Tài nguyên du lịch

Một phần của tài liệu phát triển du lịch mice tại tỉnh nghệ an (Trang 45)

2.1.1.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên

Theo Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An (2011), Dữ liệu cơ bản về môi trường

đầu tư Tỉnh Nghệ an, Nghệ An nằm ở phía Đông Bắc của dãy Trường Sơn, có độ dốc

thoải dần từ Tây Bắc đến Đông Nam. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 1.648.729 ha, trong đó miền núi chiếm 3/4 diện tích, phần lớn đồi núi tập trung ở phía Tây của tỉnh. Dải đồng bằng nhỏ hẹp chỉ có 17% chạy từ Nam đến Bắc giáp biển Đông và các dãy núi bao bọc.

Tài nguyên rừng: Với 885.339 ha diện tích đất có rừng, rừng tự nhiên chiếm tỷ lệ lớn với diện tích 732.741 ha, rừng trồng chiếm 152.867 ha, độ che phủ đạt gần 54%. Rừng Nghệ An mang nhiều nét điển hình của thảm thực vật rừng Việt Nam. Theo thống kê có đến 153 họ, 522 chi và 986 loài cây thân gỗ, chưa kể đến loại thân thảo, thân leo và hạ đẳng. Trong đó có 23 loài thân gỗ và 6 loài thân thảo được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Rừng tập trung ở các vùng đồi núi với hai kiểu rừng phổ biến là rừng kín thường xanh, phân bố ở độ cao dưới 700m và rừng kín hỗn giao cây lá kim, phân bố ở độ cao lớn hơn 700m.

Rừng Nghệ An vẫn là nguồn nguyên liệu quan trọng cho khai thác và phát triển các ngành công nghiệp. Tổng trữ lượng gỗ hiện còn khoảng 52 triệu m3, trong đó có tới 42,5 vạn m3 gỗ Pơmu. Trữ lượng tre, nứa, mét khoảng trên 1 tỷ cây. Cùng với sự đa dạng của địa hình, cảnh quan sinh thái đã tạo cho hệ động vật ở Nghệ An cũng đa dạng phong phú. Theo thống kê động vật Nghệ An hiện có 241 loài của 86 họ và 28 bộ. Trong đó: 64 loài thú, 137 loài chim, 25 loài bò sát, 15 loài lưỡng thê, trong đó có 34 loài thú, 9 loài chim, 1 loài cá được ghi vào sách đỏ Việt Nam.

Tổ chức Văn hoá, khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận và xếp hạng khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An gồm rừng nguyên sinh - vườn quốc gia Pùmát có diện tích 93.523 ha, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có diện tích 41.127 ha, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có diện tích trên 34.723 ha với nhiều loài

động vật, thực vật quý hiếm có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Khu dự trữ này trải dài trên 9 huyện miền núi của tỉnh.

Tài nguyên biển: Nghệ An có bờ biển dài 82 km và diện tích vùng biển 4.230 hải lý vuông, dọc bờ biển có 6 cửa lạch (lạch Cờn, lạch Quèn, lạch Thơi, lạch Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội ) với độ sâu từ 1 đến 3,5 m thuận lợi cho tàu thuyền có trọng tải 50 - 1.000 tấn ra vào.

Từ độ sâu 40 m trở vào là vùng có đáy tương đối bằng phẳng, vùng phía ngoài có nhiều đá ngầm và chướng ngại vật, cồn cát, nơi tập trung nhiều bãi cá có giá trị kinh tế cao. Theo điều tra của Viện nghiên cứu hải sản, trữ lượng hải sản các loại Nghệ An khoảng 80.000 tấn, khả năng khai thác cho phép khoảng 35-37 nghìn tấn/năm.

Trữ lượng cá ở vùng có độ sâu trên 30m trở ra chiếm 60%; cá nổi chiếm 30%, cá đáy chiếm 70%, lượng cá nổi có khả năng khai thác dễ hơn. Cá biển ở Nghệ An có tới 267 loài trong 91 họ, tập trung nhiều vào các loài như cá trích 30-39%, cá nục 15-20%, cá cơm 10 - 15%. Tôm biển có 8 loài sống tập trung ở vùng nước nông 30m trở vào; tôm he khả năng khai thác lớn, chiếm 30% tổng số tôm. Có hai bãi tôm chính: bãi Lạch Quèn diện tích 305 hải lý vuông, trữ lượng 250 - 300 tấn, khả năng khai thác 50%; bãi Diễn Châu diện tích 425 hải lý vuông, trữ lượng 360 - 380 tấn, khả năng khai thác 50%.

Dọc bờ biển Nghệ An có 3.500 ha nước lợ sử dụng cho việc nuôi trồng thuỷ sản và sản xuất muối. Hiện (năm 2009), trong toàn tỉnh có khoảng 3.000 ha mặt nước mặn, lợ chuyên nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm, cua xuất khẩu).

Bờ biển Nghệ An có nhiều bãi tắm đẹp và hấp dẫn như bãi tắm Cửa Lò, Nghi Thiết, Cửa Hiền, Quỳnh Bảng, Quỳnh Phương..., nước sạch, sóng không lớn, độ sâu thoải, độ mặn thích hợp, ở vị trí thuận lợi về giao thông. Tuy nhiên, chưa được đầu tư để khai thác tốt phục vụ du khách như Cửa Hiền, Quỳnh Phương, đảo Ngư, đảo Lan Châu... Với bờ biển dài và nhiều cửa lạch, Nghệ An có nhiều tiềm năng phát triển vận tải biển, trong đó cảng Cửa Lò và cảng cá Cửa Hội. Cảng Cửa Lò (hiện tại tàu loại 10.000 tấn ra vào thuận lợi, khu vực kho bãi rộng khoảng 13.000 m2) đã được nhà nước quyết định đầu tư nâng cấp, mở rộng thành cảng nước sâu và đã được khởi công xây dựng, có công suất tàu đến 50.000 tấn, dự kiến bắt đầu khai thác vào năm 2015. Đây là điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ trong tương lai.

2.1.1.2. Tài nguyên du lịch nhân văn

Với truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc, chinh phục, cải tạo thiên nhiên và xã hội của Nghệ An đã tạo ra cho mảnh đất Nghệ An có một bề dày về văn hóa, lịch sử, kho tàng văn hóa kiến trúc và nét văn hóa ứng xử riêng có của Nghệ An. Nhiều công trình, di tích lịch sử lưu danh các lãnh tụ, anh hùng, danh nhân lịch sử, khoa bảng, các nhà khoa học, nhà văn hóa của Việt Nam vẫn còn được lưu giữ.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa Du lịch, hiện nay trên địa bàn Nghệ An có hơn 1.000 di tích đã được nhận biết, trong đó có 125 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 109 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, đặc biệt Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn, hệ thống di tích gắn liền với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới vừa được Chính phủ công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia hạng đặc biệt. Một số di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng như:

Khu di tích Kim Liên: gắn liền với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cụm di tích quan trọng là:

- Cụm di tích Hoàng Trù: Từ Vinh lên 13km, cách quốc lộ 46 chừng 1000m về phía trái của một ngã ba, có một ngôi làng gợi nên sự yên tĩnh vĩnh hằng với những mái nhà tranh mộc mạc đơn sơ khiêm nhường ngơi nghỉ dưới từng luỹ tre biêng biếc, đó là làng Hoàng Trù, quê ngoại, cũng là nơi cậu bé Nguyễn Sinh Cung, về sau là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh, cất tiếng khóc chào đời. Cụm di tích Hoàng Trù nằm gọn trong khu đất 3500m2, ở đó toạ lạc ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, nhà cụ Hoàng Đường và ngôi nhà nơi sinh ra vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam mới.

- Nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc: Cách Hoàng Trù 2km, làng Kim Liên

ngát hương sen, còn gọi là làng Sen, là quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi Bác sống hồi niên thiếu (1901 -1906). Sau luỹ tre xanh là ngôi nhà lá 5 gian đơn sơ do bà con làng Sen dựng cho gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc khi đỗ Phó bảng (1901), rời kinh thành Huế về quê nội sống đời sống cùng bà con xóm mạc.

- Khu trưng bày và nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khu trưng bày ở di tích Kim Liên ra đời từ 1970, gồm 3 phòng Đây là bảo tàng đầu tiên trong cả nước trưng bày tiểu sử của Bác. Sau khi hệ thống bảo tàng Hồ Chí Minh ra đời, việc trưng bày ở đây chuyển thành trưng bày bổ sung di tích với những giải pháp mĩ thuật độc

đáo, sáng tạo nhằm tôn vinh các tài liệu, hiện vật, tạo được cảm xúc mới, hấp dẫn người xem. Toàn bộ phòng trưng bày tiểu sử của Bác trước đây được chuyển sang chủ đề hoàn toàn mới mẻ: tình cảm của đồng bào, đồng chí trong nước và bạn bè quốc tế đối với Bác và khu di tích Kim Liên với một không gian thoáng, đầy ánh sáng với những đường viền hoa sen diễn tả sự lan toả đậm đà của Bác Hồ, của quê nhà Kim Liên. Nhà tưởng niệm bổ sung thêm cho khu di tích hoàn thiện một mô hình mới trong hoạt động bảo tàng: mô hình Di tích - bảo tàng - tưởng niệm, góp phần quan trọng trong việc phát huy tình cảm thiêng của nhân dân đối với Bác và khả năng thu hút du khách muôn phương.

- Khu mộ bà Hoàng Thị Loan: Mộ có từ năm 1942, do ông Nguyễn Sinh Khiêm chọn đất, được khởi công xây dựng lại vào ngày 19/5/1984 trên chính vị trí mộ mà ông Nguyễn Sinh Khiêm đã chọn; quanh mộ ốp đá hoa cương Liên Xô (cũ) và những phiến cẩm thạch từ mỏ đá Quỳ Hợp (Nghệ An), toàn ngôi mộ nằm trầm mặc và yên mát trong sự chở che của một giàn hoa giấy tốt tươi gồm 4 gốc do nhân dân tỉnh Đồng Tháp chiết từ khu mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - với ý nguyện để hai người mãi mãi bên nhau trong một cuộc hoà hợp vĩnh hằng.

Đây là khu di tích tiêu biểu gắn liền với một người Việt Nam tiêu biểu nhất: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng Dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới. Khu di tích Kim Liên thuộc địa phận xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, cách thành phố Vinh 13km, đi theo quốc lộ 46, bao gồm quê nội, quê ngoại Bác Hồ và lăng mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Người. Đến với Kim Liên, du khách sẽ có điều kiện để chứng kiến những kỉ vật, kỉ niệm thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được suy ngẫm về một con người vĩ đại, kết tinh của văn hoá Đông Tây kim cổ trong vẻ đẹp giản dị, thanh bình của một trong những điển hình làng quê Việt Nam.

Làng Vạc: (Di chỉ khảo cổ học thuộc xã Nghiã Hoà huyện Nghĩa Đàn). Làng Vạc được biết đến từ đầu những năm 70, trong hơn 10 năm qua các nhà khảo cổ học đã thu thập được hàng trăm, hàng ngàn hiện vật văn hoá tiêu biểu cho thời kỳ Đông Sơn, cách đây chừng khoảng 2500 - 2000 năm trước với trình độ hoàn mỹ của nghề đúc đồng.

Hang Thẩm Ồm: Đây là di chỉ khảo cổ học về nơi cư trú của người Việt cổ

ở xã Châu Thuần, huyện Quỳ Châu. Hang Thảm Ồm nằm giữa một vùng hang động đẹp: Tôn Thạc, Thăm Chang (Châu Thuận), Hang Bua (Châu Tiến).

Khu di tích Mai Hắc Đế: (ở huyện Nam Đàn) Nằm trong quẩn thể du lịch núi Đụn, hiện có 3 hạng mục công trình tiêu biểu đó là: đền thờ Mai Hắc Đế, lăng mộ Mai Hắc Đế và mộ mẹ vua Mai.

Đền Cuông - An Dương Vương: Cách thành phố Vinh chừng 30 km về phía Bắc, theo quốc lộ 1A, ngôi đền nằm bên sườn núi Mộ Dạ (còn có tên là Dạ Muỗi). Là nơi thờ Thục An Dương Vương cùng với truyền thuyết cây nỏ thần. Ngày 15 tháng 02 âm lịch hàng năm là ngày lễ hội đền Cuông được nhân dân tổ chức trọng thể.

Di tích đình Hoành Sơn (Khánh Sơn - Nam Đàn)

Di tích đình Trung Cần (Nam Trung - Nam Đàn)

Di tích đền Cờn (Quỳnh Phương - Quỳnh Lưu). Cách thành phố Vinh chừng 75 km

Di tích đền thờ - mộ Nguyễn Xí (Nghi Hợp - Nghi Lộc)

Di tích thành cổ Vinh (Tp Vinh)

Di tích đền Hồng Sơn (phường Hồng Sơn - Tp Vinh)

Di tích nhà đồng chí Lê Hồng Phong (Hưng Thông - Hưng Nguyên). Cách

thành phố Vinh chừng 8 km

Khu di tích Bến Thuỷ (Tp Vinh)

Di tích đền Bạch Mã (Võ Liệt - Thanh Chương). Cách thành phố Vinh chừng 50 km

Di tích đền Quả Sơn (Bồi Sơn - Đô Lương)

Di tích đình Võ Liệt (Võ Liệt - Thanh Chương)

Di tích nghĩa trang liệt sỹ 12/9 (Thái Lão - Hưng Nguyên)

Di tích đền ông Hoàng Mười (Hưng Thịnh - Hưng Nguyên). Cách thành phố Vinh chừng 2 km

Cụm di tích Xứ uỷ làng Đỏ Hưng Dũng (Hưng Dũng - TP Vinh)

Nghĩa trang liệt sỹ Việt Lào (Anh Sơn)

Di chỉ khảo cổ học Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu)

Di chỉ khảo cổ học Đồng Mõm (Diễn Thọ - Diễn Châu)

Nghệ An có 24 lễ hội đặc trưng gắn liền với sinh hoạt cộng đồng, lễ hội mang màu sắc âm hưởng dân gian, phản ánh cuộc sống và tâm nguyện của người dân về cuộc sống. Lễ hội ở Nghệ An tổ chức trải dài trong năm trong đó tập trung nhiều vào đầu năm (tính theo âm lịch), gắn với ngày hội mùa màng, lễ tết của từng vùng, từng

dân tộc, lễ hội tưởng nhớ các vị anh hùng đã có công bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Một số lễ hội đã thu hút đông đảo khách thập phương như: Lễ hội Vua Mai Thúc Loan (Huyện Nam Đàn) - Ngày 14-16/01 (Âm lịch); Lễ hội Đền Quả Sơn (Huyện Đô Lương) - Ngày 10-21/01 (Âm lịch); Lễ hội Hang Bua (Huyện Quỳ Châu) - Ngày 21- 23/01 (Âm lịch); Lễ hội Đền Cờn (Huyện Quỳnh Lưu) - Ngày 19-21/01 (Âm lịch); Lễ hội Đền Cuông (Huyện Diễn Châu) - Ngày 14-16/02 (Âm lịch); Lễ hội Làng Sen (Xã Kim Liên - Huyện Nam Đàn) – Ngày 18/5/2005(Dương lịch); Lễ hội Uống nước Nhớ Nguồn (Huyện Anh Sơn ) - Ngày 25-27/7 (Dương lịch); Lễ hội Sông nước Cửa Lò (Khai mạc mùa du lịch biển) - Ngày 30/4 và 1/5 (Dương lịch); Lễ hội Đền Hoàng Mười (Huyện Hưng Nguyên) - Ngày 10/10 (Âm lịch); Lễ hội đền Hồng Sơn (Tp Vinh) 20 tháng 08 âm lịch; Lễ hội đình Võ Liệt (Thanh Chương) tháng 1 - 2 âm lịch; Lễ hội đền Quả Sơn (Đô Lương 19-21 tháng giêng âm lich); Lễ hội đền Bạch Mã (Thanh Liệt - Thanh Chương); Lễ hội đền Nguyễn Xí (Nghi Lộc, 29-30 tháng 2 âm lịch); Lễ hội rước Hến (Hưng Nguyên, 5-6 tháng hai âm lịch); Lễ hội dòng họ Nguyễn Cảnh (Tràng Sơn - Đô Lương, 14-15 tháng 3 âm lịch); Lễ hội dòng họ Hồ (Quỳnh Đôi-Quỳnh Lưu, 11-12 tháng 1 âm lịch); Lễ hội Xăng khan (miền núi Nghệ An, 21-23 tháng 1 âm lịch); Lễ hội làng Vạc (Nghĩa Đàn, 7-9 tháng 2 âm lịch); Lễ hội Mai Hắc Đế (Nam Đàn, 13- 15 tháng 1 âm lịch)

Cùng với các lễ hội truyền thống, Nghệ An có nhiều các sản phẩm và làng nghề thủ công truyền thống đa dạng và lâu đời. Làng nghề ở đây gắn liền với phong tục tập quán, tâm linh và sinh hoạt cộng đồng của người dân tại các bản làng, các làng nghề truyền thống được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác: Làng đan nứa trúc ở Xuân Nha (Hưng Nguyên), làng rèn ở Nho Lâm, làng đục, chạm trổ đá ở Diễn Bình (Diễn Châu), dệt Phường Lịch (Diễn Châu), dệt thổ cẩm, thêu đan của các đồng bào các dân tộc Thái, H’Mông, làng nghề mây tre đan ở Nghi Lộc...

Không chỉ có vậy, Nghệ An còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị như văn học dân gian, âm nhạc dân gian, múa dân gian, các phong tục, tập quán, lễ hội, văn hóa ẩm thực, làng nghề truyền thống…trong đó Dân ca Ví dặm Xứ Nghệ đang trong quá trình lập hồ sơ đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đã được đưa vào danh mục lập hồ sơ trình Chính phủ đề nghị UNESSCO công nhận là văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Đó là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá có khả năng tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

* Kết luận:

Nhìn chung, Nghệ An có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, kết hợp với nguồn tài nguyên nhân văn mang đậm bản sắc dân tộc gắn liền với cuộc sống của người bản địa mang lại cho du lịch Nghệ An một bản sắc riêng hấp dẫn khách du lịch cả trong và ngoài nước.

Một phần của tài liệu phát triển du lịch mice tại tỉnh nghệ an (Trang 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)