7. Bố cục luận án
3.1. Khái niệm thời gian đồng hiện
Một trong những hình thức mở rộng giới hạn thời gian của truyện kể là đồng hiện thời gian. Theo Đặng Anh Đào: “trong dòng tâm tư, quá khứ, hiện tại, tương lai xuất hiện cùng một lúc như một dòng chảy, đó là hiện tượng mà người ta gọi đó là đồng hiện” [21,77].
Ở bài viết Đồng hiện trong văn xuôi, Lê Huy Bắc đã đưa ra thuật ngữ đồng hiện của các nhà nghiên cứu phê bình văn học trong nước như Hoàng Trinh, Phương Lựu, Đặng Anh Đào… là tập trung khai thác đồng hiện ở góc độ kỹ thuật và phương diện đồng hiện thời gian. Riêng ở nước ngoài, ông đã đưa thuật ngữ đồng hiện trong từ điển của Pháp như sau: “Với Từ điển lịch sử, chủ đề và kỹ thuật
văn học, các chuyên gia lý luận Pháp đã giới thuyết hai khái niệm. A. sự đồng hiện
(simultaneite) trong tác phẩm nghệ thuật là tương ứng với một đơn vị thời gian có nhiều đơn vị không gian. B. Phép đồng hiện (simultaneisme): + Xuất hiện đầu thế kỷ XX cùng lúc với đồng hiện ở hội họa (trường phái Lập thể) và âm nhạc (tại Mỹ với nhạc sĩ Charles Ives). + Phép đồng hiện được dùng như một kỹ thuật kết cấu tiểu thuyết nhằm giảm tốc độ những quy chiếu của không gian trong thời gian lịch sử “bằng cách” gợi nhớ lại các biến cố và hành động mà không trình bày mối quan hệ nhân quả của chúng. + Hiệu quả của phép đồng hiện: “khôi phục lại sự phức hợp đa thanh của hiện thực”, tạo tính khách quan cho tác phẩm, góp phần tạo nên đặc tính “phi thời gian” của Tiểu thuyết Mới” [6,45-46].
Ở tiểu thuyết có kết cấu dòng ý thức, sự đồng hiện thời gian đặc biệt được thể hiện rõ. Theo Đào Tuấn Ảnh: “Dòng ý thức là một trong những nguyên tắc tổ chức tác phẩm nghệ thuật, là phát hiện của nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa, thể hiện tham vọng của các nghệ sĩ tái dựng thế giới bên trong con người một cách chân thực” [2,47].
Todorov nhận xét thời gian trong tác phẩm tự sự gồm có hai kiểu: thời gian tuyến tính và thời gian lập thể. Với kiểu thời gian lập thể, theo ông thì sự kiện đồng hiện phải được trần thuật xen kẽ. Trong một số tác phẩm văn chương hiện đại, thời gian, thay vì là không gian, bị dát phẳng trên một mặt phẳng. Quá khứ và hiện tại cùng đồng thời xuất hiện trên một mặt phẳng thời gian duy nhất. Tác phẩm Ulysses
của James Joyce, Đất hoang (The Waste Land) của T. S. Eliot và Phiến khúc (Cantos) của Ezra Pound là các ví dụ minh họa cho nhận định này; và có lẽ Faulkner là người sử dụng thủ pháp này một cách mạnh mẽ nhất trong cuốn tiểu thuyết đầu tay Âm thanh và cuồng nộ.
Nhà văn thường sử dụng thủ pháp đồng hiện để phá vỡ trình tự các tuyến thời gian, từ một thời khắc của hiện tại lại mở ra dòng thời gian bất tận của quá khứ. Một trong những hình thức đồng hiện là đảo ngược, xen kẽ thời gian. Kéo theo sự trôi chảy của chuỗi kí ức và cả những mộng mị, hoảng loạn, câu chuyện cũng liên tục bị đứt quãng, dịch chuyển. Có thể nói, thời gian bị xáo trộn là kiểu thời gian trần thuật đặc trưng ở dạng truyện có độ nhòe của ảo giác, giấc mơ. Tổ chức thời gian đồng hiện theo kĩ thuật điện ảnh, trong một chừng mực nhất định, được xem như là chiến lược trần thuật của tác giả nhằm soi chiếu cặn kẽ con người hiện đại với nhiều chiều kích. Nhờ thủ pháp đồng hiện này, người kể chuyện có thể nối kết những chuyện thuộc về những khoảng thời gian khác nhau, rút ngắn thời gian kể...
Trong dòng tâm tư (dòng ý thức) của nhân vật, các chiều quá khứ – hiện tại – tương lai bị xáo tung, cái liên tục chỉ còn trong cảm nhận của bạn đọc khi họ xâu chuỗi lại những cái hỗn độn ngẫu nhiên của các mẩu thời gian. Nhà văn thường sử dụng thủ pháp đồng hiện để phá vỡ trình tự các tuyến thời gian, từ một thời khắc của hiện tại lại mở ra dòng thời gian bất tận của quá khứ.
Trong bối cảnh xã hội của thế kỷ XX, cùng với sự xuất hiện đồng hiện của hội họa lập thể của Picasso, tiểu thuyết cũng có những cách tân táo bạo về mặt mỹ học với cố gắng sử dụng kỹ thuật tỉnh lược nhằm thoát khỏi tính chất cồng kềnh từ lối viết của tiểu thuyết truyền thống. Faulkner vận dụng đồng hiện để phá vỡ cấu trúc tuyến tính của thời gian một chiều. Tác giả xem hành động tiểu thuyết như một cái cớ, một xuất phát điểm ở hiện tại để từ đó gợi lên những hồi ức, liên tưởng diễn ra tự do để có thể quay ngược về quá khứ hoặc dự báo về tương lai. Dòng ý thức của nhân vật ghi nhận vô số những ấn tượng từ sự tầm thường, điều tuyệt diệu đến các cảnh vật chóng nhạt nhòa hoặc khắc sâu những vết hằn vĩnh cửu. Tác giả lấy tinh thần con người làm đối tượng để phản ánh sự phong phú, điều chưa biết với dòng tư duy chưa hoàn kết; nỗ lực tiếp cận gần cuộc sống hơn, tái hiện trung thực và chính xác hơn những gì khiến ông quan tâm, cảm xúc. Muốn làm được điều đó, tác giả đã phải phớt lờ những kỹ thuật truyền thống vốn luôn được vận dụng ở các tiểu thuyết gia khác.
Khi nghiên cứu tác phẩm của Faulkner, ta thấy xuất hiện những sự kiện nhỏ nhặt, đan xen ngẫu nhiên trong tâm trí nhân vật theo trật tự phi lôgic. Điều đó đã làm cho độc giả trên thế giới và ngay ở Mỹ khi tiếp cận tác phẩm của ông cảm thấy rối rắm và khó hiểu, thế nhưng đó cũng là yếu tố làm nên sự độc đáo với kết cấu vẫy gọi trong tác phẩm của tiểu thuyết gia vĩ đại này.
Tổ chức thời gian phi tuyến tính cũng xuất phát từ quan niệm tiểu thuyết là một trò chơi. Với lối trần thuật này, thời gian bị đảo lộn, không còn theo trật tự tuyến tính của thời gian đời sống. Nhiều chuyện diễn ra sau lại được kể trước và ngược lại nhiều chuyện diễn ra từ trước, nhưng rất lâu sau đó người kể chuyện mới nhắc lại. Trần thuật theo kiểu đón trước và ngoái lại, vì vậy xuất hiện khá nhiều trong các tiểu thuyết đương đại.
Hình thức đồng hiện thời gian thường xuất hiện ở tiểu thuyết phân mảnh. Lúc này, những mảnh vỡ của đời sống được người kể chuyện ngẫu nhiên lắp ghép, khiến những chiều thời gian khác nhau có thể cùng tồn tại chủ yếu được kể lại theo thời gian tâm tưởng của nhân vật với những hoảng loạn, bất định của giấc mơ, của
vô thức. Nhiều yếu tố, sự kiện chỉ được người kể chuyện đề cập ngẫu nhiên, thông qua những chuỗi hồi ức, những giấc mơ của nhân vật.
Thời gian đồng hiện không phụ thuộc vào các sự kiện cho dù rời rạc hay nối tiếp mà chỉ phụ thuộc vào những mảnh vỡ của dòng tâm trạng, dòng liên tưởng. Những yếu tố mang tính chất tự sự, những hành động bên ngoài thường được giảm thiểu nhường chỗ cho những mạch cảm xúc, những dòng suy nghĩ triền miên. Ở dạng tiểu thuyết sử dụng kĩ thuật đồng hiện, thường có sự đan cài giữa thời gian trần thuật (gắn với người kể chuyện và điểm nhìn ngoài nhân vật) và thời gian câu chuyện – đã được tổ chức bằng những “quay ngược”, “đón trước” xoay quanh những hồi ức, những kỉ niệm, giấc mơ của chính nhân vật.
Tổ chức thời gian đồng hiện theo kĩ thuật dòng ý thức, trong một chừng mực nhất định, được xem như là chiến lược trần thuật của tác giả nhằm soi chiếu cặn kẽ con người hiện đại với nhiều chiều kích. Cách tổ chức thời gian đa tuyến chính là một thành tựu nổi bật của tiểu thuyết đương đại. Sự lắp ghép thời gian hiện thực, thời gian tâm tưởng và thời gian ảo làm cho hiện thực rộng hơn, hiện thực tâm hồn con người sâu hơn.
Trong Âm thanh và cuồng nộ, Faulkner đã tháo dỡ toàn bộ cốt truyện thành những mảnh ghép đầy chắp vá về nhân vật, sự kiện, không gian, thời gian. Trong bốn chương của tác phẩm được đặt với những ngày khác nhau. Truyện kể tập trung vào độc thoại nội tâm của ba nhân vật là Benjy, Quentin, Jason, riêng chương IV, người kể chuyện lại là chính tác giả. Nhân vật Caddy hoàn toàn vắng mặt trong tác phẩm, nhưng thông qua hồi ức của các nhân vật Benjy, Quentin, Jason thì nhân vật này lại hiện lên với chân dung hoàn chỉnh trong tính cách rất phức tạp do phân tán điểm nhìn qua các nhân vật. Bởi Caddy trong hồi ức của nhân vật này hiện lên sẽ khác với Caddy của nhân vật kia vì vậy nhân vật bị khúc xạ không còn nguyên phiến mà là những mảnh ghép pha tạp. Với hồi ức của Benjy, Caddy hiện lên với sự dịu dàng, nữ tính và thánh thiện; với Quentin, Caddy là hiện thân của đam mê đầy nhục cảm, của cái đẹp; với Jason thì Caddy là hiện thân của người đàn bà hư hỏng, là vết nhơ của dòng họ Compson…
Trong Absalom, Absalom! Faulkner cũng sử dụng kỹ thuật đồng hiện về mặt thời gian. Tuy nhiên, nếu ở Âm thanh và cuồng nộ kỹ thuật đồng hiện được thực hiện qua độc thoại nội tâm và dòng ý thức của từng nhân vật, cứ từ hiện tại một chút lại trở về quá khứ, vì vậy quá khứ không liên tục thành một dòng. Còn ở Absalom,
Absalom! đồng hiện lại được thực hiện thông qua hồi ức của nhiều người kể chuyện
Rosa, ông Compson, Quentin, Sherve, hồi ức đó xuôi chiều từ hiện tại trở về với quá khứ và trong quá khứ đó lại liên tưởng đến quá khứ của những nhân vật khác nữa, cứ thế truyện kể diễn ra, lấp đầy những khoảng trống trong tác phẩm và khi kết thúc dòng hồi ức thì người kể chuyện lại trở về với thời gian hiện tại. Thời gian hiện hữu đã đi qua, nhưng không đánh mất mà ngược lại đã thai nghén một cái nhìn rất sâu thẳm hơn trong tâm tưởng của các nhân vật về số phận không thể nào cứu rỗi được trong định mệnh của một con người. Như Faulkner từng nói, “Con người là tổng số quá khứ của họ”. Với thủ pháp đồng hiện, Faulkner đã sáng tạo nên kết cấu lắp ghép thông qua cả hai tác phẩm Âm thanh và cuồng nộ, Absalom, Absalom!
Thực hiện thời gian đồng hiện trong tác phẩm, Faulkner đã sử dụng một số biện pháp đồng hiện, bao gồm hệ thống nhân vật, được thể hiện bằng những tín hiệu như: ngôn ngữ, mùi vị, màu sắc, âm thanh, vật thể…
Về mặt ngôn ngữ, đó là những câu văn bị cắt vụn ra, rối rắm khó hiểu, phi cấu trúc ngữ, chỗ thì in đứng chỗ thì in nghiêng. Trong độc thoại nội tâm của Benjy cũng thể hiện sự dán ghép các mảng sự kiện theo trường liên tưởng.
“Chúng tôi men theo hàng rào và tới hàng rào khu vườn, nơi in bóng chúng tôi. Bóng tôi cao hơn bóng Luster trên hàng rào. Chúng tôi đến chỗ hàng rào bị gãy và chui qua. “Khoan đã”, Luster nói. “Cậu lại vướng vào cái đinh rồi. Hễ cứ chui qua đây là cậu vướng vào cái đinh ấy”.
Caddy gỡ cho tôi và cùng tôi chui qua. Cậu Maury bảo đừng để ai nhìn thấy mình, vậy tốt nhất là mình khom người xuống, Caddy nói. Cúi xuống Benjy. Trông này, như thế. Chúng tôi khom người xuống và băng qua vườn, nơi những đóa hoa sột soạt và quất ràn rạt vào chúng tôi. Đất cứng. Chúng tôi leo qua rào, chỗ đàn lợn ủn ỉn và khụt khịt. Chắc là chúng rầu rĩ vì một con bị làm thịt sáng nay. Caddy nói. Đất cứng và tung tóe và lổn nhổn.
Em cho tay vào túi đi, Caddy nói. Không thì cóng đấy. Đừng để cóng tay trong đêm giáng sinh.
“Ngoài kia lạnh lắm”. Versh nói. “Cậu đừng đòi ra ngoài ấy”. “Lại cái gì nữa”. Mẹ nói” [26,10-11].
Trong tâm tưởng của Benjy, thời gian thuộc về quá khứ không liên quan đến thời gian lịch biểu: “Trong ký ức bộn bề của hắn, có đủ những hình ảnh của những năm tháng đã qua đi, chỉ cần đụng đến một chút là hắn bỏ ngay hiện tại, quặt về với quá khứ” [86,45]. Như vậy, trong hồi ức của Benjy được khêu gợi qua sự tương đồng về mặt liên tưởng – liên tưởng hình ảnh, liên tưởng bối cảnh. Khi anh ta chui qua hàng rào, áo vướng phải cây đinh lập tức quá khứ sống lại với hình ảnh chị gái Caddy đi chơi với anh vào dịp giáng sinh và áo cũng bị vướng đinh, thời gian cách nhau gần 30 năm. Hiểu như vậy, chúng ta mới thấy hết sự phức tạp về mặt thời gian trong dòng ý thức của nhân vật Benjy.
Qua khảo sát chương I, trong dòng độc thoại của Benjy (ngày 7/4/1928) cho thấy, với 89 trang văn bản thì có đến 59 trang xuất hiện độc thoại nội tâm của Benjy (trang 10, 12, 13, 14, 15, 19, 20, 21, 25, 26, 27, 28, 29, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 42, 43, 45, 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58, 59, 64, 68, 69,70, 71, 74, 75, 76, 77, 78, 79, 80, 81, 82, 83, 84, 85, 86, 87, 88). Thông qua số liệu thống kê, cho ta thấy thời gian quá khứ đã lấn át hiện tại. Nhân vật Benjy thực sự đã sống với những kí ức ngày xưa. Sự trở về với miền ký ức đó, Benjy đã được đánh thức bởi sự gợi nhắc về những âm thanh, khung cảnh (suối nước, ngôi nhà…), ngọn lửa, tấm gương… Từ đó, thời gian đồng hiện diễn ra cùng lúc qua những không gian khác nhau, không gian thực và không gian tâm tưởng luôn đan xen, hòa lẫn tạo nên bức tranh tâm trạng với nhiều dáng vẻ khác nhau. Nhân vật Benjy đang bị quá khứ vây bủa và đắm chìm trong đó như chàng Narcis tự soi mình, yêu chính bản thân mình. Faulkner sử dụng thủ pháp đồng hiện để diễn tả những mảnh đời khác nhau của nhân vật Benjy, diễn tả những nỗi đau đứt đoạn, sự giằng xé, vật lộn, nỗi bất hạnh của chính nhân vật đó phải nếm trải. Đồng thời, thời gian đồng hiện gắn chặt với nhân vật, tạo ra một bức màn chắn mà nhân vật Benjy không thể giải
bày tâm trạng với người khác. Chính điều ấy, đã làm cho nhân vật của Fauklner rất cô đơn, nhân vật ôm trọn nỗi đau của nó không thổ lộ, không phô bày với bất cứ ai.
Kỹ thuật đồng hiện lại tiếp nối trong độc thoại nội tâm – dòng ý thức của Quentin. Nhà văn đã cố tình xây dựng nhân vật trong điểm nút của tâm trạng lúc chuẩn bị từ giã cõi đời. Với hoàn cảnh đó, nhân vật Quentin bị những cơn lốc của sự giằng xé nội tâm cuốn phăng lý trí của mình, nhân vật cố vùng vẫy trong ký ức, mộng mị và chìm đắm trong đó không vùng thoát ra được. Lúc này, nhà văn có thể làm một cuộc tra vấn đối với nhân vật để anh ta phô bày hết những ẩn ức trong vô thức mà lúc bình thường nhân vật đã cố chịu đựng, che giấu.
Dựa trên cứ liệu khảo sát, trong dòng độc thoại nội tâm của Quentin vào ngày 2/6/1910, chúng tôi thấy, với 123 trang văn bản (từ 90 đến 213) thì có đến 76 trang xuất hiện độc thoại nội tâm. Đặc biệt đối với nhân vật Quentin thì đã có mặt của kiểu độc thoại nội tâm – dòng ý thức thể hiện trên bề mặt ngôn ngữ. Dấu hiệu để nhận biết trên văn bản từ trang 177 đến 191 và trang 210 đến 212 không có dấu chấm câu tạo nên sự hỗn độn, thác loạn về mặt ngôn từ. Nó rất hợp với lôgic tư duy của một con người sắp cận kề tới cái chết, nên những giờ khắc cuối nhân vật chìm sâu trong vô thức, tiềm thức, thấm vào máu huyết, chi phối hành vi của nhân vật mà ý thức lúc này không còn can thiệp được. Đoạn văn dưới đây cho ta thấy rõ điều đó:
“… Chỉ có độc một người cụ truyền cho bí quyết ấy; đó là chúng ta đã làm làm sao anh biết điều đó là một tội lỗi chúng mình đã phạm một tội lỗi khủng khiếp không thể che giấu được đâu em tưởng là có thể nhưng hãy khoan