Vốn xã hội trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp

Một phần của tài liệu Vốn xã hội qua sự cố kết cộng đồng ở ven đô Hà Nội (Nghiên cứu trường hợp xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội (Trang 63)

9. Cấu trúc của luận văn

3.2 Vốn xã hội trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp

Từ xa xưa, các nghề tiểu thủ công nghiệp luôn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội ở các vùng quê Việt Nam. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp có ý nghĩa lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc [6, tr. 22]. Trong những năm qua, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của xã cùng với việc hỗ trợ và phát triển các ngành nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN), hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp của Yên Thường đã có những bước chuyển khả quan. Ngành nghề tiếp tục phát triển đa dạng, thu hút ngày càng đông lao động và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn [45]. Đồng thời sự phát triển của các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cũng là cách để sử dụng thời gian nông nhàn giữa các mùa vụ của người nông dân.

Tại Yên Thường hiện có một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đã và đang phát triển, thu hút được nhiều lao động trong và ngoài xã đến làm việc như nghề làm nhựa, nghề nề, nghề mộc, làm bánh kẹo,… Việc đẩy mạnh và phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của xã theo hướng công nghiệp hóa,

hiện đại hóa. Bởi chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là con đường tất yếu để phát triển một cách toàn diện kinh tế nông thôn, làm cho tỷ trọng khu vực nông thôn ngày càng thu hẹp, tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp ngày càng tăng. Tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng này, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng. Sự phát triển mạnh mẽ của các nghề tiểu thủ công nghiệp đã tác động tích cực vào việc thay đổi tập quán từ sản xuất nhỏ, phân tán, độc canh, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa đa ngành, kết hợp sản xuất nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ [6, tr. 21].

Yên Thường tuy không có các làng nghề truyền thống nổi tiếng mà chỉ là một số ngành nghề phát triển nhỏ, do các hộ gia đình tự làm chủ với 64 hộ gia đình chiếm 21.3% số gia đình được hỏi đang hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển các ngành nghề này cũng đã mang lại thu nhập nhất định cho người dân, nâng cao đời sống và tạo việc làm cho lao động dư thừa ở nông thôn. Các nghề tiểu thủ công nghiệp thường gắn với lịch sử lâu đời, cha truyền con nối nên số thành viên và số thế hệ trong gia đình là một yếu tố quan trọng đối với những hộ làm nghề tiểu thủ công nghiệp. Vì làm nghề này đòi hỏi nhiều lao động, nhất là những người có kinh nghiệm, tay nghề vững vàng.

Biểu đồ 3.2.1: Tƣơng quan giữa số thế hệ trong gia đình với các gia đình có sản xuất tiểu thủ công nghiệp (Đơn vị: %)

(Nguồn: Bộ số liệu đề tài: Toàn cầu hóa và bản sắc làng Việt ở miền Bắc)

Ở nông thôn, các gia đình truyền thống với nhiều thế hệ cùng chung sống còn tồn tại khá phổ biến, do vậy trong lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, sự tham gia của các gia đình nhiều thế hệ vào hoạt động này cũng nhiều hơn. Biểu đồ tương quan trên cho thấy, các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung nhiều nhất trong các gia đình có hai và ba thế hệ cùng chung sống với tỷ lệ % lần lượt là 54.7% và 34.3%. Với những nghề truyền thống có từ lâu đời, những người già, có thâm niên lâu năm trong nghề sẽ là những người truyền lại kinh nghiệm sản xuất cho con cháu. Vì vậy mà các nghề thủ công được truyền từ đời này sang đời khác và nhờ đó nó được bảo tồn và phát huy.

Để mở rộng sản xuất kinh doanh và hỗ trợ nhau phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp, người dân ven đô Hà Nội đã khai thác nguồn vốn xã hội của mình thông qua sự tin tưởng, các quan hệ xã hội trong họ hàng, làng xã, cộng đồng để huy động sức mạnh về nguồn lực con người, tài chính để có thể đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản xuất.

Bảng 3.2.1: Các quan hệ và hình thức hợp tác trong phát triển tiểu thủ công nghiệp (Đơn vị: %)

Hình thức Quan hệ Chung vốn để sản xuất Cùng tham gia sản xuất Trao đổi thông tin/kinh nghiệm Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm Anh em họ hàng 23.1 38.5 3.8 26.9 Người cùng xóm - 47.4 10.5 36.8 Người ngoài xóm, cùng làng 6.5 51.6 6.5 32.3 Người ngoài làng 3.1 46.9 6.3 40.6 Bạn bè 7.7 46.2 38.5 7.7

(Nguồn: Bộ số liệu đề tài: Toàn cầu hóa và bản sắc làng Việt ở miền Bắc)

Người dân Yên Thường đã dựa trên cơ sở niềm tin, quan hệ có đi có lại trong mạng lưới xã hội mình quen biết để tìm kiếm lợi ích trong hoạt động tiểu thủ công nghiệp với biểu hiện cụ thể là sự hợp tác, giúp đỡ nhau sản xuất. Trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, có nhiều hình thức hợp tác, hỗ trợ nhau làm ăn kinh tế dù không cần huy động nguồn vốn lớn như các ngành nghề khác, nhưng để sản xuất có hiệu quả, sản phẩm có chất lượng thì cần một lượng tài chính nhất định để duy trì hoạt động. Như trong phần quan điểm lý thuyết về cố kết cộng đồng - vốn xã hội đã đề cập đến, vốn xã hội trong những điều kiện nhất định có thể được chuyển thành vốn kinh tế. Ở đây, người dân ven đô xã Yên Thường đã huy động nguồn vốn xã hội của mình trong mạng lưới xã hội như anh em họ hàng, làng xóm thân cận, hay người thân quen, bạn bè trong làng, trong xã để huy động nguồn vốn kinh tế. Hình thức chung vốn để sản xuất sẽ giúp các hộ gia đình sản xuất tiểu thủ công nghiệp huy động được nguồn vốn cần thiết để phục vụ cho sản xuất và mở rộng quy mô. Hình thức hợp tác này phổ biến nhất trong mối quan hệ với anh

em họ hàng chiếm 23.1%. Họ hàng luôn là một mối tương trợ lớn trong việc sản xuất tiểu thủ công nghiệp cho các gia đình. Theo Nguyễn Tuấn Anh [4, tr. 57], trích lại từ Đào Duy Anh (2000:68) đặc điểm quan trọng của các nghề thủ công truyền thống trước đây là hoạt động dựa trên quan hệ họ hàng. Nếu một hộ gia đình vận hành xưởng sản xuất tiểu thủ công nghiệp thì những người làm việc trong xưởng sản xuất thường có quan hệ họ hàng với nhau.

Ngoài chung vốn, dựa trên sự tin tưởng và các quan hệ quen biết, các gia đình ven đô cũng cùng nhau tham gia các hoạt động tiểu thủ công nghiệp. Tuy không phải các làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp như ở các địa phương khác nhưng chỉ với một số hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp cũng giúp vùng ven đô Yên Thường giải quyết được phần nào nguồn lao động dư thừa ở nông thôn. Với những ngành nghề khác nhau mà số lượng lao động cần cũng khác nhau nên mọi người không cứ gì anh em họ hàng trong nhà thường cùng tham gia vào hoạt động sản xuất. Đây là hình thức hợp tác, hỗ trợ nhau chiếm tỷ lệ cao nhất ở Yên Thường. Những người cùng tham gia sản xuất ngoài máu mủ họ hàng còn có cả những người trong làng xóm, ngoài làng và bạn bè thân thích, trong đó những người ngoài xóm cùng làng tham gia chung vào các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ lệ cao hơn cả với 51.6%.

“Thợ nhà anh toàn người làng cả chứ anh em mỗi người mỗi nghề rồi nên mình lấy người làng. Người làng mình quen biết rồi thì lấy cho dễ và người ta đến xin mình cho làm cùng thì mình nhận” (Nam, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 40 tuổi).

Khai thác nguồn vốn xã hội người dân có thể cùng nhau tham gia sản xuất, hợp tác trong lao động, phát huy có hiệu quả tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau trong lao động, không những thế nó cũng giúp cho tiến độ công việc được đẩy mạnh, sớm hoàn thành các đơn đặt hàng, năng suất tăng cao.

Bên cạnh việc giúp đỡ nhau cùng sản xuất, trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, các gia đình làm nghề cũng trao đổi, học hỏi và chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm cho những người trong mạng lưới xã hội mình quen biết để cùng làm ra những sản phẩm có chất lượng phục vụ cho người tiêu dùng. Điều này thể hiện tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau sản xuất chứ không ích kỷ, giấu nghề, giấu kinh nghiệm vì không muốn người khác hơn mình. Việc giúp đỡ nhau về kiến thức, kinh nghiệm chiếm tỷ lệ cao nhất ở nhóm bạn bè với 38.5%.

“Thợ làm cho nhà mình thì tất nhiên rồi, mình không bảo thì sao họ biết làm được. Trước đây anh cũng xuất thân từ thằng đi học nghề, cũng phải học của người ta mình mới biết làm. Những gì người ta truyền cho mình thì mình tiếp thu, sau này thạo rồi mới dám mở xưởng riêng. Thợ đây lúc đầu anh cũng phải chỉ bảo họ cách làm, cũng có người biết một chút rồi thì đơn giản hơn. Việc nọ việc kia đều phải bảo ban hết chứ, không họ làm sai, làm hỏng của mình thì chết dở. Kinh nghiệm mình có được thì mình truyền lại cho người ta, nhưng quan trọng họ cũng phải tự mình học hỏi nữa” (Nam, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 40 tuổi).

Với nguồn vốn xã hội là sự có đi có lại trong mạng lưới xã hội, người dân hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp ở xã Yên Thường cho rằng, nghề mình có được là do học hỏi từ cha ông, từ bạn bè, người khác qua thời gian làm việc mà kinh nghiệm được tích lũy, tay nghề được nâng cao. Mình học được từ người khác vì vậy mình cũng truyền đạt lại cho người khác để cùng nhau tiến bộ, làm ăn có hiệu quả.

“Mình học hỏi được của người ta hay người ta học hỏi của mình thì mang lại nhiều lợi ích cho bản thân chứ, mình học hỏi được thì vỡ vạc ra được nhiều điều, tiếp thu kinh nghiệm của người ta thì tay nghề có tiến bộ hơn. Làm mộc cũng không phải đơn giản, nhiều đường nét cần sự tỷ mỷ và khéo tay thì mình cần học hỏi nhiều mới thành thạo được. Tay nghề mà vững

sẽ làm được nhiều sản phẩm hơn thì mình thu được lợi hơn. Sản phẩm của mình đẹp, bền, làm có uy tín thì lại được nhiều người biết đến, nhiều người đến đặt hàng hơn thì hiệu quả nó cũng phải cao hơn rồi”(Nam, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 40 tuổi).

Từ sự truyền đạt và học kinh nghiệm lẫn nhau không những tay nghề của người sản xuất được nâng lên, sản phẩm có chất lượng hơn (lợi ích mà vốn xã hội mang lại) mà còn làm tăng sự liên kết giữa các thành viên trong cộng đồng với nhau, qua đó tình cảm giữa những người cùng làm nghề cũng được củng cố, gắn bó và thân thiết với nhau hơn (những hệ quả tích cực của cố kết cộng đồng được phát huy).

Thị trường tiêu thụ sản phẩm đã và đang là vấn đề số một của mọi doanh nghiệp nói chung và của các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp nói riêng. Muốn có được lợi nhuận thì sản phẩm phải được tiêu thụ trên thị trường với giá cả hợp lý, sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Do vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm là vấn đề không thể coi nhẹ trong nền kinh tế thị trường [6, tr. 45-46]. Vận dụng nguồn vốn xã hội trong các mối quan hệ quen biết từ quan hệ trong gia đình, họ hàng, làng xóm, bạn bè, các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở ven đô đã mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để đưa mặt hàng của mình đến với người tiêu dùng khắp nơi. Đây là những kênh hỗ trợ về thị trường hiệu quả mà người dân ven đô đã biết khai thác và sử dụng để mở rộng đầu ra của sản phẩm. Họ đã tận dụng các mối quan hệ trong họ hàng, làng xóm để đưa sản phẩm của mình ra thị trường với 26.9% qua anh em họ hàng; 36.8% qua hàng xóm láng giềng.

“Các anh em cũng giới thiệu người nọ người kia đến mua nhiều, năm nay nhà chú làm cũng nhiều mà chú bán cũng nhiều, năm nào nhà chú bán cũng tầm 25 tết là chú hết rồi còn năm nay anh em giới thiệu cho chú, cứ mỗi

1 năm lại có thêm nhiều người đến rồi giới thiệu người nọ người kia đến để chú bán được nhiều sản phẩm”(Nam, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 48 tuổi).

Bên cạnh quan hệ gần gũi như trong họ hàng, hàng xóm thân cận, người dân ven đô cũng huy động những kết nối khác trong mạng lưới xã hội của mình như mối quan hệ bạn bè, những người quen biết trong làng, trong xã để mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong đó, qua kênh người quen ngoài làng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chiếm tỷ lệ cao nhất với 40.6%.

“Cũng giúp nhiều chứ, các mối làm ăn do bạn bè, người quen giới thiệu cũng nhiều. Họ cứ chỉ cho người ta đến chỗ mình đặt hàng nên có khi nhiều khách hàng xa cũng đến đặt hàng. Nhờ đó mình cũng có thêm những mối hàng. Nhiều người đến đặt một lần mà thấy ưng ý lần sau lại đến thì mình lại quen biết với người ta. Người ta lại giới thiệu khách cho mình. Nhưng quan trọng là mình làm ăn có uy tín, sản phẩm có chất lượng nên có thể nhờ bạn bè giới thiệu giúp”(Nam, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 40 tuổi).

“Các anh em trong hội chú tham gia cũng giới thiệu người nọ người kia đến mua nhiều, năm nay nhà chú làm cũng nhiều mà chú bán cũng nhiều. Trong cái quan hệ với người ta mình được lợi. Người ta không cho mình cái vật chất ngay nhưng người ta sẽ cho tình cảm và kinh tế lâu dài để mình làm ăn lâu dài nay mai mà không phải 1 lúc có ngay” (Nam, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 48 tuổi).

Người dân ven đô đã biết khai thác nguồn vốn xã hội của mình thông qua những mối quan hệ từ người thân, hàng xóm, bạn bè,… là chỗ hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả cả về vốn, nhân lực, kinh nghiệm lẫn đầu ra của sản phẩm. Nhờ nguồn vốn xã hội tạo dựng được mà những sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của người dân Yên Thường làm ra không chỉ được tiêu thụ trong làng xã với 45.3% mà đã mở rộng thị trường ra những tỉnh khác với 37.5% và thậm chí còn được tiêu thụ ở nước ngoài với 1.6%. Điều này cho thấy người

dân ven đô đã khai thác có hiệu quả nguồn vốn xã hội của mình với biểu hiện cụ thể là sự tin tưởng, có đi có lại và mở rộng các quan hệ xã hội mình có để tìm kiếm lợi ích trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trong công việc làm ăn kinh doanh, với các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp tại xã Yên Thường cũng vậy, việc vận dụng nguồn vốn xã hội là sự tin tưởng lẫn nhau, sự có đi có lại và các mối quan hệ bạn bè quen biết của mình là một nguồn lực hỗ trợ quan trọng trong công việc làm ăn. Nhờ tận dụng nguồn vốn này mà trong hoạt động sản xuất, các hộ gia đình làm nghề tiểu thủ công nghiệp có thể dựa trên sự tin tưởng để chung vốn, hợp tác trong sản xuất; dựa trên sự có đi có lại để trao đổi thông tin, chia sẻ và giúp đỡ nhau về kinh nghiệm sản xuất; đồng thời dựa trên những mối quan hệ để khai thác những thị trường tiêu thụ mới. Một khi đã tạo dựng được uy tín và sự tin tưởng của khách hàng thì sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của người dân ven đô sẽ được giới thiệu rộng rãi tại nhiều địa phương khác. Những biểu hiện cụ thể của tính cố kết cộng đồng như việc hợp tác, giúp đỡ và hỗ trợ nhau trong

Một phần của tài liệu Vốn xã hội qua sự cố kết cộng đồng ở ven đô Hà Nội (Nghiên cứu trường hợp xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)