Tạo dựng vốn xã hội qua việc thờ cúng tổ tiên

Một phần của tài liệu Vốn xã hội qua sự cố kết cộng đồng ở ven đô Hà Nội (Nghiên cứu trường hợp xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội (Trang 35)

9. Cấu trúc của luận văn

2.1Tạo dựng vốn xã hội qua việc thờ cúng tổ tiên

Thường xuyên phải đối mặt với sự thử thách của thiên nhiên, có lẽ cuộc sống nông nghiệp lúa nước với sự tụ cư xóm làng “tắt lửa tối đèn có nhau” đã tạo nên tính cộng đồng cố kết bền vững trong nếp sống của người Việt. Đặc biệt, một trong những đặc trưng nổi trội của người Việt là luôn có ý thức hướng về cội nguồn. Con người Việt Nam là con người của mọi mối liên hệ chằng chịt với những ý thức trách nhiệm và bổn phận một cách tự nguyện. Từ đó, luôn có sự gắn bó với quê cha, đất tổ, hướng về tổ tiên, cội nguồn, coi trọng chữ hiếu, giàu lòng nhân ái với tính cộng đồng bền chặt. Tinh thần cố kết cộng đồng vốn được nuôi dưỡng trong cái nôi văn hoá thuần Việt [39]. Tinh thần đó được biểu hiện cụ thể qua hoạt động thờ cúng ông bà, tổ tiên, tổ chức các ngày giỗ trong năm để duy trì phong tục tập quán và giáo dục, nhắc nhở con cháu luôn hướng về cội nguồn. Một trong những chức năng quan trọng của gia đình Việt Nam là chức năng xã hội hóa là sự trao truyền văn hóa giữa các thế hệ, đảm bảo một sự vận hành có tính liên tục các giá trị và chuẩn mực trong đời sống. Lễ nghi là một trong những hình thức có hiệu quả để giáo dục trong xã hội nhằm đáp ứng quá trình này. Sự tụ họp trong một không khí thiêng liêng, có nhiều thế hệ cùng trực tiếp tham gia vào ngày giỗ là một môi trường giáo dục hữu ích.

Trong các gia đình, một năm thường có những ngày giỗ tổ, giỗ họ, giỗ gia tiên là dịp con cháu, anh em họ hàng được quây quần, sum họp bên nhau để hỏi thăm tình hình công việc, học tập của nhau. Mỗi dịp được gần gũi, tiếp

xúc trò chuyện như vậy càng làm cho mối quan hệ anh em gắn bó, thân thiết, quan tâm, giúp đỡ nhau.

Bảng 2.1.1: Tổ chức ngày giỗ trong gia đình, dòng họ

Tần số Tỷ lệ %

Giỗ tổ họ 183 61.0

Giỗ gia tiên 280 93.3

(Nguồn: Bộ số liệu đề tài: Toàn cầu hóa và bản sắc làng Việt ở miền Bắc)

Tín ngưỡng của dòng họ người Việt được thể hiện trong các hoạt động tập thể. Từ xa xưa cho đến ngày nay, dòng họ vẫn thường có những hoạt động tín ngưỡng chung. Trước hết là việc thờ cúng tổ tiên ở các gia đình, ở các nhà thờ họ thường gọi là từ đường. Mỗi gia đình Việt Nam không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, kể cả nhiều gia đình theo Đạo Thiên chúa, gia đình nào cũng theo tập quán thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đây là việc làm thường xuyên theo định kỳ ngày kỵ giỗ, ngày thiêng liêng bậc nhất trong một năm mà con cháu phải tập trung đầy đủ tại nhà thờ họ [7, tr. 168]. Việc thờ cúng tổ tiên được xã hội coi như là một tiêu chuẩn quan trọng của nề nếp gia phong, là hành vi hợp đạo đức truyền thống vì nó bắt nguồn từ lòng hiếu thảo của con cháu luôn tưởng nhớ công ơn của tổ tiên ông bà và đấng sinh thành. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên gắn liền với sự củng cố quan hệ gia đình, dòng họ.

“Thờ cúng tổ tiên là phong tục có từ lâu đời, không chỉ nhà con trưởng phải lập bát hương thờ tự mà cả con thứ cũng có bát hương gia tiên. Đây là việc làm quan trọng không chỉ để nhớ về tổ tiên, ông bà, người đã sinh thành ra bố mẹ mình, ra mình, mà còn là hình thức để giáo dục con cái mình cũng phải nhớ về tổ tiên, cội nguồn của mình” (Nam, kinh doanh buôn bán, 37 tuổi).

Theo tập quán lâu đời của người Việt Nam, dân ta lấy ngày ngày mất để cúng giỗ. Vào ngày đó, tùy hoàn cảnh từng gia đình mà tổ chức cúng lễ, ăn

uống, là lúc con cháu được sum vầy, đoàn tụ, kéo dài thời gian sum họp, kể chuyện tâm tình, chuyện làm ăn. Do vậy mà đại đa số (chiếm 93.3%) các gia đình ven đô Hà Nội đều tổ chức ngày giỗ, thờ cúng tổ tiên.

Bên cạnh việc tổ chức cúng giỗ gia tiên trong phạm vi gia đình, người dân ven đô cũng duy trì việc giỗ tổ, giỗ họ. Ngày giỗ họ là dịp duy nhất trong năm để cả họ họp mặt. Có 61% các gia đình ở ven đô tham gia vào các ngày giỗ tổ họ như một sự tưởng nhớ người đã khuất và việc tham gia vào hoạt động giỗ tổ họ cũng giúp cho các gia đình củng cố mối quan hệ trong họ tộc và từ đó nguồn vốn xã hội được tạo dựng thông qua quan hệ trong dòng họ. Điều này cũng được giáo sư Phan Đại Doãn khẳng định: “Tín ngưỡng thờ tổ tiên là đặc trưng tín ngưỡng của người Việt đã góp phần không nhỏ trong

việc thắt chặt các quan hệ họ hàng” [8, tr. 8].

Việc tổ chức cúng giỗ là dịp để con cháu hội họp, sum vầy bên nhau, thắt chặt tình cảm đoàn kết giữa anh chị em, con cháu trong gia đình. Để tiến hành cúng giỗ, con cháu một chân một tay, mỗi người mỗi công mỗi việc và do vậy tình cảm ngày càng gắn bó hơn. Những ngày giỗ chạp không chỉ đơn thuần là anh em ruột thịt trong gia đình mà anh em họ mạc cũng tham gia. Sự chia sẻ công việc, sự gặp gỡ trò chuyện càng làm tăng sự gần gũi, gắn kết giữa anh em trong họ tộc. Từ đó mà những công việc lớn bé trong gia đình đều được anh em giúp đỡ, hỗ trợ khi gặp khó khăn. Cũng nhờ đó mà các quan hệ xã hội của người dân ven đô được củng cố và thắt chặt hơn.

“Giỗ tổ, giỗ họ là công việc của cả họ, con cháu đều phải tham gia giỗ, đến bàn bạc từ hôm trước xem năm nay tổ chức giỗ như thế nào rồi đóng góp tiền để làm giỗ. Đến ngày giỗ thì con cháu đến thắp hương, mỗi người một công việc... Đó là lúc anh em trong họ cùng làm cùng ăn, được gặp mặt trò chuyện thì tình cảm anh em càng gần gũi hơn” (Nam, kinh doanh buôn bán, 37 tuổi).

Như vậy, qua hoạt động thờ cúng tổ tiên và tổ chức các ngày giỗ trong năm, bằng tình cảm ruột thịt, tình anh em họ hàng người dân ven đô đã tạo dựng được nguồn vốn xã hội của mình thể hiện qua việc củng cố các quan hệ trong gia đình, dòng họ - một mối quan hệ bền chặt và tương trợ rất có ích cho người dân trong việc tìm kiếm lợi ích.

Một phần của tài liệu Vốn xã hội qua sự cố kết cộng đồng ở ven đô Hà Nội (Nghiên cứu trường hợp xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội (Trang 35)