Vẻ đẹp của bài thơ “Nhàn” NBK

Một phần của tài liệu Tìm hiểu vẻ đẹp và giá trị triết lý trong dạy học bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm để bồi dưỡng thái độ và lí tưởng sống cho học sinh trung học phổ thông (Trang 52)

7. Cấu trúc của luận văn

2.4.Vẻ đẹp của bài thơ “Nhàn” NBK

Bài thơ “Nhàn” không chỉ mang nội dung triết lý mà nó còn mang vẻ đẹp. Nếu nội dung triết lý trong bài thơ “Nhàn” là quan niệm của nhà thơ về cuộc sống, là lẽ xuất xử của nhà Nho trước cuộc đời thì vẻ đẹp của bài thơ thể hiện ở tâm hồn, nhân cách và trí tuệ của nhà thơ trước cuộc sống ấy.

Vẻ đẹp về tâm hồn phản ánh sự phong phú nhạy cảm của con người trước hiện thực cuộc sống và nó chi phối mọi hoạt động của con người. Biểu hiện của tâm hồn được cụ thể bằng thái độ của người đó về cuộc sống. Mỗi con người luôn luôn cần phải có thái độ sống tích cực, bởi vì có sống tích cực con người mới xây dựng cho mình cuộc sống tốt đẹp. Tâm hồn của NBK thể hiện trong bài thơ “Nhàn” được thể hiện qua tình yêu của ông đối với cuộc sống. Đặt bài thơ vào hoàn cảnh thực của nhà thơ chúng ta mới hiểu hết những giá trị của nó. Trong hoàn cảnh bất đắc chí, con người dễ lâm vào tình trạng chán nản, tuyệt vọng. Có khi nẩy sinh những tư tưởng tiêu cực, sống lập dị, khác người...Trong hoàn cảnh ấy NBK vẫn tạo ra cho mình một đời sống tâm hồn phong phú, một tình yêu cuộc sống thì thực là đáng trân trọng. Vẻ đẹp ấy phản ánh chân thực thái độ của ông về cuộc sống ẩn dật nơi thôn dã. Thái độ sống được thể hiện qua bài thơ “Nhàn” là thái độ sống tích cực, sống không bị ràng buộc bởi những quan niệm đời thường. Nhờ thái độ sống này mà khoảng cách giữa nhà thơ và cuộc sống thường nhật được thu hẹp đến mức tối đa. Đã có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hình ảnh nhân vật trữ tình trong câu đề thực chất là một “lão nông chi điền”. Chúng ta không thấy hình ảnh của một ông quan đâu cả mà chỉ thấy ở đó một con người bình thường như bao người nông dân bình thường khác, cũng bận rộn, lo toan công việc của nhà nông nhưng khác người nông dân ở chỗ thái độ của nhà thơ thì vui sướng còn thái độ của người nông dân thì vất vả, cực nhọc. Thái độ này tạo nên sự thanh thoát cho tâm hồn của nhà thơ “Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”. Còn gì vui thú hơn khi trong lòng vô sự, không phải lo nghĩ gì, không phải bận tâm điều gì. Vẻ đẹp trong tâm hồn của NBK là vẻ đẹp mang giá trị nhân bản sâu sắc. Tình yêu cuộc sống của nhà thơ thực chất là thái độ sống hoà hợp với tự nhiên, thuận theo quy luật của tự nhiên. Mùa nào thức ấy, sống vui vẻ hoà đồng. Cái đẹp ở đây là đẹp trong sự tĩnh tại của tâm hồn chứ không phải sự khắc khổ diệt thân trong quan niệm của nhà Phật. Vì vậy đọc những câu

thơ của NBK chúng ta thấy nhẹ nhàng và thanh thoát chứ không nặng nề, u uất tâm sự như trong thơ của những nhà Nho khác.

Vẻ đẹp của bài thơ “Nhàn” còn được thể hiện qua nhân cách của nhà thơ. Nhân cách của nhà thơ cũng thể hiện qua thái độ của nhà thơ về cuộc sống. Là một nhà Nho chân chính NBK đã xây dựng cho mình một nhân cách sống cao thượng, sống vì cộng đồng, vì sự hưng thịnh của quốc gia dân tộc. Con người công dân trong NBK lớn hơn con người cá nhân của ông. Có người cho rằng NBK lui về ở ẩn là một sự chạy trốn hiện thực theo kiểu “Lánh đục tìm trong” thông thường. Thực chất trong cách nói của nhà thơ chúng ta cũng nhận thấy điều này: “Ta dại ta tìm nới vắng vẻ, người khôn người đến chốn la xao”. Tuy nhiên để đánh giá được thái độ sống ấy của NBK thì thực không đơn giản như vậy. Chúng ta đều biết lí do NBK đến 45 tuổi mới đi thi và chúng ta cũng biết lí do NBK cáo quan về ở ẩn tại quê nhà. Vậy thì không đơn thuần là ông lánh đục tìm trong mà còn có thể hiểu theo hướng khác. Nguyễn Bỉnh Khiêm trước sau đều giữ vừng lập trường “Dĩ dân vi bản”( Lấy dân làm gốc), dù đi thi làm quan cũng là vì dân mà từ quan về quê cũng là vì dân. Không làm rường cột gánh đỡ ngôi nhà lớn của muôn dân thì ông nguyện là một thầy đồ đem sở học lúc bình sinh giáo hoá nhân tâm. Thực chất trong thời gian lui về ở ẩn, ông đã đào tạo nên những nhân tài cho đất nước có khả năng “phù nghiêng đỡ lệch”. Từ những lập luận như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể thấy được vẻ đẹp nhân cách của NBK sáng ngời khi thấy được cội nguồn của nó là vì nhân dân. Đây cũng chính là lí do ông được người đời tôn sùng và ca ngợi.

Vẻ đẹp trí tuệ của NBK trong bài thơ “Nhàn‟ thể hiện trong sự tỉnh táo của ông trong lẽ xuất xử ở đời. Cái hay của câu thơ thể hiện trong cách nói của nhà thơ. Ông không phủ nhận thực tại “Rượu đến cội cây ta sẽ uống”. Ông chấp nhận nhập thế trong một tâm trí minh mẫn để nhìn thấu lẽ đời. Thái độ dứt khoát của ông về danh lợi về phú quý cho thấy bản lĩnh và cốt cách của ông trước cuộc đời. Coi phú quý như một giấc chiêm bao, là phù phiếm.

Cái giá trị của con người không nằm trong những thứ vật chất tầm thường ấy mà nằm ở phẩm cách của con người.

Như vậy chúng ta có thể thấy rất rõ, vẻ đẹp của bài thơ thể hiện trong mối quan hệ ứng xử giữa con người với cuộc sống, con người với thiên nhiên và con người với chính bản thân con người. Với cuộc sống ông bộc lộ một cốt cách thanh cao. Với thiên nhiên ông tìm đến sự hoà hợp. Với bản thân con người ông giữ trọn được chữ “tri”. Ở đây ta nhận thấy NBK hiện lên là một con người toàn thiện, toàn mĩ. Cái đẹp trong bài thơ này mang tính toàn diện. Đẹp trong cốt cách, trong tình cảm, trong suy nghĩ và đẹp trong hành động của ông. Cả ba vẻ đẹp trên hội tụ trong một con người tạo nên những phẩm cách cao quý. Lời thơ của NBK nhẹ nhàng mà thâm thuý, lời lẽ mộc mạc, dung dị những ý tứ rất sâu xa. Cái đẹp trong nhân cách và cái đẹp trong hành động hài hoà tạo nên vẻ đẹp rất riêng cho bài thơ “Nhàn”. Khi tìm hiểu và khai thác bài thơ này chúng ta cần thiết phải làm nổi bật lên những vẻ đẹp của bài thơ. Vẻ đẹp kết hợp chặt chẽ với giá trị triết lý của bài thơ sẽ đem đến cho bài thơ một diện mạo mới, một ý nghĩa mới. Giúp cho người dạy và cả người học nhìn nhận đầy đủ và đánh giá đúng tầm vóc và vai trò của NBK trong văn học phong kiến nói riêng và trong nền văn học dân tộc nói chung.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu vẻ đẹp và giá trị triết lý trong dạy học bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm để bồi dưỡng thái độ và lí tưởng sống cho học sinh trung học phổ thông (Trang 52)