Ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Yếu tố trữ tình trong văn xuôi Thạch Lam (Trang 102)

6. Cấu trúc của Luận văn:

3.3.1. Ngôn ngữ

“Ngôn ngữ là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Ngôn ngữ đã cụ thể hoá và vật chất hoá sự biểu hiện của cuộc đời, tư tưởng, tính cách và cốt truyện…Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên mà nhà văn sử dụng trong quá trình chuẩn bị và sáng tạo tác phẩm; nó cũng là yếu tố xuất hiện đầu tiên trong sự tiếp xúc của người đọc với tác phẩm” [9;148]. M.Goorki từng cho rằng: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó và cùng với các sự kiện, các hiện tượng của cuộc sống là chất liệu của văn học" [14;91 ]. Các nhà văn trong quá trình sáng tạo đã phải đảm bảo ngôn ngữ có tính chính xác, tính hàm súc, tính

biểu cảm và tính hình tượng. Để đạt được điều đó, các tác giả thường khai thác những phương tiện biểu hiện vốn có của ngôn ngữ như: vần, giọng điệu, thanh điệu- hay các phương thức tu từ. Tuỳ vào vốn sống tài năng và sự hiểu biết của mình mà mỗi nhà văn có sự sáng tạo khác nhau trong việc sử dụng hệ thống ngôn ngữ cho mục đích sáng tác của mình.

Ngôn ngữ văn xuôi Thạch Lam là ngôn ngữ dư ba có sức đọng lớn. Lời kể, lời tả rất giản dị, trong sáng, mượt mà nhưng sâu lắng, đằm thắm và thấm đượm tình người:

“…Tôi ngạc nhiên tự hỏi sao mình hãy còn là người lương thiện, không phải là kẻ ăn cắp, cái đó cũng không khiến tôi lấy làm ngạc nhiên hơn. Mà còn là người lương thiện, tôi tự thấy mình cũng chẳng có gì là đáng khen. Tôi nhớ rõ lúc đó không một ý nghĩ nào về danh dự, về điều phải, điều trái ngăn cản tôi, và khiến tôi đi vào con đường ngay, như người ta vẫn nói. Không, không có một chút gì như thế. Cái gì đã giữ tôi lại? Tôi không biết… có lẽ chỉ có lời nói không đâu, một cử chỉ nào đấy, về phía này hay phía kia, đã khiến tôi có ăn cắp hay không ăn cắp. Chỉ một sợi tóc nhỏ, một chút gì đó, chia địa giới hai bên...” (Sợi tóc)

“Bà Cả hình như không nghe thấy gì nữa. Mắt bà đờ ra như đang theo đuổi một ước vọng xa xôi, bà đang nghĩ rằng không bao giờ bà biết được những nỗi lo sợ ấy, bởi không bao giờ bà được bồng đứa con trên tay, nâng niu ấp ủ một cái mầm sống trong lòng. Không bao giờ… giá bà đánh đổi tất cả của cải để lấy đứa con…” (Đứa con).

“… Hình như có những cái lẽ tối tăm làm cho nàng sợ hãi, không dám nhận lời. Liên lờ mờ thấy rằng nàng không đủ can dảm làm một việc như thế, không đủ quả quyết với mình để chống lại những cái cay nghiệt gây nên xung quanh nàng. Không phải vì nàng quyến luyến đứa con lên sáu: nàng không yêu nó vì nó xấc láo như bố. Nhưng bỏ chồng bỏ con để lấy

Tâm, để được sung sướng riêng lấy mình nàng, Liên cho như là một sự việc không bao giờ có thể làm được” (Một đời người).

Bằng lối ngôn ngữ miêu tả giàu xúc cảm và hình tượng, Thạch Lam đưa người đọc trở về với những miền quê êm đềm, yên ả của nông thôn Việt Nam:

“Thanh lách cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào. Chàng thấy mát hẳn cả người, trên con đường gạch Bát Tràng rêu phủ, những vòng ánh sáng lọt qua vòm cây xuống nhảy múa theo chiều gió. Một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí… Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn… Thanh bước xuống giàn thiên lý. Có tiếng người đi, rồi bà chàng mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc, ở ngoài vườn vào… Ngoài khung cửa sổ, trời xanh ngắt ánh sáng, lá cây rung động dưới làn gió nhẹ. Một thân cây vút cao lên trước mặt. Cùng một lúc, chàng lẩm bẩm: cây hoàng lan!, mùi hương thơm thoang thoảng đưa vào. Thanh nhắm mắt ngửi mùi hương thơm và nhớ đến cái cây ấy chàng thường hay chơi dưới gốc nhặt hoa…” (Dưới bóng hoàng lan).

Lời văn mượt mà, giàu chất hoạ, chất nhạc đã diễn tả một cách hình tượng cảnh thiên nhiên cùng với những tinh tế của tâm hồn con người. Một thế giới hoàn toàn yên bình, tĩnh lặng và đẹp như cổ tích. Con đường gạch, giàn cây, bóng mát và đặc biệt là hương hoa đã xoa dịu tâm hồn con người sau một quãng đường dài đầy bụi bặm. Trở về với quê hương chính là trở về với dân tộc, trở về với những nét đẹp truyền thống được lưu giữ từ thuở xa xưa, trở về với cội nguồn của sự sống, tình yêu thương che chở. Trong khung cảnh ấy, tâm hồn con người trở nên trong sáng hơn, thuần khiết hơn, đẹp đẽ hơn.

Ngôn ngữ miêu tả của Thạch Lam có sức khêu gợi cảm xúc, đánh thức rung cảm trong lòng người. Hãy nghe Thạch Lam kể và tả về các món ăn, các thức quà Hà Nội, thật khéo và hấp dẫn kì lạ, cứ như người đọc cùng

nhà văn đang được thưởng thức vậy.

Ông tả về cơm nắm- thức quà ăn buổi sáng “Đối với các bà, các cô đi chợ, cô hàng vải, cô hàng cau … là những người ưa món quà gì vừa rẻ, vừa ngon, lại vừa no lâu – các cô khó tính, sành ăn và hay xét nét lắm- đã có món quà của cô hàng cơm lẳng lơ với hai quang thúng bỏ chùng. Món quà này sạch sẽ và tinh khiết, từ quà cho đến quang thúng, cả cô hàng, tóc vấn gọn, áo nâu mới, quần sồi thâm, cô hàng trông cũng ngon mắt như quà của cô vậy … Con dao cắt, sáng như nước và lưỡi đưa ngọt như đường phèn. Cơm cắt ra từng khoanh, cô hàng lại cẩn thận gạt bỏ lớp ngoài, rồi lại cắt ra từng miếng nhỏ vuông cạnh và dài, để bày trên đĩa” (Hà Nội băm sáu phố phường).

Với món bún ốc, Thạch Lam đã tả bằng những dòng thật sự là văn chương, mà cũng thật sự là đời thường: “Có ai buổi trưa vắng hay buổi đêm khuya, đi qua các nhà cô đào, các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phấn và mệt lả, nước ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt và đôi khi làm rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình. Cô hàng ốc có một cái dụng cụ, một đầu là búa, một đầu là dùi nhọn. Một cái gõ nhẹ, và một cái trở tay là con ốc nguyên cả ruột đã đã gọn gàng rơi mình vào bát nước. Cô thoăn thoắt rút ốc không kịp, trông thấy người ta ăn ngon lành, chính cô cũng sinh thèm. Ấy cô có thú thực với tôi như thế” (Hà Nội

băm sáu phố phường). Có thể thấy cô hàng bún ốc đã tài mà tác giả mô tả lại

càng tài tình. Nhưng không chỉ ngần ấy, mà tác giả có cả một lòng yêu thành thực yêu trong thâm tâm, yêu những cái bé bỏng nhưng là của một Hà Nội hằng đắm say.

Ngôn ngữ Thach Lam nhẹ nhàng, đậm chất trữ tình man mác. Có lẽ ta sẽ không tìm thấy những lớp ngôn ngữ mang tính chất xã hội hóa cao như trong sáng tác của các nhà văn hiện thực chủ nghĩa. Ta cũng không tìm

thấy những nét đặc trưng của ngôn ngữ nhân vật với khẩu khí và cách diễn đạt riêng như: "mẹ kiếp, nước mẹ gì!", "Biết rồi khổ lắm nói mãi!" (Vũ Trọng Phụng) hay cái biệt tài sử dụng đắc địa các đại từ nhân xưng: nó, hắn, y, thị, gã .. (Nam Cao) cũng như lối nói phóng đại đầy chất hài hước, trào phúng (Nguyễn Công Hoan). Cái đẹp của ngôn ngữ Thạch Lam là cái đẹp của thứ ngôn ngữ "vừa cho ta nhìn vừa cho ta cảm". Tâm hồn đa cảm và tinh tế đến độ "có thể thu nhận được sự thay đổi về độ ánh trăng hay âm sắc của các loại lá khô rụng va vào đất" đã đem đến cho bạn đọc những trang văn đạt đến sự trong sáng, thuần khiết của Tiếng Việt, có khả năng diễn tả một cách đầy đủ những cung bậc khác nhau của đời sống nội tâm con người. Nếu cho rằng một thế giới cảm giác mong manh, thầm kín, nội tại đã hiện diện rất nhiều trong con người văn xuôi Tự lực văn đoàn, thì đến Thạch Lam cái thế giới ấy đã đạt đến độ tinh tế nhất. Ở trong mỗi con người chúng ta, dường như ai cũng có một đời sống nội tâm đầy bí mật, nhưng mấy ai đã diễn tả được nó như thế này: "Tôi cảm thấy một cái thú khoái lạc kì dị, khe khẽ và thầm lặng rung động trong người, có lẽ là cái khoái lạc bị cám dỗ, mà cũng có lẽ cái khoái lạc đã đè nặng nén được sự cám dỗ. Và một mối tiếc ngấm ngầm, tôi không tự thú cho tôi biết và cũng cố ý không nghĩ đến, khiến cho cái cảm giác ấy của tâm hồn tôi thêm một vẻ rờn rợn và sâu sắc" (Sợi tóc).

Tác phẩm Thạch Lam càng đọc càng bị lôi cuốn, càng đọc càng say. Ông đã biết chọn cho mình một lối ngôn ngữ rất riêng, rất độc đáo. Ông dùng thủ pháp so sánh để miêu tả tâm hồn nhân vật và miêu tả thiên nhiên: “Mỗi lần cơn gió, mỗi lần chàng ngửi thấy mùi béo ngậy của miếng thịt ướp, mùi thơm của chiếc bánh vàng, mũi Sinh tự nhiên nở ra, hít mạnh vào, cái mùi thơm thấu tận ruột, gan như thấm nhuần vào xương tuỷ.” (Đói); “Và mỗi lần tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, tôi lại thấy đau đớn

trong lòng, như có một vết thương chưa khỏi” (Một cơn giận); “Tiếng mưa reo và gió thổi như một thứ âm nhạc vui vui, ru ngủ người ta dần dần (Tiếng chim kêu), “Tâm hồn Thành trơ trọi như một cánh đồng thấp mà lúa đã gặt rồi” (Cuốn sách bỏ quên); “ ... bà cụ già lê nhích lại gần, cúi xuống khe khẽ kéo lại như có một vết thương chưa khỏi” (Nhà mẹ Lê); “Phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn trong lò”, “Một đêm mùa hạ êm như nhung”, “Một chiều êm ả như ru …” (Hai đứa trẻ).

Lối miêu tả so sánh đã giúp cho nhà văn cụ thể hoá những cái vốn trừu tượng. Nhờ đó những biến thái tinh vi của lòng người đã biểu hiện một cách tự nhiên, sinh động. Ông đã có một khả năng kì diệu là truyền đến cho người đọc những “rung động khẽ như cánh bướm non” trong cái thế giới mà ta đang sống hàng ngày mà chính ông là người nhận ra trước hơn ai hết, và cũng rung động hơn ai hết.

Một trong những biểu hiện yếu tố trữ tình ở ngôn ngữ Thạch Lam là

ngôn ngữ bình luận và trữ tình ngoại đề. Đó là thứ ngôn ngữ được hoà trộn

giữa ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật. Tác giả mượn lời nhân vật để bộc lộ những tâm tư, bộc lộ chính kiến của mình.

“Tâm thấy ngày nay cũng như mọi ngày, ngày kia cũng thế nữa, tất cả cuộc đời nàng lúc nào cũng chịu khó và hết sức như tấm vải thô dệt đều nhau. Có phải đâu chỉ mình cô; trong những luỹ tre xanh kia, bao nhiêu người cũng như cô, cũng phải chịu khó và nhọc nhằn để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con, nuôi các em” (Cô hàng xén).

“Ngày nọ nối tiếp ngày kia. Liên lại vẫn chịu cái đời khổ sở, đau đớn mọi ngày. Cái mộng một cuộc đời sung sướng với Tâm, Liên buồn rầu cho như là những vật tốt đẹp mà nàng thấy bày trong tủ kính các cửa hàng, những vật quý giá mà nàng tưởng không bao giờ thuộc về nàng nữa” (Một đời người)

“Cuộc đời có những cái chế giễu đắng cay và đau đớn làm cho chúng ta đột nhiên hiểu cái ý nghĩa chua chát và sâu xa” (Cái chân què).

“Có những ngày mà tự nhiên không hiểu tại sao, ta thấy khó chịu và hay gắt gỏng, không muốn làm việc gì”. (Một cơn giận). Đó là tâm sự của nhân vật tôi mà cũng chính là tác giả. Ông tự vẽ mình!

“Rồi tôi băn khoăn tự hỏi xem trong hai cái hình ảnh ấy, hình ảnh người thiếu niên hăng hái và hình ảnh người trưởng giả an nhàn, cái hình ảnh nào thật là của tôi?” (Người bạn).

Thật khó có thể phân biệt đâu là ngôn ngữ của tác giả, đâu là ngôn ngữ nhân vật. Nhà văn đã thật sự đặt mình vào địa vị nhân vật để nói lên suy nghĩ về số phận và cuộc đời những cô hàng xén nghèo khó sớm tối phải tần tảo vất vả vì gia đình; những bi kịch về tình cảm, hôn nhân gia đình hay bi kịch về số phận của con người. Lối diễn đạt, kiểu ngôn ngữ như vậy không chỉ khái quát phản ánh một cách tinh tế sinh động được tâm trạng nhân vật mà đồng thời thể hiện được thái độ cảm xúc nhà văn. Nó có sức khơi gợi dễ làm ta rung động vì trước ta, chính tác giả đã rung động.

Tóm lại, ngôn ngữ văn xuôi Thạch Lam hết sức đặc sắc. Đó là thứ ngôn ngữ của tâm trạng, của cảm giác diễn tả những trạng thái mơ hồ, mong manh thường xảy ra bất chợt trong tâm hồn nhân vật. Trong văn Thach Lam, lời kể, lời tả rất nhẹ nhàng, thủ thỉ và dung dị nhiều khi thiên về bộc lộ tâm tư, suy nghĩ của chính tác giả. Đặc biệt nhà văn đã khéo léo sử dụng ngôn ngữ bình luận và trữ tình ngoại đề, tất cả làm nên một nét riêng độc đáo của nhà văn, tạo nên chất thơ, chất trữ tình hấp dẫn.

Một phần của tài liệu Yếu tố trữ tình trong văn xuôi Thạch Lam (Trang 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)