Chân dung văn nghệ sĩ

Một phần của tài liệu Hồi ký về Hà Nội của Tô Hoài (Trang 47)

5. Cấu trúc của luận văn

2.1.4.Chân dung văn nghệ sĩ

Trong cảm quan về hiện thực của nhà văn còn có chân dung những người nghệ sĩ mà ta rất yêu mến. Với cái nhìn nhân bản đời thường ấy, nhà văn đã rút ngắn đến mức thấp nhất khoảng cách giữa người đọc với người kể, giúp chúng ta được tiếp cận, được bước vào một thế giới đời thường phía sau thế giới nghệ thuật lung linh, huyền ảo mà ta vẫn thường biết đến qua tác phẩm của những nhà văn. Điều đáng nói ở đây là ngay cả khi viết về những thói tật của những người nghệ sĩ lớn, Tô Hoài vẫn viết bằng tất cả tấm lòng chân thành

của một nghệ sĩ chân chính, bằng cái nhìn cảm thông chân tình nên chúng ta không cảm thấy nhà văn hạ thấp họ hay cố tình “đập vỡ” những thần tượng của bạn đọc. Trái lại, càng hiểu về cuộc đời riêng của họ, ta càng cảm thấy cần phải cảm thông, chia sẻ, hiểu người để từ đó hiểu văn của họ nhiều hơn, như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Nguyễn Bính....

Chân dung văn nghệ sĩ đã được thể hiện rõ nét qua tập hồi kí Cát bụi

chân ai. Tô Hoài đã khắc hoạ những người bạn văn chương của mình bằng

những nét bút tả thực sống động trên một hậu cảnh sáng rõ của hồi ức. Tô Hoài đã viết về Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Nguyễn Huy Tưởng,…- những tên tuổi lớn của nền văn hiện đại Việt Nam. Tô Hoài đã đi vào những “ngõ ngách” của đời sống văn chương và những “khúc đoạn” gập ghềnh của các số phận nghệ sĩ.

Dựng lại lịch sử từ góc độ đời thường là sở trường của ngòi bút Tô Hoài, cũng là “của hiếm” trong văn học Việt Nam hiện đại. Tô Hoài quan niệm “con người là con người” với những mặt tốt và cả những thói tật tầm thường như nó vốn có trong cuộc sống (quan niệm này gần với quan niệm của Bakhtin, nhà lí luận Nga, rằng nhân vật tiểu thuyết phải chứa đựng bên trong nó “cái nghiêm túc lẫn cái buồn cười”; hay quan niệm của văn hào Victor Hugo về con người bao hàm “cái cao cả và cái thấp hèn, bóng tối và ánh sáng”). Với Tô Hoài, trời không có thiên thần, đất không có thánh nhân. Từ đó mà chân dung những văn sĩ Hà thành, trong đó có tác giả, hiện lên sinh động với những nét biếm hoạ, tự trào.

Nhân vật được Tô Hoài nhắc đến nhiều nhất là Nguyễn Tuân từ trước năm 45 đến khi mất. Nguyễn Tuân rất khác đời từ cách ăn mặc “Khăn lượt vố, áo gấm trần, tay chống dọc chiếc quạt thước thay ba toong, chân bít tất dận giày mõm nhái Gia Định” [8;5]. Cách sống của ông cũng khác “Nguyễn Tuân làm những sự khác thường, khác thường nhưng tế nhị. Nguyễn Tuân vốn

khảnh ăn. Thế mà đôi khi, sắp đến hẹn đi, gặp bữa ở nhà, Nguyễn Tuân vẫn ăn uống như thường, không bỏ cơm nhà” [8;64]. Cách ăn uống cũng rất đặc biệt ‟Những cái thích và vui ẩm thực của Nguyễn Tuân không chỉ dễ dãi vì miếng ăn miếng uống sang trọng, mà phải là hợp khẩu vị, ngon theo ý mình”. Nguyễn Tuân sành ăn và kĩ tính tuyệt nhiên không xô bồ ‟Nắng oi quá, nhắm rượu mướp đắng giải nhiệt, nhưng không xơi mướp đắng mắm tôm như người ta. Không bao giờ đụng đến mắm tôm chợ” [8; 23]. Ít ai biết Nguyễn Tuân chỉ ăn một thứ phở, phở chín, phở thịt bò chín. Nguyễn Tuân không thích cái cà phê hâm nóng đầu đường, Nguyễn Tuân không chịu được mùi hoa sữa, ghét lây cả cái cây. Rồi đến văn chương, từ triết lý đến mỗi câu chữ cũng khác người. Những cuộc tranh luận giữa nhà Minh Đức và Nhà xuất bản Hội nhà văn về

văn của Nguyễn Tuân ‟Chỉ khi được trôi chảy khi in lại tập truyện ngắn Vang

bóng một thời. Cũng ngẫu nhiên không bị giành giật. Nguyễn Tuân không hề

để ý đến tướng số nhưng Nguyễn Tuân bảo: Trông mặt thằng Minh Đức đã thấy khó chịu. Vả chăng mưu sĩ Nguyễn Hữu Đang của nhà Minh Đức thậm ghét văn Nguyễn Tuân. Văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Hữu Đang đọc một đoạn cũng không nổi. Âu cũng là lẽ đời, các đấng cao ngạo thường không nhìn mặt nhau, Nguyễn Tuân nhớ lâu và ghét dai” [8;51].

Không chỉ kể những chuyện như vậy về Nguyễn Tuân mà Tô Hoài còn kể đến những thú vui trong cuộc đời của Nguyễn Tuân: Nguyễn Tuân tham gia đóng phim, đã từng đóng vai người đi săn ở kịch ‟Ngã ba” của Đoàn Phú Tứ. Rồi Nguyễn Tuân sang tận Hương Cảng làm tài tử màn bạc. Nguyễn Tuân đóng một vai phụ, có thể lôi một người đi ngoài đường vào sắm vai cũng được, đấy là một người y tá mặc áo lui trắng, nâng đầu cáng thương, lừ lừ qua ống kính chớp nhoáng một, hai giây. Nguyễn Tuân rất thích đi. Nguyễn Tuân và Lương Đức Thiệp qua biên giới sang Xiêm. Để làm lộ phí sang Xiêm, Nguyễn Tuân đã lấy đi hoa tai, khuyên vàng của vợ. Rồi Nguyễn Tuân bị giam chung

với những tội phạm người Xiêm đến cả tháng. Nguyễn Tuân còn là người ‟đồng tiền phân bạc, Nguyễn Tuân áo rách cũng vẫn đượm màu phong lưu, tiêu thì cứ tiêu và chỉ tính thôi chứ không đếm. Nguyễn Tuân, một người ý tứ, trân trọng, thận trọng, khéo thu xếp” [8;283]. Xây dựng hình ảnh Nguyễn Tuân qua hồi tưởng, Tô Hoài đã phác hoạ rất đậm nét về những kỉ niệm giữa đời thường với Nguyễn Tuân, những chuyện vụn vặt của cuộc sống, song không phải vì thế mà người đọc bớt đi lòng kính trọng và cảm phục Nguyễn Tuân.

Còn nhớ trong hồi kí Cát bụi chân ai, Tô Hoài cũng tiết lộ cho bạn đọc

biết về một Xuân Diệu với những tính cách kì lạ ‟Mỗi khi nhớ, chuyện về Xuân Diệu chỉ buồn thương, buồn cười và đáng yêu, chỉ đáng yêu. Xuân Diệu nhiều nữ tính cẩn thận, từ chi tiêu đến sáng tác nhưng cẩn thận một cách lờ khờ, có khi anh làm gì tưởng kín bưng, kỹ tính ai cũng đoán biết” [8;169]. Xuân Diệu rất quý miếng ăn và đã dạy cho Tô Hoài cách ăn uống ‟Xuân Diệu dạy tôi khi nào đứng đái thì cắn chặt hai hàm răng lại, như thế sẽ ăn khỏe chẳng kém hàng ngày uống vitamin” [8;173]. Tô Hoài còn tiết lộ cho bạn đọc những “mối tình trai” lập dị của Xuân Diệu. Xuân Diệu và Huy Cận lên Nghĩa Đô, lên nhà Tô Hoài chơi. Ở chơi cả buổi và ăn cơm ‟Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối. Xuân Diệu gắp thức ăn cho tôi. Cử chỉ thân thiết quá, hơi lạ với tôi nhưng mà tôi cảm động” [8;172]. ‟Từ thuở trẻ, cái bắt tay như vồ lấy, trán đụng vào nhau, bốn con mắt vuốt ve nhau nghiêng ngả. Ở đâu Xuân Diệu cũng đào hoa mối tình trai” [8;175]. Và lạ kì hơn nữa “Con gái đi ngang mặt dửng dưng như không, nhưng con trai xoắn xuýt vòng trong vòng ngoài”, “Xuân Diệu nắm cổ tay từng đứa nhìn rõ vào mắt, mân mê như chọn đẫn mía” [8;175].

Hay một Nguyên Hồng với món nem đặc biệt “nem Sà Gòong” làm từ nhân rau đàn bà đẻ đã xin hay mua được ở nhà hộ sinh nào đấy, sốt sắng đãi

Tô Hoài, bởi cái “thằng xơi được bọ hung thì nó còn từ cái gì”. Ngoài ra ta còn thấy một Nguyên Hồng ở cửa hàng bia phố Huế, xăng xái giúp bà béo trưởng quầy khuân các thùng bia trên xe xuống ‟Quán bà cai Ách và lại câu chuyện tình vô vọng. Nguyên Hồng cũng ra mặt để ý đến cái bà nạ dòng phì nộn ấy. Mỗi lần xe bia về, lão xích lô co chân đạp những thùng bia lăn xuống hè, bác gà trống cứng cựa Nguyên Hồng tỏ tình bằng cách lau chau ra ghế vai vác bia vào, kê lên kệ cẩn thận” [8;278]. Một Nguyên Hồng với hành trình Nhã Nam - Hà Nội trên yên chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô không phanh, màu xanh rợ cùng bộ râu xum xuê một cách khác thường ở tuổi 50. Một Nguyên Hồng tằng tịu với cô hàng xén ở chợ Đức Thắng, Bắc Giang bị vợ đến tận nơi đánh ghen ‟một hôm bà chị đã kéo cả đại đội binh mã con cái ra làm tan hoang một trận. Mụ hàng xén bán sới đi nơi khác”, làm “mất mẹ nó cái màn, chẳng biết cái màn gửi người ta bán hay màn đem ra mắc nằm cho đỡ muỗi” [8;277]. Những cuộc Nguyên Hồng bị phê bình trong đó Tô Hoài nhớ nhất là thời kì báo Văn đã hữu khuynh, bị lũng đoạn. Nguyên Hồng đã mếu máo ‟nước mắt ròng ròng, hai tay mê mẩn xót xa vuốt mép báo”. Nguyên Hồng nói: ‟Tôi làm báo không kể giờ giấc, không quản thức ngày đêm thức hôm, tôi bỏ hết sáng tác, cố làm cho kịp. Suốt tuần tôi bận bịu về nó hơn con mọn, bỏ ăn bỏ uống vì nó...thế thì làm sao tôi lại có thể sai...Tôi đấu tranh thực hiên đường lối văn học nghệ thuật của Đảng...Tôi hết tâm sức vì nó, tôi không thể, tôi không thể...” [8;84]

Đó là chuyện của Trần Khánh, người hát hay mà chưa học hát bao giờ, và lận đận vì lí lịch. Đêm ấy, cả buổi tối, một mình Trần Khánh hát. Hai đứa con lớp năm, lớp ba chi đó ngồi chầu hẫu dưới này rồi rối rít giơ tay đánh nhịp theo bố hát. Tô Hoài lại nói về Nguyễn Huy Tưởng. Khi còn ở rừng, Nguyễn Huy Tưởng rất sôi nổi ‟mỗi người bạn, mỗi cán bộ cao cấp, Nguyễn Huy Tưởng đều tìm ra những ưu điểm và tô hồng rầm rộ. Nhưng từ khi về thành phố, từ lúc nào xuất hiện một Nguyễn Huy Tưởng lầm lì, đăm chiêu ít nói và

cũng khác mọi khi” [8;59]. Những cơn dày vò Nguyễn Huy Tưởng lúc ấy là tình hình thế giới ‟Nguyễn Huy Tưởng không bằng lòng việc nước Nam Tư bị đuổi khỏi Cục thông tin quốc tế - một tổ chức tập hợp lực lượng dân chủ và tiến bộ trên thế giới thích ứng với tình hình mới” [8;59]. Nguyễn Huy Tưởng vốn kỉ luật và chịu khó viết nhật kí và sưu tầm tài liệu. Trò chuyện với Nguyễn Huy Tưởng ‟cái cười vẫn đôn hậu thế, nhưng khác trước rồi” [8;60]

Không chỉ dựng lại chân dung nghệ sĩ như Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Tô Hoài còn cho chúng ta biết thêm về Nguyễn Bính. Tính nết Nguyễn Bính thì chẳng khác xưa ‟Đời là một cuộc chơi dài, mà thiên hạ cung phụng nhà thơ” [8;54]. Hứng làm thơ thì vứt hết công việc, thích đi chơi thì vay tiền ‟cơ quan lúc nào chẳng có tiền. Vài ba đồng là bao”. Nguyễn Bính say khướt tối ngày. Rồi chuyện Nguyễn Bính yêu cô thư kí đánh máy cùng cơ quan sau này trở thành vợ của Nguyễn Bính. Nhưng chẳng bao lâu cô này cũng bỏ Nguyễn Bính đi đâu mất. Tính Nguyễn Bính thì lăng nhăng ‟thấy gái như quạ vào chuồng lợn, như ếch vồ hoa. Thề bồi đấy lại nhăng cuội ngay đấy...” [8;58]. Thỉnh thoảng Tô Hoài lâu lâu không gặp Nguyễn Bính, lại thấy Nguyễn Bính nhăn nhó, rầu rĩ ‟Những cùng quẫn tự chuốc, những thương đau vơ vào, mà lại đầy ải mình, thân làm tội đời, cả những ngày còn lại mà vẫn không nguôi” [8;56].

Xây dựng các chân dung văn nghệ sĩ, Tô Hoài đã cho người đọc thấy

một cách chân thực nhất về cuộc đời riêng tư cũng như sự nghiệp văn chương của họ. Đó là một thứ văn chương được cất lên từ những cái vặt vãnh đời thường, từ cái bình dị, gần gũi nhất khác hẳn với văn chương của họ, cái mà chúng ta vẫn thường thấy hàng ngày. Đó là một thế giới nghệ thuật lung linh, lấp lánh ánh hào quang, đầy màu sắc lãng mạn đối lập với những cái thực tế về cuộc đời mà Tô Hoài đã cho chúng ta thấy về họ, để từ đó hiểu, cảm thông và

yêu văn của những văn nghệ sĩ Hà thành hơn. Họ đang cố gắng thoát khỏi, vươn lên cái hàng ngày của Hà Nội và người Hà Nội.

Một phần của tài liệu Hồi ký về Hà Nội của Tô Hoài (Trang 47)