Bản chất và đặc trưng của nền kinh tế tri thức

Một phần của tài liệu Phát triển nền kinh tế tri thức ở Trung Quốc và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 34)

- Bản chất của nền kinh tế tri thức

Cũng như nhiều nước trên thế giới, trong quá trình bước chuyển sang nền kinh tế tri thức ở Trung Quốc, cần thiết phải lý giải cho được vậy bản chất của nền kinh tế đó thực chất là gì, nhân tố quyết định đến việc thúc đẩy của nền kinh tế đó và cơ sở để cho nền kinh tế này có thể hình thành và phát triển là gì, để từ đó xây dựng thành công nền kinh tế tri thức. Trên cơ sở đó nền kinh tế tri thức được hiểu là “nền kinh tế mà trong đó nhân tố quan trọng nhất là việc chiếm hữu, phân phối nguồn trí lực và việc sáng tạo, phân phối và sử dụng tri thức trong các ngành sản xuất có hàm lượng kỹ thuật cao” [38, tr.29]. Theo Đặng Tiểu Bình thì đó là thời đại kinh tế mà khoa học kỹ thuật là lực lượng sản xuất thứ nhất, là hình thái phát triển kinh tế mới sau kinh tế công nghiệp.

- Đặc trưng của nền kinh tế tri thức

Với bản chất của nền kinh tế tri thức đã nêu ở trên, Trung Quốc đã chỉ ra một số đặc trưng của nền kinh tế đó như sau:

Một là, kinh tế tri thức là nền kinh tế chủ yếu dựa vào sự sáng tạo của tri thức, ứng dụng mọi sáng tạo của trí thức, phổ cập rộng rãi và phát triển tri thức. Hiện nay tỷ lệ đóng góp của trí thức và tăng trưởng kinh tế các nước phát triển Âu - Mỹ và các khu vực kĩ thuật cao trên thế giới đã lên tới 60 - 80%. KH&CN phát triển trở thành lực lượng sản xuất. “Giờ đây, Trung Quốc nhận định bản thân khoa học và kỹ thuật là lực lượng sản xuất, bản thân tri thức là lực lượng sản xuất” [40, tr.128].

Hai là, trong nền kinh tế tri thức, những ngành truyền thống của thời đại kinh tế công nghiệp sẽ chuyển từ phát triển về lượng sang chủ yếu dựa vào sự sáng tạo của tri thức để nâng cao hiệu quả và chất lượng. Trụ cột của sự tăng trưởng kinh tế sẽ chuyển sang các ngành sản xuất, dịch vụ tư vấn lấy tri thức là cơ sở, đó là các ngành thông tin, vật liệu mới, kỹ thuật sinh học, năng lượng mới, bảo vệ môi trường, hàng không vũ trụ, kỹ thuật cao khai thác đại dương, khoa học công nghệ, giáo dục văn hóa v.v…

Ba là, ở thời đại kinh tế tri thức, hệ thống sáng tạo tri thức và năng lực sáng tạo (bao gồm hệ thống sáng tạo tri thức, truyền bá tri thức, ứng dụng tri thức và sáng tạo kỹ thuật) trở thành cơ sở hạ tầng trọng yếu cho sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia, khu vực và là yếu tố quyết định của năng lực cạnh tranh.

Bốn là, những thay đổi về phương thức sản xuất và kết cấu ngành nghề của thời đại kinh tế tri thức sẽ làm thay đổi kết cấu lao động xã hội, không thể lao động thể lực giản đơn mà cả một bộ phận lao động trí óc cũng sẽ bị máy móc điện tử thông minh thay thế. Lao động trí tuệ sáng tạo bao gồm nghiên cứu và triển khai (R&D), quản lý kinh doanh sáng tạo, dịch vụ lấy tri thức làm cơ sở cho đến hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật… sẽ trở thành chủ thể và là lực lượng dẫn đầu lao động sáng tạo của xã hội loài người, xã hội sẽ tri thức hóa toàn diện.

Năm là, do nguồn tri thức và nguồn vật chất khác nhau ở chỗ nguồn tri thức có thể sử dụng lại, có thể phát triển có thể truyền bá, có thể cùng hưởng v.v…, cho nên kinh tế tri thức sẽ làm thay đổi một số quy luật kinh tế của thời đại kinh tế công nghiệp, ví dụ: kinh tế công nghiệp tuân theo nguyên lý “Các nguồn lực giảm dần”, còn kinh tế tri thức sẽ xuất hiện hiện tượng “Các nguồn lực tăng lên”.

Sáu là, tiêu dùng trong thời đại kinh tế tri thức sẽ ngày càng đa dạng, cá tính hóa nghệ thuật hóa; cùng với sự phát triển của kỹ thuật thông tin và vi điện

tử, ngành chế tạo sẽ xuất hiện những đặc điểm là thay đổi mẫu mã nhanh, trí tuệ hóa các sản phẩn, phân bố rộng và toàn cầu hóa.

Bảy là, thời đại kinh tế tri thức là sự phát triển có kế thừa và bổ túc những khiếm khuyết của xã hội công nghiệp, nhờ nhận thức sâu hơn về quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội, con người sẽ hướng tới sự hợp lý, sự hài hòa, khả năng bền vững của mô hình phát triển cũng như phương thức sản xuất, phương thức phân phối, phương thức sinh hoạt. Con người sẽ tự giác hơn trong việc khống chế sinh hoạt và tiêu dùng của mình, có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.

Tám là, do tri thức trở thành nguồn lực kinh tế - xã hội quan trong nhất nên những tài năng sáng tạo sẽ là nhân tố quyết định trong hợp tác cạnh tranh. Con người tất yếu sẽ phải giành lấy tri thức giống như giành lấy đất đai trong thời đại kinh tế nông nghiệp, giành lấy vốn trong thời đại kinh tế công nghiệp, giá trị của tri thức sẽ tăng lên, tài năng sáng tạo sẽ trở thành nguồn lực quan trọng nhất để các xí nghiệp, các nước tranh giành. Đầu tư vào khoa học công nghệ và giáo dục sẽ được coi là hướng đầu tư chiến lược. Học tập suốt đời sẽ là trào lưu của thời đại.

Chín là, kinh tế tri thức được hình thành trên cơ sở thông tin, số hóa và toàn thế giới sẽ cùng hưởng tri thức. Do vậy, nó có đặc trưng cạnh tranh và hợp tác toàn cầu. Tri thức được truyền bá và sử dụng ngay trên phạm vi toàn cầu; nhân tài cũng giao lưu và cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu; hợp tác, sản xuất, mạng lưới tiêu thụ các sản phẩm tri thức mang tính toàn cầu; các công ước, luật lệ bảo vệ quyền tri thức cũng mang tính toàn cầu; toàn cầu hóa mạng lưới thông tin số, toàn cầu hóa giao lưu hợp tác khoa học kỹ thuật, văn hóa… Toàn cầu hóa trở thành một đặc trưng tất yếu của thời đại kinh tế tri thức.

Một phần của tài liệu Phát triển nền kinh tế tri thức ở Trung Quốc và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)