- Những quan điểm về thực tiễn trong triết học trước Mác
1.2.2 Quan niệm về thực tiễn của Mác và Ăngghen
1- Khái niệm về thực tiễn
Trước hết chúng ta cần tìm hiểu thực tiễn là gì. Thực tiễn là những hoạt động vật chất có mục đích, mang tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội.
Như vậy, hoạt động thực tiễn là hoạt động bản chất của con người. Thực tiễn là phương thức tồn tại cơ bản của con người và xã hội, là phương thức đầu tiên và chủ yếu của mối quan hệ giữa con người và thế giới. Con người
khác với con vật ở chỗ: con vật chỉ hoạt động theo bản năng nhằm thích nghi một cách thụ động với thế giới, nhưng con người nhờ có ý thức đã làm cho hoạt động của mình có mục đích, chủ động và có tính xã hội để cải tạo thế giới nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình, thích nghi một cách chủ động với thế giới và làm chủ thế giới. Tuy nhiên, con người lại không thể thỏa mãn với những gì tự nhiên cung cấp cho mình dưới dạng có sẵn. Do vậy, con người phải tiến hành lao động sản xuất ra của cải vật chất để nuôi sống mình. Trong quá trình lao động, con người đã chế tạo và sử dụng các công cụ lao động nhằm làm tăng năng suất lao động. Từ đó, con người đã tạo nên những vật phẩm vốn không có sẵn trong trong tự nhiên. Không có hoạt động thực tiễn, trước hết là lao động sản xuất, con người và xã hội loài người không thể tồn tại và phát triển được.
2- Bản chất, đặc điểm của thực tiễn
Xét về mặt nội dung và phương thức thực hiện, thực tiễn có tính lịch sử - xã hội. Trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, với trình độ và các hình thức hoạt động thực tiễn thay đổi qua các thời kỳ, thực tiễn luôn là dạng hoạt động cơ bản và phổ biến của xã hội loài người. Thực tiễn cũng có quá trình vận động và phát triển của nó. Trình độ phát triển của thực tiễn nói lên trình độ chinh phục giới tự nhiên và làm chủ xã hội của con người.
Bất kỳ một quá trình hoạt động thực tiễn nào cũng gồm nhiều yếu tố như nhu cầu, lợi ích, mục đích, phương tiện, phương thức và kết quả. Các yếu tố đó có liên hệ với nhau, quy định lẫn nhau mà nếu thiếu chúng thì hoạt động thực tiễn không thể diễn ra được.
3- Các hình thức của thực tiễn
Thực tiễn tồn tại dưới nhiều hình thức hoạt động, trong đó có các hình thức cơ bản sau: thứ nhất là hoạt động sản xuất vật chất. Đây là dạng hoạt động thực tiễn nguyên thủy nhất và cơ bản nhất. Nó quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Nó cũng quyết định các dạng khác của của hoạt động thực tiễn vì nó tạo nên cơ sở của tất cả các hình thức khác của hoạt động sống của con người, giúp con người thoát khỏi giới hạn tồn tại của động vật. Thứ hai là hoạt động chính trị - xã hội. Đây là hoạt động nhằm biến đổi
các quan hệ xã hội và chế độ xã hội. Ngoài ra, cùng với sự phát triển của khoa học thì hoạt động thực nghiệm khoa học cũng trở thành một dạng cơ bản của thực tiễn. Dạng hoạt động thực tiễn này ngày càng trở nên quan trọng trong sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ cách mạng khoa học công nghệ hiện nay. Ba hình thức hoạt động thực tiễn này quan hệ chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau.