Sơ đồ chẩn đoán bệnh cúm gia cầm
2.8.3. Tiêm phòng
Tiêm phòng là một chiến lược hỗ trợ có thể cân nhắc khi bệnh đã lây lan ra một phạm vi nào đó mà nó đã vượt qua sự kiểm soát của các cơ quan thú y hoặc vượt quá mức chi phí dự kiến do các chiến dịch tiêu huỷ rộng lớn. Tiêm phòng cũng được cân nhắc ở giai đoạn sớm hơn khi cơ sở hạ tầng và năng lực của ngành thú y được ghi nhận là kém và không đủ sức để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh (Tô Thành Long, 2007).
Việc tiêm phòng vacxin đưa lại hai lợi ích cơ bản sau:
Vacxin làm giảm tỉ lệ cảm nhiễm virus ở gia cầm đã được tiêm phòng. Việc tiêm phòng bằng vacxin sẽ làm giảm đáng kể lượng virus bài thải ra môi trường bên ngoài. Vì thế làm giảm nguy cơ lây lan sang các đàn khác, giảm nguy cơ truyền virus sang con người và làm giảm khả năng biến chủng của virus.
Hiện nay trên thị trường có nhiều loại vacxin phòng chống bệnh cúm gia cầm. Vacxin thông thường được chế tạo từ dịch niệu nang của trứng có phôi được cấy virus, được vô hoạt và tạo nhủ với chất bổ trợ. Vacxin virus cúm sống và nhược độc không được khuyến cáo sử dụng vì nguy cơ virus đột biến hoặc tái tổ hợp với virus cúm khác để tạo thành chủng virus cường độc. Tuy nhiên một số nước đã sản xuất đựơc vacxin tái tổ hợp gồm virus đậu gà mang đoạn gen HA của virus cúm.
Thành phần sinh miễn dịch chính là protein HA, subtype HA phải dùng với subtype của virus gây ra các ổ dịch. Đối với các virus cúm hiện hành từ cuối năm 2003 đến nay, subtype HA này là H5.