Thời gian quá khứ

Một phần của tài liệu Yếu tố trữ tình trong văn xuôi Thạch Lam (Trang 99)

6. Cấu trúc của Luận văn:

3.2.2.2. Thời gian quá khứ

Với Thạch Lam, thế giới nghệ thuật là thế giới của hồi ức của kỉ niệm, từ một ký vãng đẹp, trong trẻo, ngọt ngào mà ai cũng có - một kí vãng của ngày hôm qua. Trên con đường hành hương về quá vãng, Thạch Lam gặp Nguyễn Tuân, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh. Nhưng nếu Nguyễn Tuân nuối tiếc một thời và muốn làm sống lại cả một thời xưa cũ bằng cách gợi lại những “vẻ đẹp và những cao quý riêng”, từ cái thú thả thơ đánh thơ đầy uyên thâm, đến một vị trà quý phái, từ cái thú nhấm nháp hương cuội một ngày đầu xuân, đến một mái tóc chị Hoài… để tìm lại vang bóng một thời; và nếu Hồ Dzếnh, nhớ về quá khứ là sự tưởng nhớ miên man những hình bóng cũ, những người thân yêu đã chìm khuất vào hư không …; Thanh Tịnh tìm về với kí ức tuổi thơ bằng cái nhìn của một đứa bé, bằng con mắt trẻ thơ về một chân trời cũ buồn bã hay một quê mẹ xa vời, …. thì Thạch Lam đứng ở một vị trí của một người đã trưởng thành nhìn lại dĩ vãng bằng cái nhìn thâm trầm, lặng lẽ. Quá khứ Thạch Lam luôn sống dậy trong thực tại, điều đó sẽ tạo ra ở nhân vật sự nuối tiếc quá khứ, đớn đau trước thực tại nhưng cũng có thể là sự hân hoan đón nhận tương lai.

Vũ Tuấn Anh trong bài viết Nỗi buồn Thạch Lam – một tâm thế xã hội

và nhân văn đánh giá: “Thời gian nghệ thuật của ông là hiện thực được kéo

lùi về quá khứ, hay nói cách khác một phần quá khứ được ném trở lại hiện thực như một sự đắp bồi, một gánh nặng hay một sự giải tỏa” [37;128].

Từ hiện thực đắng cay lại quay trở về quá khứ với những hồi ức đẹp, từ quá khứ lại vòng về hiện tại lắm xót xa, hành trình ngược xuôi, xuôi ngược ấy đã tạo nên sự vận động trong tâm lý của nhân vật, khiến nội tâm của nhân vật được khắc họa cụ thể và đa chiều hơn.

Nhớ về Hà Nội đầy ánh sáng trong chuyến tàu đêm đi qua, cô bé Liên

lặng theo mơ tưởng. Trong ký ức của Liên, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo, gắn với những kỉ niệm thủa ấu thơ hạnh phúc nơi chốn Hà

thành. Đoàn tàu xuất hiện trong đêm khuya - là hồi quang của ký ức tuổi thơ, đánh thức trong Liên bao mơ tưởng, bao khát khao. Quá khứ khi va chạm với hiện thực, không làm cho hiện thực đổ vỡ. Ở Hai đứa trẻ, quá

khứ có mối dây liên hệ chặt chẽ với hiện tại, nhớ đến quá khứ là tìm đến mối dây để nối hiện tại với tương lai. Từ quá khứ đầy ánh sáng đến hiện tại là hình ảnh chuyến tàu đêm đi qua, là một sự liên kết đầy biện chứng. Tương lai hiện hình từ khát khao ước mơ xuất phát từ quá khứ đến hiện tại. Con tàu là hoạt động cuối cùng của một ngày, niềm vui duy nhất trong ngày của chị em Liên, cao hơn cả là cỗ xe cổ tích, sứ giả của những mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong bóng tối thì Liên luôn hướng về ánh sáng. Từ hành động vô thức thẳm sâu trong đáy tâm hồn mà chính em cũng chưa hiểu hết, dần dần đã biến thành suy nghĩ, nét tâm lý đầu tiên báo hiệu sự trưởng thành của tâm hồn: Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự

xa xôi không biết, những ngọn đèn con chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ.

Khép lại câu chuyện ở đó, phải chăng Thạch Lam muốn nuôi cho ta một hi vọng? Rất có thể từ nhận thức hôm nay sẽ biến thành hành động của ngày mai. Khi nào cuộc sống còn lắm ước mơ, khi nào con người còn dám ước mơ thì khi đó cuộc sống còn đẹp và con người còn đáng trân trọng.

Trong “Hà Nội băm sáu phố phường”, việc nhà văn miêu tả sự đổi thay của Hà Nội hôm nay đã gợi nhớ da diết về Hà Nội trong quá vãng,

một Hà Nội trong tầng sâu của những vẻ đẹp mang giá trị văn hóa Việt Nam: “Ngày xưa, cái biển hàng còn là một cái gì không chỉ là một cái biển hàng mà thôi. Đó là một bộ phận gắn liền với cơ nghiệp, và số phận của người buôn, cái biển hiệu thực hiện những cố công nhẫn nại và những đức tính ngay thật của chủ hàng. Đề biển phải chọn ngày tốt, phải xin chữ của những người viết giỏi có tiếng và người ta thận trọng giữ gìn như một thứ của gia bảo ...” [39;258].

Những kỉ niệm của quá khứ đẹp nhưng lùi vào dĩ vãng. Thời gian quá khứ được hồi tưởng lại bao giờ cũng được huyền thoại hoá với những ngọt ngào ấm áp. Ở “Người bạn trẻ”, thời gian quá khứ là nhớ lại quãng đời học sinh ở tỉnh Thái. Những nét mặt bạn cũ đã quên lại hiện ra trong trí nhớ, với những buổi học vui vẻ, những cuộc nô đùa vô tự lự. Bao nhiêu ngày sung sướng của tuổi trẻ. Còn trong truyện ngắn Người bạn cũ, khi gặp lại người nữ đồng chí năm xưa khiến “tôi lại nhớ đến những đêm náo nhiệt đầy ánh sáng ở Hà Nội. Trông cô đi khuất vào bóng tối, tôi lại nhớ đến những ngày nào hồi còn trẻ vẫn cùng nhau hội họp khuya trong một căn phố tối tăm ở Hà Nội”, “Từ cái dĩ vãng xa xôi thăm thẳm, tôi thấy hiện lên một hình ảnh rõ ràng, hình ảnh tôi trong lúc còn niên thiếu, một thanh niên hăng hái, nhiệt thành, bồng bột những điều hay, sự đẹp, lúc nào cũng mơ màng những thành công to tát, một thanh niên chưa biết đến cái thực chua chát của cuộc đời”. Ở“Nhà mẹ Lê”, trong lúc mê sảng bác Lê tưởng nhớ lại cả cuộc đời mình, từ lúc còn bé đến bây giờ chỉ toàn những ngày khổ sở, nhọc nhằn. Bác nhớ lại nhớ lại cảm giác vui mừng trong những ngày no đủ. Ở truyện ngắn“Trong bóng tối buổi chiều”, nhân vật Diên nhớ lại những ngày sung sướng khi còn ở quê nhà, khi chàng và Mai len lỏi đùa nghịch cùng nhau trong những vườn sắn trên sườn đồi. Hai người yêu mến nhau từ thủa nhỏ với mối tình mộc mạc và đằm thắm của hai người nhà quê. Với

“Cô hàng xén”, có khi Tâm tưởng mình vẫn còn ở nhà, vẫn còn con gái và buổi chiều nàng sẽ gánh hàng về căn nhà cũ, thấy các em ra đón và nghe mẹ nàng dịu dàng săn hỏi. Tâm lại nghĩ đến ngày trước kia, hình như đã lâu lắm, nàng còn là cô hàng xén má hồng môi đỏ, e lệ cúi mặt dưới cái nhìn âu yếm của cậu giáo Bài nho nhã và đứng đắn trong tấm áo lương… Trong “Tối ba mươi”, Huệ “nhớ đến cuộc đời mình, lúc trẻ thơ, lúc còn con gái, ở nhà quê. Một buổi sáng mồng một tết[…] nàng mặc áo mới đứng trên thềm nhìn mấy bông hoa đào nở ở trước vườn.[…] nàng chỉ mang máng cảm giác một sự gì trong mát tươi non [39;234].

Có thể nói, phong cách truyện Thạch Lam là phong cách trữ tình. Chất liệu văn chương Thạch Lam chủ yếu gồm cuộc sống quá khứ và sự rung động của tâm hồn tác giả. Cái đẹp bao giờ cũng mong manh dễ vỡ, ngay cả khi ta biết rằng đó là cái đẹp, cái đáng giá hơn cả cuộc đời. Đúng là quá khứ phải đi qua, bởi vì cuộc sống luôn trôi chảy. Và con người dù có tha thiết đến mấy, cũng không thể sống mãi với quá khứ. Đó là yêú tố trữ tình thể hiện cảm thức thời gian trong sáng tác của Thạch Lam.

Một phần của tài liệu Yếu tố trữ tình trong văn xuôi Thạch Lam (Trang 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)