Nội dung của phát triển nền kinh tế tri thức

Một phần của tài liệu Phát triển nền kinh tế tri thức ở Trung Quốc và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 28)

Khi nghiên cứu về nền kinh tế tri thức, vấn đề quan trong là cần xác định được nội dung của phát triển nền kinh tế tri thức. Từ đó, một quốc gia mới có thể định hình được các cách thức, chiến lược xây dựng một nền kinh tế tri thức sao cho vừa phù hợp với điều kiện nền kinh tế của đất nước, vừa đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức ở các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo các tiêu chí đánh giá và đo lường về mức độ phát triển nền kinh tế tri thức.

Xét về bản chất, nền kinh tế tri thức là một môi trường kinh tế - xã hội mà trong môi trường đó luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự nảy sinh, phổ biến và sử dụng tri thức, tạo điều kiện để chuyển biến tri thức thành sức mạnh sản xuất đạt tới trình độ cao và tri thức trở thành yếu tố sản xuất quan trọng nhất. Như vậy, thực chất của phát triển nền kinh tế tri thức là sự phát triển dựa vào tri thức hay thực chất là sự phát triển lấy con người làm trung tâm. Chính vì vậy có thể khái quát phát triển nền kinh tế tri thức thông qua một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, xây dựng một lực lượng lao động được đào tạo và có kỹ năng.

Để phát triển nền kinh tế tri thức, một trong những giải pháp cơ bản nhất là phát triển con người. Trước đây, người ta chỉ coi con người, đặc biệt là người lao động, làm thuê là phương tiện để tăng trưởng và phát triển. Dần dần con người được coi là lực lượng sản xuất cơ bản cần được tái tạo và phát triển không ngừng. Ngày nay, con người được coi là động lực của phát triển nền kinh tế tri thức. Với trình độ phát triển khoa học và công nghệ hiện đại, con người có thể được phát triển toàn diện. Vấn đề là tùy thuộc vào năng lực của từng cá nhân và

cách thức quản lý của Nhà nước. Do vậy, vấn đề xây dựng một lực lượng lao động được đào tạo và có kỹ năng là nội dung cơ bản của phát triển nền kinh tế tri thức.

Thứ hai, xây dựng các hệ thống sáng tạo hiệu quả.

Trong nền kinh tế tri thức, yếu tố quyết định nhất đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống là tạo ra tri thức, sử dụng tri thức biến tri thức thành giá trị, nói cách khác, chính là quá trình biến đổi tri thức thành sản phẩm mới, quá trình mới. Do vậy, cần phải xây dựng các hệ thống sáng tạo tri thức hiệu quả, mà thực chất của nó là xây dựng các hệ thống bao gồm các thiết chế, các hệ thống tổ chức ở tầm quốc gia nhằm gắn bó chặt chẽ các cơ sở nghiên cứu khoa học, các trường đại học với sản xuất, thúc đẩy việc tạo ra và ứng dụng nhanh chóng các kết quả nghiên cứu sáng tạo để đổi mới sản xuất, phát triển kinh tế.

Thứ ba, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin hiện đại.

Cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia là một yếu tố cực kỳ quan trọng tạo điều kiện để thu hẹp khoảng cách tri thức và phát triển giữa các quốc gia. Cơ sở hạ tầng thông tin hiện đại còn tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tiếp nhận và sử dụng thông tin như là một tài nguyên quan trọng nhất để nâng cao tri thức và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tạo điều kiện kết nối gia tăng và phong phú nguồn tri thức từ cộng đồng xã hội.

Thứ tư, xây dựng một hệ thống thể chế về kinh tế luôn được cập nhật.

Để nền kinh tế tri thức phát triển, cần xây dựng một hệ thống thể chế về kinh tế luôn được cập nhật cho phù hợp với sự thay đổi trong thời đại mới, nhằm tạo môi trường thực sự dân chủ, thuận lợi cho phát triển các khả năng sáng tạo, thúc đẩy mạnh sử dụng tri thức vào tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Một phần của tài liệu Phát triển nền kinh tế tri thức ở Trung Quốc và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)