Với nhiều điều kiện tự nhiên cũng như dân cư xã hội thuận lợi cho phát triển cây vải thiều, trong thời gian qua, huyện Lục Ngạn đã tập trung đầu tư quỹ đất cho loại cây này. Hiện nay, Lục Ngạn đã trở thành vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước với diện tích hàng năm khoảng 18 nghìn ha. Dưới đây là diện tích vải thiều huyện Lục Ngạn từ năm 2010 – 2013.
Bảng 2.1: Diện tích vải thiều giai đoạn 2010 – 2013 của tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn
(Đơn vị: ha)
Năm 2010 2011 2012 2013
Toàn tỉnh 35.776 35.481 34.643 33.152 Lục Ngạn 18.500 18.595 18.595 17.873
% so với toàn tỉnh 51,71 52,41 53,68 53,91
(Nguồn: Xử lý số liệu niên giám thống kê tỉnh Bắc Giang 2010 -2013)
Từ bảng số liệu ta có thể thấy được trong giai đoạn 2010 – 2013, diện tích vải thiều của toàn tỉnh và của huyện Lục Ngạn có sự biến động nhẹ. Diện tích vải thiều của toàn tỉnh có dấu hiệu giảm qua các năm, dao động trong khoảng 33 – 35 ha. Bên cạnh đó, Lục Ngạn là huyện có diện tích vải thiều lớn nhất của tỉnh (chiếm trên 50% tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh) và đang có xu hướng mở rộng diện tích qua các năm.
Hiện nay, bên cạnh việc trồng vải theo phương thức truyền thống, chính quyền huyện đã quan tâm và chỉ đạo các hộ gia đình mở rộng diện tích trồng vải thiều sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản xuất vải thiều VietGAP đã và đang trở thành xu thế tất yếu ở Lục Ngạn. Thôn Kim Thạch, xã Thanh Hải được dự án FAPQD do Canada tài trợ thực hiện mô hình điểm thành lập hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ vải thiều sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP từ tháng 12/2011. Đến năm 2012, HTX có 24 hội viên, được phân làm 6 tổ sản xuất. Cơ bản hội viện của HTX đều là những người cần cù chịu khó, có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất cây vải thiều nên khi được tập huấn thêm kiến thức khoa học về “thực hành nông nghiệp tốt”, các hội viên đã áp dụng hiệu quả vào chăm sóc vải thiều của gia đình mình. Nhờ đó, diện tích vải thiều của thôn phát triển rất xanh tốt và cho năng suất, chất lượng cao.
Ông Nguyễn Đức Cảnh, Phó Chủ nhiệm HTX sản xuất và tiêu thụ vải thiều sạch thôn Kim Thạch cho biết: “Để kiểm soát chất lượng quả vải, chúng tôi đã giao trách nhiệm cho 6 tổ tự sản xuất kiểm tra chéo nhau trên hồ sơ sổ sách ghi chép và quá trình sản xuất thực tế vải thiều của hội viên về 65 tiêu chí của VietGAP. Các vườn vải của hội viên đều có mã vườn và mã số khoảnh vườn. Quá trình sản xuất từng công đoạn cho cây vải được ghi chép và lưu giữ cẩn thận trên sổ sách và được kiểm tra giám xét chặt chẽ, bảo đảm sản phẩm vải thiều cung cấp ra thị trường đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Hồ sơ sản xuất vải thiều của HTX được lưu trữ trong thời gian 3 năm, nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người tiêu thụ”. Gia đình ông Vũ Lê Ân, hội viên HTX sản xuất
và tiêu thụ vải thiều sạch thôn Kim Thạch có vườn vải thiểu rộng hơn 1 ha, với 300 cây khoảng 10 năm tuổi. Năm 2010, cũng như nhiều hộ dân trồng vải khác, ông Ân còn rất mơ hồ về kiến thức sản xuất vải thiều VietGAP. Sau khi được học 6 lớp tập huấn kiến thức khoa học về quy trình sản xuất vải thiều sạch an toàn nên từ vụ vải năm 2011, ông Ân đã áp dụng hiệu quả vào vườn vải nhà mình.
Sang đến năm 2013, sản xuất vải thiều cho tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục được đầu tư sản xuất và mở rộng diện tích trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Giang và đặc biệt là ở huyện Lục Ngạn. Tổng diện tích vải VietGAP của tỉnh vào khoảng 8 ha; trong đó diện tích vải VietGAP của Lục Ngạn chiếm tới gần 7,5 ha cho sản lượng khoảng 35.000 tấn. Dự báo trong năm 2014, tổng diện tích trồng vải VietGAP của toàn tỉnh sẽ tăng lên trên 9 ha, trong đó, huyện Lục Ngạn chiếm khoảng 8,5 ha.