2.1.1.1 Vị trí địa lý
Lục Ngạn là huyện miền núi thuộc tỉnh Bắc Giang, nằm trên trục đường quốc lộ 31, cách trung tâm thành phố Bắc Giang 40 km. Lục Ngạn có tổng diện tích tự nhiên là 101.223,72 ha với 30 đơn vị hành chính được chia thành 2 vùng rõ rệt: Vùng thấp gồm 17 xã và 1 thị trấn, vùng cao gồm 12 xã.
Về tiếp giáp:
Phía Bắc giáp huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng – tỉnh Lạng Sơn. Phía Nam và phía Tây giáp huyện Lục Nam – tỉnh Bắc Giang.
Phía Đông giáp huyện Sơn Động – tỉnh Bắc Giang.
Vị trí địa lý của huyện Lục Ngạn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ vải thiều tươi và các sản phẩm chế biến từ vải thiều. Các sản phẩm từ vải thiều có thể được mang đi tiêu thụ tại các tỉnh và thành phố trong nước thông qua một số tuyến đường nội địa: quốc lộ 31, 37, 279 hoặc xuất khẩu sang một số nước khác (Trung Quốc) thông qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.
2.1.1.2 Khí hậu
Lục Ngạn nằm trọn trong vùng Đông Bắc Việt Nam nên khí hậu mang tính chất nhiệt đới gió mùa, trong đó có tiểu vùng khí hậu mang nhiều nét đặc trưng của vùng miền núi, chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, có khí hậu tương tự các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên.
Nhiệt độ trung bình cả năm là 23,50C, vào tháng 6 cao nhất là 27,80C, có mùa đông lạnh và khô.
Bức xạ nhiệt đạt mức trung bình so với các vùng khí hậu nhiệt đới, số giờ nắng bình quân cả năm là 1.729 giờ, số giờ nắng bình quân trong
ngày là 4,4 giờ. Với đặc điểm bức xạ nhiệt như vậy là điều kiện thuận lợi cho phát triển nhiều loại cây trồng.
Độ ẩm không khí trung bình là 81%, cao nhất là 85% và thấp nhất là 72%.
Gió bão: là vùng chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, vào mùa đông tốc độ gió bình quân 2,2m/s, mùa hạ có có gió mùa đông nam, là vùng ít chịu ảnh hưởng của bão.
Lục Ngạn là vùng có lượng mưa thấp, ít sương muối, mưa xuân đến muộn hơn, ẩm độ không khí không quá cao, lượng bức xạ nhiệt trung bình, đó là những yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho cây ăn quả (nhất là vải thiều) đậu quả tốt hơn khi ra hoa thụ phấn so với các huyện khác trong tỉnh Bắc Giang.
Từ những đặc điểm về khí hậu, có thể nhận thấy được Lục Ngạn là địa phương rất thích hợp để trồng vải. Nền nhiệt ẩm ở đây rất thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây vải, đặc biệt do có mùa động lạnh và khô nên đã tạo điều kiện thích hợp cho sự sinh trưởng của cây vải trong giai đoạn phân hóa mầm hoa, giúp cho vải được trồng ở Lục Ngạn thường có năng suất và chất lượng cao hơn so với các vùng khác trong tỉnh cũng như trong cả nước. Số giờ nắng trung bình lớn và ít chịu ảnh hưởng của bão nên lượng hoa cái sinh ra khi cây vải bắt đầu ra hoa lớn và do không phải hứng chịu nhiều bất ổn của khí hậu nên việc sinh trưởng và tạo quả của cây vải diễn ra khá thuận lợi.
2.1.1.3 Địa hình – đất đai
Về địa hình, Lục Ngạn là một huyên miền núi với đặc điểm địa hình được
chia cắt thành 2 vùng rõ rêt là vùng núi và vùng đối thấp. Địa hình vùng núi cao chiếm gần 60% diện tích tự nhiên toàn huyện (12/30 xã và thị trấn). Địa hình khu vực này bị chia cắt mạnh, độ dốc khá lớn, tập trung phần lớn diện tích rừng tự nhiên của huyện, có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi gia súc và trồng cây ăn quả. Vùng đồi thấp bao gồm 17 xã còn lại và 1 thị trấn, địa hình vùng có
độ chia cắt trung bình, phân lớn là đồi thoải. Đây là vùng có điều kiện phù hợp với tròng một số loại cây ăn quả như: hồng, nhãn, cam và đặc biệt là vải thiều với chiến lược phát triển vùng trở thành một vùng chuyên canh vải thiều lớn nhất cả nước.
Về đất đai, Lục Ngạn có tổng diện tích đất tự nhiên là 101.223,72 ha, bao
gồm 6 nhóm đất chính và 14 nhóm đất phụ. Sáu nhóm đất chính gồm: nhóm đất phù sa sông suối, nhóm đất bùn lầy, nhóm đất feralit vàng nhạt, nhóm đất feralit trên núi, nhóm đất feralit ở vùng đồi thấp và nhóm đất trồng lúa. Trong 6 nhóm đất chính thì nhóm đất feralit ở vùng đồi thấp có diện tích lớn nhất (56.878,42 ha – chiếm 59,93% tổng diện tích) và thích hợp với việc trồng rừng, trồng các loại cây công nghiệp và cây ăn quả như: hồng, na, và đặc biệt là vải thiều cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ có sự đa dạng về địa hình và đất đai mà các hộ gia đình của huyện Lục Ngạn có thể lựa chọn được các giống vải phù hợp với từng loại đất và chất đất tại khu vực để đưa vào sản xuất (giống vải chính vụ Thanh Hà, vải sớm, vải lai… ), mỗi loại vải đều có thời gian thu hoạch khác nhau nên việc thu hoạch và bán vải diễn ra khá thuận lợi. Từ đó, đã tạo nên một cơ cấu các sản phẩm vải thiều đa dạng và có thể phân hóa thành từng vùng sản xuất tập trung trên địa bàn huyện. Như vậy, vừa có thể nâng cao tính hiệu quả của việc trồng vải, vừa có thể tận dụng triệt để các nguồn tài nguyên đất đai phục vụ cho việc phát triển sản xuất cây vải thiều thành một ngành sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại.
2.1.1.4 Nguồn nước
Lục Ngạn là vùng có lượng mưa thấp hơn so với các vùng khác trong tỉnh Bắc Giang. Lượng mưa trung bình hàng năm 1321mm, lượng mưa cao nhất 1780mm, tập trung vào các tháng 6,7,8; lượng mưa thấp nhất là 912mm; tháng có ít ngày mưa nhất là tháng 12 và tháng 1.
Tài nguyên nước Lục Ngạn gồm sông Lục Nam và hai hồ chứa lớn là Cấm Sơn và Khuôn Thần cùng nhiều hồ, sông suối nhỏ có tiềm năng rất lớn. Nguồn nước trong huyện có trữ lượng và chất lượng tương đối tốt, có thể
đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, do đặc điểm lượng mưa thấp hơn các vùng khác trong tỉnh nên sản xuất nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, có năm do hạn hán kéo dài, nhiều hồ đập bị cạn kiệt nước đã gây ảnh hưởng lớn đến thời vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Vì vậy, huyện cần bổ sung hoàn chỉnh hệ thống lấy nước, dự trữ nước một cách hợp lý sẽ phục vụ tốt cho sản xuất nông - lâm nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt, đồng thời cần tiến hành thăm dò đánh giá nguồn nước ngầm đi đôi với việc đẩy mạnh công tác trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc để giữ lượng nước mưa. Trong tương lai cần phải khảo sát kỹ về trữ lượng nước, có kế hoạch hợp lý, kết hợp với việc bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn để khắc phục tình trạng thiếu nước trong mùa khô hạn.
Vải thiều là cây chịu hạn tốt hơn chịu úng nên việc trồng vải thiều trên các vùng đồi trên địa bàn huyện Lục Ngạn là rất thích hợp. Bên cạnh đó, lượng mưa và trung bình hàng năm và phân hóa lượng mưa trong các tháng của vùng cũng rất thuận lợi cho việc sinh trưởng và phát triển của cây, công tác thủy lợi cũng được điều tiết hợp lý nhớ hệ thống hai hồ chứa lớn. Mưa nhiều tập trung vào các tháng mùa hè và thu tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sinh trưởng rễ, thân tán và ra lộc của cây vải; mưa ít vào các tháng mùa đông vá đầu xuân tạo điều kiện cho cây vải thuận lợi bước vào giai đoạn phân hóa mầm hoa và hình thành quả, lượng nước tười phù hợp cũng giúp nâng cao tỷ lệ hoa cái/tổng số hoa và tăng tỷ lệ đậu quả cho cây.