Hà Nội với vai trò là trung tâm phát triển của du lịch cả nước, là vùng đất ngàn năm văn hiến, nơi lưu giữ những giá trị to lớn của lịch sử phát triển đất nước, Du lịch Hà Nội cần phải phát triển theo hướng bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội; giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường.
Năm 2012 ngành du lịch Thủ đô đã thu hút 14.4 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2.1 triệu lượt khách quốc tế (tăng 11.3% so với năm 2011) và 12.3 triệu lượt khách nội địa (tăng 5.5% so với năm 2011). Một số thị trường khách trọng điểm đến Hà Nội tăng đáng kể như: du khách Trung Quốc đạt gần 208.000 lượt, tăng 27% so với năm trước; du khách Austraylia đạt 130.500 lượt khách, tăng 20%; du khách Nhật Bản đạt gần 152.500 lượt khách, tăng 32%; du khách Hàn Quốc đạt trên 81.000 lượt khách, tăng 53% ( theo số liệu của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cuối năm 2012). Năm 2013 du lịch Hà Nội phấn đấu thu hút 15.5 triệu lượt khách, trong đó có 2.25 triệu lượt khách quốc tế và vẫn hướng tới các thị trường khách như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt ngày 16/10/2012 đã xác định, đến năm 2020 du lịch Hà Nội sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch của khu vực và cả nước.
Theo quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội, trong thời gian tới, du lịch Hà Nội vẫn tập trung đẩy mạnh , thu hút khách du lịch quốc tế ở các thị trường truyền thống: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Đài Loan, Đức, Pháp, khui vực Bắc
Mỹ, ASEAN…; mở rộng thu hút khách du lịch đến các thị trường mới: Trung Đông và Bắc Âu… Đồng thời, phát triển thị trường nội địa thông qua việc tăng cường liên kết giữa Hà Nội với các vùng, miền, địa phương trong cả nước.
Mục tiêu đặt ra cho du lịch Hà Nội tới năm 2020 sẽ đón được 3.2 triệu lượt khách quốc tế và 20 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng thu 79.674 tỷ đồng; đến năm 2030 đón được 4.5 triệu lượt khách quốc tế và 26.8 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng thu 186.165 tỷ đồng. Qua đó, du lịch Hà Nội sẽ tạo việc làm cho gần 383 nghìn lao động, trong đó có 127.8 nghìn lao động trực tiếp vào năm 2030.
Hà Nội rất giàu tài nguyên du lịch tự nhiên như khu vực vùng núi Ba Vì và vùng phụ cận, khu thắng cảnh Hương Sơn, hệ thống Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Bẩy Mẫu, hồ Quan Sơn, hồ Suối Hai hết sức độc đáo. Về tài nguyên nhân văn, với lịch sử hàng nghìn năm hình thành và phát triển, Hà Nội có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn lớn nhất trong cả nước như quần thể di tích Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Quán Thánh, Lăng Bác Hồ, Cột Cờ Hà Nội, khu Hoàng Thành Thăng Long, hệ thống bảo tàng quốc gia, bảo tàng Lịch sử, bảo tàng Dân tộc học…
Ngoài ra, Hà Nội còn có hệ thống làng nghề, phố nghề nổi tiếng đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân Việt Nam, với 1.270 làng nghề, trong đó có 224 làng nghề truyền thống với những nhóm ngành như gốm sứ, dệt may, điêu khắc, khảm trai, thêu ren, sơn mài, mây tre đan… Đã có 16 làng nghề truyền thống tại Hà Nội được vinh danh như: gốm sứ Bát Tràng, làng dát vàng bạc đá quý và may da Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm); làng Mộc Phụng Công (huyện Thường Tín); mộc Thượng Mạo (quận Hà Đông); mây tre đan Xuân Dương, tre trúc Thu Hồng (huyện Sóc Sơn)…
Theo đó, du lịch thành phố Hà Nội được chia thành các cụm, các tuyến, vành đai du lịch để phát triển dựa trên những tiềm năng của khu vực như: Cụm du lịch Trung tâm Hà Nội chủ yếu khai thác các loại hình du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch mu sắm…; Cụm du lịch Sơn Tây – Ba Vì phát triển du lịch tâm linh, du lịch văn hóa làng Việt Cổ, du lịch sinh thái nghỉ cuối tuần, du lịch thể thao cao cấp…;Cụm du lịch Hương Sơn – Quan Sơn hướng đến du lịch văn hóa tâm linh lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần và sinh thái, du lịch thể thao cao cấp với các sản phẩm Golf, thể thao nước…; Cụm du lịch núi Sóc – hồ Đồng Quan sẽ hoàn thiện các sản phẩm du lịch tâm linh gắn với hội Gióng và hệ thống đền chùa, các công trình tôn giáo, du lịch sinh thái.
Tổng vốn đầu tư trong quy hoạch đến năm 2030 là khoảng 370.65 nghìn tỷ đồng, với 5% vốn ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cho công tác lập quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến du lịch, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; 20% vốn tích lũy từ GDP du lịch và của các doanh nghiệp du lịch; còn lại là huy động từ các nguồn khác.