II. HOẠT ĐỘNG LOGISTICS CỦA VIỆT NAM TRÊN HÀNH LANG KINH TẾ BẮC NAM
1. Cơ sở hạ tầng
1.2.1. Cảng hàng không
Hiện trên 2 tuyến Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải phòng và Nam Ninh – Hà Nội đang có hai cảng lớn là cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và cảng hàng không nội địa Hải Phòng, ngoài ra còn có các cảng nội địa là cảng hàng không Gia Lâm (Hà Nội) và cảng hàng không Kiến An (Hải Phòng).
Sân bay quốc tế Nội Bài (thuộc huyện Sóc Sơn, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 45 km về phía Tây Bắc) là cửa ngõ giao thông quan trọng không chỉ của thủ đô Hà Nội mà còn của cả miền Bắc. Đây là sân bay lớn thứ hai của Việt Nam, sau sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ở TP.HCM. Tên giao dịch chính thức: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (tiếng Anh: Noi Bai International Airport). Ngày 15 tháng 9 năm 2005, sân bay quốc tế Nội Bài đã được tổ chức TÜV NORD CERT (Đức) trao chứng chỉ ISO 9001:2000. Sân bay có hai đường băng để cất cánh và hạ cánh: đường 1A dài 3.200 m, đường 1B dài 3.800 m. Có 3 sân đỗ máy bay A1, A2, A3 với tổng diện tích 165.224 m², 1 nhà ga hành khách T1 với tổng diện tích 90.000 m², sức chứa 4.000 hành khách, và công suất tối đa 6.000.000 hành khách/năm. Hiện tại nhà ga nàyđã quá tải vào một số giờ cao điểm và theo kế hoạch thì T2, một nhà ga lớn và hiện đại hơn sẽ kịp thời “chia lửa” vào quý III năm 2010 – đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhà ga T2 dự kiến xây dựng có 4 tầng, tổng diện tích sàn 102.000 m2, với thiết kế hiện đại cung cấp dịch vụ chất lượng cao, luồng khách thông suốt, khả năng mở rộng trong tương lai dễ dàng, an ninh bảo đảm, tính thương mại cao và hệ thống trang thiết bị hiện đại. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư khoảng 31 tỉ yên Nhật. Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Quý Tiêu, dự án nhà ga T2 được chia làm hai giai đoạn. Khi khánh thành vào năm 2010, T2 có công suất 8-10 triệu khách/năm và sau đó sẽ được mở rộng để đạt công suất 15 triệu khách/năm. Khi T2 đi vào hoạt động, nhà ga T1 sẽ trở thành ga nội địa và tiếp tục được mở rộng với công suất dự kiến từ 6 triệu lên 10 triệu khách. Theo quy hoạch tổng thể mới được điều chỉnh thì sau T2, Nội Bài sẽ còn xây thêm nhà ga khách VIP, nhà ga T3, T4 để đạt công suất 25 triệu khách vào năm 2030 và 50 triệu khách trong giai đoạn sau đó. Sau khi các dự án xây dựng nâng cấp này được hoàn thành, Sân bay quốc tế Nội Bài trở thành một trong những trung tâm vận tải hàng không hàng đầu trong khu vực. [13] Việc nâng cấp sân bay Nội Bài có ý nghĩa rất quan trọng vì tất cả các tỉnh khác muốn lưu thông với bên ngoài, nhất là sang miền Tây Trung Quốc bằng đường hàng không đều phải qua Hà Nội. Hiện tại, việc lưu thông trong vùng bằng loại hình này đã được cải thiện đáng kể nhờ việc hình thành các đường bay Hà Nội – Lai Châu, Hà Nội – Hải Phòng, và đặc biệt là đường bay
thẳng Hà Nội – Côn Minh, điểm nhấn trong quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc trên các hành lang kinh tế. Đường bay này giúp cho việc vận chuyển hàng hoá, đi lại của người dân hai nước ngày càng thuận tiện hơn. Vì vậy, Hà Nội trở thành điểm trung chuyển hàng hoá, hành khách lớn cho cả vùng Tây Nam Trung Quốc.
Sân bay Cát Bi nằm cách trung tâm thành phố Hải Phòng 5 km. Sân bay đã
được nâng cấp, có thể tiếp nhận máy bay Airbus 320, là sân bay dự bị cho sân bay quốc tế Nội Bài. Theo Quyết định số 1857/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể cảng hàng không quốc tế Cát Bi giai đoạn 2015 và định hướng đến năm 2025, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi được quy hoạch xây dựng trở thành Cảng hàng không quốc tế, với cơ sở hạ tầng đáp ứng việc tiếp nhận các loại máy bay hiện đại, phục vụ 2 triệu lượt hành khách/năm. Các hạng mục cơ bản của công trình là nâng cấp đường cất hạ cánh hiện tại có kích thước dài 2.400m, rộng 50m, kéo dài thành đường có kích thước 3.050m, rộng 50m, xây dựng hệ thống đường lăn song song. Xây dựng sân đỗ máy bay đáp ứng 11 vị trí đỗ máy bay cấp E hoặc tương đương. Xây dựng khu hàng không dân dụng có nhà ga hành khách đáp ứng phục vụ 2 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hoá đạt công suất 17.000 tấn/năm. Đây là dự án quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố HP và cả vùng Bắc Bộ, dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2009, khi hoàn thành sẽ phục vụ chuyến bay quốc tế Hải Phòng – Hồng Kông – Ma Cao. Như vậy, cùng với sân bay Nội Bài, sân bay Cát Bi sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng không trong khu vực. [3]