Những công trình nghiên cứu, bài viết đề cập đến vấn đề thời gian

Một phần của tài liệu Thời gian trong Âm thanh và cuồng nộ và Absalom, Absalom! của William Faulkner (Trang 29)

2. Lịch sử vấn đề

2.3. Những công trình nghiên cứu, bài viết đề cập đến vấn đề thời gian

Năm 1987, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, trong tác phẩm Thi pháp thơ Tố Hữu, có đề cập đến “thời gian nghệ thuật” về nhiều phương diện của các nhà văn nổi tiếng thế giới và trong nước mà quan trọng nhất là thơ Tố Hữu.

Cùng thời gian đó, tác giả Nguyễn Xuân Kính, trong cuốn Thi pháp ca dao đã nghiên cứu thời gian trong ca dao. Tác giả đã lý giải thời gian trong ca dao là thời gian hiện tại, thời gian diễn xướng và ông đi tìm công thức miêu tả thời gian trong ca dao.

Trên tạp chí Ngôn ngữ số 4, năm 1990, tác giả Đỗ Đức Hiểu cũng đề cập đến vấn đề thời gian qua bài viết Những lớp sóng ngôn từ trong Số đỏ, tác giả cũng rất chú ý đến không gian bối cảnh xã hội và nhịp điệu thời gian của Số đỏ. Bên cạnh đó ông còn cảm nhận được nhịp điệu thời gian qua ngôn từ. Ông cho rằng: Thời gian trong Số đỏ là thời gian hối hả với những biến cố bất ngờ, liên tiếp, đột ngột và sửng sốt... biết bao liên từ, trạng từ, phó từ: chợt, bỗng, tự nhiên, tình cờ, vừa lúc ấy, đột ngột... người kể chuyện đã sử dụng để miêu tả cái tinh thần đô thị hiện đại ấy.

Cuốn chuyên luận Tiểu thuyết Pháp hiện đại những tìm tòi và đổi mới in năm 1990, tác giả Phùng Văn Tửu đề cập đến những vấn đề cách tân tiểu thuyết Pháp hiện đại. Đặc biệt trong chương Người kể chuyện và các điểm nhìn, tác giả có nói đến di chuyển điểm nhìn trên trục thời gian và những cách tân của Butor về thời gian trong sáng tác.

Năm 1991, tác giả Đặng Anh Đào trong cuốn Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết Phương Tây hiện đại, đã đề cập đến Lý thuyết tự sự của G. Genette, chuyên gia phê bình hàng đầu của Pháp trên bình diện thời gian. Khi phân tích sự so le giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật, tác giả đã lý giải vấn đề đó qua dẫn dụ sau: G. Genette – người hệ thống hóa các hình tượng thời gian tự sự, xem thời gian là yếu tố có ý nghĩa quyết định trong Cấu trúc truyện. Đó là sự sắp xếp các sự kiện trong hiện thực quy chiếu (cái được kể) và sự tham gia hành vi kể – thời gian kể để cải biến thành trật tự sự kiện trong văn bản truyện, tổ chức các sự kiện thành truyện. Ông cho rằng “Do một sự mất cân xứng mà ta chưa thể cắt nghĩa được, song nó đã được in dấu vào cơ cấu của tiếng nói, (hoặc ít nhất những “ngôn ngữ của các nền văn minh” lớn nhất thuộc văn hóa phương Tây), tôi có thể kể một câu chuyện mà không cần nói chính xác địa điểm nó xảy ra, hoặc nó xa cách bao lăm so với địa điểm phát ngôn của tôi, nhưng dường như tôi không thể nào loại bỏ việc xác định thời gian trong tương quan với hành động kể chuyện của mình” [21,85]. Nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào chỉ ra rằng: “Thời gian thật sự có tính nghệ thuật, đó là thời gian của hành động kể chuyện và thời gian văn bản” [21,88]. Ngay từ khi tiểu thuyết xuất hiện nó đã có những đặc trưng khác biệt với các hình thức tự sự khác: “Chính là cấu trúc của nó cho phép nhấn mạnh tính chất quá trình, tính chất dòng chảy của thời gian” và “khả năng hiện đại hóa những sự kiện, và nhất là sự cảm nhận các hiện tượng như trong hiện tại”. Sự đổi mới của tiểu thuyết hiện đại chủ yếu tiếp tục tăng cường thêm những đặc điểm ấy: “với thế kỷ này xuất hiện thêm những hình thức và phương tiện kỹ thuật nhằm hai hướng: xoáy vào dòng chảy của thời gian và tăng thêm cảm giác về thời gian hiện tại” [21,92].

Năm 1993, trong cuốn Đổi mới phê bình văn học, tác giả Đỗ Đức Hiểu đã sử dụng thi pháp hiện đại vào nghiên cứu văn chương trong và ngoài nước, trong đó có đề cập đến vấn đề về thời gian.

Trong bài viết Những yếu tố thời gian qua Rousseau – Flaubert – Proust của Đào Duy Hiệp xuất bản năm 1998, tác giả đã phân tích thời gian trong tác phẩm văn chương của ba nhà văn trên nhiều cấp độ. Đặc biệt trong đó vấn đề thời gian của Proust có nhiều cách tân độc đáo bởi ông được mệnh danh là người mở đường cho thời gian dòng ý thức.

Năm 1998, Nguyễn Khắc Phi và Trần Đình Sử xuất bản cuốn Về thi pháp thơ

Đường. Hai tác giả đề cập đến không gian và thời gian nghệ thuật trong thơ Đường

bên cạnh các bài viết các tác giả nước ngoài.

Trong cuốn giáo trình Dẫn luận thi pháp học (1998), tác giả Trần Đình Sửđã đề cập đến thời gian nhân vật được hiểu như là bao gồm thời gian tiểu sử và thời gian “Được nếm trải qua tâm hồn của nhân vật”. Hoạt động tâm lý, ký ức dòng ý thức tạo thành thời gian nhân vật. Nếu nhân vật thiếu đời sống nội tâm thì thời gian của nó chỉ tồn tại trên cấp độ sự kiện nhân quả, trên cấp độ thời gian đồng hồ và lịch biểu. Thời gian nhân vật gắn với những thời điểm có ý nghĩa riêng của nhân vật đó… Mỗi nhân vật có một thời khóa biểu, một nhịp độ hoạt động, có độ dài hiện diện trong tác phẩm khác nhau. Chỉ có nhân vật chính là có thời gian bằng thời gian tiểu sử và thời gian cốt truyện” [80, 37]. Bởi vì, chỉ trong tâm hồn con người mới có sự phân biệt khái niệm quá khứ, hiện tại, tương lai. “Năng lực đo độ dài của thời gian vận động vốn có trong tâm hồn con người mới có được những hình thức tri giác thời gian đã qua, thời gian hiện tại, và thời gian tương lai; trong thực tế vật thể không có những hình thức này… khi ta đo thời gian, ta không đo bản thân của vật thể, chúng đi qua và mất đi không quay trở lại nữa, ta đo những ấn tượng mà chúng để lại trong tâm hồn”… Để tri giác cái đã qua, chúng ta có ký ức, hiện tại được nhận thức thông qua sự chiêm quan, còn đối với tương lai thì có sự kỳ vọng và chờ đợi” [80, 38]. Tác giả nhấn mạnh rằng, thời gian tâm lý trong chừng mực nào đó chỉ thật sự đóng vai trò của một yếu tố cấu trúc trong tác phẩm văn học khi nó được nhân vật cảm thụ, nếm trải. Tất cả những ấn tượng mà nhân vật thể hiện trong tác phẩm tạo thành trường độ thời gian riêng, một nhịp độ thời gian riêng. Có thể hiểu thời gian tâm lý như là thời gian sự kiện trong sự cảm nhận của nhân vật. Trong tác phẩm vì thế có bao nhiêu nhân vật thì

có chừng ấy cách cảm thụ khác nhau về tiến trình thời gian sự kiện. Sự luân phiên theo những quãng cách nhất định của các tuyến thời gian tâm lý tạo nên nhịp điệu thời gian nhân vật đặc trưng cho tác phẩm, được thể hiện cụ thể qua sự luân phiên điểm nhìn.

Đến năm 2001, trong cuốn Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ XXI, tác giả Phùng Văn Tửu tuy không trực tiếp bàn về thời gian, nhưng rải rác trong tác phẩm vẫn đề cập đến vấn đề này.

Năm 2002, tác giả Phùng Văn Tửu cho ra mắt bạn đọc cuốn Cảm thụ và giảng

dạy văn học nước ngoài. Trong phần Khuôn viên tiểu thuyết và truyện ngắn và một

vài nơi khác tác giả có bàn về thời gian.

Năm 2003, trong luận án Tiến sĩ của Đào Duy Hiệp, tác giả đã trực tiếp khảo sát, nghiên cứu vấn đềThời gian trong Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust”. Tác giả đề cập đến việc xử lý thời gian trong tiểu thuyết của thế kỷ XX của các nhà nghiên cứu lớn như J.P. Sartre, G. Genette, J.Y.Tadié, G. Poulet, P. Ricoeur... Vận dụng lý thuyết về thời gian của các nhà nghiên cứu trên thế giới mà chủ yếu là

thuyết tự sự của Genette để lý giải vấn đề thời gian trong cuốn Đi tìm thời gian đã

mất của M. Proust. Đặc biệt, tác giả đã soi chiếu tác phẩm dưới nhiều cấp độ thời gian, lần tìm nghệ thuật thời gian mà Proust ngầm ẩn giấu dưới bề mặt ngôn từ. Công trình nghiên cứu của tác giả Đào Duy Hiệp là tư liệu có giá trị cho những người tiếp tục nghiên cứu về thời gian trong các tác phẩm sau này.

Trên tạp chí Nghiên cứu Văn học số 7 – 2005, tác giả Đào Duy Hiệp tiếp tục nghiên cứu Các cấp độ thời gian trong truyện ngắn Chí Phèo. Trong bài viết này, tác giả đi sâu nghiên cứu các cấp độ thời gian thông qua việc khảo sát thống kê để lý giải cụ thể nghệ thuật sử dụng thời gian trong truyện ngắn của Nam Cao. Vấn đề đó rất thú vị và mang lại gợi ý thiết thực cho chúng tôi.

Đến năm 2008, cuốn Phê bình văn học từ lý thuyết hiện đại của tác giả Đào Duy Hiệp tiếp tục ra mắt bạn đọc. Trong công trình nghiên cứu này, chúng tôi tiếp xúc với nhiều bài viết theo hướng tiếp cận sáng tác văn học từ các cấp độ thời gian; bên cạnh những hướng tiếp cận khác từ lý thuyết phê bình hiện đại đối với văn bản nghệ thuật. Trong chuyên mục Thời gian và tiểu thuyết, tác giả đã nhìn nhận về việc

xử lý thời gian của nhà văn cũng như cái trật tự và nhịp điệu mà nó đem lại cho độc giả trong quá trình đọc đã khiến cho tiểu thuyết mang một đặc trưng cơ bản của thể loại... Tác giả đã nêu ra đội ngũ những nhà nghiên cứu nổi tiếng về thời gian trong văn học trên thế giới như Emil Shtaiger, G.Miller, M.Bakhtin, Iu.Lotman, J.Y.Tadié, Genette, P.L.Rey... Điều đó cho thấy, vấn đề thời gian vô cùng quan trọng đối với tác phẩm văn học và thời gian đã góp phần tạo nên bước đột phá về mặt thi pháp trong văn học của thế kỷ XX.

Qua những điều góp nhặt được từ các bài viết, chúng tôi thấy rằng các nhà phê bình đã soi chiếu tác phẩm của Faulkner dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

Thực tế ở Việt Nam chưa có công trình nào đi sâu tìm hiểu khảo sát nghệ thuật thời gian trong tác phẩm của William Faulkner. Thêm nữa, cuốn tiểu thuyết

Absalom, Absalom! cho đến nay chưa được dịch sang tiếng Việt. Chúng tôi cho rằng, đây sẽ là phần đóng góp của luận án.

Trong quá trình thực hiện, chúng tôi có sử dụng một số luận điểm, khái niệm công cụ từ luận án “Thời gian trong Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust” của nhà nghiên cứu Đào Duy Hiệp.

Một phần của tài liệu Thời gian trong Âm thanh và cuồng nộ và Absalom, Absalom! của William Faulkner (Trang 29)