7. Kết cấu của luận văn
2.1.5. Thương mại hóa và chất lượng thông tin báo in
Mặc dù cơ chế tự chủ tài chính có những tác động hết sức tích cực đến hoạt động báo chí nói chung và nội dung thông tin trên báo in nói riêng nhưng nó cũng là mầm mống cho những tác động tiêu cực của khuynh hướng thương mại hóa báo chí.
Về mặt tích cực, cơ chế tự chủ tài chính mang lại nguồn lực tài chính quan trọng, đảm bảo cho sự phát triển của cơ quan báo chí, tạo điều kiện cho việc sản xuất ra những tác phẩm báo chí chất lượng cao.
Thương mại hóa báo chí thúc đẩy cơ quan báo chí hoạt động năng động, mạnh mẽ, đa dạng hóa, trong môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ quan báo chí với nhau. Bởi vậy mà cùng một thông tin nhưng độc giả có thể tìm thấy trên những tờ báo khác nhau thậm chí ngay trên chính một tờ báo nhiều cách khai thác sáng tạo, hấp dẫn riêng. Nhờ vậy mà thông tin không bị trùng lặp và nhàm chán. Nói cách khác, thương mại hóa là động lực để đổi mới và nâng cao chất lượng ấn phẩm báo in, thể hiện tốc độ phát triển của nền kinh tế, của sự cạnh tranh lành mạnh.
Các cơ quan báo chí hiện nay đang cố gắng thu hút quảng cáo, tài trợ để tăng doanh thu, tự chi trả cho các hoạt động của mình. Đối với báo in, nhờ nguồn thu lớn từ quảng cáo mà tờ báo giảm giá bán dưới giá thành. Ở nhiều tờ báo lớn như Thanh niên, Tuổi trẻ, số trang quảng cáo được phát hành miễn phí, không tính vào giá bán báo. Nhờ vậy, bạn đọc có được một lượng thông tin lớn với chi phí thấp.
Về mặt tiêu cực, cũng chính vì những lợi ích kinh tế trên mà nhiều tờ báo in đã đăng quảng cáo một cách tràn lan, dung lượng quảng cáo còn nhiều hơn nội dung thông tin của tờ báo.
vẫn đang tồn tại thực tế là nội dung thông tin trên báo in có nhiều biểu hiện “tha hóa” do chính tác động của khuynh hướng thương mại hóa. Đó là sự xuất hiện của những sản phẩm báo chí thuần túy hàng hóa, coi nhẹ chức năng thông tin tuyên truyền, mục đích kinh tế lấn át tính chính trị, tính định hướng trong thông tin. Cụ thể là thông tin trên báo chí được đăng tải theo hướng giật gân, thái quá, không trung thực, không khách quan; xuất hiện xu hướng đưa quá nhiều thông tin giải trí, quảng cáo trong khi rút ngắn khuôn khổ, thời lượng vốn dành cho công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm thu lợi về kinh tế…
Ngoài ra, do chịu sự chi phối của nhà tài trợ, của doanh nghiệp mà thông tin rất dễ bị thương mại hóa một cách không lành mạnh nhất là về tính chính xác, khách quan của thông tin. Để bán được báo, nhiều tờ báo chạy theo những thị hiếu tầm thường, những câu chuyện đời tư câu khách, những câu chuyện “tình, tiền, tù, tội” giật gân, vụn vặt làm hạ thấp vai trò, chức năng của báo chí. Và hệ quả là người đọc thụ hưởng những tác phẩm báo chí kém chất lượng. Quá nhiều những cái xấu, cái ác, vấn nạn xã hội tràn lan trên mặt báo với những thông tin chồng chéo, hỗn độn có thể gây tác động không lành mạnh cho xã hội. Nghị quyết Trung ương 5 khóa X đã nhận định báo chí chưa làm chủ thông tin và định hướng được dư luận xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trong tâm năm 2013, đồng chí Đinh Thế Huynh, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhắc nhở những tồn tại của xu hướng thương mại hóa báo chí vẫn chưa được khắc phục: “Thông tin thiếu chuẩn xác ở một số cơ quan báo chí vẫn chưa đạt được kết quả thật sự rõ nét. Gần đây, tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí có chiều hướng gia tăng, khiến nhiều cơ quan báo chí, nhất là các báo điện tử, và công chúng lo ngại.. Cho đến nay những tác động tiêu cực của xu hướng thương mại hóa trong báo chí vẫn còn tồn tại thậm chí có chiều hướng gia tăng.”