Bảng 3.4a cho thấy thời gian trung bình từ khi tai nạn tới lúc vào viện của 88 bệnh nhân là 18,5 giờ (từ 30 phút đến 30 ngày). Thời gian này trong nghiên cứu của N.S.Hiền là 24,5 giờ (từ 15 phút đến 24,5 ngày), Bongard FS (California – Mỹ) là 2,9 giờ (30 phút đến 10 giờ), Katsamouris A.N là 1 giờ 30 phút (15 phút đến 6 giờ 30 phút) [7], [19], [32].
Như vậy thời gian từ khi bị tai nạn đến khi vào viện trong nghiên cứu của chúng tôi quá dài. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có tình trạng đó?
- Trước hết, đa số thăm khám đầu tiên là do bác sĩ không chuyên khoa thực hiện, chỉ chú ý đến tổn thương xương khớp, bằng lòng với một chẩn đoán gẫy xương, trật khớp mà bỏ quên đi một TTĐM đòi hỏi phải mổ cấp cứu tức thì (bảng 3.4c).
- Cơ sở hạ tầng giao thông, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển cấp cứu tuy đã cải thiện nhưng còn nhiều hạn chế.
- BVVĐ là cơ sở cứu chữa ngoại khoa cuối cùng ở toàn miền Bắc. Các nạn nhân trước khi đến đây thường đã qua ít nhất một cơ sở y tế khác (94,3% - bảng 3.4c), ở đó họ được xử trí dưới nhiều hình thức: sơ cứu, bó bột, phẫu thuật, thậm chí nằm theo dõi… Đây là một nguyên nhân dẫn đến kéo dài thời gian thiếu máu chi. Kết quả là nhóm bệnh nhân đã qua một viện khác có thời gian trung bình từ khi tai nạn đến khi vào viện là 20,5 giờ, trong khi nhóm bệnh nhân vào thẳng BVVĐ là 2,5 giờ.
Có tới 13 bệnh nhân (14,8%) tới viện sau 24 giờ, nhóm này làm tăng đáng kể thời gian trung bình từ khi tai nạn đến khi vào viện của 88 bệnh nhân nghiên cứu.