Phân tích tình hình tiêu thụ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khoa học: Phân tích tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều ở huyện Lục Ngạn - Bắc Giang (Trang 42)

Việc tiêu thụ vải thiều hàng năm luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của chính quyền địa phương cũng như của các hộ gia đình. Qua theo dõi diễn biến thi trường tiêu thụ vải thiều qua các năm, thường vào những năm mất mùa, sản lượng vải thiều thu hoạch thấp thì người trồng vải lại bán được giá, tiêu thụ thuận lợi. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm người nông dân lại gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ và giá bán xuống mức thấp dẫn đến doanh thu tiêu thụ mà họ thu được không để bù đắp cho chi phí chăm sóc và thu hoạch vải thiều.

Bảng 2.6: Giá bán vải thiều Lục Ngạn trên thị trường giai đoạn 2010 – 2013 (Đơn vị: nghìn đồng/kg) Năm Loại vải 2010 2011 2012 2013 Vải thiều sớm 17 – 25 20 – 32 25 - 35 30 - 35 Vải thiều chính vụ 10 – 12 7 – 12 10 - 14 18 - 24

(Nguồn: Số liệu sở Công thương tỉnh Bắc Giang)

Giá vải thiều Lục Ngạn trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng và ổn định, giá bán của các loại vải thiếu sớm thường cao hơn khá nhiều so với vải thiều chính vụ (sản lượng vải thiều sớm cho thu hoạch chiếm khoảng 20 – 25% tổng sản lượng vải thiều toàn huyện), tạo điều kiện cho các hộ gia đình gia tăng thu nhập và có thêm nguồn vốn để tái đầu tư tái sản xuất. Vải thiều loại 1 và vải thiều được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP thường có giá bán cao hơn so với các loại vải còn lại (từ 4-5 nghìn đồng/kg đối với vải thiều loại 1 và 10-20 nghìn đồng/kg đối với vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP) và chủ yếu phục vụ cho việc tiêu thụ ngoại tỉnh và xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Để sản phẩm vải thiều Lục Ngạn tiếp tục đứng vững và phát triển, không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế trong điều kiện hiện nay, UBND tỉnh Bắc Giang cần kết hợp chặt chẽ với UBND huyện Lục Ngạn và các hộ gia đình trồng vải trong công tác triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm vải thiều. Trọng tâm của quy trình thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá sâu, rộng hơn nữa ở cả thị trong và ngoài nước; làm tốt công tác xúc tiến thương mại, cử các đoàn công tác đi giới thiệu, ký kết các hợp đồng tiêu thụ vải thiều. Khuyến khích các thương nhân chủ động tìm kiếm thị trường, trực tiếp thu mua với người trồng vải, bố trí các điểm thu mua thuận tiện, niêm yết giá công khai; không ép cấp, ép giá trong tổ chức thu mua, chế biến nhằm đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều cho các hộ dân. Tổ chức hội chợ, triển lãm các sản phẩm vải thiều ở địa phương…

2.3.1.1 Tiêu thụ nội địa

Thị trường nội địa của sản phẩm vải thiều Lục Ngạn tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Đây là thị trường cơ bản và giữ vai trò quan trọng trong tiêu thụ vải thiều, chiếm khoảng 50 – 60% khối lượng vải thiều mang đi tiêu thụ. Hình thức tiêu thụ chủ yếu là vải thiều tươi với giá bán dao động từ 17 – 35 nghìn đồng/kg đối với vải thiều sớm và từ 12 – 24 nghìn đồng/kg đối với vải thiều chính vụ loại 1, 7 – 12 nghìn đồng/kg đối với vải thiều chính vụ loại 2. Giá cả dạo động tùy theo từng thời điểm, lúc cao lúc thấp, có thời điểm giá vải thiều xuống đến mức khá thấp chỉ vào khoảng 7 – 10 nghìn đồng/kg nhưng sau đó lại ổn định lại.

Hiện nay, huyện Lục Ngạn đang tích cực đẩy mạnh việc sản xuất và tiêu thụ vải thiều VietGAP, sản xuất và thu hoạch theo quy trình an toàn sinh học. Tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đang tiếp tục xúc tiến xây dựng hệ thồng các kênh phân phối chuyên nghiệp và hiệu quả để mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều lục Ngạn theo tiêu chuẩn VietGAP vào hệ thống phân phối bán lẻ của các siêu thị lớn trên cả nước như: Metro, Coop.Mark, Hapro, BigC,… và các chợ đầu mối hoa quả tại các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng rất quan tâm và coi trọng việc tạo dựng, duy trì bền vững các thị trường tiêu thụ nội địa lớn, truyền thống đối với sản phẩm vải thiều Lục Ngạn.

2.3.1.2 Thị trường xuất khẩu

Sản lượng vải thiều xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài hàng năm khá lớn (chiếm 40 – 50% tổng sản lượng) bao gồm vải thiều tươi, vải thiều sấy khô và vải thiều chế biến đóng hộp. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu như: Trung Quốc, các nước ASEAN, ngoài ra còn có Australia và một số nước châu Á và châu Âu.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu vải lớn nhất, chiếm từ 80-90% tổng sản lượng xuất khẩu, vải thiều được xuất sang Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai ( Hà Khẩu, Kim Thành) và Lạng Sơn (Tân Thanh), chủ yếu là vải thiều tươi và vải thiều sấy khô. Trong vài năm trở lại đây, một số thương nhân Trung Quốc đã đến trực tiếp vùng vải thiều và ký kết hợp đồng với các thương

nhân Việt Nam tổ chức đóng gói, thuê phương tiện vận chuyển đến biên giới và làm thủ tục xuất khẩu chính ngạch cho các thương nhân Trung Quốc. Hình thức mua bán này rất thuận tiện, hạn chế những rủi ro về giá cả, thanh toán cho thương nhân Việt. Khi bắt đầu bước vào mùa thu hoạch vải thiều, có những thời điểm, số lượng thương nhân Trung Quốc sang vùng vải thiều Lục Ngạn lên đến gần 150 người, họ lựa chọn thu mua chủ yếu là vải thiều chất lượng cao (vải loại 1) và gần như 100% vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với giá tương đối cao (dao động trong khoảng 4 – 7 NDT[1]/kg). Năm 2011 là một năm bội thu đối với người sản xuất vải thiều Lục Ngạn (sản lượng vải thu hoạch được năm 2011 gấp đôi sản lượng năm 2010). Theo thông tin của Cục Hải Quan, Ban quản lý các cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn: số lượng vải thiều tươi xuất khẩu năm 2011 qua đường chính ngạch tại Lào Cai khoảng 20.000 tấn, tiểu ngạch khoảng 3.500 tấn với giá dao động trong khoảng 3 – 6 NDT/kg. Số lượng xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh – Lạng Sơn chính ngạch ước khoảng 17.000 tấn, xuất khẩu tiểu ngạch ước khoảng 4.000 tấn, giá cả không ổn định từ 2 -3,5 NDT/kg.

Những năm gần đây, do công tác xúc tiến quảng bá thương mại được chú trọng nên thị trường xuất khẩu vải thiều được mở rộng. Việc sản xuất và tiêu thụ vải thiều bắt đầu đi theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện tại, vải thiều Lục Ngạn đã đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý sản phẩm tại 5 quốc gia: Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia và Đài Loan.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khoa học: Phân tích tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều ở huyện Lục Ngạn - Bắc Giang (Trang 42)