7. Kết cấu của luận văn
3.1.2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với báo chí
Hoàn thiện hệ thống, hành lang pháp lý về quản lý báo chí cũng là cụ thể hóa hoạt động lãnh đạo, quản lý báo chí – truyền thông của Đảng và Nhà nước thông qua các công cụ luật pháp. Tăng cường công cụ pháp lý cũng là tạo điều kiện cho báo chí hoạt động kinh doanh hiệu quả và lành mạnh hơn. Nâng cao trách nhiệm, chức năng giữa cơ quan chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, giữa cơ quan chủ quản báo chí với cơ quan báo chí.
Công tác định hướng, quản lý báo chí có vai trò vô cùng quan trọng. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường phát triển ngày càng năng động, mạnh mẽ, đa chiều thì công tác quản lý báo chí cũng phải sát sao hơn, thích ứng với tình hình mới để giải quyết các tình huống thực tế một cách nhanh chóng, triệt để. Tuy nhiên, cơ quan chủ quản vẫn còn chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm đối với cơ quan báo chí trực thuộc. Công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động của cơ quan báo chí thuộc quyền ở một số nơi còn bị buông lỏng, thiếu tính chủ động trong quản lý. Việc cơ quan chủ quản để cơ quan báo chí toàn quyền quyết định trong các hoạt động liên kết là nguồn gốc nảy sinh hiện tượng một số nội dung trên báo chí bị thao túng, dẫn đến nội dung thông tin kém chất lượng thậm chí sai phạm. Các sai phạm của cơ quan báo chí thuộc quyền cũng chưa được xử lý nghiêm khắc.
Ở Việt Nam chưa cho phép có báo chí tư nhân nhưng đã có hiện tượng tư nhân đứng đằng sau các đơn vị báo chí, thuê giấy phép xuất bản báo của đơn vị báo chí để kinh doanh báo chí kiếm lợi nhuận. Báo chí được mở rộng liên doanh liên kết một số khâu dịch vụ phát hành báo chí, dịch vụ quảng cáo nhưng một số cơ quan báo chí nước ta đã lợi dụng quy định này để cho tư nhân chi phối một
số hoạt động báo chí. Trong khi đó, pháp luật vẫn thiếu những quy định cụ thể về xã hội hóa báo chí, thiếu sự quản lý của Nhà nước nhằm điều chỉnh quan hệ hợp tác và tham gia của các nguồn lực tư nhân, nước ngoài vào việc sản xuất sản phẩm báo chí.
Trong tình hình đời sống báo chí đa dạng về loại hình và cơ chế hoạt động thì nên có định hướng riêng, không quản lý báo chí một cách chung chung. Để hoạt động báo chí không xa rời tôn chỉ, mục đích, coi nhẹ chức năng chính trị - tư tưởng thì cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần thường xuyên giám sát và thanh, kiểm tra hoạt động báo chí, kiên quyết trong quản lý và xử lý sai phạm, hình thức xử lý nghiêm khắc, kịp thời. Thường xuyên củng cố, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp cho người đứng đầu cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo.
Trên cơ sở quy định của pháp luật, Bộ Thông tin – Truyền thông và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan khẩn trương rà soát, chỉnh đốn kịp thời, hợp lý, xử lý sai phạm của cơ quan báo chí, kết hợp với biểu dương các cơ quan báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc liên doanh liên kết, để các công ty tư nhân tham gia vào quy trình sản xuất báo chí cần được quản lý, giám sát chặt chẽ, không để bất cứ cá nhân, tổ chức nào lợi dụng, chi phối báo chí nhằm phục vụ lợi ích riêng.
Báo chí Việt Nam chịu áp lực bởi các yếu tố quảng cáo, thương mại, lợi nhuận trong nền kinh tế nhiều thành phần và xu thế toàn cầu hóa cho nên khuynh hướng thương mại hóa trong báo chí cần được định hướng rõ ràng, cụ thể, tránh hiểu sai, làm sai. Thương mại hóa cần thực hiện đúng cả về nội dung, hình thức, tổ chức thì mới mang lại lợi ích và sự phát triển bền vững, lâu dài, không làm tổn hại đến uy tín, vị thế của nền báo chí nước nhà. Chú trọng vào yếu tố thông tin là vấn đề hết sức quan trọng trong sự phát triển đó.
Công tác quản lý đối với hoạt động quảng cáo trên báo chí cũng còn nhiều bất cập. Trong thực tế công tác quản lý hoạt động quảng cáo hiện nay cho thấy, hơn 80% thị phần quảng cáo được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện điện tử thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Thông tin và
Truyền thông. Trong khi đó Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo. Cho nên nảy sinh tình trạng nhiều kiến nghị, khiếu nại về hoạt động quảng cáo chưa được giải quyết vì ngành Thông tin và Truyền thông chưa có cơ sở pháp lý còn ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch lại càng không đủ điều kiện để giải quyết các vấn đề.
Cần có chiến lược định hướng thông tin trong thời kỳ hội nhập nhằm đảm bảo sự thống nhất, và chất lượng của thông tin; Hướng nội dung thông tin vào nhiệm vụ trung tâm là phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Hiện nay, Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu để hoàn thiện trong khi Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010 đã chỉ ra những tồn tại kể trên nhưng vẫn còn kéo dài nhiều năm qua, thậm chí có xu hướng gia tăng.
Công tác quản lý nhà nước đối với báo chí đòi hỏi sự góp sức của nhiều cấp, nhiều ngành, của cả cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí và các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý báo chí từ Trung Ương đến địa phương nhằm làm cho nền báo chí cách mạng nước ta tiếp tục phát triển, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn[14]. Việc tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước với những biện pháp cụ thể, những cơ chế, chính sách hiệu quả, hợp lý sẽ giúp cho báo chí nước ta không những phát triển về quy mô, tổ chức mà còn nâng cao năng lực phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước trong sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN.