Một trong những điểm khác biệt quan trọng nhất của văn học dân tộc thiểu số với văn học miền xuôi đó là ngôn ngữ. Các tác giả không những sáng tác theo thể thơ truyền thống mà còn sáng tác theo thể thơ tự do để bắt nhịp được với hơi thở của cuộc sống. Việc sáng tác thơ bằng tiếng Tày, các tác giả đã góp phần bảo tồn, gìn giữ nét đặc sắc, độc đáo của ngôn ngữ Tày, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Các nhà văn nhà thơ dân tộc đều có ý thức rất rõ trong việc dùng tiếng mẹ đẻ để sáng tác văn chương trong đó đặc biệt (nếu không muốn nói là nhiều nhất) vẫn là Dương Thuấn mà tuyển tập thơ song ngữ Tày – Kinh của ông là một dẫn chứng. Dương Thuấn thực sự đã làm phục hưng ngôn ngữ Tày và văn học Tày. Trước đây có không ít người nói rằng ngôn ngữ của dân tộc thiểu số sẽ mất đi khi mà mọi vấn đề hiện nay đều bị quốc tế hóa nhưng Dương Thuấn đã chứng minh ngược lại bằng cách qua tác phẩm văn học của mình đem đến cho ngôn ngữ Tày sức sống bất tử, vượt qua mọi thời gian. Bộ tuyển tập thơ song ngữ dày hơn 2000 trang của Dương Thuấn không chỉ là trường hợp hiếm có đối với văn học trong nước mà cả văn học thế giới cũng rất hiếm. Tập thơ song ngữ này vừa nêu cao ý thức sáng tác văn học bằng tiếng mẹ đẻ đồng thời Dương Thuấn cũng thể hiện thái độ muốn giới thiệu văn hóa của một dân tộc thiểu số đến đông đảo độc giả sử dụng tiếng phổ thông.
Ấn tượng nổi bật trong ngôn ngữ thơ Dương Thuấn còn là ngôn ngữ mang chất dân gian đậm nét. Sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ chỉ là một khía cạnh thể hiện tình yêu đối với văn hóa dân gian của Dương Thuấn. Chất dân gian trong ngôn ngữ thơ Dương Thuấn còn thể hiện ở khát vọng vẽ chân dung cộng đồng dân tộc mình bằng thơ. Những bài thơ mang tính triết lý như: Ông
81
câu biển, Chuyện đời xưa, Bỏ ruộng làm rẫy, Những bà già, Người trẻ người già, Chuyện thằng đầu trọc, Đừng buồn lũ quét, Lời của pứt, Của quý, Bài học niềm tin, Cõng trâu, Bà mẹ xứ Mây, Cô gái núi Hoa, Đoàn người không bóng… đã tạo nên bức chân con người miền núi đẹp trong lao động và ý chí: “Bức chân dung ấy đẹp, nhiều màu sắc còn là kết quả của sự thống nhất giữa cái hư và thực, cái có lý và phi lý, tình cảm và trí tuệ trong việc thể hiện bút pháp” [52]. Chính trong lời tâm sự cùng bạn đọc báo Văn hóa – Văn nghệ ông có nói: “Tôi có bút pháp riêng cho từng bài nhưng bạn đọc cũng có thể nhận ra bút pháp chung cho tất cả các bài thơ của tôi. Đó là câu kết của các bài thơ bao giờ cũng gây sự ngạc nhiên cho người đọc khiến độc giả phải nghĩ và nhớ về bài thơ đó. Một cách nữa là tôi thường đẩy sự việc đi đến tận cùng sự phi lý nhưng sau khi đọc xong rồi người đọc lại thấy có lý”[50].
Đọc thơ Dương Thuấn người yêu thơ không bắt gặp tình trạng công thức, khuôn sáo mà trái lại thơ Dương Thuấn ngập tràn ngôn từ của đời sống tuôn chảy theo mạch cảm xúc chứ không theo quy phạm của thể loại. Vì không bị ràng buộc bởi những công thức nên thơ Dương Thuấn vừa chân thực, giản dị nhưng không kém phần bay bổng, hồn nhiên, trong sáng mà hóm hỉnh gợi nhiều suy ngẫm. Ngôn từ trong thơ ông là thứ ngôn ngữ chắt lọc từ lời ăn tiếng nói hàng ngày, đó là cách nói mang tính truyền thống của người vùng cao, là sự chân thành, thẳng thắn trước cuộc sống đời thường. Chính vì điều này Dương Thuấn trở thành thi sĩ “thật” nhất. Hãy nghe ông giãi bày tấm lòng hiếu khách của người miền núi để từ đó chúng ta sẽ yêu hơn những con người nồng nhiệt, chân thật nơi đây:
Khách đến nhà không vội hỏi tên Mà chỉ hỏi:
Con đường nào đã đưa anh đến Mà nói rằng
82
Hãy uống cạn vò rượu cùng ta Và khi khách đi chủ nhà chỉ nói
Đừng để cầu thang nhà tôi mọc cả gà
Một câu nói tưởng chừng chẳng ăn nhập gì với sự quyến luyến, bịn rịn chia tay khách trước lúc khách ra về nhưng ẩn sâu trong ấy là một sự mong mỏi, ngóng chờ: khách sẽ trở lại thăm nhà mình và khi đó cầu thang sẽ không có chỗ cho cỏ mọc. Cái thẳm sâu của lòng người miền núi được biểu hiện bởi một câu nói rất mộc mạc đơn sơ.
Cảm thức văn hóa về quê hương luôn khiến nhà thơ bật ra những lời thơ chân thực, tự nhiên nhất:
Quê hương không đủ chỗ đánh rơi đồng xu Ba bước chân gặp núi
Ra khỏi cửa là leo là lội
Bằng ngôn ngữ mộc mạc của lời ăn tiếng nói hằng ngày, Dương Thuấn đã trở thành họa sĩ vẽ bức tranh quê hương bằng ngôn từ sinh động, hiện thực nhất. Vì vậy mà hiếm có nhà thơ nào có được phong vị đậm đặc về quê hương bản quán trong sáng tác như Dương Thuấn. Bao trùm các trang thơ ông luôn là cảm hứng ngợi ca cuộc sống, ngợi ca quê hương đất nước. Mỗi nhà thơ đều có một vùng quê riêng, gắn với bao kỷ niệm yêu dấu của cuộc đời. Quê hương Dương Thuấn là vùng cao Việt Bắc hùng vĩ chính vì thế mà những vần thơ của ông về quê hương bao giờ cũng phóng khoáng, bay bổng như chính tâm hồn của người dân miền núi:
Quê tôi núi ngàn cao vời và lớn rộng Sáng sớm sương trời bay trắng lòng thung Chiều về từng đàn mây vờn nhau trên cỏ Xuân đến hoa đào nở đỏ, hoa lê trắng ngần…
83
Những vần thơ giản dị trên được viết bằng một tư duy thơ thuần phác miền núi đặc sắc, cách nói “đàn mây” đã biến mây trở thành những con vật gần gũi với đời sống lao động sinh hoạt của người dân. Đó cũng là một nét sáng tạo mang dấu ấn riêng của thơ miền núi hôm nay.
Lối quan sát gần, thực với những liên tưởng rất cụ thể, có thể tìm thấy trong khắp các tập thơ của Dương Thuấn. Lối quan sát này tương ứng với loại thơ nói – kể của người miền núi – đơn giản, rõ ràng không rối rắm phức tạp nhưng không vì thế mà nó thô sơ. Ngôn ngữ thơ Dương Thuấn không có cái điêu luyện như thơ Lương Định hay lối nói tưng tửng mà nghiêm túc, triết lí đơn giản mà sâu sắc cùa Lò Ngân Sủn. Thơ Dương Thuấn luôn giản dị, đôi khi nhà thơ đẩy giản dị lên đến tận cùng giới hạn:
Đi lâu lâu Về lâu lâu
Cái cầu thang có dấu chân của mẹ…
(Về bản)
Ngay cả khi Dương Thuấn triết lý thì cũng vẫn là kiểu ngôn ngữ chân chất, mộc mạc ấy: Người làm nương ăn theo lửa/ Người làm đồng ăn theo nước/ Sinh ra tắm nước thơm/ Mới là con của mẹ/ Lớn lên tắm nước sông/ Mới là người của làng/ Đóng con tàu vượt bể/ Tắm giữa đại dương/ Mới thành con của muôn nơi (Theo nước đi).
Thơ cần có độ nén, cô đọng, độ sâu, tính hàm súc, đa thanh, đa nghĩa. Đấy là lý tưởng ngôn ngữ thơ của các thi nhân xưa. Ngày nay về cơ bản, ngôn ngữ thơ vẫn cần phải có tính hàm súc nghệ thuật nhưng không có nghĩa quá dụng công sáng tạo nên những tầng nghĩa phức tạp, rối rắm sẽ làm thơ trở nên mơ hồ, khó hiểu, xa rời đời sống, quần chúng. Với cách nói đơn giản, mộc mạc, Dương Thuấn phần nào đã giải thoát thơ ra khỏi sự phức tạp không cần
84
thiết của lối suy luận, diễn giải học để đưa người đọc tiếp cận với sự vật sự việc trong thơ đúng như bản thể của chúng.
M.Gorki quan niệm: Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn chương. Điều đó đúng bởi vì muốn thành văn chương phải nhờ chất liệu sinh động của ngôn ngữ. Tuy nhiên giỏi ngôn ngữ chưa dễ làm được nhà văn, nhà thơ vì văn chương chỉ phát lộ ở trong trái tim, khối óc. Từ ngôn ngữ đời sống qua lăng kính của nhà thơ mang vẻ đẹp khỏe khoắn, trong sáng bởi Dương Thuấn sáng tác thơ với một tư duy độc lập, bất ngờ táo bạo chứ không đơn thuần chỉ là nhặt nhạnh, ghi chép máy móc:
Tiếng ếch đồng buồn lắm
Một tiếng kêu nghe ốm ba ngày Người già còn mài dao
Con trẻ đừng quên tập nỏ
Hãy cúi đầu trước từng ngọn cỏ Cây cong còn có kẻ rào vườn
(Với Bàn Tài Đoàn)
Nhà thơ đã sử dụng hình ảnh nghệ thuật, cách nói phóng đại (tiếng ếch kêu ốm ba ngày) rồi nhún nhường (cúi đầu trước ngọn cỏ), hình ảnh tượng trưng (người già mài dao, trẻ con tập nỏ) – cách nói này phù hợp với lối nói và sinh hoạt của đồng bào Tày. Viết như vậy thoáng nghe có vẻ mộc mạc nhưng thực tế là lối nói ví von, hình ảnh dễ nghe dễ cảm; là lời nói thật thà vừa gần gũi vừa có tính khắc họa sâu. Tất cả điều đó hiện lên như kinh nghiệm sống như chắt lọc từ trái tim, tâm tưởng, là truyền thống của lớp cha anh đi trước truyền lại cho thế hệ sau.
Ở những bài thơ khác, chúng ta bắt gặp cách xây dựng ngôn ngữ giàu hình ảnh, từ ngữ chọn lọc, có tính khát quát cao nhiều tình, nhiều nghĩa, hàm
85
súc cao. (Ví dụ: Cõng trâu, Phố huyện, Ông câu biển…). Như trong bài Ông câu biển, hình ảnh người dân chài hiện lên bình thản, kiên gan, yêu lao động:
Đứng trên sóng Ngồi trên sóng Câu một bể cơm… Sóng cong thành rắn dữ Trời mưa tuôn cũng đành
Từ đây, tác giả nâng tầm “nhân vật” - người lao động - ông ngư dân lên thành “ông câu biển” - thể hiện sự chế ngự biển cả, tâm thế làm chủ thiên nhiên:
Ai đi câu lợi. Ai đến câu ông Mắt ông chỉ nhìn thấy biển Tai ông chỉ nghe thấy biển Ông câu bóng mình
Giáo sư Hà Minh Đức nhận định: “Cảm xúc và trí tưởng tượng là hai mặt hoạt động hỗ trợ gần gũi của tư duy thi ca để tạo nên phần máu thịt chủ yếu của hình tượng thơ”[6]. Vì vậy nếu không có cảm xúc, không có trí tưởng tượng phong phú, không giàu ngôn ngữ nghệ thuật thì cũng không thể có những bài thơ hay, ấn tượng. Ở đây điều quan tâm nữa là Dương Thuấn đã làm chủ được ngôn ngữ nghệ thuật. Tiếng Việt đối với ông không chỉ là ngôn ngữ học vấn mà còn là ngôn ngữ nghệ thuật. Là người sử dụng tiếng Việt như ngôn ngữ giao tiếp chung của quốc gia thì việc dùng các biện pháp tu từ tiếng Việt – phương tiện nhiều tầng nghĩa để sáng tạo thơ là một thành công lớn của Dương Thuấn. Thơ Dương Thuấn mộc mạc, giản dị với lối kể hiền lành, uyển chuyển, nhẹ nhàng, dân gian, dân tộc và có bố cục kết cấu vừa phải, ngắn gọn, đúng như nhà thơ Lò Ngân Sủn đã nhận xét: “Phải chăng đó là cái tạng, cái duyên, vẻ đẹp của Dương Thuấn – bởi cái thô mộc của sự trau chuốt, chắt lọc, gọt dũa, ít mà nhiều, chật mà rộng, ngắn mà dài”[28]. Với
86
những ai ưa thích lối diễn giải trong thơ ca thì chắc chắn sẽ thất bại khi tìm hiểu thơ Dương Thuấn bởi thơ ông không có chỗ cho những uẩn khúc vòng vo. Nhưng có lẽ, sự độc đáo của thơ Dương Thuấn cũng chính là ở sự gần và thực ấy. Thực nhưng không thô, giản dị nhưng không sơ sài mà trái lại vẫn đầy sức lôi cuốn.
Tuyển tập thơ Dương Thuấn gồm 3 tập song ngữ ngoài các bài thơ còn bao gồm hai trường ca Mười bảy khúc đảo ca và Bi phẫn. Vì vậy ngôn ngữ trường ca còn là điểm mạnh khi bàn tới ngôn ngữ thơ Dương Thuấn. Mười bảy khúc đảo ca là hành trình ra với biển còn Bi phẫn là hành trình trở về. Hai trường ca tạo thành một hành trình ra đi để nhận thức về Tổ quốc, trách nhiệm công dân và trở về để chiêm nghiệm, suy ngẫm lại những giá trị Chân - Thiện - Mỹ trong cuộc đời của nhà thơ. Nếu như trong Mười bảy khúc đảo ca nhân vật là những thủy thủ, người lính canh giữ biển đảo của Tổ quốc thì nhân vật trong Bi phẫn là những cô gái, chàng trai, ông bà già, trẻ em trong cuộc sống hằng ngày. Mười bảy khúc đảo ca tái hiện lại cuộc sống lao động và bảo vệ biển đảo Tổ quốc và ngợi ca sức mạnh đoàn kết của dân tộc chínhh vì vậy mà ngôn ngữ của trường ca này mang tính biểu cảm ngợi ca. Những từ ngữ trang nghiêm, hào hùng, chính luận được sử dụng nhiều như: lá cờ Tổ quốc, đất nước, ngôi nhà lớn, pháo đài, quân thù, chủ quyền dân tộc… nhằm nhấn mạnh khí thế hào hùng, hiên ngang của người chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước:
Có gì thiêng liêng như lá cờ Tổ quốc… Lá quốc kỳ ở đây là chủ quyền dân tộc Có núi, có sông, có đồng, có biển Cả nước cùng chung một lá cờ…
87
Thế mạnh của Dương Thuấn là hiểu sâu và khai thác tốt mảng đề tài liên quan bằng một kết cấu và ngôn ngữ thích hợp tạo ra được nét phong cách độc đáo. Nhà thơ phát huy tốt đa khả năng xây dựng câu từ thể hiện tinh thần cơ bản theo chủ đề của mỗi khúc ca. Song Mười bảy khúc đảo ca không chỉ có mỗi ngôn từ biểm cảm “ca ngợi” mà hòa trong xu hướng đa dạng hoá trường ca, khi trường ca đi vào cuộc sống đời thường thì cảm xúc lại được thể hiện bằng ngôn ngữ thông tục. Ngôn từ biểu cảm của anh thực sự là ngôn từ giao tiếp hàng ngày, với những từ ngữ thuộc khẩu ngữ rất đời thường:
- Muốn để khách ngủ ngon Họ nằm yên vờ ngủ
(…)
Có thứ gì liên hoan thứ ấy
Đây lính biển đãi khách nhà thơ… Nào mì khô, nào nước mắm
Nào hải sâm, cá mực, tôm , cua…
(Đêm thần tiên) Trái ngược với Mười bảy khúc đảo ca - hành trình ra đi để nhận thức về thế giới và trách nhiệm con người thì Bi phẫn lại là sự trở về để chiêm nghiệm lại những gì đã trải qua, nhận thức lại những giá trị đích thực trong cuộc đời. Tại sao gọi là Bi phẫn, nhà thơ đã giải thích ở chương cuối Dạo chơi và nghĩ:
Con người khi sinh ra khóc bi phẫn Con người lớn lên nhờ bi phẫn Bi phẫn mà tôi viết trường ca
Bi phẫn thành vui, tôi viết chơi mà…
Bi phẫn là những suy tư, bộc bạch, những câu hỏi được tác giả đặt ra trước muôn vàn vấn đề của cuộc sống vì vậy mà ngôn ngữ ở trường ca thứ hai này là ngôn ngữ tự vấn, được coi là một kiểu diễn đạt phù hợp với đặc điểm suy
88
tư triết lý. Nói suy tư triết lý chỉ là một cách đặt tên cho một xu hướng, thực tế các nhà thơ không phải là những nhà triết học. Họ chỉ là những người muốn cho thấy mình có trách nhiệm với dân tộc, với Tổ quốc. Họ bộc bạch những suy tư về những vấn đề hết sức quen thuộc, diễn ra hằng ngày trong cuộc sống của đồng bào mình từ đó nhận ra đâu mới là giá trị đích thực, đáng nâng niu trân trọng.