Kết cấu tâm lý – mô hình tiêu biểu của văn xuôi Thạch Lam

Một phần của tài liệu Yếu tố trữ tình trong văn xuôi Thạch Lam (Trang 54)

6. Cấu trúc của Luận văn:

2.2.2.Kết cấu tâm lý – mô hình tiêu biểu của văn xuôi Thạch Lam

Nhìn lại các sáng tác của các tác giả cùng thời với Thạch Lam, chúng ta dễ dàng nhận thấy có nhiều hình thức kết cấu khác nhau. Truyện của

Nguyễn Công Hoan có lối kết cấu gần với kịch. Sự vận động của cốt truyện trên cơ sở sự xuất hiện, hình thành những tình huống mâu thuẫn, những xung đột. Các mâu thuẫn, xung đột ngày càng được đẩy đến cao trào, đỉnh điểm, rồi bất ngờ được giải quyết, nội dung tư tưởng của tác phẩm được bộc lộ….. Kết cấu truyện của Nam Cao thường nương theo trục thời gian, dõi theo số phận nhân vật (Chí Phèo, Nửa đêm, Dì Hảo, Điếu văn …) hoặc mang tính chất luận đề (Đời thừa, Sống mòn …). Nhìn chung kết cấu của Nam Cao “là một dòng cảm xúc buồn của chất văn xuôi - đời thường” [18; 367].

Riêng với Thạch Lam, đối tượng phản ánh không phải là những xung đột giai cấp dữ dội mà là những diễn biến tinh vi, phức tạp của thế giới nội tâm. Vì vậy Thạch Lam đã chọn kết cấu tâm lí trong đa số các sáng tác của mình. Trong dạng kết cấu này, tác giả đã dựa vào các quá trình vận động bên trong tâm hồn, những phản ứng nội tâm, diễn biến tâm trạng nhân vật làm cơ sở để tổ chức tác phẩm. Tất cả đều được soi rọi từ cái nhìn nghệ thuật mang đậm dấu ấn chủ quan của nhà văn.

Xuyên suốt thiên truyện Hai đứa trẻ là dòng cảm giác của nhân vật

Liên: buồn man mác trước giờ khắc của ngày tàn, cảm giác yêu thương, thân thuộc khi bắt gặp mùi âm ẩm của đất, “Liên tưởng là mùi riêng của đất”; cảm giác xót xa đồng cảm trước những thân phận, những kiếp người tàn tạ: những đứa trẻ đi đi lại lại nhặt nhạnh những thứ còn sót lại của phiên chợ nghèo; cảm giác trước cảnh sống của gia đình chị Tý, bác Xẩm, bác phở Siêu, bà cụ Thi điên; cảm giác “mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết, như chiếc đèn con của chị Tý chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ” sau khi nhìn thấy chuyến tàu đêm.

Sự vận động của truyện đi theo diễn biến của những rung cảm, cảm xúc trong tâm hồn nhân vật, nó rất mong manh, nhỏ bé và có khi mơ hồ thật khó nắm bắt. Kết cấu của truyện giống như một bài thơ trữ tình đượm

buồn làm lay động trái tim bạn đọc.

Truyện Gió lạnh đầu mùa được kết cấu theo diễn biến tâm trạng

nhân vật bé Sơn: đó là những cảm giác của Sơn trước sự thay đổi đột ngột của thiên nhiên - cái lạnh đầu mùa bất chợt tràn về trong một buổi sáng. Cảnh vật, con người xung quanh đều có sự thay đổi, đặc biệt là cảm nhận của Sơn về cái lạnh của những đứa trẻ con nhà nghèo vì không có áo mặc. Và cảm giác vui, hạnh phúc khi lén mẹ tặng bạn chiếc áo rồi sau đó là sự hồi hộp lo lắng sợ bị mẹ phát hiện … Mạch đi của truyện theo những cảm giác rất nhẹ nhàng tinh tế trong tâm hồn trẻ thơ – nhân vật cậu bé Sơn đã đưa người đọc nhập vào câu chuyện và trải nghiệm với đời sống nội tâm nhạy cảm giàu tình yêu thương của thế giới trẻ thơ trong tác phẩm Thạch lam.

Dưới bóng hoàng lan với kết cấu theo những sắc thái nội tâm của

nhân vật Thanh sau những năm đi học trên tỉnh xa nhà được trở về thăm bà, được đắm mình trong không gian yên ả thanh bình dưới bóng hoàng lan, được sống trong cảm giác yêu thương gần gũi bên bà, và những rung cảm trước vẻ đẹp tâm hồn người thiếu nữ, để rồi hôm sau ra đi trong sự bịn dịn lưu luyến …

Truyện Cô hàng xén, kết cấu truyện đi theo mạch diễn biến tâm trạng nhân vật Tâm: từ lúc con gái, yêu thương, lo toan, trách nhiệm với gia đình, ngày ngày nhẫn nại đi về với gánh hàng rẻ tiền “đòn gánh cong xuống vì hàng nặng, kĩu kịt trên mảnh vai nhỏ bé theo nhịp của bước đi” và “nỗi mệt nhọc như tan biến khi Tâm trở về nhà sống trong tình yêu thương của mẹ và các em”; cảm giác lo lắng cho người thân, không mảy may nghĩ tới mình. Đến những cảm giác, tâm trạng mụ mị, lo âu chồng chất sau khi Tâm lấy chồng, vừa phải nuôi con, lo cuộc sống gia đình nhà chồng vừa phải chu cấp cho các em ăn học, Tâm không còn nghĩ tới bản thân nữa “Đã lâu nàng không còn chú ý đến sắc đẹp của mình và cũng không biết nó tàn lúc

nào. Sắc đẹp cũng vô ích cho nàng khi đã có chồng rồi” (Cô hàng xén).

Nếu như kết cấu trong các truyện ngắn Thạch Lam là kết cấu tâm lí, kết cấu theo các cung bậc tâm trạng, cảm xúc, những rung cảm nảy nở trong nội tâm nhân vật trước cuộc sống và thế giới xung quanh, với những sắc thái tâm trạng rất tinh vi, nhẹ nhàng mà có khả năng lay động cảm xúc người đọc, thì kết cấu trong Tuỳ bút Hà Nội băm sáu phố phường là ghi chép về những cảm nhận đôi khi mang tính ngẫu hứng về Hà Nội. Nhà văn không đi theo kết cấu của sự kiện, những biến cố thăng trầm của lịch sử, xã hội mà khai thác những lát cắt văn hoá, nghệ thuật ẩm thực- những biểu hiện tưởng vặt vãnh, đời thường như quà Hà Nội, tên các cửa hiệu, các con phố… Chỉ riêng các bài viết về quà Hà Nội, tác giả đi theo “mô thức”: mở đầu là Quà Hà Nội, kết thúc: “Qùa …tức là người”. Lối viết đó đem đến

cái ý vị riêng cho tuỳ bút Thạch Lam.

Với mỗi thức qùa, tác giả lại đi vào những cảm nhận, ấn tượng về hương vị, hình thức của nó, hương vị, hình thức của một Hà Nội ngàn năm văn hiến. Ví như viết về bún, phở, bánh cuốn …, mỗi câu mỗi chữ đều miêu tả cái xuýt xoa, cái cảm giác thèm thuồng, ngon và sung sướng của người thưởng thức. Còn khi viết về cốm và bánh cốm, tác giả đi theo mạch suy ngẫm về thứ quà này: “Cốm là thức quà riêng của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam. Ai đã nghĩ đầu tiên dùng cốm để làm quà sêu tết? Không còn gì hợp hơn với sự vương vít của tơ hồng, thức quà trong sạch, trung thành như các việc lễ nghi. Hồng cốm tốt đôi …màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ cho nhau để hạnh phúc được lâu bền”.

trọng các giá trị văn hoá dân tộc, yêu say đắm Hà Nội, Thạch Lam đã miêu tả mỗi thức quà đều gắn với nét đẹp cũng như cuộc đời của những con người nơi đây. Đó là những “cô hàng cơm nắm lẳng lơ với hai quang thúng bỏ chùng”, “món quà sạch sẽ và tinh khiết, tự quà cho đến cả quang thúng, cả cô hàng tóc vấn gọn, áo nâu mới, quần sồi thâm, cô hàng trông cũng ngon mắt như quà của cô vậy”. Đó là cô hàng bún ốc “có một cái dụng cụ, một đầu là búa, một đầu là dùi nhọn. Một cái gõ nhẹ, và một cái trở tay là con ốc nguyên cả ruột đã gọn gàng rơi mình vào bát nước. Cô thoăn thoắt rút ốc không kịp, trông thấy nguời ta ăn ngon lành, chính cô cũng sinh thèm …”. Qùa là nét đẹp của tấm lòng thơm thảo và cái tài khéo léo của những người đàn bà Việt: “Trong cách nặn bánh theo một hình thể thanh thanh, người ta cảm thấy cái hoa tay mềm mại của các cô thiếu nữ, cái tìm tòi nghệ thuật ấy giúp cho bánh ngon thêm nhiều lắm. Không cứ phải có của ngon, còn cần phải nâng niu kính trọng nữa” (Còn quà Hà Nội). Có những thứ quà lại gợi nên nỗi truân chuyên vất vả của một kiếp người: “Đêm khuya nữa … ở các con đường vắng, một bóng người lủi thủi đi, một chấm lửa nhỏ lung lay theo từng bước chậm chạp và thong thả, bác hàng quà đi nhẹ như chân ma, thỉnh thoảng cất lên một tiếng giao khe khẽ ngắn và chóng chìm vào quãng tối: “Giầy giò … giầy giò…” (Mìn páo và giầy

giò). Lại có thức quà không chỉ được thưởng thức hương vị ngon ngọt của

nó mà còn cảm nhận được cái tâm lí và cái đức của người bán hàng: “Bà là người ngoan đạo nên tuy ở địa vị đặc biệt đó bà cũng không bắt bí mọi người và ăn lãi quá đáng. Thức gì bà bán cũng ngon lành, giá cả phải chăng” (Hàng quà rong) …

Có thể nói, với cách miêu tả đó, tuỳ bút của Thạch Lam bổ sung vào phong cách nghệ thuật văn xuôi tự sự của ông một nét mới lạ: “sự tươi tắn hồn nhiên bên cạnh sự mực thước trầm tĩnh dịu nhẹ khoan hoà” vốn có và

vốn quen thuộc trong truyện ngắn cũng như tiểu thuyết.

Kết cấu theo dòng tâm trạng nhân vật là kiểu kết cấu mới mẻ nhất trong văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX. Đó là kiểu kết cấu của những tác phẩm có cốt truyện nghiêng về tâm lí nhằm miêu tả những diễn biến tinh vi phức tạp của đời sống nội tâm nhân vật. Trong những truyện này, chỉ xuất hiện vài sự việc nhỏ còn lại là cảm giác, suy nghĩ nhân vật với những hồi ức, liên tưởng độc thoại nội tâm. Nếu có sự kiện thì sự kiện chỉ đóng vai trò khơi gợi cho dòng chảy tâm lí.

Đọc truyện của Thạch Lam, ta thấy các nhân vật phần nhiều là những người có khả năng tự ý thức, tự phân tích thế giới nội tâm của mình một cách tinh vi sâu sắc, có khả năng cảm nhận được những diễn biến nhỏ bé nhất trong tâm hồn mình. Vì thế truyện Thạch Lam dẫn người đọc đột nhập vào những tầng ngầm vô thức trong thế giới tâm linh, khám phá ra những điều tưởng chừng bí mật mà kì thực rất gần gũi, quen thuộc bởi người ta ai cũng từng trải qua nhưng không để tâm đến hoặc không lí giải được.

Kết cấu tác phẩm theo dòng chảy tâm trạng và cảm giác của nhân vật là nét đặc sắc trong nghệ thuật văn xuôi của Thạch Lam tạo nên chất thơ, chất trữ tình giúp người đọc có được cái nhìn nhiều chiều về con người và cuộc sống.

Một phần của tài liệu Yếu tố trữ tình trong văn xuôi Thạch Lam (Trang 54)