trường đại học, cao đẳng ở Hưng Yên hiện nay theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh
Đây là giải pháp cơ bản nhằm xây dựng, hình thành nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa cho thanh niên- sinh viên vì đạo đức là “gốc của người cách mạng”. Nhà trường, gia đình, các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải thường xuyên quan tâm bồi dưỡng cho thanh niên những tình cảm cao đẹp về tình yêu quê hương, đất nước: “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “thương người như thể thương thân”, quên mình vì nghĩa lớn… mà trước hết là giáo dục cho sinh viên các phẩm chất đạo đức cách mạng Trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư... Từ đó hình thành cho họ lối sống trong sạch, lành mạnh, những hành vi đạo đức trong sáng phù hợp với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thời đại.
Trung với nước, hiếu với dân: Để giáo dục tư tưởng “trung với nước” cho
sinh viên, các trường cần tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:
Giáo dục tư tưởng “trung với nước” trước hết là giáo dục cho sinh viên tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Trang sử hào hùng của dân tộc sẽ mãi sáng chói chiến công của quân và dân nhà Trần: ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Lịch sử dân tộc sẽ mãi khắc ghi chiến thắng thần tốc của quân Tây Sơn chiến thắng 29 vạn quân Thanh năm 1789. Sang thế kỷ XX, các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới đã nhắc đến Việt Nam với chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh như một khát vọng về độc lập, tự do và thống nhất
nước nhà. Để có được những chiến công hiển hách đó, bao thế hệ cha ông ngã xuống mà thế hệ cháu con phải biết trân trọng, tự hào.
Giáo dục lòng yêu nước cho sinh viên qua tình yêu đối với quê hương, xứ sở, xóm làng. Chúng ta phải bắt đầu từ việc giáo dục cho sinh viên tình cảm, trách nhiệm, yêu thương, giúp đỡ, sẻ chia với chính những người thân trong gia đình, xóm làng, lối phố. Đồng thời, còn giáo dục cho sinh viên ý thức bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập. Chúng ta cần xây dựng cho sinh viên bản lĩnh chính trị vững vàng, không lung lay trước những luận điệu xuyên tạc, lôi kéo của kẻ thù. Phải làm cho sinh viên hiểu rằng sống, học tập và làm theo Hiến pháp, pháp luật; chấp hành mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng là biểu hiện của “trung với
nước”.
“Trung với nước” đối với sinh viên phải được biểu hiện bằng hành động thiết thực, cụ thể. Đó là ý thức trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước “Không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào” [46, tr.455]. Từ đó hình thành nên ở sinh viên ý chí vươn lên trong học tập, lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Học không phải để “làm quan” như trong xã hội cũ, mà là “để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ nước nhà”. Như Người đã nói trong bài nói chuyên tại Đại hội lần thứ II của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam ngày 24-3-1961 “Thanh niên ta phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn chế nên số đông thanh niên công nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức” [49, tr.306].
Đối với sinh viên, phải giáo dục cho các em hiểu: hiếu với dân trước hết được thể hiện ở sự kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, toàn thể nhân dân. Hiếu với dân còn là biết nghe ý kiến của nhân dân, tích cực giúp đỡ họ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, đồng thời dám đấu tranh chống lại mọi biểu hiện sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân. Trong thực tế, chữ “hiếu” của sinh viên đã được thể hiện cụ thể ở những phong trào tình nguyện giúp đỡ nhân dân. Để phát huy phẩm chất đạo đức này, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên cần tổ chức tốt các phong trào tình nguyện giúp đỡ nhân dân các vùng khó khăn, thiên tai, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra các cán bộ, giáo viên trong trường cũng phải gương mẫu thực hiện các chương trình từ thiện. Từ đó giúp sinh viên củng cố niềm tin, có lý tưởng sống đẹp, hướng thiện.
Tình yêu thương con người
Đây là một phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người đã tiếp thu truyền thống nhân nghĩa của dân tộc và nâng nó lên thành một tình cảm rộng lớn. Giáo dục tình yêu thương con người, trước hết là giáo dục cho sinh viên tình tương thân tương ái, yêu thương giúp đỡ mọi người. Biết quan tâm giúp đỡ mọi người, giúp sinh viên dễ thông cảm với cuộc sống khó khăn của người khác, xây dựng ý thức tập thể vì tập thể, biết sống vì mọi người, cho xã hội. Đồng thời, phải đấu tranh, phê phán, loại bỏ những biểu hiện thờ ơ, vô cảm của con người trước những bất hạnh, nỗi đau của người khác. Đây thật sự trở thành một căn bệnh mà nếu không kịp thời can thiệp nó sẽ trở thành ung nhọt phá hủy những giá trị tốt đẹp mà cha ông chúng ta đã dày công tạo dựng.
Giáo dục tình yêu thương con người đòi hỏi mỗi thầy cô phải là một tấm gương sáng về tinh thần yêu thương, đoàn kết lẫn nhau; là sự quan tâm giúp đỡ sinh viên trong những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, là sự khoan dung, tạo điều kiện của thầy cô cho sinh viên sửa chữa lỗi lầm.
Ngoài ra, các nhà trường còn phải giáo dục sinh viên biết xây dựng tình bạn chân chính và tình yêu trong sáng. Biểu hiện cụ thể của tình bạn chân chính là sự quan tâm, giúp đỡ nhau một cách vô tư, hoàn toàn tự nguyện trong quá trình học tập ở trường cũng như ngoài xã hội. Cùng với tình bạn là tình yêu, một giá trị nổi bật ở tuổi trẻ, tình yêu có thể nâng đỡ con người vươn tới những đỉnh cao của ước mơ và khát vọng, ngược lại, nhiều khi nó cũng đưa con người tới những sự thất bại đau đớn. Nhận thức và đánh giá đúng những đặc điểm của tình yêu có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên.
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư
Đây là phẩm chất đạo đức rất quan trọng, cần thực hiện trong cuộc sống hàng ngày. Phẩm chất này có ý nghĩa thời sự trong giai đoạn hiện nay, khi mà Đảng ta nêu cao tinh thần tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.
Đối với sinh viên, giáo dục đức tính “Cần” là giáo dục cho các em thái độ cần cù, siêng năng, sáng tạo trong học tập và nghiên cứu khoa học, chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức của nhân loại. Ông bà ta thường nói: “Có công mài sắt, có
ngày nên kim", điều đó nói lên tính cần cù, siêng năng, sáng tạo trong học tập của
sinh viên. Do đó, trong học tập, dứt khoát phải học thực chất, học tự giác, xác định thái độ học cho ai, học để làm gì, học như thế nào... Chúng ta phải giáo dục cho các em ý thức tự giác, chống những biểu hiện của lối sống vô tổ chức, vô kỷ luật mà nếu không kịp thời ngăn chặn, sửa đổi thì chính các em phải chịu hậu quả ngay sau khi ra trường sẽ bị xã hội đào thải.
Giáo dục đức tính “Kiệm” cho sinh viên phải được thể hiện ở những công việc cụ thể hàng ngày. Sinh viên cần phải được giáo dục đức tính biết quý trọng thời gian, biết sử dụng thời gian một cách hợp lý và có ích. Vì vậy, sinh viên không nên để thời gian trôi đi một cách vô ích, hãy dành thời gian cho việc học
của mình. Ngoài ra, sinh viên cần thực hiện lối sống giản dị, tiết kiệm, không nên tiêu xài hoang phí.
Liêm, chính, chí công vô tư cũng là một trong những đức tính mà các nhà
trường phải tích cực giáo dục cho sinh viên để hình thành một lớp người lao động mới ngay thẳng, trung thực, dám đấu tranh cho lẽ phải, bảo vệ công lý, biết sống vì tập thể.
Tuy nhiên, để sinh viên thấm nhuần những phẩm chất đạo đức này, đòi hỏi lãnh đạo nhà trường cũng như toàn thể cán bộ giáo viên trong trường phải gương mẫu thực hiện những quy định của trường, luôn đặt việc chung của trường lên trước; thực hiện nghiêm túc quy chế thi cử; đảm bảo sự công bằng, dân chủ cho người học. Các trường cần hưởng ứng một cách tích cực cuộc vận động nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường luôn sẵn sàng đón tiếp cán bộ, giáo viên và sinh viên đóng góp ý kiến cho nhà trường vào tất cả các ngày làm việc trong tuần. Mỗi năm học, nhà trường nên tổ chức Hội nghị đối thoại giữa nhà trường và sinh viên, có 1 hòm thư để cán bộ, giáo viên đóng góp ý kiến. Hàng tháng, Phòng Công tác chính trị và sinh viên nhận đơn thư góp ý chuyển đến Đảng uỷ, Ban Giám hiệu xem xét và giải quyết. Nếu làm được như vậy trong các nhà trường sẽ là nhân tố thuận lợi góp phần giáo dục đạo đức cho sinh viên.
Tinh thần quốc tế trong sáng cũng là một phẩm chất rất quan trọng cần
phải có đối với sinh viên .
Trong giai đoạn hiện nay tình hình thế giới và khu vực đang có những diễn biến phức tạp mà nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì dễ dẫn đến những bất hoà, mâu thuẫn về mặt mặt chính trị, có thể gây ra những hậu quả khó lường. Với đối tượng sinh viên thì điều này càng có ý nghĩa quan trọng. Do đặc thù của môi trường học tập, nghiên cứu, các em có nhiều điều kiện hơn trong
việc tiếp cận với các luồng thông tin khác nhau trên các trang mạng internet. Vì vậy, sinh viên cần phải giỏi về kiến thức chuyên môn, vừa phải vững vàng về phẩm chất chính trị, có cái nhìn khách quan, đúng đắn trong nhận định các quan hệ phức tạp trên thế giới, biết được vị trí của Việt Nam ở đâu trên trường quốc tế và các quan hệ láng giềng nhạy cảm mà chúng ta đang phải giải quyết. Có như vậy, bước vào hội nhập họ sẽ không bị hoà tan, luôn giữ được đạo đức truyền thống và bản sắc văn hoá của dân tộc mình.
Tóm lại, những phẩm chất đạo đức Hồ Chí Minh nêu ra luôn có ý nghĩa thời sự. Để những phẩm chất này thấm nhuần trong đời sống đạo đức của thế hệ trẻ, nhà trường phải có những phương pháp cụ thể:
- Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo
đức Hồ Chí Minh” để tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người được thấm
nhuần hơn nữa trong môi trường giáo dục học đường bằng nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức các cuộc thi kể chuyện, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Người; tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chủ đề, chủ điểm trong mỗi tuần, mỗi tháng, kịp thời tuyên dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
- Thực hiện mỗi giảng viên, mỗi sinh viên là một tấm gương cụ thể của việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sự gương mẫu
của cán bộ, giáo viên trong trường trong mọi lĩnh vực là việc làm quan trọng và có tác động trực tiếp đến việc rèn luyện và tu dưỡng đạo đức của sinh viên. Nhà trường cũng nên thường xuyên tuyên truyền, biểu dương những sinh viên chăm ngoan, học giỏi, vượt khó vươn lên trong học tập và tu dưỡng đạo đức, để làm tấm gương tốt cho các sinh viên khác học tập và noi theo.
- Xây dựng lối sống mới, văn minh, hiện đại cho cán bộ, giáo viên và sinh viên trong trường; đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực trong đời sống học đường.
- Kết hợp chặt chẽ giữa học với hành, gắn lý luận với thực tiễn trong việc giảng dạy và học tập tại trường. Thường xuyên tổ chức những buổi tham quan các khu di tích lịch sử, các bảo tàng.
Ngoài ra, nhà trường cần tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc học tập và vui chơi của sinh viên. Những chính sách của nhà trường đề ra phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Đó là những việc làm thiết thực góp phần vào việc giáo dục đạo đức cho sinh viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh.