8. Cấu trúc luận văn
1.4.2. Khái niệm kỹ năng giao tiếp sư phạm trong giờ lên lớp của giáo sinh khi thực
khi thực tập giảng dạy ở trường Trung học cơ sở
1.4.2.1. Định nghĩa kỹ năng giao tiếp sư phạm
Trong cuốn Giao tiếp sư phạm, tác giả Ngô Công Hoàn và Hoàng Anh quan niệm KNGTSP là hệ thống những thao tác, cử chỉ, điệu bộ, hành vi (kể cả hành vi ngôn ngữ) được giáo viên phối hợp hài hòa, hợp lý nhằm bảo đảm kết quả cao trong hoạt động dạy học và giáo dục, với sự tiêu hao năng lượng tinh thần và cơ bắp ít nhất, trong những điều kiện thay đổi [22, tr.88].
Theo tác giả Hoàng Anh trong cuốn luận án TS tâm lý mang tên “Kỹ năng giao tiếp sư phạm của sinh viên” đã định nghĩa: “KNGTSP là kỹ năng giao tiếp được vận dụng vào quá trình tiếp xúc giữa giáo viên và học sinh trong hoạt động giảng dạy và giáo dục. Đó là khả năng nhận thức nhanh chóng những biểu hiện bên ngoài và diễn biến tâm lý bên trong của học sinh và bản thân giáo viên, là khả năng sử dụng các phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, biết cách tổ chức, điều chỉnh, điều khiển quá trình giao tiếp nhằm đạt được mục đích giáo dục” [3, tr.38].
Trong định nghĩa này tác giả Hoàng Anh mới đề cập đến hai loại chủ thể (GV và HS) trong giao tiếp sư phạm, chưa nhìn thấy giao tiếp sư phạm còn thường xuyên diễn ra giữa GV và GV, giữa GV và phụ huynh HS, giữa GV và đại diện các đoàn thể, cơ quan xí nghiệp có quan hệ phối hợp với nhà trường trong công tác giáo dục HS.
Trong luận văn của mình, chúng tôi quan niệm: Kỹ năng giao tiếp sư phạm là khả năng vận dụng tri thức (hiểu biết) về phương thức thực hiện quá trình tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau giữa nhà giáo dục và người được giáo dục,
giữa các nhà giáo dục với nhau (có mối quan hệ hợp tác trong hoạt động giáo dục) qua đó tri giác lẫn nhau, trao đổi thông tin, tình cảm, ý nghĩ… nhằm thực hiện tốt, có hiệu quả hoạt động giáo dục là phát triển toàn diện nhân cách cho người được giáo dục.
1.4.2.2. Định nghĩa kỹ năng giao tiếp sư phạm trong giờ lên lớp khi thực tập giảng dạy của giáo sinh
Như đã trình bày ở phần trên, giao tiếp sư phạm giữa GV và HS diễn ra trong giờ lên lớp là một trong những hình thức giao tiếp sư phạm cơ bản nhất, quan trọng nhất trong hoạt động giáo dục. Cần nhấn mạnh rằng, ở hình thức giao tiếp sư phạm này (giao tiếp sư phạm diễn ra trong giờ giảng dạy ở trên lớp) chỉ có hai chủ thể giao tiếp (GV và HS) tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau. Trên cơ sở các khái niệm: giao tiếp, giao tiếp sư phạm, kỹ năng, KNGTSP vừa trình bày trên chúng tôi hiểu KNGTSP trong giờ lên lớp khi thực tập giảng dạy của giáo sinh như sau: Đó là khả năng vận dụng tri thức (hiểu biết) về phương thức thực hiện quá trình tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau trong giờ lên lớp, giữa giáo sinh và HSTHCS qua đó tri giác lẫn nhau, trao đổi thông tin, tình cảm, ý nghĩ… nhằm làm cho giờ giảng đạt tới chất lượng và hiệu quả cao nhất.
1.4.2.3 Vai trò của kỹ năng giao tiếp sư phạm trong giờ lên lớp
Giao tiếp là một thành phần cơ bản của hoạt động sư phạm. Những hình thức chủ yếu của công tác giáo dục và dạy học diễn ra trong điều kiện giao tiếp giữa các chủ thể liên quan đến công tác giáo dục. Không có giao tiếp giữa các chủ thể liên quan tới công tác giáo dục thì hoạt động sư phạm không thể diễn ra. Vì vậy, người GV phải có năng lực, KNGTSP.
KNGTSP trong giờ lên lớp là một thành phần không thể thiếu trong kỹ năng giao tiếp sư phạm nói chung của người giáo viên. Kỹ năng này có một vai trò quan trọng giúp GV thực hiện một trong những nhiệm vụ cơ bản của giáo dục là hình thành, phát triển tri thức, phẩm chất, đạo đức, niềm tin…cho học sinh:
- KNGTSP trong giờ lên lớp góp phần giúp GV tạo được bầu không khí tâm lý tốt, thân thiện, thoải mái, kích thích sự hứng thú học tập của HS.
- KNGTSP trong giờ lên lớp là phương tiện quan trọng giúp người GV truyền tải và tiếp nhận thông tin, tình cảm, cảm xúc từ HS một cách có hiệu quả.
- KNGTSP trong giờ lên lớp có vai trò giúp người GV điều chỉnh, điều khiển hành vi của mình và của HS đảm bảo cho giờ học diễn ra thuận lợi, mang lại hiệu quả cao nhất.