5. Cấu trúc của luận văn
3.2.4. Không gian căn phòng
Không gian gia đình - căn phòng của nhà văn Nguyên Hồng được Tô
Hoài nhắc tới nhiều lần trong Cát bụi chân ai. Sau khi hòa bình lập lại gia đình
Nguyên Hồng về Hà Nội, về thủ đô. Một sự thay đổi lớn đối với cả gia đình nhà văn. Từ một nơi có bãi đất rộng “bãi Nghĩa Dũng” về một nơi phải ở nhà thuê “Về Hà Nội, Nguyên Hồng và vợ con thuê cái gác hai một nhà ở phố Miriben cũ bên cạnh viện Mắt gần chợ Hôm. Nhớ những lần Nguyên Hồng rủ đến chơi nhà thường vào buổi chiều thứ bảy. Dựng xe đạp cái sân chung nhớp nháp nhà dưới rồi lên gác. Nhà một buồng lủng củng ba lô, tay nải. Chẳng khác trước kia ở dưới bãi Nghĩa Dũng. Chỉ thêm trẻ con chạy ra chạy vào lít nhít rối cả mắt” [8;47]. Hai cảnh không gian đối lập, giữa cảnh rộng rãi, thoáng đãng với cảnh nhỏ hẹp, khép kín, chật chội lại nhớp nháp. Điều đó càng bộc lộ cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của gia đình Nguyên Hồng. Căn phòng ở gác hai của Nguyên Hồng không đủ rộng cho khách ngồi. Mỗi lần khách đến chủ
nhà phải “lui cui dẹp quanh”. Khách “ngồi tựa vào tường trông ra chằng chịt dây điện ngoài cửa sổ, lá xà cừ rụng bay rào rào” [8;48]. Mặc dù căn phòng có chật chội, nhưng ở đó có sự ấm cúng, gần gũi, thân tình, không lạ lùng xa cách. Nguyên Hồng rủ Tô Hoài đến chơi nhà, không phải chiều thứ bảy, vẫn là cái món chả giò với nhân nhau thai băm với mộc nhĩ. Lần thứ hai căn phòng của gia đình Nguyên Hồng được tác giả miêu tả “Căn gác mọi khi” chật chội, bề bộn. Các con của nhà văn mỗi đứa một việc ‟Các cháu, đứa bổ củi, đứa xuống nhà rửa rau, đứa ngồi học cạnh cửa sổ. Người trong phòng bề bộn hơn đồ đạc”. Vợ Nguyên Hồng thì “gầy leo khoeo chớm bệnh hen” nhưng rất chu đáo với bạn của chồng. Chị ấy đương lúi húi rán chảo nem trên hỏa lò than cám. Chị đi làm về, “sao hàng sách đóng cửa sớm thế” - tôi hỏi. Chị cười nhẹ nhàng, không trả lời câu hỏi mà sau tôi mới hiểu” [8;110].
Bằng cái nhìn khách quan, Tô Hoài đã ghi lại diễn biến sự việc thật bất ngờ. Trong căn phòng chật chội của gia đình nhà văn Nguyên Hồng lúc này đã khác so với những lần trước Tô Hoài đến thăm. Bề ngoài mọi sinh hoạt dường như vẫn giống mọi khi, chị ấy vẫn ngồi rán nem, con cái đứa vui đùa, đứa làm phụ giúp việc nhà nhưng thực chất đồ đạc đã gói ghém chuẩn bị một cuộc di chuyển ‟Gian phòng vẫn bề bộn màn mùng như mọi khi. Nhưng để ý thấy thì có khác. Mọi thứ đã được gói, buộc lại như dạo trước tôi đã quen mắt thấy sáng sớm các thứ trong các nhà sắp sẵn để quẳng ra bờ rào tránh máy bay” [8;118]. Nguyên Hồng về Nhã Nam thật. Quyết định của Nguyên Hồng đột ngột quá, không mấy ai dám nghĩ, dám làm. Trở về Nhã Nam, Nguyên Hồng lại sống ở ấp Cầu Đen. Có lẽ ít người có được quyết định như Nguyên Hồng. Khi lòng tự trọng bị tổn thương, Nguyên Hồng sẵn sàng từ bỏ trở về chốn cũ. Ở Nhã Nam căn nhà Nguyên Hồng tuy đã được sửa chữa nhưng cũng còn rất
chật hẹp: “Hồi ấy, được tiền bản quyền bộ tiểu thuyết Cửa biển, Nguyên Hồng
nhà ở chỗ cũ, nền đất, sân đất, được bó hàng gạch thềm. Dui mè xoan lẫn tre ngâm có chắc chắn hơn. Mái tranh được thay ngói và bức tường hậu đã xây gạch thay tường đất trình khác hẳn. Ngói tây không lót, mùa hè nóng phải biết. Tường mới mà đã thấm nước mưa hoen ẩm lem nhem. Bàn viết vẫn kê dưới nhà ngang - chỉ là cái chõng tre và chiếc chiếu. Nguyên Hồng trải chiếu ngồi khoanh chân xếp bằng, tập giấy, lọ mực, cái bút sắt đặt trên mặt chõng” [8;121]. Tuy căn nhà có phần rộng rãi, thoải mái hơn nhưng nơi làm việc của Nguyên Hồng thật đơn sơ - chỉ là cái chõng tre và chiếc chiếu. “Dinh cơ mới” tuy có rộng rãi hơn, mọi thứ cũng đã được sửa sang nhiều nhưng vẫn không giấu nổi sự đạm bạc, nghèo khổ của bản thân và gia đình nhà văn. Bởi “Tường mới mà đã thấm nước mưa hoen ẩm lem nhem”. Và như “chị Hồng” nói thì “Mưa to, mái hắt, tường thấm nước, mà nắng thì nóng ơi là nóng” [8;124] . Nhưng dù cuộc sống có khó khăn đến thế nào thì sự chuẩn bị để viết của Nguyên Hồng vẫn rất kỹ càng, từ tốn và điềm đạm. Ngôi nhà ấy, nơi Nguyên Hồng sống và viết tuy còn tồi tàn, ẩm thấp nhưng không ảnh hưởng đến sức sáng tạo dồi dào và ý thức tâm huyết đối với nghề cầm bút của nhà văn Nguyên Hồng.
Tô Hoài không chỉ đề cập đến căn phòng của Nguyên Hồng mà còn nói
tới căn phòng của Nguyễn Tuân “Bè bạn cho Nguyễn Tuân mượn một buồng gác có thể trước là nơi ở của thằng tài thằng xe, tầng dưới để xe, giờ trống hốc thẳng ra cửa bên. Một thang gác gỗ nhấc đi được dựng đứng góc buồng, người trèo lên rồi xập mảnh ván xuống, hệt cái bẫy chuột” [8;147]. Căn phòng có nhếch nhác như Nguyễn Tuân lại mặc kệ cái sự đời “Ở cái sân sau dưới cửa sổ kia - Nguyễn Tuân nói, tối nào chúng nó cũng tập võ, tập súng khuya lắm. Hình như đánh bốc, đấu gươm, bóp cò tanh tách, ném lựu đạn chai lọ vỡ loang choang. Trên buồng, mình nằm võng mơ màng, rồi ngủ, mặc kệ” [8;148].
Lần đầu tiên trong tác phẩm có những trang tả “nội thất”, nhà ở Nguyễn Tuân, mà lần này tác giả đến thăm một “ngày thu se se lạnh, từng làn gió nửa rải đồng, nửa heo may rạt rào vào đầu tường. Có gió hiu hiu này, ở ngoài đồng chắc thơm đượm mùi lúa cốm đương gặt. Những ngày vào thu ngắn ngủi đáng yêu” [8;289]. Tô Hoài đã mô tả những chi tiết nhỏ nhất của căn phòng: những đồ vặt vãnh, những kỉ niệm nhỏ nhoi, nhặt nhạnh từ các chuyến đi, đến từ bè bạn, đầy chai lọ rỗng, chiếc quạt nan, cái đèn Hoa Kỳ ‟Tủ sách, giá sách và dãy chai lọ rỗng không nhãn các loại rượu ngon các nước…Chiếc quạt nan, cái đèn hoa kì đặt trong vỏ hộp lon bia và cây nến đỏ…Bây giờ thêm cái nạng thương binh dựng canh ngoài hàng hiên, lủng củng dẫy vỏ chai sâm banh, bia hộp, vang dâu dưới bóng dây thiên lý leo trên lan can…” [8;287-288]. Tất cả như “mọi đồ vật tàn tật, buồn bã, mệt mỏi” [8;287]. Giống như cái tâm sự nát lòng của con người vốn khỏe đi ‟Đi đâu, đã không còn bay nhẩy được, giờ đây thêm cái day dứt, cái bực bội của con người ngày ngày quanh quẩn mở đóng cửa sổ”, mà “hai cái chân đã rỗng cả ống của con người vốn khỏe đi ấy gây khó dễ cho cái sự ngại đi, xóa mờ cả tấm lòng sông hồ rồi” [8;294]
Lần cuối gặp Nguyễn Tuân để khoe “một chuyến đi còm nhưng thú vị”, nghe bước chân “khó nhọc, nặng nề, tiếng chống gậy lưa thưa rời rạc” rồi nhìn thấy Nguyễn Tuân bước vào, “mặt bơ phờ tía tím” rồi ngả lưng, hai tay buông xuống mặt phản. Tô Hoài không dám nói sắp đi Cát Bà: “Ngẩn ngơ nhìn quanh rồi tôi lặng lẽ ra về”.
Từ mấy dòng trên chỉ còn hơn một trang là đến kết thúc, đột ngột như tin Nguyễn Tuân mất đến với Tô Hoài:
“ Buổi sáng mọi người đến bảo Đào Vũ và tôi:
- Đêm qua nghe đài báo Nguyễn Tuân mất rồi” [8;296]
Nguyễn Tuân đã ra đi trong chính căn phòng của mình. Căn phòng đã in đậm bao dấu ấn, bao kỉ niệm của nhà văn.