho ngành kiểm sát nhìn chung còn nghèo nàn, lạc hậu và thiếu thốn, không đồng bộ. Đặc biệt trong giai đoạn bùng nổ công nghệ như hiện nay bọn tội phạm thường sử dụng công nghệ cao để phạm tội, tính chất và quy mô của các loại tội phạm không ngừng gia tăng về quy mô và mức độ. Do vậy các trang thiết bị phục vụ cho công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử vụ án hình sự phải được nâng cao và từng bước hiện đại. Có như thế mới có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự.

Thứ năm: Công tác quản lý chỉ đạo điều hành về nghiệp vụ chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Quản lý, chỉ đạo, điều hành về công tác chuyên môn, nghiệp vụ là công việc đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ. Muốn công việc được trôi chảy, hoạt động linh hoạt, hiệu quả thì lãnh đạo đơn vị cần quản lý đội ngũ cán bộ và chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ một cách thông suốt và luôn bám sát yêu cầu của thực tế đặt ra. Trong những năm qua, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong ngành kiểm sát tuy đã có nhiều tiến bộ song cá biệt ở một số địa phương công tác chỉ đạo nghiệp vụ chưa thống nhất, thậm chí trong cùng một loại việc đã có sự chỉ đạo không giống nhau. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự.

Trên đây là những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, vướng mắc của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự trong thời gian qua.

Một phần của tài liệu Chức năng của Việt kiểm sát trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự (Trang 73)