5. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. Không gian lịch sử
Trong hồi ký Cát bụi chân ai không gian được nhà văn nhắc tới rất
nhiều là không gian “cái dốc ngã sáu Hàng Kèn”. Đó là không gian của những sự kiện lịch sử đồng thời là không gian dành cho sự hồi tưởng của tác giả: “Những năm trước 60, cái dốc ngã sáu Hàng Kèn ban đêm thanh vắng lắm. Những cây sấu, cây sữa cũng chưa như mấy năm sau phải một trận bom Mỹ đánh sập hai ngôi nhà và mấy gốc cổ thụ. Bờ hè dưới hai hàng cây hiu hắt khơi lại cảnh xưa cũ, còn cái bờ tường đắp dòng chữ xi măng nổi Phúc Đình cha, tên hiệu thuốc sốt rét nổi tiếng một thời” [8;8]. Chỉ vẻn vẹn trong mấy dòng chữ, người đọc đã thấy được sự đối lập trong cùng một không gian giữa hai khoảng thời gian khác nhau. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đất nước ta lại đối đầu với đế quốc Mỹ. “Cái dốc ngã sáu Hàng Kèn” – nơi không còn được bình yên và “thanh vắng” như trước nữa. Một trận bom Mỹ đã “đánh sập hai ngôi nhà và mấy gốc cổ thụ”. Chiến tranh ác liệt đã tàn phá bao làng quê và biết bao ngôi nhà của người dân.
Ngược dòng lịch sử, theo dòng hồi ức tác giả, người đọc được trở về với không gian của những năm sau cách mạng tháng Tám. Trong những năm tháng chống thực dân Pháp, các nhà văn cũng tham gia vào sự kiện lịch sử đó: “Mùa hạ năm 1949, Nguyễn Tuân và tôi theo tiểu đoàn 54 Trung đoàn thủ đô tiến quân vào mở chiến dịch tiêu diệt một chuỗi cứ điểm hành lang của địch, các
đồn Đại Bục, Đại Phác, Khe Pịa, Ngòi Mát, Mã Yên Sơn lên đến đồn tiểu khu Phố Ràng” [8;16]. Hết dọc cứ điểm hành lang bờ sông Thao lại chuyển sang sông Chảy “Mấy hôm sau chiến dịch chuyển sang sông Chảy, Nguyễn Tuân vẫn ở lại với 54. Tôi theo đội võ trang tuyên truyền lên các làng Mán Sừng trên rặng núi Voi rồi xuống với Trần Đăng lên mặt trận Phố Ràng” [8;24]. Trong dòng hồi tưởng của mình, Tô Hoài lại nhắc tới Aki - “một người bạn Nhật ở với chúng tôi suốt chín năm kháng chiến” và “Aki đến khi chúng tôi ở núi Thượng Yên, trong một làng dân tộc Dao đỏ giữa một cánh rừng rậm bờ sông Lô trên bến Bình Ca” [8;37]. Không gian “cánh rừng Thượng Yên” đã để lại nhiều ấn tượng nhất cho Tô Hoài, đó là không gian vô cùng hiểm hóc “Chưa bao giờ cơ quan rúc vào một nơi hóc hiểm đến thế. Nguyễn Tuân ngại nơi này nhất. Đến Thượng Yên, trong cánh rừng ẩm ướt Nguyễn Tuân mới thực sự bị những cơn sốt rét hành hạ. Trước, tiếng là lên rừng, nhưng còn ở ngoài đồi chân Tam Đảo và bên sông Thao. Ở xóm núi Yên Dã, đi một quãng ra huyện
lỵ Đại Từ, Hà Nội nhỏ của chúng tôi. Câu thơ ngao ngán Sớm nay ra khỏi u tì
quốc của Xuân Diệu là để lưu niệm nơi này. Thế mà đến khi chui vào rừng sâu
Thượng Yên u tì và ma quái nhà thơ Xuân Diệu lại lặng im. Có lẽ nhà thơ đã quen rồi, mặc dầu ở đấy, trong cơ quan, nửa đêm anh Ruật làm kế toán quê Thái Bình đã chết sốt rét ác tính. Nguyễn Tuân cứ đi đâu về, chỉ ở giữa tre nứa âm u mươi hôm lại sốt, lại rên rẩm thấp khớp” [8;37-38].
Đến mấy chương sau, tác giả lại đưa người đọc đến không gian của con đường Trường Sơn “Những con đường thật ấy cũng như nỗi đau đã qua đi, đường Trường Sơn kháng chiến ngày nay chỉ có thể dựng lại một trại giao liên, một kho đạn và lương thực, một bãi khách ven suối và một bàn tay chỉ vào ngàn xa…Không phải người Pháp ngày trước chỉ là tác giả đường số 1 xuyên Việt dịu dàng lượn bên bờ cát bể đông mà một viên đạn trái phá ngoài biển bắn
vào cũng có thể chặt đứt đôi một quãng ven núi” [8;192]. Con đường Trường Sơn đã chứng kiến và ghi lại bao nỗi đau, bao cuộc chiến tranh tàn khốc.
Những sự kiện lịch sử xã hội có ý nghĩa được nhà văn chắt lọc và đặt trong một không gian rất rộng mở. Các sự kiện tuy không được sắp xếp theo trình tự thời gian mà theo dòng hồi tưởng của tác giả nhưng nó đã góp phần quan trọng phản ánh bức tranh hiện thực cuộc sống một thời kỳ đầy biến động.