Phân bố

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khoa học: Phân tích tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều ở huyện Lục Ngạn - Bắc Giang (Trang 41)

Lục Ngạn hiện có 3 vùng sản xuất vải thiều được phân loại dựa trên các chỉ tiêu về chất lượng và hình thức mẫu mã bên ngoài của sản phẩm. Ba vùng sản xuất vải thiều của Lục Ngạn bao gồm:

 Vùng 1: Đây là vùng vải có chất lượng và hình thức quả vải được đánh giá là ngon và đẹp nhất của huyện, bao gồm 4 xã: Hồng Giang, Tân Quang, Giáp Sơn và Phì Điền với tổng diện tích khoảng 2,5 ha (chiếm khoảng 14 – 15% tổng diện tích vải toàn huyện) và sản lượng thu hoạch hàng năm dao động đạt khoảng 15% tổng sản lượng vải của huyện. Vải ở đây có mùi thơm và vị ngọt đậm, không có vị chua, chát. Quả to và tròn, vỏ mỏng và lì gai; khi chín có màu đẹp, thu hoạch sau 2-3 ngày mới bị đổi màu. Đây là những xã nằm gần vùng trung tâm của huyện, cách thị trấn Chũ 8km về phái Đông Bắc.

 Vùng 2: Bao gồm 8 xã nằm xung quanh thị trấn Chũ và về phía Tây nam của huyện: Nghĩa Hồ, Thanh Hải, Trù Hựu, Quý Sơn, Nam Dương, Tân Lập, Kiên Thành, Kiên Lao với tổng diện tích hơn 6 ha (40% tổng diện tích toàn huyện), sản lượng vào 42 – 45% tổng sản lượng thu hoạch toàn huyện. Chất lượng của quả vải ở vùng này tuy không kém nhiều so với vùng 1 nhưng độ tươi sáng của vỏ quả kém hơn và nhanh bị chuyển sang màu đỏ thâm hơn.

 Vùng 3: Chất lượng và hình thức bên ngoài quả vải ở vùng này kém hơn hẳn so với 2 vùng trên: ít ngọt hơn và có vị chua, chát; vỏ dày và gai nhọn; khi chín quả vải có màu đỏ hơi thâm, xám và nhanh bị chuyển sang màu thâm đen. Vùng này gồm các 17 xã còn lại: Biển Động, Đèo Gia, Phú Nhuận, Tân Hoa, Đồng Cốc, Biên Sơn, Phượng Sơn, Tân Mộc, Mỹ An, Sơn Hải, Hộ Đáp, Phong Minh, Phong Vân, Tân Sơn, Cấm Sơn, Xa Lý, Kim Sơn và thị trấn Chũ. Đây là những xã thuộc phía ngoài của huyện và chủ yếu tập trung ở phía Đông Bắc với tổng diện tích vải thiều chiếm khoảng 45% tổng diện tích toàn huyện và sản lượng hàng năm ước đạt khoảng 40 - 42% tổng sản lượng.

Hình 2.1: Phân vùng sản xuất vải thiều huyện Lục Ngạn (2013)

(Nguồn: Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang năm 2013)

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khoa học: Phân tích tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều ở huyện Lục Ngạn - Bắc Giang (Trang 41)