Sử dụng hình ảnh biểu tượng, nhiều hàm nghĩa

Một phần của tài liệu ếu tố kỳ ảo trong tập truyện Yêu ngôn của Nguyễn Tuân (Trang 86)

5. Cấu trúc luận văn

3.3.1.2. Sử dụng hình ảnh biểu tượng, nhiều hàm nghĩa

Theo Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi chủ biên thì biểu tượng “Theo nghĩa rộng biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lí sâu xa về cuộc đời và con người”.

Trong văn chương Nguyễn Tuân, ta bắt gặp rất nhiều biểu tượng mang ý nghĩa sâu xa về thiên nhiên, cuộc sống con người, văn hóa và lịch sử…Ở những sáng tác gắn liền với cảm hứng xê dịch, ta bắt gặp những hình ảnh con sông, nhà ga, bến tàu..hay chiếc va li, chúng xuất hiện trở đi trở lại trong các sáng tác của Nguyễn Tuân. Nhà văn có một câu nói nổi tiếng “Tôi muốn sau khi tôi chết đi người ta thuộc da tôi lên để làm một chiếc va li”. Những biểu tượng này xuất hiện trở đi trở lại trong các tác phẩm của nhà văn và trở thành biểu tượng cho những chuyến đi, những khát vọng tìm kiếm chân trời mới. Trong đề tài đời sống trụy lạc, ta thấy xuất hiện nhiều hình ảnh của không gian kĩ viện, tiệm hút…làm ta liên tưởng tới thú vui của bậc tài tử ngày xưa.

87

Đến với thế giới kì ảo của Yêu ngôn, người đọc bắt gặp khá nhiều hình ảnh biểu tượng, nhiều hàm nghĩa mà tác giả họ Nguyễn đã sáng tạo nên.

Trước hết, ta có thể thấy các hình ảnh biểu tượng trong Yêu ngôn được tạo nên nhờ mối dây liên hệ giữa con người và đồ vật. Một cái chén uống rượu của người hành khất (Bố Ô – Rượu bệnh), một vật dụng nhìn qua tưởng chừng như không mang chút giá trị gì: chất liệu bằng gỗ, kích thước gần bằng cái lồng gỗ mít đóng oản của nhà chùa. Tất cả chỉ có vậy và nếu chỉ quan sát thoáng qua sẽ dễ bỏ qua bởi nó hết sức bình thường. Vậy nhưng dưới ngòi bút Nguyễn Tuân – một con người ưa quan sát tỉ mỉ thì Nguyễn đã thấy biết bao điều từ cái vật bình thường ấy. Khi chủ nhân của chiếc chén gỗ bị chết cháy trong một trận hỏa hoạn, tất cả đồ vật bị cháy rụi thành tro, thân xác Bố Ô cũng tan thành bột như men thì duy nhất chỉ có chiếc chén gỗ không bị bén lửa, dẫu cả đời nó đã dầm mình trong rượu, thậm chí lửa đã tráng lên thân chén một lần men khói bóng. Chén được người đời tiện thành một bộ khuy áo để đề phòng khi hỏa hoạn xảy ra. Từ chiếc chén gỗ tới khi trở thành bộ khuy áo, hành trình của chiếc chén ấy cũng dài và mang trong lòng nó số phận như một con người. Chủ nhân của nó đã hóa thân trở về cát bụi song vẫn để lại phần tinh túy nhất cho cuộc đời. Và phải chăng đó là nén tâm nhang mà Nguyễn Tuân muốn gửi tới vong linh Tản Đà – một người mà cuộc đời cũng ngông ngạo, là đệ tử của ma men và đầy nhân cách, khảng khái, thơ văn của ông được coi là gạch nối giữa hai nền văn học trung đại và hiện đại.

Âm nhạc chứa đựng trong đó tâm hồn con người. Điều này rất đúng khi nói về Nguyễn Tuân. Là người đam mê giọng hát, tiếng đàn, con người tài hoa, tài tử ấy đã miêu tả và nhìn thấy trong đồ vật của sự nghiệp cầm ca ấy có cả linh hồn con người. Trong Chùa Đàn, nhà văn miêu tả cây đàn của Chánh Thú bằng chi tiết quái đản, lạ lùng: thân đàn được làm bằng nắp ván áo quan của một người con gái đồng trinh, vào những ngày trở trời thân đàn đổ mồ hôi

88

như tắm và thùng đàn phát lên những tiếng thở dài, vật mình, vật mẩy với bức vách, cứ lủng củng suốt đêm. Khi Chánh Thú chết và để lại một lời nguyền, cây đàn càng trở nên đáng sợ. Nó đòi lấy mạng của bất kì ai dám động đến nó. Khi một người nghệ sĩ dám đi đến tận cùng của nghệ thuật, bất chấp lời nguyền để làm hồi sinh một mạng sống, khi cầm cây đàn ấy thì “mỗi tiếng đàn là một miếng thịt lẩy ra”. Máu trong cơ thể người chơi đàn cứ tuôn ra, thấm ra ngoài cho đến khi chỉ còn là một cái xác khô, thì cây đàn tan vụn thành mảnh nhỏ và trên bàn thờ hồn ma Chánh Thú hả hê cất tiếng cười sằng sặc…Đằng sau cây đàn cũng là cả một cuộc đời, nó là sự hóa thân của những kiếp người. Một người con gái đồng trinh chết yểu, hồn nàng vẫn còn vương vấn nơi cõi trần và ván quan được dùng làm thân đàn. Chủ nhân của cây đàn là Chánh Thú – một nghệ sĩ tài hoa. Khi chết, hồn ma này vẫn còn nặng nợ với trần gian. Khi lời nguyền được thực hiện, mong ước của người chết đã được thực hiện thì cây đàn cũng đã đi hết số phận của nó. Cây đàn tượng trưng cho khát vọng sống mãnh liệt của nhân vật trong Chùa Đàn cũng như vẫn lặng lẽ với trăn trở suy tư về lẽ nhân sinh mà nhà văn đặt ra. Trong thế giới nghệ thuật mang đầy biểu trưng, hàm nghĩa ấy, người đọc bắt gặp ở Xác

ngọc lam một số phận khác đó là phận đá. Một tảng đá vốn chỉ có công dụng

nghè giấy cho phẳng mặt, là vật câm lặng, vô tri của thế giới tự nhiên. Nhưng từ khi nàng Dó ẩn mình trong phiến đá ấy thì đá đã mang trong mình một sinh mệnh. Lòng đá là nơi bao bọc, che chở, vỗ về, nâng giấc cho vị nữ thần của ngàn xanh. Kể từ khi được nàng Dó thổi hồn vào nghề làm giấy nhà họ Chu lên ngôi, đẹp và sang trọng hẳn lên. Rồi khi phiến đá bị đánh tráo, rơi vào tay kẻ bạo phú, thứ ngọc sống biết nói ấy chết và biến thành xác ngọc lam – một khối ngọc toàn bích – kết tụ bao yêu thương và vui buồn của một kiếp người. Sống ở rừng, nàng ẩn mình vào lòng cây, về xuôi theo chồng nàng náu mình vào phiến đá, khi rơi vào tay kẻ ô trọc nàng biến thành ngọc không tì vết,

89

thành bảo vật quý giá của cuộc đời. Những sự hóa thân của nàng đều khơi gợi ở người đọc sự bao dung, vị tha, nhân hậu – những phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam.

Đọc Vang bóng một thời, có người đã ví tác phẩm như “nén tâm

hương nguyệncầu cho cái đẹp cổ truyền Việt Nam” [23,tr.249] bởi nhà văn đã

dày công xây dựng cả một không gian văn hóa trong quá khứ của dân tộc với những thú vui tao nhã: uống đẹp, nhắm đẹp, chơi đẹp, ứng xử đẹp ,hoa tay đẹp…Những cảnh tượng đất trời và đời sống ấy là “những tính cách đặc Việt Nam” [23,tr.38]. Cũng như vậy, trong Yêu ngôn, người đọc có thể nhận thấy quá khứ đậm màu sắc văn hóa của cha ông xưa: đó là truyền thống hiếu học của đất nước có hàng ngàn năm văn hiến, truyền thống yêu nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật của một dân tộc có đời sống tinh thần thanh cao, tinh tế…Điều đáng nói là trong tác phẩm, truyền thống hiếu học được gửi gắm qua những biểu tượng độc đáo. Đó là giấy lịch Bưởi, mực Hoàng Tam Xương, bút Tảo Thiên Quân lông trắng (Khoa thi cuối cùng). Nói tới bút và nghiên chúng ta nghĩ ngay tới hiện thân cho truyền thống hiếu học, trọng tri thức của cha ông ta từ bao đời nay. Hình tượng này cũng đi vào thơ ca dân tộc với “Cậu học trò nghèo còn góp cho đất nước mình những núi Bút, non Nghiên” (Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm). Trong Loạn âm, anh Khóa Lương sau khi thác oan, được Diêm Vương cho làm quan để trông coi việc kiều lương đạo lộ dưới âm, dù âm dương cách trở nhưng vẫn nhớ tới đạo thầy trò, khi có dịp trở về dương gian tới nhà thầy để báo đáp. Lễ vật được dâng lên “đó là một cái nghiên bút bằng đá đen và một cái thủy trì cắm bút nho cũng bằng đá đen..thứ đá làm nghiên và làm thủy trì này lấy ở lòng sông Hắc Thủy. Nó có cái đức tính là ướt quanh năm. Chẳng cần cho nước mà lúc nào mài mực cũng được, chẳng cần đổ nước mà lúc nào cắm bút vào, ngòi cũng mềm dẻo”. Cậu học trò nghèo xưa kia miệt mài đèn sách muốn trả nghĩa thầy bằng sự nghiệp khoa cử

90

rạng rỡ. Nhưng chẳng may không được làm người nữa thì dù thác xuống âm phủ rồi vẫn nhớ tới nghiệp đèn sách nên trong món quà tri ân thầy cũng chứa đựng bao nỗi niềm.

Nguyễn là người say mê âm nhạc. Nhà văn đã tâm sự “Tôi vốn là người hay la cà đắm đuối với tất cả những gì là đàn, sáo, ca hát…Tôi đã đem một phần đời văn sĩ của tôi mà đặt vốn vào đàn hát” (Chùa Đàn). Hơn thế nữa, sống trên một đất nước có truyền thống âm nhạc, nét hào hoa mà như Tố Hữu đã viết: “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững. Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” cùng với niềm đam mê tự thân, phải chăng vì thế mà Nguyễn đã miêu tả rất sinh động, rất có hồn những hoạt động sáng tạo biểu diễn nghệ thuật. Và in hằn trong những trang văn ấy là hình ảnh roi chầu, tiếng tơ, tiếng trúc của nghệ thuật ca trù. Cái roi chầu của Ấm Đới (Đới Roi) là thứ roi quý “đánh đến một nghìn bài Thét Nhạc rồi mà đời cái roi vẫn cứ lành vẹn”. Chiếc roi chầu vừa rắn, vừa rẻo, âm tròn và đĩnh đạc ấy đã theo suốt cuộc đời nghệ sĩ, nói lên bao nổi nênh, thăng trầm của kiếp rong chơi tài tử. Với cây đàn đáy định mệnh, Nguyễn Tuân thật tài tình khi miêu tả tiếng đàn của Bá Nhỡ - tiếng đàn gắn với cuộc chơi tuyệt mệnh để làm thức tỉnh tâm hồn Lãnh Út.

Có thể nói, hình ảnh biểu tượng trong sáng tác Nguyễn Tuân nói chung và Yêu ngôn nói riêng phong phú và gợi nhiều ám ảnh, mang đậm tính nghệ thuật và triết lý. Đó không chỉ là kết quả của vốn hiểu biết tài hoa, uyên bác mà còn chứng tỏ ông là người có khả năng quan sát tốt và luôn biết đặt cả tâm hồn mình vào đối tượng miêu tả, khám phá. Chính điều này đã tạo thành dấu ấn riêng cho Nguyễn Tuân.

Một phần của tài liệu ếu tố kỳ ảo trong tập truyện Yêu ngôn của Nguyễn Tuân (Trang 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)