Đặc điểm thổ nhưỡng

Một phần của tài liệu Ứng dụng viễn thám và GIS đánh giá tai biến trượt lở đất và phân tích mối quan hệ với sử dụng đất khu vực Sa Pa - tỉnh Lào Cai (Trang 49 - 52)

c. Địa hình nguồn gốc dòng chảy

2.1.5.Đặc điểm thổ nhưỡng

Nét đặc thù của thổ nhưỡng Sa Pa thể hiện ở sự phân hóa theo quy luật đai cao rõ nét, hình thành đầy đủ cả 4 đai đất: đất feralit đỏ vàng núi thấp (<700m), đất mùn đỏ vàng núi trung bình (700-1700m), đất mùn alit núi cao (1.700-2.800m) và đất mùn thô than bùn núi cao (>2.800m).

- Đất feralit đỏ vàng (Ferralsols): do phát triển trên địa hình có độ dốc cao (>250 chiếm đa số), đá mẹ giàu thạch anh khó phong hóa nên tầng đất thường mỏng, độ đá lẫn cao. Kết quả phân tích đặc tính lý hóa học cho thấy: thành phần cơ giới thịt nhẹ, tỷ lệ cát cao, phân tầng rõ ràng theo màu sắc; đất có phản ứng chua; dung tích hấp phụ thấp (CEC = 4,36-8,08me/100g đất); nghèo mùn và các chất tổng số (OM = 1,22- 1,69%); các chất dễ tiêu có hàm lượng trung bình. Đất này chiếm diện tích 3.533ha, trong đó đất feralit vàng đỏ trên đá granit tập trung ở Bản Hồ và Nậm Sài; đất feralit vàng đỏ phát triển trên đá granittognai có tầng dày lớn hơn, phân bố tập trung ở Bản

Phùng, Thanh Kim, Suối Thầu và Thanh Phú.

- Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa (Fl): diện tích 2816,5ha, phân bố rải rác trên các sườn thoải hay trên địa hình ruộng bậc thang. Phẫu diện có sự phân hóa rõ rệt theo tầng. Tầng đất mặt do ngập nước định kỳ và cầy bừa thường xuyên nên mất cấu trúc, cơ giới thường thô nhẹ, nhiều phẫu diện hình thành tầng cát thạch anh, thoát nước mạnh, khả năng giữ nước giữ phân kém. Tầng này có độ phì rất thấp, đất thường có phản ứng chua đến rất chua (pHKCl = 3,9-4,3), dung tích hấp phụ thấp (CEC <8me/100g đất), hàm lượng các chất tổng số trung bình. Tầng đất sâu thường từ 40cm đến 50cm, hầu hết còn giữ nguyên đặc tính của đất feralit vàng đỏ trên đá macma axit, kiến trúc dạng viên hạt hay cục nhỏ; phản ứng chua, dung tích hấp thu thấp, nghèo mùn và các chất tổng số, hàm lượng các chất dễ tiêu trung bình.

- Nhóm đất mùn đỏ vàng (Humic Ferralsols) trên núi trung bình chiếm diện tích lớn nhất (44.365,5ha). Nhóm đất này xuất hiện tầng thảm mục bán phân hủy (tầng A0), tầng đất mặt có màu xám đen của mùn, chuyển dần theo chiều sâu phẫu diện sang vàng đỏ, độ ẩm cao, hàm lượng mùn cao, phản ứng đất chua do axit mùn, nghèo cation kiềm, khả năng trao đổi thấp. Các loại đất thuộc nhóm đất này phát triển trên các đá mẹ khác nhau còn có một số đặc tính đặc trưng riêng biệt:

- Đất mùn alit (Haplic Alisols) trên núi cao (HA): diện tích 12.186,8ha. Phẫu diện có tầng đất mỏng, tầng tích tụ không phát triển hoặc không có, tầng đất mặt thường màu đen, đen xám chuyển tiếp xuống tầng đá gốc màu trắng, đồng thời trên mặt xuất hiện tầng hữu cơ thô chưa phân giải (tầng A00), tầng A0 dày tới 10cm. Đất có phản ứng chua (pHKCl = 4); thành phần cơ giới thịt nhẹ; tầng mặt giàu mùn và chất dinh dưỡng (OM >5,5%) do tích lũy sinh học từ tầng thảm mục phân giải yếu.

- Đất mùn thô than bùn (Histric Alisols) trên núi cao (A): diện tích khoảng 155ha (chỉ chiếm 0,23% diện tích tự nhiên), phân bố khu vực đỉnh Fanxipăng độ cao >2800m. Dưới lớp thảm mục dày là tầng đất mùn thô dạng bùn mỏng (<50cm), ẩm ướt, bên dưới đá mẹ granit phong hóa yếu màu trắng. Đặc tính lý hóa của đất này hoàn toàn không phụ thuộc vào đá gốc, hàm lượng mùn tầng mặt cao (OM = 8,6- 10,8%) chủ yếu dưới dạng mùn thô, phản ứng chua (pHKCl = 5,0-5,1).

- Đất phù sa ngòi suối (P): hình thành do dòng chảy sông suối qua địa hình núi có độ chênh cao và độ dốc lớn, quy mô diện tích không đáng kể, phân bố rải rác ở các xã Bản Khoang, Sa Pả, Tả Phìn, Tả Van, Thanh Phú (khoảng 170,9ha, chiếm 0,25% tổng diện tích tự nhiên). Loại đất này có phản ứng chua đến chua vừa (pHKCL= 4,45- 4,63); hàm lượng hữu cơ và các chất tổng số nghèo đến trung bình (OM = 1,97- 2,07%); dung tích hấp phụ thấp (CEC = 7,1-8,7me/100g đất); thành phần cơ giới cát pha thịt nhẹ, tỷ lệ cấp hạt sét thấp (<15%).

- Đất dốc tụ (D) chiếm diện tích rất nhỏ, khoảng 1.381 ha (2% tổng diện tích), phân bố rải rác ở các xã Tả Giàng Phình, Bản Khoang, Sa Pả, Tả Phìn, Trung Chải, Lao Chải, Sử Pán, Hầu Thào, Nậm Cang. Cơ giới cát pha, tỉ lệ cấp hạt sét thấp (<15%); phản ứng chua (pHKCl<5); nghèo hữu cơ (OM 1,75-1,98%); hàm lượng chất tổng số từ nghèo đến trung bình; dung tích hấp phụ thấp (CEC 6,5-8,9 me/100g đất).

Một phần của tài liệu Ứng dụng viễn thám và GIS đánh giá tai biến trượt lở đất và phân tích mối quan hệ với sử dụng đất khu vực Sa Pa - tỉnh Lào Cai (Trang 49 - 52)