Giới thiệu về giọng điệu

Một phần của tài liệu Thơ Dương Thuấn dưới góc nhìn văn hóa (Trang 92)

Trong các tác phẩm nghệ thuật ưu tú, giọng điệu bao giờ cũng mang tính chất lượng, nó là sản phẩm sáng tạo đích thực của nhà văn. Giọng điệu văn chương là một hiện tượng nghệ thuật mang tính cá nhân cao độ. Giọng điệu là một yếu tố cơ bản của phong cách nghệ thuật. Một tác giả tài năng bao giờ cũng phải tạo được một giọng điệu độc đáo. Giọng điệu gắn với cảm hứng chủ đạo, giọng điệu góp phần tăng giảm hiệu suất cảm xúc của tác phẩm văn chương.

Thế nào là giọng? Theo Từ điển Tiếng Việt [37] thì: Giọng là:1/ Độ cao thấp, mạnh yếu của lời nói, tiếng hát. 2/ Cách phát âm của một địa phương. 3/ Cách diễn đạt bằng ngôn ngữ, biểu thị một thái độ, tình cảm nhất định. 4/ Gam đã xác định âm chủ.

Như vậy trong cuộc sống hằng ngày giọng được hình dung trước hết như một tín hiệu âm thanh có âm sắc, trường độ, cao độ. Khái niệm giọng chủ yếu nói về người, gắn với người, là giọng nói của người dùng trong ngôn ngữ giao tiếp của mỗi người. Không chỉ tồn tại như một âm thanh, giọng nói của người còn hàm chứa thái độ của người nói, chính ở đây người ta thường nói đến giọng điệu.

Từ điển tiếng Việt do Viện ngôn ngữ biên soạn cho rằng giọng điệu là “giọng nói, lối nói biểu thị một thái độ nhất định”. Như vậy “giọng” là yếu tố

89

mang đậm tính vật lý trong khi “giọng điệu” lại được nhìn từ góc độ tâm lý. Nhìn vào 2 định nghĩa về giọng và giọng điệu, ta thấy định nghĩa giọng điệu trùng với nét thứ ba của định nghĩa về giọng. Vậy nên trong thực tế giao tiếp, tùy vào hoàn cảnh, người ta thường đồng nhất hai khái niệm này. Như vậy có thể nói có bao nhiêu hoàn cảnh giao tiếp, bao nhiêu nhân vật tham gia giao tiếp thì có bấy nhiêu giọng điệu, ví dụ như: giọng khinh nhờn, bỡn cợt, chế giễu, trịnh thượng, cung kính, vui sướng, thỏa mãn, chanh chua, hiền hậu…..Rõ ràng giọng điệu thường thể hiện tâm tính con người, phản ánh tâm trạng của họ. Âm thanh giọng điệu cũng phù hợp với nội dung cảm xúc, khi vui giọng vang rõ, khi buồn giọng lắng lại, thấp xuống…

Trong cuộc sống giọng điệu thường mang tính nhất thời, khác với giọng điệu trong tác phẩm văn học. Trong nghệ thuật, giọng điệu bao giờ cũng được tổ chức công phu, là kết quả của một quá trình sáng tạo thực thụ. Giọng điệu trở thành một yếu tố cấu thành, phụ thuộc vào hệ thống không phải là ngẫu hứng.

Không chỉ hàm chứa cảm xúc, thái độ của người nói, giọng điệu còn thể hiện nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính của chủ thể phát ngôn. Giọng trẻ con khác giọng người lớn, giọng người từng trải khác giọng người non nớt, giọng người ít học khác với giọng người trí thức….

Giọng điệu như một hiện tượng nghệ thuật nhưng không nên tạo ra sự ngăn cách giả tạo giữa giọng điệu trong đời sống với giọng điệu trong văn chương. Trong tác phẩm văn học, giọng điệu cũng mang đặc tính âm thanh. Ngay cả khi đọc thầm một câu thơ, câu văn, trong tâm trí người đọc vẫn vọng lên cái âm hưởng, thậm chí đường nét của âm thanh. Chỉ có điều khi trở thành một hiện tượng thẩm mĩ, cấu trúc và cơ chế vận hành của giọng điệu văn chương phức tạp hơn nhiều so với giọng điệu thường ngày.

90

Giọng điệu biểu thị thái độ, cảm xúc, tư thế của chủ thể phát ngôn qua lời văn nghệ thuật. Không thể có giọng điệu nếu như không có những rung động sâu sắc, những nỗi đau, những xót xa trước thân phận con người, không chia sẻ với họ niềm vui và tình yêu trong cuộc sống. Trong nghệ thuật ngôn từ, giọng điệu không chỉ bộc lộ qua âm thanh, nhịp điệu mà còn bộc lộ qua màu sắc, đường nét, hình ảnh.

Không phải lúc nào trong tác phẩm cũng chỉ có một giọng điệu thuần nhất. Việc phân chia loại hình giọng điệu cũng khác nhau, xuất phát từ những tiêu chí khác nhau. Theo cấu trúc thì có thể chia thành giọng chính và giọng phụ. Căn cứ vào sắc thái tình cảm thì có thể nói đến giọng gay gắt hay tình cảm, trang trọng hay suồng sã, mạnh hay yếu, kính cẩn hay châm biếm….Căn cứ vào dạng thức cảm hứng chủ đạo thì có giọng bi, giọng hài, giọng anh hùng ca….Nếu chú ý khuynh hướng tư tưởng thì có các giọng: thông cảm hay lên án, yêu thương hay tố cáo, khẳng định hay phủ định….Có khi từ cái nhìn ngôn ngữ học chia thành giọng trần thuật, giọng nghi vấn, giọng cảm thán. Về cơ bản giọng điệu bộc lộ các sắc điệu tình cảm của chủ thể phát ngôn.

Một phần của tài liệu Thơ Dương Thuấn dưới góc nhìn văn hóa (Trang 92)