6. Cấu trúc của Luận văn:
3.1.2.2. Không gian xã hội
Không gian xã hội trong văn xuôi Thạch Lam được thu hẹp và gắn với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Đó là một xóm chợ, một ngõ hẻm, một ga xép, một phố huyện nghèo nàn hoặc một con đường làng ở một vùng nông thôn heo hút nào đó. Ở đây, các nhân vật của ông bị tù túng, luẩn quẩn với những đói nghèo, lo âu, dằn vặt thường nhật. Họ luôn bị ám ảnh
bởi miếng cơm, manh áo hoặc day dứt bởi những bi kịch tinh thần. Cả thế giới nhân vật của Thạch Lam đều bị chi phối và hoạt động trong không gian hiện thực khép kín ấy. Không gian biểu lộ một cuộc sống túng quẩn khó khăn của những con người lao động.
Đó là cảnh “hai dãy nhà lụp xụp” đã mục nát và mẹ Lê lam lũ suốt ngày cũng không đủ nuôi mười một đứa con “cả nhà nhịn đói” và dẫn đến nỗi bất hạnh của người mẹ vì quẫn bách phải đi vay gạo nhà giàu không được vay lại bị chó cắn chết. Con người trong toàn bộ truyện của Thạch Lam đều biểu hiện trong khoảng không gian như thế. Ở đó, cảnh đời và bi kịch cuộc sống luôn theo đuổi họ. Với Huệ và Liên, cái không gian nhơ nhớp của nhà săm được đặt trong hoàn cảnh tối ba mươi tết càng gợi cho người ta hình dung về cuộc đời bĩ cực của hai cô Kiều hiện đại.
Không gian xã hội được Thạch Lam miêu tả trong Cô hàng xén là cái chợ quê quen thuộc mà cả cuộc đời Tâm gắn bó, vật lộn để mưu sinh cứ trở đi trở lại càng làm tăng tính chất buồn bã đơn điệu đến héo mòn không niềm vui không chút hy vọng vào tương lai cuộc sống của những cô gái như Tâm.
Không gian xã hội trong Hai đứa trẻ được thu lại ở một phố huyện nghèo lúc chiều và đêm xuống. Toàn bộ cuộc sống nghèo khó của những con người nơi đây hiện ra qua con mắt và tâm hồn thơ ngây nhạy bén của Liên. Đó là cảnh “Chợ họp giữa phố đã vãn từ lâu. Người về hết, tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía …. . Một vài người bán hàng về muộn đang thu xếp hàng hoá, đòn gánh đã xỏ xẵn vào quang…. Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại, tìm tòi. Chúng nhặt nhặt thanh nứa thanh tre, hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại…” (Hai đứa trẻ). Cái gian hàng của chị em Liên được mẹ giao cho hai chị em trông coi là
một của hàng tạp hoá nhỏ xíu, mẹ Liên dọn ngay khi cả nhà bỏ Hà Nội về quê ở, vì thầy Liên mất việc. “Một gian hàng bé thuê lại của bà lão móm, ngăn ra bằng một tấm phên nứa dán giấy nhật trình”. Những thứ bày bán cũng chẳng có gì giá trị, chỉ mấy quả thuốc sơn đen, mấy phong thuốc lào, vài bánh xà phòng. Tiền kiếm được cả ngày chẳng đáng là bao. Đó là cái chõng hàng nước của chị Tý lèo tèo vắng khách, người mua là “mấy người phu gạo phu xe, thỉnh thoảng mấy chú lính lệ trong huyện hay người nhà thầy thừa đi gọi chân tổ tôm, cao hứng vào của hàng chị uống bát nước chè tươi và hút điếu thuốc lào. Chị chả kiếm được bao nhiêu nhưng chiều nào chị cũng dọn hàng từ chập tối cho đến đêm” [39;115].
Góp thêm cho bức tranh cuộc sống sinh hoạt của phố huyện là gánh hàng phở của bác Siêu, bác phở Siêu xuất hiện nhìn từ xa là “một chấm lửa vàng lơ lửng đi trong đêm tối, mất đi rồi lại hiện ra..” [39;11]; tiếng đòn gánh kĩu kịt nghe rõ rệt…, quà bác Siêu bán là một thứ quà xa xỉ, nhiều tiền, hai chị em Liên không bao giờ mua được…. . Đó là gia đình bác Xẩm ngồi trên manh chiếu, cái thau sắt trắng để trước mặt, nhưng bác chưa hát vì chưa có khách nghe. … “Vợ chồng bác Xẩm góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu bần bật trong yên lặng. Thằng con bò ra đất, ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường. Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ” [39;119].
Không gian đó phản ánh cuộc sống của những con người nơi đây thật nghèo đói, vất vả và tẻ nhạt, đìu hiu chẳng khác nào “cái ao đời bằng phẳng”. Cái không gian sinh hoạt, không gian sống ấy chính là sự thu nhỏ của cái không gian xã hội lúc bấy giờ. Nó gợi một nỗi buồn, một cảm giác xót xa cho thân phận của những kiếp người tàn tạ.
hiện thực hàng ngày làm môi trường cho nhân vật hoạt động. Nhưng không gian hiện thực ở đây được bó hẹp trong không gian đời tư, không gian cá nhân chứ không phải không gian xã hội rộng lớn, nên không gian càng dồn nén, thu nhỏ, càng hiu hắt hơn.
Tất cả thế giới nghệ thuật của Thạch Lam đều sử dụng không gian hiện thực như vậy. Đó chính là cái xã hội nhân sinh được thu nhỏ, bị dồn nén, trong đó có kiếp nguời cam chịu mòn mỏi. Tự nhiên, nó gợi cho người đọc sự thèm khát một không gian thoáng đãng và rộng rãi, đầm ấm và chan hoà tình người.
Không gian nghệ thuật – không gian xã hội trong truyện của Thạch Lam có sự giao nối nông thôn – thành thị, quê và tỉnh. Phố huyện, chợ huyện, nhà ga … vừa là không gian xã hội đồng thời cũng là không gian nghệ thuật rất đặc trưng trong thế giới nghệ thuật của Thạch Lam. “Ở đấy, phía sau vẫn là đồng ruộng mà phía trước đã có hơi hướng thị thành” [17;104].
Trong cơn gió quen thuộc thổi trên một phiên chợ huyện đã phấp phới xanh đỏ màu tỉnh thành, đã thoảng mùi nước hoa son phấn. Cô hàng
xén chợ huyện nết na và kín đáo đã từng thử lén bôi son lên môi để ngắm
mình trong gương, đã thèm muốn số phận của cô bạn hàng xén khác lấy chồng trên tỉnh, và ước ao nuôi các em khôn lớn, ra tỉnh đi làm.
Hai chị em Liên cũng đêm đêm chờ thức đón chuyến tàu hoả chạy qua, cái chuyến tàu sáng trưng từ Hà Nội về như gợi thức một niềm hạnh phúc xa xăm. Mặc dù An và Liên buồn ngủ ríu cả mắt nhưng vẫn cố thức để đợi tàu. Chuyến tàu thực sự là hoạt động cuối cùng của đêm khuya. Dấu hiệu tàu đến bắt đầu là “ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi. Rồi tiếng còi xe lửa ở đâu vẳng lại trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi”. Tiếp đến “một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa, rồi tiếng hành
khách ồn ào khe khẽ….”, “tiếng còi rít lên, tàu rầm rộ đi tới”, “các toa đèn sáng trưng chiếu ánh cả xuống đường”, “những toa hạng trên sang trọng, lố nhố những người, đồng, kền lấp lánh và các cửa kính sáng. Rồi chiếc tàu đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt.” [17;120]. Đoàn tàu là biểu trưng cho một thế giới khác đi qua, một thế giới rực rỡ, sáng trưng đối lập với một phố huyện nghèo khổ, tăm tối, với những cảnh đời, những kiếp người lam lũ quẩn quanh bế tắc. Những âm thanh, ánh sáng của đoàn tàu đã phá tan sự tĩnh mịch, đìu hiu của phố huyện, làm loé lên một niềm hy vọng sống, đem đến một cảm giác tươi mát trong tâm hồn những con người tội nghiệp nơi đây. Đó chính là chất thơ, chất lãng mạn, trữ tình mà ngòi bút Thạch Lam đã khắc hoạ và đem đến cho người đọc.
Đọc Hà Nội băm sáu phố phường, ta như được sống trong một
không gian trữ tình mang những nét đẹp văn hoá của con người Hà Nội xưa. Nó hiện hữu trong thơ ca “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” và đi vào kí ức, tiềm thức của con người: “Nhưng đối với người tản bộ đi chơi, lòng thư thả và mải tìm sự đẹp thì phố xá mới không có thú vị gì. Không có cái khuất khúc dành cho ta nhiều cái bất ngờ, không có một ngọn cây hoa nhô sau bức tường thấp, khiến chúng ta đoán được cả một thửa vườn nhỏ bên trong, ở đấy biết đâu lại không thướt tha một vài thiếu nữ khuê các như xưa” (Người ta viết chữ Tây).
Cái không gian xã hội, không gian sống của Hà Nội xưa dưới cái nhìn và lối miêu tả của Thạch Lam thật gần gũi, bình dị mang vẻ đẹp trong chiều sâu nhân bản khiến người ta thèm muốn, hoài vọng và nhớ tiếc: “Ngày ấy đường hẹp, chắc hàng xóm láng giềng ăn ở với nhau thân mật hơn. Người hàng phố tự coi như có một mối liên lạc cùng nhau” (Người ta viết
chữ Tây giỏi).
phảng phất chút “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, nhưng ông rất trữ tình, thật bình dị, man mác: “Không có gì của Hà Nội ngoài năm sáu mươi năm về trước. Thăng Long của vua Lê, của chúa Trịnh không còn dấu vết nào: đâu còn những cung điện ngày xưa, những phủ đệ của những bậc công hầu khanh tướng? Thỉnh thoảng một vài tên gọi còn nhắc lại, vài đống đất còn ghi dấu thế thôi. Chúng ta không biết được mấy dĩ vãng, về cảnh phố xá kinh kì hồi cụ Lãn Ông, một túi thơ, một bồ thuốc đi từ Bát Tràng đến Hồ Tây để chữa cho Hoàng tử” [39; 257].
Thạch Lam trìu mến với dấu vết son của Hà Nội cũ qua một vài “cái ngõ con”, qua “mấy ngọn cỏ trên mảnh tường cổng” một cửa ô Hà Nội. Những hiện vật tầm thường ấy như những di tích thức dậy cả một thời. Cái thời “hàng xóm láng giềng ăn ở với nhau thân mật hơn”. Cái thời của giấy bản, ống bút nho, cô nàng thuỳ mị, ông Tú dạy học “có cậu học trò xinh trai đứng hầu chè thầy bên tràng kỉ”; trong những ngôi nhà có “lối kiến trúc riêng” thấp thoáng “bóng một thiếu nữ nhẹ qua sân, hình dáng cụ già cúi mình trên cây cảnh”. Tất cả chỉ còn lại dấu tích của cuộc đời xưa, “ý nghĩ cũ”, “hy vọng và mong ước khác bây giờ” [39;194].
Đôi mắt của “một người Việt Nam thành thực”, tinh tế như Thạch Lam đã nhận ra chút lưu luyến lưỡng lự kín đáo trong cuộc đổi thay của cảnh quan Hà Nội. Khi đêm khuya trả lại sự yên tĩnh, thanh thản cho Hà Nội, người ta chợt nhận thấy rằng: “Các nhà chỉ thay đổi có phía dưới: sự thay đổi ít khi lên đến từng trên. Và bây giờ nếu người ta có phép gì cắt bỏ các từng dưới và đặt các tầng trên xuống đất, chúng ta sẽ có một hàng phố cũ với những hình bát quái, mảnh gương và dơi bay: một phố tựa như phố kinh kì xưa, chắc thế” (Hà Nội băm sáu phố phường).
Có thể nói, trong Hà Nội băm sáu phố phường, tác giả đã tập trung miêu tả khắc hoạ những đổi thay kín đáo hay đột ngột của Hà Nội như
trong cuộc chuyển giao thầm lặng- chuyển giao giữa những lớp văn hoá, những cảm quan thẩm mỹ. Nhưng rõ ràng, ngòi bút của Thạch Lam đã mang lại cho người đọc vẻ đẹp riêng, một hình ảnh gợi cảm về Hà Nội.
Tóm lại, không gian nghệ thuật là một biểu hiện chủ quan, ước lệ, gắn liền với cách cảm thụ và quan niệm về thế giới, của người nghệ sỹ. Thạch Lam là một cây bút văn xuôi trữ tình đã sử dụng thành công hình thức không gian nghệ thuật trong sáng tác: không gian thiên nhiên, không gian xã hội, không gian tâm trạng…. Truyện của Thạch Lam, có sự nhoè hoá, giao thoa giữa không gian của văn xuôi với không gian thơ. Nó không chỉ là môi trường để nhân vật được sống, được hoạt động mà nó còn trở thành một yếu tố biểu hiện cuộc sống, tâm hồn con người một cách có chiều sâu, khơi gợi cảm xúc trong lòng bạn đọc.