7. Bố cục luận án
2.3.3. Đoạn ngưng
Đoạn ngưng là những đoạn miêu tả dài mà trong đó không có hành động nào
được xảy ra. Ví dụ những đoạn miêu tả cảnh thiên nhiên. Thực ra, những ngừng nghỉ đích thực là khi người kể chuyện miêu tả một bức tranh “duy nhất chỉ nhằm mục đích đem đến thông tin cho độc giả của anh ta”. Trong Âm thanh và cuồng nộ, khi Quentin chuẩn bị tự tử có những chi tiết về cảnh vật rất đẹp mà đau buồn: “vòng xoáy nước vỡ ra nuốt teo một mảnh trời…”, “không khí loãng ra, nôn nao, đượm chút u buồn, luyến tiếc và thân quen”, “Trong vườn quả bầy ong nghe như một luồng gió thốc tới, như một thanh âm bất chợt lên cao dần và ngân dài…”, “tiếng đoàn tàu lặng dần, dường như nó đang chạy đến một tháng khác, hay một
mùa hè khác ở đâu đó, vội vã lao đi dưới những con hải âu treo mình lơ lửng” [26,144]. Trong Chương IV, để làm nền cho một ngày phục sinh, nhà văn cũng đã có đoạn ngưng mà ta thường gọi là trữ tình ngoại đề như: “Khoảnh khắc ngay trước cửa trơ trụi. Nó nhẵn bóng, như đã mài bằng gót chân trần của bao thế hệ, như đồng bạc cũ hay bức tường nhà đất trát bằng tay của người Mexico. Cạnh nhà là ba cây dâu, tỏa bóng vào mùa hè, những chiếc lá đã xanh mướt xòe ra êm ả như những bàn tay mềm mại lật trở theo từng luồng không khí. Một đôi chim giẻ không biết từ đâu đến, lượn vòng trong gió như hai mảnh vải hay giấy sặc sỡ rồi đậu xuống những cây đậu, nơi chúng chuyền qua chuyền lại và đấu khẩu bằng giọng khàn khàn rồi đứng yên, kêu rít lên, gió xé tiếng kêu khàn khàn của chúng từng mảnh như vải hay giấy. Rồi có ba con nữa nhập đàn chúng cùng nhau bay nhảy và cãi cọ trong đám lá cành xoắn xuýt, cùng kêu rít lên chói tai” [26,310]. Khi Dilsey cùng Benjy đi nhà thờ vào lễ phục sinh, Faulkner vận dụng đoạn ngưng thời gian như sau: “Con đường lại lên dốc, dẫn đến một cảnh trí như bức phông vẽ. Nó bị chặn ngang như một dải băng bị cắt, đâm thẳng vào một khu đất sét đỏ bao quanh bởi những cây sồi. Bên cạnh đó, ngôi nhà thờ dột nát vì mưa nắng với những tháp chuông kỳ cục vươn cao như một ngôi nhà thờ vẽ, và toàn bộ quanh cảnh trông dẹt và thiếu chiều sâu như một bức tranh đặt sát mép tận cùng của mặt đất, đối diện với không gian đầy nắng gió tháng tư và một buổi sáng muộn màng vang vọng tiếng chuông. Họ kéo nhau từng đám về phía nhà thờ đủng đỉnh cố tình của ngày Chủ Nhật… Nhà thờ được trang hoàng bằng những bó hoa lưa thưa hái ngoài vườn rau hay hàng rào, và những băng giấy xếp sặc sỡ. Phía trên bục giảng treo một quả chuông Giáng Sinh méo mó, cũng xứng với khung cảnh đổ nát xung quanh. Bục giảng còn trống, nhưng ca đoàn đã vào chỗ, phe phẩy quạt dù trời không nóng…” [26,339]. Trong toàn bộ tác phẩm Âm thanh và
cuồng nộ việc xuất hiện đoạn ngưng là cái mã nghệ thuật được nhà văn cài vào đó.
Có thể sự sáng tạo này là do ý thức hay là vô thức nhưng thường các nhà văn vĩ đại đều gặp gỡ nhau ở kiểu thi pháp này. Về mặt hình thức, chính những đoạn ngưng như vậy đã đem lại nhịp điệu khoan thai cho tác phẩm, kéo dài thời gian
truyện kể. Mặt khác, nhà văn sử dụng kiểu đoạn ngưng nhằm khắc họa nên tính cách nhân vật Dilsey một con người chân chất, phúc hậu. Nhà văn đặt điểm nhìn vào nhân vật Dilsey, một người lao động luôn gắn với nhịp thời gian vũ trụ của bốn mùa.Sử dụng kỹ thuật đoạn ngưng thời gian, Faulkner đã phản ánh được không khí phục sinh, ngày Chúa trở về đem tin lành cho cõi nhân gian. Từ điểm nhấn về đoạn ngưng thời gian, nhà văn buộc bạn đọc liên tưởng, so sánh với cấu trúc trong toàn bộ tác phẩm để tìm ra phức điệu đầy nhạc tính đã tạo nên Âm thanh
và sự cuồng nộ như tiêu đề tác phẩm đã đề cập. Phải nói rằn, những đoạn ngưng
thực sự mang lại chất thơ cho tác phẩm, Qua đó cho thấy, sức sáng tạo của nhà văn Falkner đã tạo nên ma lực cho tác phẩm, điều mà các nhà nghiên cứu, phê bình trên thế giới phải tốn biết bao giấy mực.
Với Absaloom, Absaloom! cũng có những quãng ngưng của thời gian: “Liệu nó
là mùa đông rồi mùa xuân và rồi mùa hè đã trôi qua và qua đi trong sự nối tiếp chậm chạp của những mùa trong năm… là mùa xuân bây giờ là mùa hè và họ di cư về phía cái nơi mà họ chưa từng thấy và chưa bao giờ có ý niệm gì về nó, chỉ một mình muốn đi tới… ngoại trừ người cha luôn vô cảm đã làm một chuyến hải trình dài theo sau bởi những con rắn… rồi di chuyển đến xứ sở tĩnh lặng của họ, ngạc nhiên về sự thay đổi của những khuôn mặt và không gian… những đàn bò và đàn chó bây giờ trở thành những xóm, thôn, những xóm thôn trở thành những ngôi làng, những ngôi làng thành những thành phố và đất nước được san phẳng ra bây giờ với những con đường đẹp những cánh đồng và người da đen làm việc trên cánh đồng đó trong khi người da trắng thì ngồi trên lưng ngựa và cưỡi chúng…” [120,87]. Đó là
đoạn ngưng tạo nên sự mơ hồ, bí ẩn bao phủ nguồn gốc gia đình của Thomas Sutpen.
Chi tiết này kết hợp với cuộc đời nhiều uẩn khúc của Sutpen đã tạo nên một nhân vật như trong huyền thoại. Sutpen là biểu tượng cho những người Nam Mỹ đi mở cõi.
Đoạn ngưng không thể hiện những biến cố trong truyện kể cho nên những suy tư thầm kín của nhân vật không phải là những đoạn ngưng đích thực vì nó không tạm dừng những biến cố trong truyện kể.
Tiểu kết
Trong Chương 2, luận án đi sâu nghiên cứu vấn đề thời gian phi tuyến tính trên các cấp độ cụ thể: lối đón trước, lối ngoái lại và trình bày các thủ pháp tỉnh lược, vắn tắt, đoạn ngưng thuộc cấp độ thời lưu của tác phẩm. Chúng tôi nhận thấy, Faulkner đã vận dụng các cấp độ thời gian đậm nhạt khác nhau trong tác phẩm nhưng đều mang lại hiệu quả thẫm mỹ và chuyển tải những bức thông điệp về con người và thời đại . Thông qua các cấp độ thời gian, ông đã tạo ra một kết cấu độc đáo cho tác phẩm. Ông từng nói kết cấu Âm thanh và cuồng nộ là một “kết cấu thất bại” song chính kết cấu thất bại đó đã đưa ông lên đến hàng những nhà văn hiện đại bậc nhất thế giới.
Các cấp độ thời gian này đều chảy theo lôgic tư duy. Thời gian nội tại của nhân vật gần như bất động, chúng được chủ quan hóa, cá biệt hóa cao độ. Bằng việc vận dụng kỹ thuật viết sáng tạo, Faulkner đã tạo nên nhiều sắc thái khác nhau của diễn biến thời gian. Vận dụng các thủ pháp đón trước, ngoái lại, tỉnh lược, vắn tắt, đoạn
ngưng, Faulkner đã tha hồ kéo giãn thời gian cốt truyện, thời gian văn bản nhưng
làm co lại thời gian sự kiện, cố tình tạo ra độ lệch về thời gian. Vấn đề này, thực sự mang lại không khí lạ hóa cho tác phẩm, dành cho các bạn đọc sự liên tưởng, so sánh, chiêm nghiệm và đồng sáng tạo.
Tuy nhiên, trong những thủ pháp trên thì thủ pháp ngoái lại thời gian được Faulkner sử dụng nhiều hơn, cho cả tác phẩm Âm thanh và cuồng nộ lẫn tác phẩm
Absalom, Absalom!. Chính điều đó đã mang lại không khí hoài niệm luôn hiển hiện
trong tác phẩm. Và, những nhân vật của Faulkner như luôn mang trong mình những mặc cảm, những hoài nhớ khôn nguôi về quá khứ. Trong tác phẩm văn học, hình thức bao giờ cũng mang tính quan niệm, với thủ pháp ngoái lại, Faulkner đã khắc họa thành công khi đề cập đến nét đẹp truyền thống của miền Nam nước Mỹ đang dần bị mai một vì nền công nghiệp hiện đại; nét đẹp đó được ẩn dụ sâu sắc trong hình tượng Caddy, Dilsey của Âm thanh và cuồng nộ, hay trong hình tượng Rosa Coldfied của Absalom, Absalom! .
Việc vận dụng cấp độ ngoái lại , Faulkner đã làm cho tiểu thuyết thoát khỏi sự cồng kềnh của kết cấu thời gian truyện kể, kéo dài thời gian cốt truyện, thời gian văn bản. Chính việc ngoái lại đã mang lại tính thẩm mỹ cho truyện kể, chiều sâu tâm tưởng cho mỗi hình tượng nhân vật. Mỗi nhân vật của Faulkner có điểm nhìn riêng, có cá tính riêng độc đáo được biểu hiện ngay và trong thời gian. Đứng trên quan điểm triết học, Faulkner đã đề cập đến vấn đề muôn thuở của hiện sinh: thời gian luôn là nỗi ám ảnh lớn của con người, con người luôn nỗ lực thoát khỏi thời gian nhưng điều đó chỉ mang lại sự bất lực, vấn đề sinh tử luôn tuân theo quy luật của thời gian. Trong hai cuốn tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ; Absalom,
Absalom! của Faulkner, thời gian luôn là nỗi bất hạnh cho các nhân vật. Nhân vật
thường trực sống trong thời gian của ký ức, của hoài niệm về quá khứ . Phải chăng, chỉ có con người mới nhận biết quá khứ, đó là điều kỳ diệu, nếu một ai không còn nhớ đến quá khứ thì đồng nghĩa với cái chết. Thời gian ra đời cùng với loài người, các nhà hiền triết luôn đặt ra câu hỏi, con người từ đâu tới và con người sẽ đi về đâu? Trong tác phẩm văn học, các nhà văn hiện đại cũng nỗ lực đi tìm thời gian cho truyện kể, điều đó vừa cách tân về mặt hình thức của tác phẩm cũng vừa thể hiện được con người với tất cả chiều sâu tâm tưởng như nó vốn có.
Qua việc phân tích các cấp độ thời gian, ta thấy tác phẩm của Faulkner tồn tại như một ẩn dụ. Bên cạnh đó, thông qua các cấp độ thời gian, nhà văn giúp người đọc tìm hiểu đời sống nội tâm phức tạp và đầy bất ổn của con người hiện đại nói chung trước những đổi thay chóng mặt của thế giới hiện đại. Nhà văn Faulkner đã vận dụng thời gian phi tuyến tính trong truyện kể nhằm tạo nên nhịp điệu thời gian cho tác phẩm. Đồng thời, thời gian phi tuyến tính cũng thể hiện được sự phức tạp của thời gian truyện kể với những gam màu đầy nghệ thuật.
Chƣơng 3. THỜI GIAN ĐỒNG HIỆN
Thời gian đồng hiện là nền tảng của lối viết dòng ý thức. Nhờ thủ pháp này mà nhà văn có thể tái hiện trong cùng lúc nhiều sự việc, sự vật diễn ra tại các không gian và thời gian khác nhau. Trong sự gắn kết với Thời gian biên niên và Các cấp độ thời gian, chương này luận án đi sâu nghiên cứu thời gian đồng hiện với hai nhiệm vụ chính sau: Tìm hiểu khái niệm thời gian đồng hiện và khảo sát các cấp độ thời gian đồng hiện. Qua đó, khẳng định thêm nữa những đóng góp thiên tài của Faulkner về kỹ thuật thời gian.