Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm tín dụng tại Chi nhánh

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Tăng cường quản trị rủi ro trong cho vay tại Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Thành phố Hải Dương (Trang 65)

II Phân theo thành phần KT

3.3.9Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm tín dụng tại Chi nhánh

GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN TRỊ RỦI RO TRONG CHO VAY TẠI AGRIBANK THÀNH PHỐ HẢI DƯƠNG

3.3.9Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm tín dụng tại Chi nhánh

Với mô hình giao dịch một cửa như hiện nay, cán bộ tín dụng giữ vai trò quan trọng trong quy trình cho vay. Cán bộ tín dụng là người trực tiếp tiếp nhận hồ sơ, xác minh tính chân thực của hồ sơ để từ đó xây dựng nội dung thẩm định

phương án, chịu trách nhiệm trước pháp luật từ thời điểm đồng ý cho vay vốn, kiểm soát đến khi thu hồi vốn kết thúc khoản vay. Kết quả thẩm định của cán bộ tín dụng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư vốn nên giải pháp hiệu quả để tăng cường quản trị rủi ro trong cho vay chính là nâng cao chất lượng từ chính cán bộ tín dụng phụ trách. Tác động đến chất lượng cán bộ tín dụng thể hiện ở các mặt mặt: nhận thức của cán bộ, ý thức của cán bộ, những vấn đề thuộc về văn hóa doanh nghiệp được quy định tại Chi nhánh.

Về nhận thức, cần nâng cao nhận thức của cán bộ tín dụng ở cả trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế và kiến thức pháp luật. Cán bộ tín dụng cần được đào tạo bài bản về nghiệp vụ ngân hàng, chấp hành nghiêm túc mọi quy định về cho vay Khách hàng trong hệ thống Agribank, biết cách thu thập và xử lý thông tin. Cán bộ tín dụng phải nắm bắt được thực tế đang diễn ra, trước một vấn đề cần nắm bắt nhu cầu thực tại, dự đoán biến động tương lai một cách khách quan, hợp lý. Đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi cán bộ tín dụng hiểu biết về nghiệp vụ, thông thạo thực tế, sẵn sàng khảo sát, nghiên cứu tại cơ sở của Khách hàng. Xem xét hồ sơ giấy trên cơ sở khảo sát thực tế để từ đó đưa ra quyết định cuối cùng của mình, đó mới thực sự là cách thẩm định hiệu quả và an toàn nhất của cán bộ tín dụng. Vì thế, Agribank chi nhánh Thành phố Hải Dương cần quán triệt triệt để tinh thần này đến từng cán bộ tín dụng. Cán bộ tín dụng của Chi nhánh cần nhận thức được vai trò của khảo sát thực tế trong quá trình thẩm định. Đây chính là cách tốt nhất để Ngân hàng nhận diện rủi ro trước cho vay, có quyết định đầu tư vốn phù hợp. Trong trường hợp quyết định cho vay, công tác kiểm soát rủi ro thể hiện qua việc cán bộ tín dụng thực hiện tốt công tác kiểm tra sau. Cán bộ tín dụng trong quá trình cho vay nhất thiết phải nắm được các nội dung về tình hình sản xuất kinh doanh của Khách hàng so với giai đoạn liền trước và so với chỉ số chung của toàn ngành, biến động bất thường của thị trường, thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay, tình trạng tài sản đảm bảo, chủ động kịp thời phát hiện các trường hợp sử dụng vốn sai mục đích hoặc những rủi ro tiềm ẩn để kiến nghị biện pháp giải quyết kịp thời. Ngoài ra,

nâng cao nhận thức của cán bộ tín dụng còn đặt ra yêu cầu cán bộ nắm vững pháp luật, chủ trương, chính sách liên quan đến quy định cho vay dự án. Những quy định này có tính hệ thống từ các ban ngành đến quy định nội bộ của Agribank. Với mỗi thời kỳ, các quy định có thể thay đổi khác nhau. Rất cần sự đầu tư tìm tòi của mỗi cán bộ tín dụng. Hiểu biết, tuân thủ pháp luật trong nghiệp vụ cho vay không chỉ đảm bảo an toàn vốn cho Ngân hàng mà còn là cách để mỗi cán bộ tín dụng bảo vệ mình trước pháp luật khi có rủi ro xảy ra. Những năm trở lại đây, báo đài đưa nhiều tin cán bộ tín dụng phải hầu tòa vì những vi phạm trong hoạt động cho vay. Trừ những trường hợp cố ý làm trái quy định về cho vay thì cũng có không ít các trường hợp cán bộ tín dụng do chưa nắm vững về pháp luật dẫn đến vô tình làm trái các quy định về cho vay đã ban hành.

Về ý thức của cán bộ tín dụng, cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm tín dụng. Đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động tín dụng được thể hiện ở hai mặt: cách thức thẩm định hồ sơ và động cơ quyết định cho vay. Với một cán bộ tín dụng có đạo đức nghề nghiệp họ sẽ thẩm định hồ sơ trên cơ sở số liệu thực tế đã qua khảo sát mà không phải thẩm định mang tính võ đoán, chủ quan. Khi quyết định cho vay họ cũng dựa trên động cơ thu lợi cho Ngân hàng chứ không phải động cơ trục lợi cá nhân: nhận hối lộ của Khách hàng để đề xuất cho vay trong báo cáo thẩm định hoặc vì không nhận được “lót tay” của Khách hàng mà bỏ qua phương án tốt, từ chối cho vay. Hạn chế về đạo đức nghề nghiệp là điều tuyệt đối tránh đối với cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh Thành phố Hải Dương. Bản thân mỗi cán bộ tín dụng tại Chi nhánh luôn cần ý thức tự rèn luyện, răn đe bản thân, không để sự chủ quan võ đoán hay lòng tham ảnh hưởng đến quyết định trong công việc.

Văn hóa doanh nghiệp nơi cán bộ công tác cũng góp phần giúp cán bộ có được tác phong làm việc nghiêm túc, thu được hiệu quả lao động cao. Hiện nay, Agribank chi nhánh Thành phố vẫn chưa thực sự xây dựng được bộ quy tắc riêng về văn hóa doanh nghiệp. Những quy tắc về kỷ luật lao động, môi trường lao động, chuẩn tắc trong quan hệ nội bộ, quan hệ với khác hàng mới chỉ dừng ở quy tắc mang tính chỉ đạo từ Agribank. Mỗi Chi nhánh hoạt động tại một địa bàn đặc thù, rất cần Chi nhánh sớm xây dựng được cho mình một văn hóa doanh nghiệp văn minh, hiện đại. Sự chuyên nghiệp đó sẽ tạo ảnh hưởng tốt đến mỗi cán bộ nhân viên trong Chi nhánh.

Vai trò của Agribank chi nhánh Thành phố Hải Dương trong việc nâng cao chất lượng cán bộ tín dụng như thế nào? Đó chính là vài trò định hướng, giám sát. Về vai trò định hướng, Agribank chi nhánh Thành phố Hải Dương cần tiến hành nhiều hơn nữa hoạt động đào tạo nghiệp vụ ngân hàng hàng năm để cán bộ tín dụng có điều kiện tiếp cận thông tin kiến thức mới. Chi nhánh nên thường xuyên cử cán bộ dự các lớp học, tập huấn cơ bản, nâng cao nghiệp vụ tín dụng do Trường Đào tạo cán bộ Agribank tổ chức. Trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến nghiệp vụ có thể mời chuyên gia, cán bộ kỹ thuật về giảng dạy cho cán bộ Chi nhánh. Đào tạo cho cán bộ tín dụng về ngoại ngữ, tin học và đặc biệt là kiến thức pháp luật để có trình độ phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Đặc biệt với những tranh chấp diễn ra thường xuyên như hiện nay, rất cần tại Chi nhánh một bộ phận có nhiệm vụ

tư vấn, hướng dẫn về mặt pháp lý cho cán bộ tín dụng khi có nhu cầu, tổ chức các buổi phổ biến kiến thức pháp luật khi các cơ quan ban ngành ban hành quy định mới về hoạt động tín dụng. Ngoài ra, Chi nhánh nên quy hoạch phòng Tín dụng theo hướng chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ. Tại trụ sở chính đã phân biệt rõ Ban Tín dụng doanh nghiệp và Ban Tín dụng hộ sản xuất, nhưng tại Chi nhánh, vẫn có hiện tượng một số cán bộ tín dụng vừa cho vay doanh nghiệp vừa cho vay cá nhân, trong cho vay từng nhóm đối tượng cũng không phân định rõ từng nhóm cán bộ phụ trách từng ngành nghề. Tính chất chuyên môn hóa không rõ ràng khiến cán bộ tín dụng không thực sự chuyên trách về từng lĩnh vực. Rất cần Chi nhánh sớm có kế hoạch cơ cấu cán bộ phòng Tín dụng theo hướng chuyên môn hóa. Việc chuyên môn hóa sẽ giúp cán bộ tín dụng tránh tình trạng quá tải, có thời gian đi sâu tìm hiểu về một vài lĩnh vực nhất định nhờ đó mà quá trình thẩm định, quản lý dự án cũng thuận lợi hơn so với một cán bộ mới bắt đầu tìm hiểu dự án ở những kiến thức cơ bản đầu tiên.

Vai trò giám sát của Chi nhánh trong việc nâng cao chất lượng cán bộ tín dụng thể hiện ở việc tổ chức các kỳ thi nghiệp vụ thường niên hoặc đột xuất, tổ chức xin ý kiến Khách hàng đánh giá chất lượng dịch vụ của phòng Tín dụng: thời gian tiếp nhận và xử lý hồ sơ, thái độ khi làm việc với Khách hàng, lập đường dây nóng để Khách hàng phản ánh khi cán bộ tín dụng có dấu hiệu cố tình gây khó dễ với Khách hàng để trục lợi… Chi nhánh nên thường xuyên rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ đủ năng lực, trình độ, tâm huyết và có chế độ thưởng phạt hợp lý, kịp thời đến từng cán bộ để động viên tinh thần làm việc của cán bộ, đặc biệt trong thời kỳ khó khăn về thu nhập như hiện nay. Phản hồi từ Khách hàng là cách đánh giá khách quan nhất cả trình độ và đạo đức của người làm tín dụng, vì vậy theo tôi, Agribank Thành phố Hải Dương nên tận dụng và phát huy vai trò giám sát cán bộ thông qua chính những người làm việc trực tiếp với nhân viên của mình.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Tăng cường quản trị rủi ro trong cho vay tại Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Thành phố Hải Dương (Trang 65)