Theo nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm, văn hóa “là hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”. Như vậy, văn hóa chính là cái cốt tủy của mỗi dân tộc. Khai thác những nét đẹp văn hóa dân tộc luôn là khát vọng của nhiều người cầm bút – Dương Thuấn là một trong số đó.
Thơ Dương Thuấn mang phong cách giản dị, hồn nhiên có phần hoang dã như bản chất của con người miền núi núi. Phong cách thơ gắn liền với cá tính, lối sống và kinh nghiệm sáng tác đồng thời cũng bắt nguồn từ sắc thái dân tộc. Bản sắc dân tộc Tày của Dương Thuấn thể hiện ở nhiều mặt: tình yêu thiên nhiên núi rừng, thái độ trân trọng nâng niu văn hóa phong tục, tình yêu thương với con người xứ Mây. Nhà thơ đã từng tâm sự: “Đối với tôi, cảm xúc để bật lên thành thơ không phải chỉ là cảm hứng tức thì có được khi bắt gặp
28
sự vật hay điều gì lúc đó mà là tiếng vọng từ sâu thẳm trong tận đáy sâu tiềm thức của tâm hồn đã sẵn có”[50].
Bên cạnh đó, văn hóa tâm linh của người Tày cũng được tác giả khai thác với mong muốn khám phá mạch nguồn của cuộc sống đương đại, để gửi tới người đọc những thông điệp quý báu về những giá trị lịch sử đầy tính nhân văn trong văn hóa người Tày. Ở mảng đề tài này, đòi hỏi người viết phải có bản lĩnh, một sự am hiểu nhất định về đặc tính về quê hương mình, dân tộc mình. Dễ nhận thấy trong tâm thức của người Việt Nam, sự biết ơn không chỉ dành cho người đang sống mà ngay cả những người đã khuất. Với tinh thần ấy, người Việt luôn luôn trân trọng lịch sử của cha ông để lại. Đó chính là dòng chảy tâm linh - một nguồn suối nuôi sống tâm hồn Việt Nam qua nhiều thế kỉ. Dấu ấn văn hóa tâm linh trong thơ Dương Thuấn thường nghiêng về các lễ hội, tục thờ cúng của đồng bào dân tộc Tày Nùng. Qua những bài thơ ấy, dễ nhận thấy màu sắc huyền thoại lấp lánh trong đó. Với người Tày Nùng, văn hóa tâm linh được thể hiện trước hết qua dịp lễ tết, hội hè.
Như vậy, với Dương Thuấn những kiến thức về văn hóa của ông về quê hương là từ trong tiềm thức, là cảm xúc thường trực chảy tràn như cuộc sống tự nhiên, dạt dào tình quê miền núi, tình người vùng cao. Thứ tình đó luôn đầy ắp, sẵn trong lòng chứ không phải khuấy động lên mới có. Mảnh đất Bắc Kạn với vẻ đẹp hữu tình, nên thơ của những con người chân thật, đáng yêu đã hội tụ trong thơ Dương Thuấn một cách tự nhiên, sống động mà đầy gợi cảm. Nó tạo nên sức sống, nét hấp dẫn không thể trộn lẫn với bất kì vùng miền nào, dân tộc nào. Thơ Dương Thuấn thể hiện khát vọng của con người muốn nâng niu, gìn giữ vẻ đẹp quê hương và giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Vì thế có thể khẳng định những sáng tác của Dương Thuấn đã góp phần bồi đắp và làm phong phú thêm văn hóa dân tộc Tày.
Xuất thân từ chàng trai của núi, Dương Thuấn ra đi về phía biển hát khúc đảo ca rồi lại đem thơ mình đến với bạn bè thế giới nhưng chân trời
29
càng rộng mở thì nhà thơ càng muốn “ngược mặt trời” mà “tìm bóng núi” để trở về “đêm bên dòng sông” và “hát với sông Năng”. Sinh ra và lớn lên ở Bắc Kạn, hiện giờ sống ở thủ đô nhưng nỗi nhớ sơn cước luôn làm ông mất ngủ giữa chốn kinh kỳ (Buổi chiều thành phố). Ông nhớ về Bản Hon, nhớ ngày
Lên rẫy, nhớ Núi Cơm Chiều, thèm Lời cô gái xứ Mây, khát lời Nàng ơi uống rượu và luôn in đậm hình bóng Lượn cọi, Cái cầu thang cùng những buổi chiều Việt Bắc Ôi nắng vàng như mật...
Có thể nói “chất Tày” luôn thấm đẫm trong thơ Dương Thuấn, nó là “đinh”, là hồn cốt của phong cách thơ của ông. Nhà thơ đã cầm bút viết về quê hương mình như một sự lắng đọng, ngưng kết đời sống tinh thần, văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc mình, tạo thành nguồn suối hòa vào dòng sông thi ca Việt để chảy vào biển cả văn hóa nhân loại. Khẳng định “chất Tày” trong thơ Dương Thuấn, nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Vĩnh Cư đã phát biểu trong buổi giới thiệu bộ ba Tuyển tập thơ Dương Thuấn: “Đọc thơ Dương Thuấn sẽ biết Dương Thuấn là ai? Dương Thuấn là bản Hon! Dương Thuấn là sông Năng! Dương Thuấn là Bắc Kạn! Dương Thuấn là miền núi! Và tôi cho rằng, Dương Thuấn chính là người Tày của người Tày! Là miền núi của miền núi!(…) Bởi vì đọc thơ Dương Thuấn người ta thấy anh yêu dân tộc anh, anh yêu quê hương anh một cách thấm đẫm, tự nhiên, chân thật, mộc mạc nhưng với đầy niềm tự hào”[45]. Quê hương và tuổi thơ với những câu chuyện huyền thoại về hồ Ba Bể, sông Năng, bản Hon đã chắp cánh cho tâm hồn thơ Dương Thuấn. Vì vậy, người đọc thấy một thế giới thơ giản dị, chân thực nhưng cũng lãng mạn, bay bổng, vừa hồn nhiên trong sáng mà hóm hỉnh suy ngẫm. Ít nhà thơ có được một phong vị đậm đặc về quê hương bản quán trong sáng tác như Dương Thuấn.
30
CHƯƠNG 2
CẢM THỨC VĂN HÓA TRONG THƠ DƯƠNG THUẤN