Khái niệm kỹ năng giao tiếp

Một phần của tài liệu Kỹ năng giao tiếp sư phạm trong giờ lên lớp của giáo sinh khi thực tập giảng dạy tại trường trung học cơ sở (Trang 26)

8. Cấu trúc luận văn

1.3.2.Khái niệm kỹ năng giao tiếp

Trong bài viết “văn hoá giao tiếp” trên trang web http://www.dncot.edu.vn định nghĩa kỹ năng giao tiếp là sự thành thục, điêu luyện những vấn đề kỹ thuật, hành vi giao tiếp. Kỹ năng giao tiếp được coi là thành phần cơ bản nhất trong nghệ thuật giao tiếp. Kỹ năng giao tiếp thể hiện ở hai khía cạnh, đó là sự thành thục trong việc sử dụng các phương tiện giao tiếp và là sự hiểu biết sâu sắc những vấn đề tâm lý trong giao tiếp để sử dụng các phương tiện giao tiếp một cách hợp lý [26].

Theo tài liệu tập huấn kinh doanh Mega VNN, kỹ năng giao tiếp là khả năng phân biệt mau lẹ những biểu hiện bên ngoài và đoán biết diễn biến bên trong của con người (với tư cách là đối tượng giao tiếp). Đồng thời biết sử dụng phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, biết cách định hướng để điều chỉnh và điều khiển quá trình giao tiếp đạt một mục đích đã định [40, tr.13].

Tác giả Vũ Dũng cho rằng: “Kỹ năng giao tiếp là năng lực vận dụng có hiệu quả những tri thức, hiểu biết về quá trình giao tiếp, các yếu tố tham gia và ảnh hưởng tới quá trình giao tiếp cũng như sử dụng có hiệu quả các phương tiện giao tiếp, phối hợp hài hoà toàn bộ hành vi, ứng xử, cử chỉ… để giúp chủ thể đạt được mục đích nhất định của hoạt động giao tiếp”[11, tr.74].

Trong luận án “Kỹ năng giao tiếp với dân của cảnh sát khu vực quận Thanh Xuân”, Nguyễn Thị Hiền đưa ra khái niệm: “Kỹ năng giao tiếp là sự vận dụng những tri thức, kinh nghiệm giao tiếp đã có để thực hiện có hiệu quả những tình huống giao tiếp cụ thể nhằm đạt được các mục đích giao tiếp của chủ thể” [17, tr.29].

Mỗi tác giả đều có cách diễn đạt riêng của mình về khái niệm kỹ năng giao tiếp, nhưng đều có những điểm chung khi nhìn nhận về khái niệm này đó là các tác giả đều khẳng định kỹ năng giao tiếp là khả năng (hoặc là quá trình) vận dụng những tri thức, hiểu biết về lĩnh vực giao tiếp vào trong hoạt động giao tiếp một cách có hiệu quả nhằm đạt được mục đích giao tiếp.

Từ việc tham khảo các khái niệm được nhiều tác giả đưa ra về kỹ năng giao tiếp, chúng tôi cho rằng: Kỹ năng giao tiếp là khả năng vận dụng có kết quả các tri thức (hiểu biết) về phương thức thực hiện quá trình tác động qua lại, ảnh hưởng

lẫn nhau giữa con người và con người trong một lĩnh vực hoạt động nào đó, qua đó tri giác lẫn nhau, trao đổi thông tin, tình cảm, ý nghĩ… để đạt được mục đích đã định trước.

Kỹ năng giao tiếp có một số đặc điểm sau:

- Việc nắm vững và thường xuyên vận dụng những tri thức (hiểu biết) về cách thức (phương thức) thực hiện quá trình tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau giữa người và người trong một lĩnh vực nào đó là điều kiện tiên quyết để hình thành và phát triển kỹ năng giao tiếp trong lĩnh vực đó. Bất kỳ kỹ năng nào cũng phải dựa trên cơ sở lý thuyết là những tri thức, đặc biệt là tri thức về phương thức hành động. Tuy nhiên muốn có kỹ năng thì không thể chỉ dừng lại ở sự hiểu biết những tri thức về phương thức hành động, mà những tri thức đó phải được thường xuyên vận dụng vào việc giải quyết những nhiệm vụ cụ thể, hàng ngày, thông qua đó việc luyện tập thường xuyên được diễn ra một cách chủ động và tích cực.

- Mức độ hình thành và phát triển kỹ năng giao tiếp quyết định kết quả của quá trình giao tiếp (quy định mức độ đạt tới của mục đích giao tiếp đã đặt ra từ đầu). Nhiều nhà tâm lý cho rằng giao tiếp là một dạng đặc biệt của hoạt động. Bất cứ một hoạt động nào cũng cần phải có kĩ thuật để thực hiện có kết quả các thao tác, hành động cụ thể. Kỹ năng là mặt kĩ thuật của hành động, qua đó mục đích mà hành động hướng tới được hiện thực hoá. Điều này cũng có nghĩa là sự thành thạo về kỹ năng

giao tiếp cũng sẽ quyết định việc thực hiện có kết quả quá trình giao tiếp.

Một phần của tài liệu Kỹ năng giao tiếp sư phạm trong giờ lên lớp của giáo sinh khi thực tập giảng dạy tại trường trung học cơ sở (Trang 26)