Tình yêu đối với con người

Một phần của tài liệu Thơ Dương Thuấn dưới góc nhìn văn hóa (Trang 47)

Tình yêu đối với con người trong thơ Dương Thuấn chủ yếu được thể hiện với đồng bào Tày – những con người xứ Mây. Đến nay Dương Thuấn đã xuất bản 11 tập thơ nhưng số lượng viết về con người miền núi không nhiều bằng hình ảnh cảnh vật quê hương. Tuy nhiên như vậy không có nghĩa hình ảnh con người miền núi giảm đi giá trị ấn tượng. Trên thực tế, hình ảnh nghệ thuật này trong thơ ông đều gắn liền với những con người cụ thể trong cuộc đời. Ông đã quy tụ vào đó nhiều phẩm chất cao đẹp đại diện cho cả cộng đồng dân tộc. Với điểm nhìn của một nghệ sĩ, Dương Thuấn đã tạo nên được sự thống nhất cao độ giữa cái cụ thể và cái khái quát, giữa thực và hư, giữa cái phi lí và cái có lí, giữa tình cảm với trí tuệ để xây dựng nên những con người miền núi có phẩm chất cao đẹp.

Những con người miền núi, đứng trên đỉnh núi với tay chạm vào mây, từ thực tế ấy mà Dương Thuấn gọi đồng bào mình là những con người xứ Mây. “Xứ Mây” không chỉ nói lên hoàn cảnh địa lí sống mà còn tạo ra chất thơ bay bổng cho những tâm hồn phóng khoáng vượt núi băng rừng. Dương Thuấn có một loạt bài thơ viết về Người xứ Mây, Bà mẹ xứ Mây, Cô gái xứ Mây, Em bé xứ Mây… Nhà thơ luôn chú ý đến việc đưa con người lên vị trí đại diện cho nét đẹp văn hóa của dân tộc. Mỗi con người cụ thể đều có những phẩm chất, đức tính tốt đẹp nói chung của con người miền núi: hồn nhiên, trong sáng, kiệm lời, có sức sống mãnh liệt, có tấm lòng hiếu khách, tấm lòng hướng về nguồn cội. Nét thần diệu của hồn Tày trong thơ Dương Thuấn, biểu hiện rõ nhất ở tính cách con người miền núi thấm đẫm trường văn hóa đậm

44

chất Tày. Nét văn hóa ấy vẫn còn tỏa sáng lòng người trên những bản làng vùng cao hôm nay:

Khách đến nhà không vội hỏi tên Mà chỉ hỏi:

- Con đường nào đã đưa anh đến… Cũng không hỏi đi từ rừng hay từ biển Mà nói rằng:

- Hãy uống cạn vò rượu cùng ta Khách muốn gì xin tự nói ra Khách đi chủ nhà chỉ nói:

- Đừng để cầu thang nhà tôi mọc cỏ gà…

Bài thơ thể hiện tấm lòng hiếu khách của chủ nhà không phải là sự quyến luyến, bịn rịn khi chia tay mà là sự mong mỏi, ngóng chờ: khách sẽ không quên mình mà trở lại thăm nhà mình. Cách nói đơn sơ, mộc mạc “Đừng để cầu thang nhà tôi mọc cỏ gà” không hứa hẹn mâm cao cỗ đầy đón khách mà mở ra cả một tấm lòng, đức tin vào tình cảm con người của người miền núi. Niềm tin ấy được đồng báo nhắn nhủ không chỉ với khách lạ mà còn với cả những đứa con sinh ra từ núi rừng mà ăn cơm gạo xứ người:

Đi đâu rồi cũng trở về Nước múc gáo dừa Gạo vẫn đong bằng đấu Bên bếp mắt lại nhìn đau đáu Đêm dài lửa ấm có em

(Quê hương) Con người thực, đời sống thực tác động lên hồn thơ Dương Thuấn giúp ông sáng tạo hình ảnh thơ mang ý nghĩa khái quát nhất định:

45

Ở vùng cao con người vất vả Chiếc gùi đè nặng trên lưng Cõng hết cửa nhà ngô lúa Cõng trâu leo lên núi trập trùng

(Cõng trâu) Dương Thuấn đã sáng tác bằng con mắt của người trong cuộc. Tâm hồn nhà thơ đầy ắp nỗi niềm quê núi. Chính vì vậy có những nét hiện thực rất khó có thể thành thơ, như vấn đề sức kéo trong nông nghiệp trên vùng cao. Hình ảnh ông già cõng trâu lên núi đã gây bất ngờ cho bất cứ một người đọc nào không sống ở miền núi. Hình ảnh thơ độc đáo đã chinh phục bạn đọc: chúng ta thấy khâm phục, cảm động trước ý chí khắc phục khó khăn của người dân miền núi. Bài thơ đã chạm đến trái tim độc giả, đó là sự thành công đáng giá nhất của một tác phẩm nghệ thuật.

Với Dương Thuấn, làm thơ là viết về “đồng bào mình” để phục vụ dân tộc mình. Thơ ông mang sinh khí riêng của cả một xứ sở nên cái riêng ấy đang hòa nhập với cái hồn chung, cái sắc thái dân tộc chung để tạo nên sự thống nhất. Trong thơ Dương Thuấn, hình ảnh người phụ nữ là mẹ, là “em” hiện lên đằm thắm, đôn hậu, gần gũi và qua đó thể hiện những trân trọng ưu ái đặc biệt của nhà thơ. Người mẹ xứ Mây gắn với lời ru, lời dặn dò: chỉ đường dắt lối, dạy con trai tính can đảm, chính trực sống giữa cuộc đời (Mẹ đừng thương, Bà mẹ xứ Mây). Hình ảnh những cô gái xứ Mây mang vẻ đẹp hình thể chuẩn mực cho người con gái miền núi:

Nàng ngồi lặng bên bếp lửa một mình đun cám Ôi da trắng, ngực đầy, khoeo dày, chân vững

“Da trắng, ngực đầy, khoeo dày, chân vững” thể hiện sắc diện và nguồn sống khỏe khoắn, tươi trẻ của cô gái Tày. Đặc biệt chuẩn đẹp của người con gái Tày được tác giả nhấn mạnh “chân vững” có điểm khác với chuẩn đẹp của

46

con gái miền xuôi - chân thon dài. Cái đẹp đó được tác giả phát hiện từ chính đời sống lao động, làm việc của những người con gái miền núi: luôn phải leo dốc, vượt suối lũ, đôi khi chân không vững sẽ bị lũ cuốn trôi. Người con gái Tày không chỉ đẹp ở hình thể mà còn đẹp từ thần thái, tâm hồn:

Tiếng cười của em tan hết sương trời (…)

Hồn của em trong trắng tựa hoa lê

(Ngày mai em mười tám)

Qua những trang thơ của Dương Thuấn, nét đẹp người phụ nữ đặc biệt là con gái Tày là vẻ đẹp tự nhiên chứa đầy sức sống căng tràn hòa nhập cùng thiên nhiên núi rừng.

Tình yêu đôi lứa luôn hiện hữu trong mỗi trái tim, mỗi tâm hồn. Nhân loại từ xa xưa đến hiện đại chưa bao giờ nguôi thổn thức và ngừng yêu nhau. Không ai có thể phủ nhận sức mạnh diệu kỳ của tình yêu, nó khiến bao lý trí phải sụp đổ, bao băng giá phải tan chảy, nó khiến bao con người thông minh uyên bác nhất cũng thành ra si mê, ngu muội. Và vì thế, tình yêu đã trở thành đề tài quen thuộc nhưng chưa bao giờ nhàm chán đối với mỗi thi sĩ. Trong lãnh địa thơ tình, Dương Thuấn cũng khẳng định vị thế của mình với tập Thơ tình gồm hơn 200 bài trong đó có nhiều bài thơ “đinh” như: Đi tìm bóng núi,

Lá trầu, Cực tình, Bài hát tỏ tình… Dương Thuấn đã nói hộ nam nữ dân tộc ông tiếng nói bồi hồi của trái tim khi yêu: Cái cây tình ái cong queo/ Ai chẳng muốn trèo/ Trèo lên lòng lại rối tinh/ Cành thì thẳng/ Cành thì cụt/ Cành thì cong/ La đà…(Cực tình).

Hai chữ “muốn trèo” thể hiện sự thèm khát, ham muốn đã trở thành nhu cầu của con người trong tình yêu. Còn hai chữ “ rối tinh” lại nói lên sự phức tạp, đủ mọi cung bậc:thẳng, cong, cụt, la đà… mà tình yêu đem lại. Trước sự thử thách “Bước lên chồn gối/ Bước xuống mắt hoa của tình yêu, người con

47

trai và người con gái đang yêu trong thơ Dương Thuấn vẫn rất mạnh mẽ. Người con trai thì bộc trực tình yêu cụ thể như sông như suối:

Thiếu cơm có thể nhịn ăn Thiếu nước có thể nhịn khát Thiếu nhà có thể ngủ gốc cây Nhưng không thể thiếu em.

Hoặc có lúc anh chàng trẻ nên vô cùng cuồng nộ vì yêu:

Thiếu em chỉ có một ngày Mà muốn đập nát tan trái đất

Còn người con gái trong Bài hát tỏ tình đã mạnh dạn tiếp thêm sức mạnh cho chàng trai khi gặp cửa ải: bố người yêu: “Tôi vù qua ruộng/ Cắm cổ tôi bay/ Nàng cũng ngừng tay/ Chui qua liếp cửa/ Nàng đến bên tôi/ Chỉ nhìn không thở/ Rồi nàng nói nhỏ/ -Mới có thế thôi/ Mà anh đã sợ! Lòng can đảm và tự tin của cô gái làm nên sức mạnh truyền cho chàng trai để chàng vững bước trên con đường gập ghềnh của tình yêu. So với những cảm xúc đau khổ, não tình, sướt mướt của các bài hát, bài thơ thất tình nhan nhản trên các phương tiện truyền thông báo chí hiện nay thì sự mạnh mẽ, nồng nhiệt của các chàng trai cô gái Tày đã làm vẻ đẹp khỏe khoắn, lành mạnh trong tình yêu. Họ gắn bó với nhau bởi cái tình cái nghĩa, cách họ yêu cũng thật đặc biệt:

Yêu nhau thường hay mang bùa mê Bỏ vào nước khi khát lòng lại nhớ Ai uống rồi không xa được nữa Bắt con tim lầm lạc tự về

Thơ tình Dương Thuấn còn làm tỏa sáng vẻ đẹp người con gái miền núi khỏe mạnh cùng tâm hồn trong trắng (như đã phân tích trong phần hình ảnh người phụ nữ). Vẻ đẹp ấy hóa thân trong những nhân vật “nàng”, “em” và trở thành mạch nguồn của sự sống gần gũi xung quanh, là những gì đang hiện

48

hữu, lan tỏa và làm nên ý nghĩa đích thực cho cả cuộc đời: “Em là gì/ Anh không biết nữa/ Dao có chuôi/ Nhà có cửa (…)/ Em là gì/ Khi sung sướng anh thường hỏi thế/ Em là nguồn nước nhỏ/ Chảy vào vại nhà anh (Em – Người xa lạ).

Tình yêu nam nữ trong thơ Dương Thuấn còn gây ấn tượng mạnh với người đọc bởi tình yêu ly biệt, chia cắt (Nhớ chị Thìn, Đi tìm bóng núi, Lá trầu, Chia ly, Nhớ lời em, Thiếu em một ngày…). Điều đáng nói là tuy tình yêu tan vỡ, tuyệt vọng nhưng tình cảm đó không bi lụy mà trở thành nỗi buồn, nỗi cô đơn trống trải da diết: “Bây giờ ngựa về tàu khác/ Một mình anh ôm câu hát/ Đi tìm bóng núi ngày xưa/ Bây giờ không còn cơn mưa/ Hai đứa đội chung tàu lá/ Bây giờ không còn mùa hạ/ Góc chiều đỏ chín chờ mong/ Bây giờ em đã theo chồng/ Lên núi phát nương tra lúa/ Bây giờ buông hờ nỗi nhớ/ Anh lang thang giữa loài người” (Đi tìm bóng núi).

Bài thơ là hoài niệm của chàng trai về mối tình đã tan vỡ. Bây giờ tất cả đều không còn bởi vì “Em đã theo chồng”, chỉ còn anh lang thang giữa loài người ôm nỗi nhớ khôn nguôi. Sự cô đơn, nỗi tuyệt vọng truyền tải qua điệp ngữ “không còn” đầy nhức nhối. “Không còn” đối lập giữa quá khứ thì có mà hiện tại thì không, diễn tả tâm trạng nuối tiếc, thất vọng của một mối tình đẹp, lãng mạn đã trở thành dĩ vãng. Hành động “buông hờ nỗi nhớ” khiến bài thơ dù là thơ thất tình nhưng nó không ủy mị sầu não mà chỉ gieo vào độc giả nỗi niềm nuối tiếc mênh mang. Bởi, “buông hờ” vừa pha chút vấn vương của tình cảm vừa có sự kiểm soát của lý trí sự từng trải biến tình yêu dĩ vãng thành tình yêu bất diệt ngay cả khi nó không trọn vẹn.

Tóm lại, xây dựng hình ảnh con người miền núi, Dương Thuấn luôn chú ý đến việc đưa con người lên vị thế đại diện cho nét đẹp văn hóa của dân tộc. Cô gái, chàng trai xứ Mây, ông già, em bé, những bà mẹ, họ là những con người cụ thể của bản Hon song từ cách nói năng đến cách nghĩ của họ lại là

49

sự khái quát chung cho tất cả những con người miền núi với tính cách hồn nhiên, trong sáng, trọng nghĩa tình, mạnh mẽ.

Một phần của tài liệu Thơ Dương Thuấn dưới góc nhìn văn hóa (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)