Những người thân trong gia đình

Một phần của tài liệu Hồi ký về Hà Nội của Tô Hoài (Trang 37)

5. Cấu trúc của luận văn

2.1.2.Những người thân trong gia đình

Hồi ức - nhân vật tôi đang nhớ lại những điều bản thân đã trải qua. Tiếp

sau khi kể về kí ức tuổi thơ của mình, trong Cỏ dại, Tô Hoài kể về làng quê

ông và gia cảnh nhà ông. Đọc những trang ông tả về làng xóm và căn nhà cổ xưa thừa kế của họ ngoại ông, hẳn nhiều bạn ở tuổi ‟ngũ thập nhi tri thiên mệnh” thường sẽ chạnh lòng khi nhớ lại căn nhà xưa, làng xóm cổ kính xưa của mình. Sâu vào hoàn cảnh, ông giản lược kể về người cha: ‟Thày tôi học dốt, lại lười và bướng. Thường phải nhảy xuống ao trốn đòn suốt ngày. Rồi bỏ

nhà đi lang thang, sau ông bà tôi lấy một người con gái làng cho thầy tôi. Đó là người mẹ già. Sau đó mới lấy mẹ tôi. Thầy tôi đến làng u tôi với phong dạng chàng Kim Trọng du xuân trong truyện Thúy Kiều. Rồi thầy tôi xuống Hải Phòng đi tàu thủy vào Nam Kì” [6;34-36]. Nhà văn cảm thấy cuộc sống thật đáng buồn có cha mà cũng như không bởi vì người cha luôn biệt nhà đi xa kiếm sống ‟Mấy năm sau, thày tôi trở về. Mọi người xôn xao mừng rỡ còn tôi lủi ra đằng đầu nhà, rồi tôi khóc. Dần tôi quen thầy tôi. Tôi nằm bên, thoáng ngửi một mùi thơm lạ mà tôi biết là mùi xà phòng thơm. Thày tôi mang về bao nhiêu thứ mới, nào là cái kèn hát, nào là những cuốn sách” [6;78-79]. Và cuối cùng trong kí ức của mình người cha dứt bỏ hẳn vợ con ‟Tết năm nay, nhà có em bé mà chẳng thấy giấy má của anh mày gửi về. Năm nay, đã ngoài rằm mà không có tin tức gì của thầy tôi” [6;112]. Bằng miệng của một bác người cùng làng bên họ nội từ Sài Gòn ra, ông thuật lại: ‟...Thày tôi lấy người ở Hanh Thông Tây làm nghề bánh tráng đã được hai con một giai một gái. Thày tôi bây giờ lòa cả hai mắt, đi phải chống gậy... Giá thấy tôi trở về, dễ tôi cũng quên mặt, như lần về trước” [6;139]. Nỗi mất mát thiếu thốn tình cảm của người cha từ bé được ông kể song hành với những ngày sống êm đềm ở quê ngoại với mẹ, với ông bà ngoại trong căn nhà gạch cổ, với mảnh vườn bé tẹo sum xuê cây quả mà chú bé Sen khéo tổ chức thành một ‟sở bách thú hấp dẫn”.

Hình ảnh của những người thân bên ngoại và bên nội lần lượt hiện về:

người ông lặng lẽ, hay rượu ‟Tôi yêu ông tôi nhất, tôi ghét, tôi sợ ông tôi nhất và tôi cũng biết rõ ông tôi, dưới con mắt thơ dại của tôi, những khi tôi ngồi bên mâm rượu với ông...Ông tôi chửi bà tôi. Thế là ông tôi hét, vừa đập tất cả những thứ gì vô phúc có xung quanh mình” [6;27]. Nhưng vào khoảng thời gian đó cũng có buổi chiều, những lúc ông ngoại uống rượu hiền lành, ông kể về chuyện ngày xưa ‟Ông tôi đã từng ăn trộm, đi ăn cướp. Có lần ông tôi đi

phu mộ làm đường trong Phan Rang, Phan Thiết. Vào trong đó gặp cảnh hai vợ chồng có con bị bỏng đã tưởng ông tôi là thầy lang, đã van xin ông tôi rối rít, đưa ông tôi về nhà. Sáng hôm sau, ông tôi đành trốn” [6;28]. Bây giờ về già, con người ấy ngoài việc ngồi đăm chiêu ‟thường cả ngày không nói” và quét lá rụng trước sân thì ‟không cất nhắc một việc gì nữa” [6;26]. Dáng ngồi lặng lẽ, khắc khoải của người ông như một dấu chấm buồn góp vào bức tranh cuộc sống chung của những người dân trong làng. Cuộc sống bị bao phủ màu xám tẻ ngắt của cái nghèo đói, cũ kỹ và lạc hậu.

Trong kí ức của mình, có lẽ ám ảnh và day dứt trong trái tim thơ ngây và

nhạy cảm của cậu bé Sen là hình ảnh người mẹ. Cảm xúc về mẹ - đấng sinh thành, là điểm tựa tinh thần luôn đem đến cho ta một cảm giác dễ chịu, thân thiết. Đó là một người mẹ hiền lành, đảm đang nhưng lúc nào cũng vất vả ‟U tôi là con đầu lòng. Tôi biết nói những gì về u tôi trên những dòng chữ yếu đuối này. Những nét chữ ẻo lả, làm sao mà chứa nổi hình ảnh vui thương chìm sâu trong những ngày cũ buồn bã....Cái bóng lẫm lũi hòa với bóng tối, vẽ nên một khuôn mặt trắng với đôi mắt nhỏ lòng đen nhuộm một màu nâu đồng....Thỉnh thoảng, như sực nhớ tôi chợt nhìn u, tôi bỗng giật mình. Tôi ngờ ngợ như người ngồi trước mặt đây không phải là u tôi. U tôi già đi từ bao giờ? Khi tôi ngậm ngùi như thế, tôi lại ngẩn ngơ tưởng tượng rằng có một hôm tốt trời nào đó tôi có tiền. Tôi sẽ đưa u tôi ra Kẻ Chợ” [6;36-37]. Hình ảnh người mẹ cặm cụi trong những đêm khuya lắm rồi vẫn ngồi “lặng lẽ xắm giấy, bóng đổ chập chờn trên vách” [6;38] bao năm qua vẫn còn in đậm trong tâm trí nhà văn với nỗi cảm thương day dứt. Tác giả ngậm ngùi nhận ra cuộc sống của mẹ từ khi sinh ra đã quen với sự chịu đựng, quen với những nỗi bất hạnh cay đắng của cuộc đời. Tác giả đứng ở hiện tại để hồi tưởng lại nên khắc họa nhân vật của mình bằng tình yêu thương trong chiều sâu tâm hồn.

Trong kí ức của mình, Tô Hoài còn nhớ về đứa em gái lanh lợi, láu lỉnh của mình, không may bị bệnh sởi chết sớm ‟Tôi không nhớ rành rõ được những ngày đau yếu của Hồ thế nào. Cả nhà ai cũng yêu Hồ hơn yêu tôi...Mà ông tôi thì mắng tôi chớ chẳng hề bao giờ mắng nó...Mắt nó nhắm như ngủ. Mặt nó trắng xanh, xanh hơn thường ngày. Tôi không hiểu nó đã chết” [6;75]. Rồi tác giả nhớ tới bà Ba – cụ thân sinh ra ‟mẹ già” của tác giả - sống hắt hiu như cái bóng nhưng hết lòng yêu quý đứa cháu hờ ‟Trong những ngày về quê thuở ấy, tôi chỉ có thể tìm được một chút vui vui dịu dàng, mỗi lần ra ngoài nhà bà Ba. Bà nói rằng bà nhớ tôi, có gì bà cũng để phần tôi. Những bữa cơm ăn với bà Ba ngon trong đời tôi, lắm khi chỉ có rau khoai” [6;44]. Đồng thời, ông có thêm tình cảm của những bà dì ruột (Năm, Bảy, Nhâm), những cô em ruột (Hồ, Ngó), em họ (Châu, Nhâm), tuy chỉ loáng thoáng xen trong cảnh sống lận đận của toàn thể gia đình, họ hàng ông, nhưng nó vẫn toát ra sâu đậm cái nhớ thương của ông với họ. Những dì ruột của Tô Hoài cũng loáng thoáng

xuất hiện trong những trang viết. Trong Phố mới, Tô Hoài khắc họa hình ảnh

Dì Năm, Dì phải ra tận nhà cầm đồ Vạn Bảo ở phố Mới để chuộc cái áo cánh bông để ăn tết, rồi dì Năm bị lừa mất một hào cho con mụ Tú Bà với ý định đi làm khâu đầm, làm chị hai ở nhà Tây. Hình ảnh dì Nhâm với cuộc sống mưu sinh cũng không kém phần vất vả ‟Dì Nhâm tôi ở Vân Nam về. Dì Nhâm là em thứ hai, ngay sau lưng u tôi. Dì Nhâm béo tròn, da ngăm đen, mặt phinh phính. Không một nét gẫy. Vẻ đanh đá đáo để...Dì Nhâm bắt đầu đi buôn chuyến lên Vân Nam rồi lỗ vốn. Mẹ Nhâm túng quẫn nên hay cãi nhau có lúc mắng và đánh cả Châu, Nhâm” [6;123].

Thông qua những kí ức về người thân trong gia đình ông như ông bà ngoại, bố mẹ, dì Nhâm, cái Hồ...ta thấy bóng dáng của những con người Hà Nội hiện lên rất rõ nét. Đó là những con người Hà Nội lam lũ, vất vả, chịu thương, chịu khó và giàu đức hi sinh.

Đọc Cỏ Dại, ta dễ cảm thông. Đọc xong, ta thấy man mác khi cảm nhận tuổi thơ cơ cực của ông qua lời văn giản dị mà giàu hình ảnh làng quê Việt Nam xưa sống động trong những trang hồi ký. Văn ông không triết lý mà tự nó có hồn, toát ra khéo đến nỗi gây xúc động bạn đọc có những mảnh quá khứ giống như trên. Thông qua những hồi ức sinh động, Tô Hoài đã miêu tả xã hội vùng ngoại thành Hà Nội với những phong tục và những con người của nó, đã ghi nhận những cảnh đời lam lũ, bần hàn của người nông dân và cuộc sống quẩn quanh mòn mỏi của lớp thị dân nghèo. Cỏ dại hoa đồng. Sống theo tự nhiên, rồi lại trở về với tự nhiên. Một tuổi thơ dường như ít có sự can thiệp của xã hội, nhưng lại thật đậm đà dư vị xã hội: ‟Bắt đầu những ngày lêu lổng. Được mãi thế thì thích. Rồi ngày sau tôi thành anh thợ dệt cửi như những đứa trẻ khác trong làng” [6;141-142].

Một phần của tài liệu Hồi ký về Hà Nội của Tô Hoài (Trang 37)