Tình hình phát triển cây vải thiều trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khoa học: Phân tích tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều ở huyện Lục Ngạn - Bắc Giang (Trang 27)

1.3.2.1 Điều kiện phát triển

Hải Dương là một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng của nước ta, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với tổng diện tích tự nhiên là 1651 km2.

Hải Dương là tỉnh có cơ cấu cây trồng vật nuôi khá đa dạng, trong đó nổi bật là cây vải thiều với thương hiệu vải thiều Thanh Hà nổi tiếng. Vải thiều được trồng ở Hải Dương từ cách đây rất lâu và hiện đang trở thành một trong những cây trồng chiến lược của tỉnh Hải Dương. Những điều kiện thuận lợi để Hải Dương lựa chọn phát triển cây vải thiều có thể kể đến như:

Hải Dương nằm gần nhiều thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng), nằm trên nhiều trục giao thông đường sắt, đường bộ, đường sông thuận lợi như các quốc lộ: 5, 18, 37… tạo ra thế mạnh về giao lưu, vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có vải thiều, từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, rút ngắn quá trình vận chuyển, giúp đảm bảo chất lượng và tiết kiệm chi phí cho các sản phẩm nông nghiệp.

Địa hình chủ yếu là đồng bằng (89% tổng diện tích toàn tỉnh), nghiêng và thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh nên khá thuận lợi và phù hợp với những đặc tính sinh trưởng và phát triển của cây vải thiều.

Tài nguyên đất khá phong phú, đa dạng với hai nhóm đất chính là đất phù sa và đất feralit; trong đó vùng tập trung vải thiều Thanh Hà phát triển trên đất phù sa và vùng vải tập trung Chí Linh phát triển trên đất feralit. Bên cạnh đó là mạng lưới sông ngòi tự nhiên và sông nội đồng dày đặc đảm bảo khá năng cung cấp nước tưới trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây vải thiều và kịp thời tiêu úng khi có lũ lụt.

Người dân có truyền thống cần cù, ham học hỏi và giàu kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc vải thiều.

1.3.2.2 Hiện trạng phát triển

Hải Dương được biết đến với cây vải thiều, đặc biệt giống vải thiều Thanh Hà đã phát triển thành thương hiệu nổi tiếng và có mặt tại nhiều thị trường trong nước và quốc tế. Vải thiều được trồng chủ yếu ở các huyện như Thanh Hà, Chí Linh…, đây là những vùng có điều kiện sinh thái thuận lợi và phù hợp đối với cây vải thiều.

Năm 2007, sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý số 0009 ngày 25/05/2007. Năm 2010-2011, dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Thanh Hà” được triển khai đã góp phần kiện toàn tổ chức bộ máy của Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà với gần 400 thành viên tại 9 xã và hoàn thiện hệ thống quản lý, sản xuất, kiểm soát chất lượng và hệ thống nhận diện cho sản phẩm vải thiều mang chỉ dẫn địa lý Thanh Hà của tỉnh Hải Dương. Năm 2012 là năm đầu tiên tỉnh Hải Dương thực hiện “Xây dựng, phát triển mô hình sản xuất vải thiều Thanh Hà đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP”, dự án được triển khai tại 3 xã: Thanh Sơn, Thanh Khê, Thanh Thủy của huyện Thanh Hà với tổng diện tích 100ha trong ba năm 2012, 2013, 2014.

Trong những năm gần đây, tỉnh Hải Dương đã xác định vải thiều là một trong những cây trồng mũi nhọn của tỉnh và được ưu tiên phát triển trong nhiều chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh. Nhờ đó, diện tích trồng vải hiện nay chiếm khoảng 50 – 70% trong cơ cấu cây trồng lâu năm của tỉnh, sản lượng có xu hướng tăng qua các năm và chất lượng, mẫu mã quả vải ngày càng được cải thiện.

Tính đến năm 2013, Hải Dương có tổng diện tích trồng vải vào khoảng hơn 17.000 ha, năng suất trung bình đạt 31 tạ/ha. Sản lượng vải thiều năm 2013 đạt khoảng 55 nghìn tấn. Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, năm 2013, diện tích trồng vải của toàn huyện là khoảng 4.000 ha; bên cạnh đó, do thời tiết thuận lợi và công tác chăm sóc cẩn thận nên sản lượng vải thu hoạch được của toàn huyện ước đạt khoảng 25.000 tấn. Tỉnh Hải

Dương nói chung và huyện Thanh Hà nói riêng cũng đang tích cực đẩy mạnh triển khai và mở rộng mô hình sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP nhằm nâng cao chất lượng vải thiều và mở rộng thị trường cho thương hiệu vải thiều Thanh Hà và gia tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

Như vậy, có thể thấy Hải Dương là một tỉnh có nhiều thuận lợi trong việt phát triển sản xuất và tiêu thụ vải thiều. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền phía tỉnh, huyện cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho về đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ về vốn và chính sách cho các hộ sản xuất nhằm phát triển và giữ vững thương hiệu vải thiều Thanh Hà nói riêng và vải thiều Hải Dương nói chung. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho sản phẩm vải thiều và phát triển sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP cũng đang đặt ra nhiều khó khăn đối với cả các hộ sản xuất và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

CHƯƠNG 2: ĐIỀU KIỆN VÀ HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN CÂY VẢI THIỀU TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN LỤC NGẠN

Một phần của tài liệu Nghiên cứu khoa học: Phân tích tình hình sản xuất và tiêu thụ vải thiều ở huyện Lục Ngạn - Bắc Giang (Trang 27)