II. HOẠT ĐỘNG LOGISTICS CỦA VIỆT NAM TRÊN HÀNH LANG KINH TẾ BẮC NAM
2. Hệ thống thể chế và pháp luật
2.2.2. Thành phố Hà Nội
Thủ đô Hà Nội nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ. Hà Nội tiếp giáp với 5 tỉnh: Thái Nguyên ở phía Bắc; Bắc Ninh, Hưng Yên ở phía Đông; Vĩnh Phúc ở phía Tây; Hà Tây ở phía Nam. Sau đợt mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8 năm 2008, Hà Nội hiện nay có diện tích 3.324,92 km², gồm một thị xã, 10 quận và 18 huyện ngoại thành. Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế của cả quốc gia. Năm 2007, GDP của thành phố tăng khoảng 12,1%, tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD, tổng thu ngân sách khoảng 45.709 tỷ đồng [26] Hà Nội cũng là một trung tâm văn hóa, giáo dục với các nhà hát, bảo tàng, các làng nghề truyền thống, những cơ quan truyền thông cấp quốc gia và các trường đại học lớn. Là thành phố thủ đô và có vị trí ở khu vực trung tâm của miền Bắc, bên cạnh con sông Hồng, giao thông từ Hà Nội đến các tỉnh khác của Việt Nam tương đối thuận tiện, bao gồm cả đường không, đường bộ, đường thủy và đường sắt.
Nằm ở vị trí giao của hai tuyến hành lang Côn Minh – Lào Cai - Hà Nội – Hải Phòng và Nam Ninh – Hà Nội, thành phố Hà Nội có vai trò quan trọng trong hợp tác kinh tế khu vực và song phương. Vai trò này thể hiện ở các chính sách thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư của thành phố. Các hội chợ triển lãm quốc tế về công nghiệp, năng lượng, công nghệ thông tin, hàng xuất khẩu… được tổ chức hàng năm đã mang lại cho thành phố nhiều doanh nghiệp và dự án đầu tư mới. Đến lượt nó, chính các doanh nghiệp, các dự án đầu tư này lại thúc đẩy hoạt động logistics nói riêng cũng như có tác động lan tỏa đến các tỉnh thành lân cận.
Một nhân tố khác có ảnh hưởng đến hoạt động logistics, thương mại tại thành phố thủ đô là hoạt động của chi cục Hải quan thành phố. Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, minh bạch hóa quy định về thủ tục hải quan, chuyên nghiệp hóa khai báo hải quan, thông quan nhanh cho hàng hóa, Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã chú trọng đến công tác phát triển Đại lý hải quan, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển, hiện đại hóa giai đoạn 2008- 2010. Đến nay, Cục Hải quan đã công nhận đăng ký hoạt động làm đại lý hải quan cho 18 doanh nghiệp, trong đó 12 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động làm đại lý hải quan (có nhân viên được cấp thẻ nhân viên đại lý ) . Hệ thống văn bản pháp luật là cơ sở pháp lý cho hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan phát triển, hoạt động có hiệu quả và có tính chuyên nghiệp, gồm Điều 21 Luật Hải quan, Nghị định số 79/2005/NĐ-CP ngày 16/6/2005 của Chính phủ, Thông tư số 73/2005/TT-BTC ngày 05/9/2005 của Bộ Tài chính [27] Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhằm phát triển hoạt động Đại lý làm thủ tục hải quan - thực sự là cánh tay nối dài của lực lượng hải quan, đòi hòi những nỗ lực cả từ phía doanh nghiệp trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp về nghiệp vụ khai báo, nhân viên đại lý phải hiểu, nắm vững văn bản pháp luật hải quan, chính sách chế độ thuế…có liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu; phía cơ quan Hải quan phái tạo những thuận lợi với các ưu đãi hiệu quả hơn trong quá trình làm thủ tục hải quan cho hoạt động đại lý hải quan.
Bên cạnh mặt tích cực mà Cục Hải quan Hà Nội đã đạt được, thì vẫn còn rất nhiều tồn tại trong công tác hải quan như quan liêu, tham nhũng, làm sai quy chế….Kết thúc đợt thanh tra tại Hải quan Hà Nội và TP.HCM của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho thấy sai phạm tại các đơn vị này ở mức phổ biến và nghiêm trọng, số tiền sai phạm lên đến cả trăm tỉ đồng. Sai phạm tập trung vào ba vấn đề chính gồm: quản lý nợ thuế, áp mã thuế hàng hóa sai, thực hiện sai việc giám định chất lượng hàng hóa hoặc áp dụng mẫu xuất xứ hàng hóa không đúng dẫn đến việc không thu thuế hoặc thu thấp hơn qui định và việc hoàn thuế, miễn thuế sai qui định. Chỉ tính riêng việc áp mã thuế hàng hóa, qua giám định ban đầu, TTCP kết luận có tới 400 mẫu hàng hóa được dùng để áp thuế cho các mặt hàng nhập khẩu là giả. Theo tính toán của cơ quan thanh tra, cả nước sẽ có tới hàng ngàn mẫu giả
tương tự được sử dụng để áp thuế. Các mẫu hàng hóa giả này đều nằm trong khung được miễn thuế nên khi hàng nhập khẩu về, đáng ra thuộc diện phải đóng thuế nhưng khi áp mã lại được miễn thuế, gây thất thoát nhiều tỉ đồng của Nhà nước. Theo đánh giá của tổng thanh tra, mặc dù chưa thể công bố chính thức sai phạm cụ thể về tài chính nhưng tính một cách tổng quát, sai phạm về tài chính lên đến trên 100 tỉ đồng. Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khẳng định sai phạm do nguyên nhân chủ quan nhiều hơn khách quan, nhất là ở Cục Hải Quan Hà Nội – nơi mà sai phạm đã tồn tại trong một thời gian dài. Sai phạm xảy ra tại hai đơn vị này là do việc thiếu trách nhiệm khi thực hiện cơ chế, chính sách. Từ đó dẫn đến việc có những qui định, hướng dẫn không phù hợp thực tế nhưng vẫn được áp dụng. Riêng về sai phạm do áp mã thuế, vì có hướng dẫn không phù hợp đó, người thực hiện cứ thế bám vào để áp thuế dẫn đến sai phạm. Tuy nhiên, ông Truyền nhận định ngoài nguyên nhân khách quan trên, người thực hiện có lỗi chủ quan, thậm chí có sự lạm dụng trong xử lý tình huống cụ thể. [28]
Hải quan Hà Nội cũng đang từng bước đấu tranh chống lại những tiêu cực này. Năm 2009, Cục Hải quan thành phố Hà Nội tập trung thực hiện cải cách, hiện đại hóa hải quan, phòng, chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật trong Ngành Hải quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu và phấn đấu đạt những mục tiêu sau:
1. Tiếp tục thực hiện có hiệu lực, hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 tại cơ quan Cục; mở rộng phạm vi áp dụng tại các chi cục trực thuộc; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu; 2. Tập trung hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2009 (9.150 tỷ
đồng); đẩy mạnh công tác đôn đốc, thu đòi, xử lý nợ thuế, phấn đấu giảm 50% số thuế nợ đọng;
3. Triển khai thủ tục hải quan điện tử; đề xuất áp dụng chế độ quản lý hải quan đối với các doanh nghiệp ưu tiên đặc biệt; hỗ trợ phát triển đại lý hải quan trên địa bàn;
4. Tăng cường quản lý sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; kiểm tra sau thông quan; xác định trị giá tính thuế theo quy định của pháp luật;
5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin: thanh khoản trên máy tính 100% hồ sơ mới phát sinh đối với loại hình gia công, nhập nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu; triển khai phần mềm thu lệ phí hải quan; đề xuất lưu chứng từ điện tử; hỗ trợ, cung cấp thông tin về thủ tục hải quan trên website của Cục...; 6. Tập trung xây dựng cơ sở vật chất và hiện đại hoá trang thiết bị tại Chi cục
Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài;
7. Triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các công trình xây dựng (trụ sở các chi cục hải quan: Vĩnh Phúc, Bắc Thăng Long, Bắc Ninh, Nội Bài và mở rộng trụ sở Cục); các dự án xin cấp đất (Chi cục Hải quan ga ĐSQT Yên Viên, Hải quan KCN cao Hoà Lạc);
8. Tăng cường đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu hội nhập, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” .