Chương 3 KỸ THUẬT PHỤC VỤ ĂN UỐNG
3.6.7. Kỹ thuật sử dụng khay
Khay là một phương tiện tiết kiệm sức lao động rất hiệu quả. Nếu biết cách sử dụng khay đúng, nó sẽ giúp việc phục vụ khách được nhanh và tiết kiệm được thời gian xuống bếp.
Kỹ thuật xếp khay: Khay phải sạch sẽ, khô ráo. Dùng khăn lót khay để giữ cho các thứ trên khay khỏi bị trượt. Đặt khay ở vị trí an toàn, không bao giờ để khay chìa ra mép bàn. Xếp những thứ cùng cỡ với nhau làm như thế để giữ cho các đồ trên khay khỏi xô nhau, trượt đồn thời tiết kiệm được khoảng trống trên khay. Xếp những đồ nặng vào giữa khay để giữ khay cân bằng. Khi cần bưng bê ấm trà, ấm nước... thì để quay vòi của ấm trà, ấm nước đó hướng vào giữa khay, làm như thế để có thể tránh khỏi bị bỏng khi ấm bị đổ, bị nghiêng. Tuyệt đối không bao giờ được bê khay mà trên khay có cả chai rượu và ly rượu.
Kỹ thuật bưng bê khay: một tay cầm mép khay. Tay kia để ở dưới và giữa khay rồi nhẹ nhàng nâng khay lên, với cách này chỉ bê khay bằng một tay còn một tay tự do để có thể mở cửa và bảo vệ khay. Khi nâng khay có thức ăn lên, ví dụ khay phục vụ ăn tại buồng khách phải cong đầu gối lại đồng thời giữ cho lưng thẳng tránh còng lưng. Đối với cả một chồng đĩa thì bưng bằng cả hai tay chứ không dùng khay, bởi vì cả một chồng đĩa thường nặng và không an toàn chút nào khi không dùng khay.
Kỹ thuật dỡ khay: Đặt khay ở vị trí an toàn. Dỡ khay thật cẩn thận, không được để mất cân bằng. Khi dỡ khay ở quày rửa bát thì nên đặt đúng vị trí ở từng đồ vật, không để lung tung, lộn xộn để hạn chế tối đa sự sứt mẻ. Khi dỡ khay phải cho thức ăn thừa vào đúng vị trí, chú ý không để sót thìa, đĩa, để riêng những thứ còn sử dụng lại được.