Thể loại tiểu thuyết trong sự nghiệp của Haruki Murakami

Một phần của tài liệu Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết Rừng Nauy của Haruki Murakami (Trang 37)

6. Bố cục luận văn

1.3.1.Thể loại tiểu thuyết trong sự nghiệp của Haruki Murakami

Không chỉ được coi là một tượng đài của văn học đương đại Nhật Bản, Haruki Murakami còn là nhà văn nổi tiếng khắp thế giới. Văn học Nhật Bản coi sự xuất hiện của Murakami như một cột mốc đánh dấu bước chuyển biến của một nền văn xuôi hiện đại: giai đoạn trước Murakami và sau Murakami. Tên tuổi nhà văn cùng những tác phẩm best-seller của ông đã thực sự trở thành hiện tượng gây rung động trên văn đàn Nhật Bản và thế giới. Nhiều nhà văn Nhật thế hệ sau đã học tập phong cách tiểu thuyết của Murakami và coi ông là thần tượng của mình. Có thể nói, sự xuất hiện của Haruki Murakami đã tạo ra “hiệu ứng” trong nền văn học Nhật Bản. Tác phẩm của ông, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết đã chinh phục một lượng độc giả khổng lồ trên khắp thế giới, nhất là giới trẻ.

Khởi nghiệp từ năm 1979 với tiểu thuyết đầu tay Lắng nghe gió hát, Xứ sở lạnh lùng và nơi tận cùng thế giới (1985), Rừng Na-uy (1987), Phía nam biên giới phía Tây mặt trời (1992). Biên niên ký chim vặn dây cót (1995),

Người tình Sputnik (1999), Kafka bên bờ biển (2002), gần đây nhất là hợp tuyển Bí ẩn Tokyo (2005) và IQ84 (2009),… Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của những tập truyện ngắn nổi tiếng: Con voi biến mất, Cây liễu mù, Người đàn bà ngủ,… Tuy nhiên, xét trong chỉnh thể văn nghiệp của Murakami, truyện ngắn không phải là thể loại chiếm ưu thế và có vai trò quan trọng. Vị trí ấy thuộc về tiểu thuyết.

Cứ mỗi một tác phẩm ra đời, Haruki lại ngay lập tức nhận được sự yêu mến, trông đợi của độc giả. Ông đã trở thành nhà văn quan trọng nhất ở Nhật Bản và trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, “cơn sốt” Murakami thể hiện sự quan tâm, đánh giá cao của giới phê bình nghiên cứu, của độc giả Việt Nam đối với “người kể chuyện” bằng trí tưởng tượng và huyền thoại bậc thầy này.

Phải khẳng định rằng tiểu thuyết của Haruki Murakami chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi kĩ thuật viết văn phương Tây và không nhiều mối liên hệ với văn học truyền thống Nhật Bản (đó là cảm nhận ban đầu của không ít độc giả). Các nhà phê bình đã cố gắng chỉ ra rằng tiểu thuyết này là một hỗn hợp gồm có: Sophocles, phim kinh dị, truyện tranh Nhật Bản, cả yếu tố kì ảo, hoang đường của M. Bulgakov, của Franz Kafka… Đây là điều không ai có thể phủ nhận. Các nhà văn lớn của Nhật Bản như Kawabata, Tanizaki,… và đến Murakami đều xác nhận mình chịu ảnh hưởng của văn chương phương Tây. Tác phẩm của họ mang nhiều dấu ấn của lối viết văn siêu thực, kì ảo, dòng ý thức… Giới phê bình văn học phương Tây, thậm chí cả các nhà phê bình gạo cội Nhật Bản cũng cho rằng: văn chương Murakami không có màu sắc Nhật Bản, là “xa rời truyền thống” và “nặng mùi bơ” (Kenzaburo Oe).

Sở dĩ Murakami có thể đến với tiểu thuyết một cách hoàn toàn tự nhiên một phần còn do những đặc điểm mỹ học của thể tài. Về nguyên tắc, tiểu thuyết luôn trong quá trình hình thành. Nó không bị cứng lại trong những quy phạm có sẵn. Tiểu thuyết là một thể tài tự do, các tài liệu nghiên cứu các nước phương Tây cũng như ở nước Nga xô-viết trước đây đều nói như vậy. Còn ở Trung quốc, người ta nói rằng tiểu thuyết cần phải dã sinh, tức là có một cuộc sống của các loại cây cỏ ngoài đồng chứ không phải thứ hoa trồng trong lồng kính. Chắc chắn Murakami không hề biết những lý luận ấy, hoặc giả không quan tâm đến những lý thuyết ấy, nhưng cái tinh thần của nó thì ông cảm thấy một cách đầy đủ và rất thạo trong việc khai thác. Đằng sau

cái vẻ đạo mạo của một người thuộc loại con nhà gia giáo, nhà văn Nhật ấy luôn toát ra cái vẻ bất cần kỳ lạ. Hoặc nói cho sang, ở Murakami có một nhu cầu tự do nhất định, loại nhu cầu này là của chung của mọi thời kỳ lịch sử và đến xã hội hiện đại càng được khuyến khích. Mặc dù tự do nói ở đây được hiểu theo nghĩa đơn giản và có nhiều phần dung tục, song dẫu sao vẫn là nó, thứ tự do nó làm cho con người ta thêm tự tin ở mình.

Trở lại với tác phẩm đầu tay Lắng nghe gió hát (1979), nhiều yếu tố căn bản tạo nên những tác phẩm sau này của Murakami cũng đã hình thành; phong cách phương Tây, kiểu hài hước thâm thúy và nỗi nhớ quê hương sâu sắc. Một năm sau, ông viết cuốn Pillball-1973 rồi Săn cừu hoang. Năm 1987, với câu chuyện thời quá khứ, mất mát và tính dục, Rừng Na-uy đã gây ra một cơn địa chấn lớn đưa Murakami trở thành một tiểu thuyết gia tinh tế nhất thế giới. Rõ ràng chính Rừng Na-uy chứ không phải bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào khác, đã đưa tên tuổi của Murakami lên tầm thế giới. Để rồi từ đây nối tiếp những chuỗi dài thành công mà ông đạt được trong sự nghiệp văn chương của mình. Xin được minh chứng cho điều ấy:

- Năm 1979, Haruki Murakami nhận giải thưởng Nhà văn mới Gunzo với tiểu thuyết đầu tay Lắng nghe gió hát.

- Năm 1982, với tác phẩm Săn cừu hoang, ông nhận giải thưởng nhà văn mới Noma.

- năm 1985, Xứ sở kỳ diệu bạo tàn và nơi tận cùng thế giới ra đời đã mang đến cho Murakami giả thưởng văn học Tanizaki.

- Năm 1987, sau sự xuất hiện của Rừng Na-uy, Murakami trở thành nhà văn Nhật Bản được yêu thích nhất trên toàn thế giới.

- Năm 1995, Biên niên ký chim vặn dây cót đã mang lại cho nhà văn giải thưởng Yumiuri.

- Vào năm 2006. Murakami trở thành nhân vật thứ sáu nhận giải thưởng Franx Kafka của cộng hòa Séc cho tác phẩm Kafka bên bờ biển. Và cũng năm này, ông nhận giải thưởng O’Connor – một trong những giải thưởng văn học quốc tế có uy tín nhất trên thế giới.

- Năm 2009, ở tuổi 60, nhà văn đoạt giải Jerusalem – giải thưởng cao nhất của Israel tôn vinh các nhà văn nước ngoài…

Qua đó có thể thấy, thể tài tiểu thuyết có vai trò to lớn và ảnh hưởng quan trọng đến toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Murakami. Từ đó có cái nhìn khái quát về phong cách nghệ thuật, xác lập những đặc điểm thi pháp cơ bản trong sáng tác của nhà văn. Đây là những tiền đề cho sự xuất hiện kiểu nhận vật kiếm tìm. Ở tiểu thuyết của Haruki Murakami, cùng những trăn trở của đất nước và thời đại, tác phẩm của ông ngày càng khơi sâu, khơi đúng vào những địa tầng phức tạp của tâm hồn con người. Chính vì vậy, nó trở nên hiện thực hơn, nhân bản hơn, phong phú đa dạng hơn và cũng hiện đại hơn. Tất cả những điều đó vừa là để khẳng định vị trí then chốt của tiểu thuyết trong sự nghiệp của Murakami. Chừng nào nhân loại vẫn khát khao đi tìm câu trả lời cho sự tồn tại của kiếp nhân sinh, khát khao tự do, khát khao kiếm tìm những cá tính nghệ thuật độc đáo… chừng đó tiểu thuyết của Murakami vẫn là “một thứ gây nghiện của loại văn chương tuyệt hảo nhất”.

Một phần của tài liệu Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết Rừng Nauy của Haruki Murakami (Trang 37)