Nguyên tắc thành lập bản đồ cảnh quan

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đánh giá cảnh quan phục vụ phát triển bền vững nông - lâm nghiệp và du lịch huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội (Trang 31)

7. Cấu trúc luận văn

1.3.1.Nguyên tắc thành lập bản đồ cảnh quan

Các đơn vị cảnh quan được thành tạo nhờ sự phân hoá lãnh thổ, bị chi phối bởi các quy luật địa đới và quy luật phi địa đới. Vì vậy, bản đồ cảnh quan phục vụ đánh giá cảnh quan cần phải thể hiện, phản ánh một cách đầy đủ, khách quan các đặc điểm của tự nhiên, mối quan hệ và tác động tương hỗ giữa các thành phần riêng lẻ của tự nhiên. Khi nghiên cứu và xây dựng bản đồ cảnh quan nhất thiết phải có các phương pháp khoa học, đúng đắn và khi thực hiện các phương pháp đó phải dựa trên những nguyên tắc nhất định mới không bị sai lệch. Để xây dựng bản đồ cảnh quan huyện Sóc Sơn - thành phố Hà Nội phục vụ đánh giá cảnh quan, luận văn đã sử dụng ba nguyên tắc: Nguyên tắc phát sinh hình thái, nguyên tắc tổng hợp, nguyên tắc đồng nhất tương đối. Các nguyên tắc này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và phải được vận dụng một cách linh hoạt, bổ sung cho nhau trong việc thể hiện cấu trúc và chức năng của các đơn vị cảnh quan.

- Nguyên tắc phát sinh hình thái: Trên cơ sở nghiên cứu, tiến hành phân tích chi tiết các quy luật phân hoá lãnh thổ để thành tạo các đơn vị cảnh quan ở các cấp khác nhau, xác định các quá trình phát sinh, phát triển của các đơn vị cảnh quan và so sánh với hiện trạng phát triển của cảnh quan, từ đó dự báo động lực phát triển trong tương lai của cảnh quan. Như vậy, những đơn vị cảnh quan có cùng nguồn gốc phát sinh và hình thái tương đối đồng nhất thì được xếp vào một đơn vị cấp lớn hơn. Ngược lại, những đơn vị cảnh quan có cùng chung hình thái nhưng khác nhau về nguồn gốc phát sinh sẽ được xếp vào cấp đơn vị cảnh quan khác. Từ đó, tạo cơ sở cho việc vạch được ranh giới giữa các cấp của các đơn vị cảnh quan.

- Nguyên tắc tổng hợp: Mỗi một đơn vị cảnh quan là một địa tổng thể tự nhiên, là phức hợp các hợp phần địa lý tự nhiên nằm trong mối tác động qua lại và tạo thành thể thống nhất hoàn chỉnh ở các bậc khác nhau từ lớp vỏ địa lý đến diện địa lý thông qua chu trình trao đổi vật chất và năng lượng. Vì vậy, khi nghiên cứu, thành lập bản đồ cảnh quan phải nhất thiết dựa trên nguyên tắc tổng hợp. Dựa trên nguyên tắc này nhằm xác định cơ chế, động lực trao đổi vật chất bên trong và giữa

các đơn vị cảnh quan. Đồng thời xác định các nhân tố trội (nhân tố chủ đạo) quyết định sự hình thành, phân hoá cảnh quan ở các cấp để làm cơ sở vạch ranh giới giữa các đơn vị cảnh quan ở các cấp trong hệ thống. Tuy nhiên, khi sử dụng nhân tố trội như là một phương pháp chính thì kết quả sẽ gần giống với bản đồ của một yếu tố nào đó. Vì thế, sử dụng nhân tố chủ đạo phải được đặt trong mối quan hệ tổng hợp với các yếu tố khác đã thành tạo nên cảnh quan: Địa hình, thuỷ văn, thổ nhưỡng, lớp phủ thực vật,... Đây là cơ sở vạch ranh giới chính thức của các đơn vị cảnh quan.

- Nguyên tắc đồng nhất tương đối: Sự phân hoá cảnh quan của các cấp cảnh quan được thể hiện qua tính đồng nhất và không đồng nhất, tính liên tục và không liên tục. Mỗi cấp phân vị được xác định bởi một số chỉ tiêu nhất định, phản ánh mối quan hệ giữa các hợp phần cảnh quan. Mỗi cấp đơn vị lớn bao hàm ít nhất là hai cấp đơn vị nhỏ hơn nó. Đối với cấp đơn vị cảnh quan càng lớn, lãnh thổ càng rộng thì mức độ đồng nhất càng thấp và ngược lại ở các cấp đơn vị càng thấp, lãnh thổ càng hẹp thì mức độ đồng nhất càng cao. Theo nguyên tắc này, những đơn vị cảnh quan có các hợp phần có cùng nguồn gốc phát sinh, phát triển và hình thái tương đối đồng nhất được xếp vào cùng một cấp mặc dù chúng có thể phân bố xa nhau.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đánh giá cảnh quan phục vụ phát triển bền vững nông - lâm nghiệp và du lịch huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội (Trang 31)