CT.scanner ngực là thăm dò có giá trị cho những trường hợp có tổn thương ở nhu mô phổi, máu đông màng phổi, tổn thương tim và các mạch máu lớn ở trung thất- những tổn thương mà XQ ngực thường không thấy rõ [39], [75]. Hiện nay ở các nước phát triển, CT.scanner ngực được sử dung khá rộng rãi trong CTN. Trong nghiên cứu của chúng tôi, có 37 BN được chụp CT.scanner ngực, kết quả bảng 3.8 cho thấy CT.scanner ngực có thể phát hiện dịch khoang màng phổi, máu đông màng phổi, tràn khí khoang màng phổi, dị vật, đụng dập phổi và thoát vị cơ hoành do CTN. Kết quả bảng 3.15 và 3.16 cho thấy khả năng phát hiện máu đông màng phổi cao hơn hẳn so với siêu âm ngực với độ nhạy là 87.5% so với 58.8%, độ đặc hiệu 95.2% so với 84%, giá trị của phản ứng là 91.9% so với 73.8%.
Hình 4.4 Hình ảnh thoát vị hoành trái trên CT.scanner ngực 4.3.4. So sánh giá trị chẩn đoán CTN của XQ, siêu âm, CT.scanner ngực với PTNSLN.
- So với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác thì XQ ngực có ưu điểm là có thể thực hiện nhanh chóng, ngay từ đầu để đánh giá tình trạng KMP, mức độ tràn máu, tràn khí KMP, tổn thương xương sườn, tràn khí dưới da, dị vật lồng ngực (các dị vật cản quang) và thoát vị cơ hoành. Tuy nhiên XQ ngực không có khả năng đánh giá tình trạng máu đông màng phổi, kết quả về tràn máu, tràn khí thường khó đánh giá khi chụp tư thế nằm.
- Siêu âm ngực là một thăm dò không xâm nhập rất có giá trị trong những trường hợp tràn dịch KMP với độ nhạy 100% khi so sánh với kết quả nhận định trong PTNSLN. Với máu đông màng phổi siêu âm có độ nhạy 58.8%, độ đặc hiệu 84% (bảng 3.15; bảng 3.18). Tuy nhiên với những tổn thương như vết thương nhỏ cơ hoành, vị trí chảy máu, tình trạng có giả mạc, fibrin trong KMP, gãy xương sườn thì siêu âm chưa phát hiện được (bảng 3.7).
- CT.scanner ngực có ưu thế trong đánh giá mức độ tổn thương nằm sâu trong nhu mô phổi hơn so với PTNSLN, với máu đông màng phổi CT.scanner ngực có độ nhạy 87.5%, độ đặc hiệu 95.2% cao hơn hẳn so với siêu âm. Với dịch màng phổi CT.scanner ngực có độ nhạy 100%. Tuy nhiên cũng như siêu âm CT.scanner ngực không phát hiện được vết thương nhỏ ở cơ hoành, vị trí chảy máu.
- PTNSLN so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh trên có ưu thế quan sát được trực tiếp những tổn thương trong KMP như: vị trí chảy máu, vị trí rách nhu mô phổi, tình trạng KMP (lượng máu chính xác trong KMP,máu đông, giả mạc, fibrin). Tuy nhiên PTNSLN không đánh giá khách quan được tình trạng và mức độ tràn khí KMP vì khí thực hiện phải tạo ra tràn khí chủ động hoặc bơm khí làm xẹp phổi. Ngoài ra do chủ yếu quan sát diện tổn thương trên bề mặt nên PTNSLN không đánh giá được những tổn thương nằm sâu trong nhu mô như CT.scanner ngực.
Như vậy có thể thấy mặc dù XQ ngực là một thăm dò đầu tay đối với các trường hợp chấn thương ngực, giúp cho việc chẩn đoán mức độ tràn máu, tràn khí khoang màng phổi, tổn thương xương của lồng ngực, thoát vị cơ hoành, dị vật trong lồng ngực, nhưng để đánh giá tình trạng máu đông màng phổi cần sử dụng siêu âm và CT.scanner ngực.