c. Địa hình nguồn gốc dòng chảy
3.2.6. Kiểm chứng kết quả bản đồ nhạy cảm trượt với hiện trạng trượt lở
Nhằm đánh giá mức độ chính xác của việc ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong đánh giá độ nhạy cảm trượt lở đất, luận văn đã tích hợp bản đồ này với kết quả phân tích, xác định hiện trạng trượt được xây dựng trước. Các kết quả tích hợp được phản ánh ở hình 3.20 và 3.21.
Hình 3.20. Biểu đồ so sánh kết quả xác định hiện trạng và độ nhạy cảm trượt lở đất
Dữ liệu hiện trạng trượt lở đất được tích hợp các mức độ nhạy cảm trượt lở đất nhằm đánh giá mức độ chính xác của sản phẩm với dữ liệu thực tế đã kiểm chứng. Thông qua việc thống kê số lượng điểm trượt, biểu đồ so sánh cho thấy số lượng điểm trượt nằm trên khu vực có độ nhạy cảm từ trung bình, mạnh đến rất mạnh là 69%. Những khu vực xảy ra tai biến mạnh có sự trùng khít với 40% điểm trượt trên thực tế cho thấy kết quả nghiên cứu hợp lý. Tuy nhiên, số điểm nằm trong ranh giới giữa yếu và rất yếu vẫn ở mức khoảng 30% cho thấy tại những khu vực kém tổn thương nhất vẫn xuất hiện tai biến. Điều này có thể lý giải hợp lý khi bản đồ nhạy cảm trượt lở được đưa ra chưa xét đến các yếu tố sử dụng đất, các hoạt động nhân sinh tác động vào.
Hình 3.21. Bản đồ tích hợp giữa hiện trạng trượt lở với độ nhạy cảm trượt lở đất khu vực Sapa
Các hoạt động biến đổi sử dụng đất theo thời gian làm tăng mật độ và cường độ rủi ro gây nên tai biến trong khu vực. Ví dụ như: Nhiều điểm trượt được liệt kê nằm ven đường Quốc lộ, các khu vực xẻ taluy làm đường thường chịu tác động biến đổi mạnh do con người. Mặc dù nơi đây được xét vào khu vực có mức độ trượt thấp nhưng do tác động cải tạo thiên nhiên của con người làm biến đổi địa hình, thay đổi điều kiện độ dốc và thủy văn khiến các hiện tượng xảy ra mãnh liệt hơn. Chính vì vậy, việc nghiên cứu quá trình sử dụng đất qua các năm là hết sức cần thiết, vừa có thể đánh giá khả năng trượt lở thực tế, vừa đưa ra mức độ ảnh hưởng của quá trình biến đổi sử dụng đất tới quá trình tai biến này.