Nhân tố bên ngoài doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ công nghệ thông tin của công ty Hewlett-Packard Việt Nam (Trang 28)

1.3.1.1. Internet

Việc xuất hiện Internet đã làm cho nhu cầu về dịch vụ máy tính cá nhân tăng lên rất nhanh. Người ta giao tiếp và làm việc với nhau thông qua mạng Internet. Kể từ khi nhà khoa học người Anh – Tim Berners-Lee phát kiến ra mạng toàn cầu và đăng tải địa chỉ web đầu tiên vào năm 1991 thì cách nhìn về máy tính cá nhân bắt đầu thay đổi: đánh dấu giai đoạn chuyển từ hệ thống vi tính dựa trên máy tính sang các hệ thống dựa trên Internet. Từ thời điểm này, số người sử dụng các tiện ích do internet và web đem lại đã tăng với tốc độ rất nhanh. Trong vòng năm năm, số lượng người sử dụng internet tăng vọt từ 600.000 lên 40.000.000. Có những giai đoạn, số lượng người sử dụng liên

tục tăng gấp đôi chỉ sau 53 ngày. Việt Nam cũng không là ngoại lệ của xu hướng này (xem bảng 1.1).

Bảng 1.1: Số lượng người dùng Internet ở Việt Nam, 2006-2008

Nội dung 2006 2007 2008 Số người dùng 14.683.783 18.500.000 20.834.401 Tỷ lệ số dân sử dụng Internet 17,67% 22,04% 24,04% Tổng thuê bao băng rộng ADSL 516.569 1.294.111 2.048.953

(Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông)

Đóng góp vào việc thúc đẩy nhu cầu sử dụng máy tính cá nhân trên toàn cầu chính là việc phát minh ra trình duyệt Internet của Netscape và sau đó là Internet Explore của Microsoft. Quyết định của Microsoft cung cấp miễn phí trình duyệt Internet Explore đã làm cho nhiều người tiếp cận được với Interner và kỷ nguyên số hóa đã mở ra. Đây chính là đòn bẩy mạnh mẽ cho việc sử dụng máy tính cá nhân của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Việc xuất hiện thương mại điện tử, công cụ tìm kiếm Google hay facebook đã trở thành động lực cho mọi người biến máy tính cá nhân trở thành công cụ thiết yếu cho công việc và cuộc sống.

1.3.1.2. Sự phát triển của kinh tế tri thức

Khái niệm kinh tế tri thức xuất hiện vào đầu những năm 80 của thế kỷ 20, nhưng chỉ gần đây mới rộ lên, nhất là từ khi phát triển máy tính cá nhân, rồi Internet và xa lộ thông tin. Cách đây khoảng một số năm, thị trường chứng khoán ở Mỹ bốc lên đột ngột theo sự bùng nổ các công ty dot.com, nhiều người tưởng thế giới này chỉ có đầu tư vào đó mới là khôn ngoan nhất. Nhưng rồi cũng xẹp xuống như bong bóng. Sau một thời các ngành kinh doanh dựa vào công nghệ thông tin phát đạt chưa từng thấy, thì bóng ma suy thoái lại rình

rập. Thị trường vi tính chững lại, hàng loạt công ty công nghệ cao, kinh doanh điện tử, ngay cả ở Silicon Valley, bắt đầu những cuộc sa thải, co cụm lại để chống đỡ luồng khí lạnh có cơ lan tràn (riêng cổ phiếu Microsoft đã sụt hàng chục tỷ USD). Tuy nhiên, nhiều người đánh giá, đây chỉ là thời kỳ tạm lắng để chuẩn bị bùng lên theo một hướng mới. Chính vì thế mà Chính phủ Nhật Bản, mặc dù kinh tế còn ảm đạm, vẫn dự định đầu tư 30 tỷ USD vào công nghệ thông tin trong vài năm tới, coi đó là một trong các hướng chính để thoát ra khỏi thế trì trệ kéo dài mấy năm nay.

Các bộ óc lớn đang chuẩn bị cho một bước ngoặt công nghệ mới: Sau máy tính cá nhân là gì? Phải chăng là Truyền thông đa phương tiện không dây, từ điện thoại di động 3G, 4G, phát triển lên truyền thông đa phương tiện gọn nhẹ, nhanh chóng mà không cần dây nhợ lòng thòng, cho phép không chỉ điện thoại, thư điện tử và fax, mà cả kết nối Internet, truy cập Web, thực hiện mọi dịch vụ điện tử hai chiều, ở đâu cũng nhận được và gửi đi được mà không cần đến máy tính cá nhân hay để bàn cố định như hiện nay. Có nghĩa là xã hội đa phương tiện không dây đang tới gần. Các hãng Nokia (Phần Lan), Ericsson (Thụy Điển), DoCoMo (NTT Nhật Bản) hiện đã đi trước Motorola của Mỹ trong cuộc chạy đua về cái đích đó. Bên cạnh đó, nào là bản đồ gen người, nhân bản người vô tính, thực phẩm biến đổi gen, rồi bệnh bò điên, dịch súc vật lở mồm long móng, v.v..., biết bao nhiêu chuyện rắc rối nảy sinh từ cách mạng công nghệ và toàn cầu hóa. Có người gọi kinh tế tri thức là kinh tế mạng, để nhấn mạnh rằng chưa bao giờ thế giới tràn ngập những tổ chức mạng như bây giờ, cho nên cách nghĩ, cách quản lý, cách làm việc theo một hệ thống có trên có dưới, tôn ti trật tự theo kiểu phong kiến hay tư bản thời công nghiệp hiện đại cũng đã lỗi thời. Nói theo thuật ngữ khoa học, chưa bao giờ thế giới bộc lộ tính hệ thống phức tạp cao như bây giờ. Không gian mở rộng, thời gian rút ngắn, thông tin dồn dập, các loại hiệu ứng dây chuyền (kiểu như khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997), hiệu ứng phụ (kiểu như các hiệu ứng môi trường),

theo những quy luật phi tuyến (cấp số nhân hay hàm mũ: chẳng hạn cứ 18 tháng, tính năng máy tính tăng gấp đôi nhưng giá thành còn bằng nửa), với độ ngẫu nhiên và phức tạp không ngừng tăng lên. Nhiều vấn đề quản lý kinh tế xã hội đều không thể nhìn nhận theo tầm mắt và quan niệm cũ. Hơn bao giờ hết, thành công trên các lĩnh vực kinh doanh hay khoa học, công nghệ thường bắt nguồn ở những ý tưởng mới, ngược lại thất bại thường do tư duy xơ cứng, không chuyển kịp tình hình. Đã bước sang kỷ nguyên kinh tế tri thức với những đột biến công nghệ liên tục thì trên mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, đối với từng người hay từng cộng đồng sự thành bại được quyết định trước hết bởi khả năng nhận thức được kịp thời những thay đổi và thích ứng mau lẹ với những thay đổi đó, kể cả bằng cách tự thay đổi và hoàn thiện bản thân. Nhìn lại xã hội Việt Nam ta cũng thấy rõ mọi thành công hay hư hỏng đều có nguồn gốc sâu xa là tư duy có đổi mới kịp tình hình hay không.

1.3.1.3. Môi trường thể chế chính sách

Môi trường thể chế và chính sách của một quốc gia có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của dịch vụ máy tính cá nhân. Điều này có thể nhận thấy rõ nét khi quan sát các thể chế khác nhau: ở các nước OECD, số người sở hữu máy tính cá nhân rất lớn, trong khi ở các nước khác thì không có được tình hình khả quan như vậy. Câu trả lời thường được tìm ra là chênh lệch về thu nhập. Tuy nhiên đi xa hơn, có thể thấy, ở nơi nào khuyến khích các tự do cá nhân nhiều hơn thì nơi ấy có nhiều máy tính cá nhân hơn. Năm 1998, Việt Nam quyết định mở cửa cho internet và từ đó sự bùng nổ công nghệ thông tin và số người sở hữu máy tính cá nhân đã tăng lên chưa từng có.

Như vậy, môi trường thể chế liên quan đến dịch vụ máy tính cá nhân gồm các yếu tố:

- Chính sách quản lý đối với internet

- Chính sách đối với sản xuất và xuất nhập khẩu máy tính cá nhân - Chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng xa lộ thông tin

1.3.1.4. Môi trường tâm lý xã hội

Môi trường tâm lý xã hội cũng ảnh hưởng khá mạnh đến nhu cầu sử dụng máy tính cá nhân ở Việt Nam. Dân số Việt Nam trẻ, khao khát thông tin nên thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ máy tính cá nhân. Tuy nhiên có một số rào cản đối với các công ty công nghệ thông tin trong việc phát triển dịch vụ máy tính cá nhân: (i) rào cản kỹ thuật: người tiêu dùng lo lắng về sự phức tạp của máy tính và những khó khăn khi học hỏi cách sử dụng cũng như rủi ro hỏng hóc có thể gặp phải khi vận hành máy tính; (ii) rào cản kinh tế: đối với đại đa số người tiêu dùng, giá trị của chiếc máy tính cá nhân vượt xa nhu cầu chi trả…

Một phần của tài liệu Phát triển dịch vụ công nghệ thông tin của công ty Hewlett-Packard Việt Nam (Trang 28)