Về niên biểu của Rừng Na-uy

Một phần của tài liệu Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết Rừng Nauy của Haruki Murakami (Trang 83)

6. Bố cục luận văn

3.1.1. Về niên biểu của Rừng Na-uy

Rừng Na-uy của Haruki Murakami là hồi ức về quá khứ của một chàng trai bất chợt lắng nghe ca khúc mà người yêu quá cố của chàng yêu thích nhất. Ngay lập tức ký ức mang anh trở về hai mươi năm trước. Tính chất hồi cố đã chi phối giọng điệu, tạo ra một kiểu thời gian chồng chéo, đan cài vào nhau trong dòng chảy gần như dòng ý thức triền miên trong suốt hơn 500 trang sách. Truyện có thời gian cốt truyện từ khi Toru Wantanabe học lớp Sáu trung học đến khi Kizuki chết, Naoko bước sang tuổi hai mươi và trở nên “méo mó”, Toru đến Tokyo, Naoko tìm đến khu an dưỡng Ami, Midori xuất hiện, Naoko tự vẫn, Toru ngủ với Reiko và tìm được tình yêu đích thực với Midori khi đó chàng hai mươi tuổi (lược bỏ đoạn thời gian sau vì không được kể trong truyện, không tham gia vào tiến trình diễn biến chuyện) tất cả khoảng 3 năm sự kiện.

Trên trục thời gian đó, niên biểu đã xảy ra những biến cố lớn xoay quanh nhân vật chính Toru Wantanabe: Toru và Naoko gặp nhau, Kizuki tự tử, Toru bỏ đến Tokyo, họ gặp lại nhau, tình yêu thầm lặng, Naoko đến khu an dưỡng Ami, đến thăm Naoko, Midori xuất hiện, bố Midori mất, Naoko tự tử, Toru bỏ đi lang thang rồi quay trở về Tokyo, gặp Reiko rồi ngủ với chị,… Từ những sự kiện đó chàng nhận ra tình yêu đích thực của đời mình.

Thời gian văn bản khoảng hơn 500 trang (505 trang bản dịch của Trịnh Lữ) cho một cốt truyện kéo dài khoảng trên dưới 3 năm. Như vậy ta có tỉ lệ

168 trang/1 năm sự kiện. Tốc độ kể như vậy là chậm chạp và đậm đặc sự kiện, biến cố mà cách nhân vật hành trình tạo ra. Nhịp kể thiên về dòng hồi tưởng, ký ức. Từ đó có thể thấy nhịp kể của truyện không liền mạch và chứa đựng rất nhiều trăn trở. Có thể coi đó là một cốt truyện “nổi” niên biểu trên cái phần chìm của “tảng băng trôi”: đời sống tinh thần, những hồi ức, kỉ niệm, sự kiện, bước rẽ, tai biến, mất mát, chia tay, đau khổ, hạnh phúc, hoan lạc, mộng mị,… và cả cái chết. Chính cái cốt truyện như thế đã làm nên linh hồn cho cái phần bên trong tác phẩm, khiến nó trở nên đặc biệt hơn trong “cái buồn đau của sự thiếu vắng lý tưởng và kinh hoàng bởi sự sung túc đột ngột. Bởi lẽ, trong cái nước Nhật của ông, cái xưa cũ đã bị tàn hủy, thay thế vào đó một thứ hổ lốn xấu xí và vô nghĩa, và chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo”[20; tr.1]. Trong chiều sâu hun hút của tiềm thức, nỗi đau, buồn phiền, đã bật ra chất nhạc, niềm suy tưởng, triết lý về cuộc đời, về lẽ sống – sự chết, và tình yêu vĩnh cửu. Cuốn tiểu thuyết mặc nhiên đã song song tồn tại hai trục thời gian niên biểu: trên bề nổi với những chỉ dẫn cụ thể về năm tháng và dưới phần chìm là thời gian trải nghiệm, thời gian của hồi ức, sự kiện (nó cứ trải ra và nhuốm đẫm màu thời gian theo chiều dài văn bản). Theo nguyên lý tảng băng trôi “Bẩy phần chìm một phần nổi. Một phần nổi là một hiện tại đang vật vờ – phương tiện duy nhất cho phép thời gian bước đi; phần còn lại

chìm trong quá khứ còn mồn một, tươi rói của tuổi mười chín không sao xóa nhòa được song song tồn tại trong con người Toru. Rừng Na-uy chia tách thời gian quá khứ và hiện tại không rành mạch, nó đan móc vào nhau giống như việc Murakami để cho hai hình ảnh Naoko và Midori ẩn hiện quanh cuộc đời của Toru vậy. Những ám ảnh đó tồn tại trong ngôn ngữ, thói quen, lối sống, hành động của những nhân vật kiếm tìm, nó khiến nhân vật mất phương hướng và mục đích. Thời gian văn bản dày đặc với mật độ hơn 500 trang cho một cốt truyện 3 năm. Tính chất hồi cố, trăn trở “như một dòng thác vọt ra từ khe đá” đong đầy trong nhịp kể và ở đó thời gian truyện kể luôn lấn át thời gian sự kiện.

Như vậy, có thể thấy ở đây niên biểu mang tính chất lịch sử rõ rệt, những năm tháng cụ thể : Năm thứ Sáu trung học; Tôi mười tám tuổi và là sinh viên năm thứ nhất; lúc mười hai giờ rưỡi, sáng thứ Hai, sáng thứ Sáu; chiều thứ Bẩy, giữa tháng Tư Naoko tròn hai mươi tuổi; trong những ngày hè; cuối tháng Năm; đầu tháng Bẩy,… chi chít những chỉ dẫn cho bước đi của thời gian không cần quy chiếu cho những điều được kể trong truyện.

Nhưng đáng lưu ý đó chỉ là những chỉ dẫn bất chợt về thời gian mang tính ngẫu nhiên của ký ức: đêm đó, mùa xuân ấy – một mùa xuân kỳ lạ; lâu lâu một lần; … tất cả đều vu vơ, buồn rầu, nhớ nhung và hoài niệm.

Niên biểu trong Rừng Na-uy thực ra không khó nhận ra nhưng đã bước đầu phá vỡ trật tự niên biểu, phá vỡ cấu trúc thời gian tuyến tính để phù hợp và logic với hồi ức và kỷ niệm. Hơn nữa, Murakami là người đã chịu ảnh hưởng rất lớn của tiểu thuyết hiện đại phương Tây khi thời gian nằm trong tầm nắm bắt của con người, nhà văn chỉ ra trạng thái bất phân của nhân vật trước thực tại cuộc sống và nhiệm vụ kiếm tìm của mình.

Một phần của tài liệu Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết Rừng Nauy của Haruki Murakami (Trang 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)