Các hoạt động nhân sinh

Một phần của tài liệu Ứng dụng viễn thám và GIS đánh giá tai biến trượt lở đất và phân tích mối quan hệ với sử dụng đất khu vực Sa Pa - tỉnh Lào Cai (Trang 52)

c. Địa hình nguồn gốc dòng chảy

2.2.Các hoạt động nhân sinh

Sa Pa với 6 tộc người cũng cư trú, mỗi tộc người có một vốn văn hoá riêng. Các hoạt động của cộng đồng dân cư và quá trình đô thị hóa, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi tác động mạnh vào địa hình, dẫn tới gia tăng nguy cơ trượt lở đất.

Với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và du lịch, các quá trình hoạt động nhân sinh ngày càng tác động nhiều tới sự ổn định của các sườn dốc. Việc làm đường dẫn tới chân sườn bị vạt xén, độ dốc sẽ bị thay đổi, sườn mất đi tính ổn định. Minh chứng là hàng chục khối trượt lở đất lớn nhỏ dọc theo tuyến quốc lộ 4D gây thiệt hại cả về người và tài sản, ách tắc giao thông.

Các công trình xây dựng trên các sườn làm tăng tải trọng mà nhất là đối với những sườn vốn có độ liên kết vật liệu yếu thì nguy cơ tai biến xảy ra rất cao. Các công trinh xây dựng sử dụng máy móc công suất lớn hay làm nổ mìn khi khai thác mỏ gây ra những chấn động rung lắc cũng ảnh hưởng đến độ liên kết vật liệu sườn.

Nhiều công trình thủy điện đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn KVNC. Việc dựng các đập chắn làm lưu lượng nước ở hạ nguồn giảm dẫn đến hạ thấp mực

nước chân sườn làm sườn mất sự ổn định.

Các hoạt động canh tác trên đất dốc cũng có tác động nhất định đối với tai biến trượt lở đất. Ruộng bậc thang tuy làm giảm độ dốc của sườn nhưng lại làm tăng tải trọng của sườn do tích nước. Ngoài ra tại một số nơi đồng bào vẫn còn phát nương làm rẫy, làm mất đi lớp thực vật che phủ.

Sự phân hóa cảnh quan, ngoài sự phụ thuộc vào các nhân tố thành tạo tự nhiên còn bị chi phối rất mạnh bởi nhân tác thể hiện ở sự phân bố dân cư và các hoạt động phát triển. Cảnh quan hiện trạng của Sa Pa đã bị biến đổi sâu sắc so với trạng thái nguyên sinh, chủ yếu là do khai thác làm nương rẫy và chặt phá. Quá trình khai thác lãnh thổ xảy ra liên tục, dẫn đến hệ quả các cảnh quan tự nhiên dần bị thay thế bởi những cảnh quan tái sinh nghèo kiệt với cấu trúc thành phần loài thực vật và cấu trúc không gian khác hẳn trạng thái ban đầu. Hệ quả nhân tác còn tạo ra những cảnh quan nuôi trồng nhân tạo khá ổn định như lúa nước trên các ruộng bậc thang, vườn cây ăn quả và rừng trồng. Trong các cảnh quan nuôi trồng nhân tạo có cảnh quan nương rẫy không ổn định, thường thay đổi diện tích và vị trí. Phương thức canh tác này cũng là nguyên nhân hình thành các cảnh quan thứ sinh.

Các hoạt động nhân tác liên quan đến hoạt động nông, lâm nghiệp và du lịch có tính chất thành tạo cảnh quan huyện Sa Pa được tổng kết thành 8 dạng:

1. Hoạt động bảo tồn ;

2. Hoạt động du lịch sinh thái;

3. Hoạt động du canh du cư, đốt nương làm rẫy lấy đất canh tác ; 4. Hoạt động du lịch không bền vững ;

5. Hoạt động khai thác lâm sản, chặt trắng;

6. Hoạt động trồng rừng, tái sinh, khoanh nuôi, phục hồi;

7. Hoạt động canh tác nông nghiệp dưới tán rừng (nông-lâm kết hợp); 8. Hoạt động canh tác nông nghiệp.

Các hoạt động 1 và 2 có vai trò duy trì các cảnh quan, không gia tăng trượt lở. Các hoạt động 3, 4 và 5 có vai trò thành tạo các cảnh quan rừng thứ sinh, thúc đẩy trượt lở. Các hoạt động 6, 7 và 8 có ảnh hưởng tới trượt lở đất, song nếu được quản lý tốt sẽ hạn chế được.

Chương 3. PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG VÀ NGUY CƠ TAI BIẾN TRƯỢT LỞ ĐẤT HUYỆN SA PA TRÊN CƠ SỞ ỨNG DỤNG VIỄN THÁM - GIS KẾT HỢP MỐI QUAN HỆ VỚI SỬ DỤNG ĐẤT

Một phần của tài liệu Ứng dụng viễn thám và GIS đánh giá tai biến trượt lở đất và phân tích mối quan hệ với sử dụng đất khu vực Sa Pa - tỉnh Lào Cai (Trang 52)